add this

Friday, February 12, 2021

VN sáp nhập Cambodia

 

poppy làm thuốc phiện đen






Xét lại VN sáp nhập Cambodia

REVISITING THE VIETNAMESE ANNEXATION OF CAMBODIA

Lê Minh Khai

(tiếp theo và hết)

6.- C bc và thuc phin

Tiếp tục bài đăng trước, một cuốn sách khác đề cập việc quan viên Khmer mặc áo theo lối VN, bằng tiếng Thái “Anam Sayam yut อานามสยามยุทธ = Cuộc Chiến Việt Xiêm, xuất bản lần đầu 1907, tái bản 1971. Cuốn sách được đúc kết bởi K. S. R. Kulap Kritsananon, nhà văn và nhà xuất bản. Đáng chú ý tác giả là khuôn mặt duy nhất thuộc giới thường dân đã viết sử trong lúc xưa nay việc nầy dành cho hoàng tộc.

Tuy vậy, Kulap viết xong tác phẩm nầy nhờ các tài liệu gom góp bởi Chao Phraya Bodindecha, một tướng lãnh cao cấp Xiêm thời tiền bán thế kỷ 19 và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Việt Xiêm thời ấy.

Chương có nói đến việc quan lại Khmer mặc y phục VN mang nội dung là các biến cố năm 1839.

Một trong những nét chính yếu của lịch sử tiền bán thế kỷ 19 là sự kiện hoàng gia Khmer chia rẻ, lòng trung thành phân tán theo từng nhóm. Vua Nặc Ông Chân – NOC - (trị vì từ 1806 đến 1834) có hai người em trai tên Duang và Im (Nặc Đôn và Nặc Yểm). Hai nhân vật nầy sống nhiều năm ở Thái Lan trong lúc vua Miên duy trì sự cai trị bằng cách đồng thời làm chư hầu của Xiêm lẫn của triều Nguyễn.

NOC chết trong giai đoạn gọi là VN sáp nhập Cambodia. Nguyễn vương không muốn bất cứ người em nào của NOC kế vị, vì cả hai đều thân Xiêm. NOC có ba người con gái. Cô cả là công chúa Ang Baen (Ngọc Biện) được xem là thân Xiêm. Cho nên cô thứ hai, công chúa Ang Mei (Ngọc Vân), được làm vì, quận chúa Cambodia.

Năm 1839, Nặc Yểm tấn công một đồn lính Xiêm ở Battambang, nơi ông cư ngụ, bắt hết quân sĩ, đem về Cambodia nạp cho chính quyền triều Nguyễn, tự nạp mình cùng mấy ngàn người (gồm thân nhân gia tộc, lính và tùy tùng).

Tại sao Nặc Yểm hành động như vậy? Theo Đại Nam Thực Lục, ông chán ghét sự kiểm soát của Xiêm, muốn chống Xiêm. Nhưng Kulap có lối giải thích khác.

Theo đó, khi cư trú ở Battambang, Nặc Yểm nghe rằng bọn Yuon (Việt Nam) đã chỉ định công chúa Ngọc Vân đứng đầu chính sự ở Phnom Penh và cai trị toàn xứ Cambodia. Tuy vậy bọn Yuon điều khiển và chỉ cách cai trị vì công chúa thuộc phái nữ. Minh Mạng đã ra lệnh quý tộc Khmer ở Phnom Penh mặc như Yuon; chúng được gọi là “Yuon mới”. Dân chúng Khmer được lệnh phải tuân theo luật pháp của Yuon. Qúy tộc và thường dân Khmer không muốn làm thần dân của Yuon vì chúng gây nhiều khổ nạn hà khắc. Dân Khmer khắp thành thị và thôn quê đang chuẩn bị nổi loạn.

Kulap tiếp tục rằng Yểm tin một khi về xứ, ông ta có thể cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Yuon. Yểm đã gởi thư cho đại diện triều Nguyễn tại Phnom Penh rằng ông muốn cầm quyền xứ sở. Để tỏ bày lòng trung thực, Yểm xin đem nạp quân sĩ Thái, cũng như gia đình và đoàn tùy tùng.

Kulap viết tiếp, một viên chức nhà Nguyễn đã gởi thư trả lời rằng nếu bỏ xứ Thái mà về Cambodia, Yểm có thể lên làm vua; hiện nay một công chúa trị vì vì hoàng gia Khmer không có con trai thừa kế.

Về y phục, Kulap, cũng như Gabriel Auberet, cho rằng Minh Mạng ra chỉ thị dân Khmer phải theo lối VN trong lúc thực sự các quan lại Khmer mới theo Hoa phong vì vua Khmer đã chịu làm chư hầu.

Danh từ “Việt mới” cho thấy trong khu vực Khmer có hai khối người không ưa thích nhau: kẻ cộng tác với triều Nguyễn và kẻ đứng ngoài. Nhóm thứ hai trông chờ một người đủ sức giúp họ lấy lại quyền năng; họ đã nghĩ tới Yểm nhưng không kết quả.

Năm 1838 Minh Mạng cấm cờ bạc và thuốc phiện ở Cambodia. Hai thứ nầy đã thành bất hợp pháp trên đế quốc Nguyễn triều. Cho nên khi nghe cờ bạc và thuốc phiện ở Tây Trấn Thành vua ra lệnh luật pháp của VN phải được thi hành khắp nơi và cấm cờ bạc và thuốc phiện.

Tuy nhiên vẫn còn chút rắc rối. Người nhà Nguyễn đưa lên làm vì với tư cách quận chúa Cambodia, công chúa Ngọc Vân, đích thân kiếm tiền nhờ buôn bán thuốc phiện và tổ chức sòng bài. Cho nên vua phải tìm cách an lòng cô ấy.

Đại Nam Thực Lục ghi rằng:

Vua được tin quận chúa Ngọc Vân – để trục lợi - cho phép các chủ tiệm người Tàu (theo nhà Thanh) nấu bán thuốc phiện và cho phép dân địa phương mở sòng bài. Vua ra lệnh tướng quân Trương Minh Giảng và tham tán Dương Văn Phòng điều tra và trình kết quả. Hai vị nầy trình rằng theo phong tục Phiên (Khmer), đấy là hai cách kinh doanh kiếm lời. Lương lính, chi phí làm vũ khí đóng tàu đều do đó mà ra, cho nên hai thứ ấy vẫn tiếp tục chưa hủy bỏ được.

Vua phê rằng: thuốc phiện và cờ bạc làm lòng người mê đắm, mất hết gia sản. Lọt vào hai cái bẩy ấy thì mất hết lý trí. Triều đình đã có luật cấm ngặt. Trấn Tây đã được ghi vào đồ bản số sách nên phải theo luật lệ, không thể sai chạy. Chúng chỉ ham lợi nhỏ mà không thấy nguy hại lớn. Có hàng vạn người Việt ở Tây Thành làm lính, làm quan viên hành chánh, thương gia; như vậy, không những người địa phương mà người Việt mắc tật ghiền thuốc phiện và mê cờ bạc. Điều nầy đưa đến các tệ trạng khác.

Vua sai hai nhân viên cao cấp thuộc bộ Lại (Lê Khiêm Quang) và bộ Hộ (Nguyễn Hữu Trì) xuất một vạn quan thưởng cho công chúa Ngọc Vân, hai chưởng vệ Trà Long và Nhâm Vu cùng các đầu mục Khmer thi hành việc nghiêm cấm nầy. Số tiền nầy thuộc công khố trung ương của triều đình, việc chi xuất nầy cho thấy nền hành chánh bắt đầu được quốc gia hóa.

Ngoài sự ngăn chận tệ trạng xã hội, quyết định của Minh Mạng mở đầu lề lối tuyển trạch dựa vào khả năng thay vì dùng tiền bạc từ các dịch vụ hợp pháp là thuốc phiện và cờ bạc như trước.

Ghi thêm của người dịch:

Ba người em trai của NOC đều ở đất Xiêm, làm con tin bán chính thức. Người lớn nhất là Nặc Nguyên đã chết. Hai người còn lại Đôn và Yểm mưu toan lên ngôi vua theo phương cách riêng, nhờ vua Nguyễn hay vua Xiêm. Yểm, theo Kurap, đã cướp trại Xiêm về đầu thú vua Nguyễn nhưng cố gắng của ông không được nhắc tới trong các sử liệu chính. Nặc Đôn đi theo đường Xiêm và thành công.

Năm 1840, công chúa Ngọc Vân bị hạ bệ, bị bắt và lưu đày ở VN. Xã hội Khmer phân tán ít nhất theo con đường hợp tác và bất hợp tác với VN, cộng thêm những bất mãn của các nhóm lợi ích sau các cải cách của Minh Mạng.

Nhân sĩ và dân chúng Khmer nổi dậy chống VN và kêu gọi Xiêm ủng hộ. Vua Xiêm Rama III đã ưng thuận, cho quân lính hộ giá Nặc Ông Đôn (Ang Duong) lên làm vua Cambodia.

Quân VN vừa phải đối đầu hai gọng kìm Khmer và Xiêm; tệ hại hơn nữa, nguồn chủ lực đã rút về Gia Định dẹp loạn. Yếu thế, vua Thiệu Trị mới lên ngôi chấp thuận hòa hội. Cambodia đặt dưới quyền bảo hộ của VN và Xiêm. VN thả công chúa Ngọc Vân và tùy tùng, đồng thời rút quân khỏi Cambodia. VN mất quyền kiểm soát xứ nầy. Tuy quân Xiêm chưa rút hết, vua Cambodia Nặc Ông Đôn từ nay có nhiều quyền tự quyết hơn trước.

Vài chục năm sau, xẩy ra cuộc thực dân hóa của người Pháp trên bán đảo Đông Dương đem lại một khuôn mặt chính trị mới và chấm dứt việc gặm khới lãnh thổ Khmer từ hai địch thủ Xiêm Việt. Trái với Minh Mạng, người Pháp trực tiếp khai thác thuốc phiện khi thành lập quốc doanh (Régie d’Opium); nơi nơi đều có chỗ hút lẻ; khách vào RO kéo “ro ro” (RO = Régie d’Opium), thuốc phiện đựng trong nghêu hến; từ đó có danh từ “ngao” chỉ việc hút thuốc, dù thuốc lào hay thuốc tây. Người Pháp cho mở sòng bài. Danh tiếng là Kim Chung và Đại Thế Giới. 1954, chính phủ Ngô Đình Diệm dẹp bỏ trong dịp giải giới các lực lượng võ trang Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài.

Nhìn trên bản đồ ngày nay, Cambodia là một ốc đảo giữa biển Thái Việt. Xét theo ngôn ngữ, kiến trúc tôn giáo và nhân dạng, Cambodia thuộc nền văn minh Nam Ấn với người Ấn đen Dravidien. Vương quốc nầy chạy từ vùng người Chàm qua đến Ấn. Thái Lan - tuy hình thái văn hóa bên ngoài, mẫu tự và tôn giáo mang hình thái Ấn – khác với dân tộc Khmer.

Qua nhân dạng và ngôn ngữ, Thái Lan bà con rất gần với Việt Nam. Một lý thuyết nhân chủng học cho rằng người Việt và người Thái xuất phát từ lưu vực Dương Tử, người Thái thuộc nhóm Âu Việt, người Việt thuộc Lạc Việt. Tuy cùng đến đồng bằng Hồng Hà, nhóm Lạc đi xuống hướng Nam; nhóm Âu hướng Tây Nam, hai nhóm đều có gốc ngôn ngữ “Tai”. Cấu trúc văn phạm Thái và Việt giống nhau: Ăn cơm chưa? Kinh khao dang? Hơn phân nửa tiếng Thái là chữ Tàu; hai = xóng = song; mười chập = thập; ba xám = tam.Học giả Thái cho rằng tổ tiên của họ thuộc giống Nam Chiếu từ trung tâm nước Tàu mà đi xuống, ngang qua Miến Điện.

Hai nhóm người nầy lấn đất như tằm ăn dâu; nếu không có người Pháp và phong trào thuộc địa, biết đâu Cambodia bị xóa.

Nhưng bây giờ người Khmer vẫn tin trong tương lai Khmer tiếp tục bị diệt chủng; số còn lại không đủ vây quanh gốc bồ đề.

VN lấy Thủy Chân Lạp 水真臘 Water Chenla

Thái lấy Lục Chân Lạp 陸真臘 Land Chenla.

Sách Tàu gọi Cambodia là Chân Lạp 真臘 Chenla. 

==========================================================

No comments:

Post a Comment