add this

Wednesday, October 20, 2021

Nho Giáo, Trần Trọng Kim

 

Nho Giáo

Trần Trọng Kim

Lê Minh Khai

Năm 1930 một nhà giáo tên Trần Trọng Kim đã xuất bản một tác phẩm nhan đề Nho Giáo. Được in trong bốn cuốn, công trình nghiên cứu nầy bàn về các triết gia trong học thuyết Khổng Tử từ khởi thủy cho đến hết triều đại Mãn Thanh (1644-1911), kết thúc bằng một chương nói về Khổng học ở VN.

Không kể đến số lượng tài liệu to lớn, cuốn sách về Khổng Giáo của Trần Trọng Kim gây những ấn tượng đặc biệt, bởi lẽ không những là cuốn sách đầu tiên ở VN mà còn là một trong vài cuốn đầu tiên trên thế giới về đề tài nầy và nó cũng đóng góp những điểm đặc biệt.

Trong suốt hơn 2.000 năm, trên nước Tàu, vô số nhân vật đã đóng góp nhiều ý tưởng về lý thuyết và thực hành Khổng Giáo (KG) nhưng cho đến thế kỷ 20 không có một cuốn sách nào nói về lịch sử hình thành các tư tưởng ấy cũng như về các tác giả liên hệ.

Đầu thế kỷ 20, vài người Tàu quyết định viết về lịch sử KG nhưng họ đều đi theo khuôn sườn một cuốn sách do một học giả Nhật Bản viết.

Đó là học giả Matsumoto Bunzaburo 松本文三郎 Tùng Bổn Văn Tam Lang và tên sách là Shina tetsugaku shi 支那哲學史 Chi na triết học sử, xuất bản trong khoảng 1890-1902. Danh từ tetsugaku 哲學 triết học, do người Nhật chế biến để dịch quan niệm ‘philosophy' vào thời ấy không có trong ngôn ngữ Á Đông. Không có danh tự “triết học” nên không có sách liên hệ, Matsumoto phải dùng vô số sử liệu, và tách ra những điều ông cho là triết lý để viết tiểu sử các tác giả và tư tưởng của họ.

Nhưng lịch sử triết học mang lại nhiều điều mới. Quan niệm về quốc gia, dân tộc (nation) của Tây Phương đã được quảng bá ở Nhật cuối thế kỷ 19; học giả Phù Tang bắt đầu suy nghĩ không những về sự khác biệt của Nhật Bản mà còn suy nghĩ về những gì làm cho các quốc gia khác nhau. Và triết học là đường nét bậc nhất chỉ rõ sự khác biệt giữa các nước. Đầu thế kỷ 20, sự chuyển hóa tại Nhật gọi là “Tây phương hóa” (Westernize)  đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nhà cải cách Tàu. Một trong những hậu quả của ảnh hưởng nầy là một học giả Tàu đã xuất bản một cuốn sách bằng chữ Tàu về lịch sử triết học Tàu gần như theo khuôn mẫu trong cuốn sách đầu tiên của Matsumoto.

Sách xuất bản năm 1916 được viết bởi Xie Wuliang 謝無量 Tạ Vô Lượng, với nhan đề  Zhongguo zhexue shi 中國哲學史, Trung Quốc Triết Học Sử. Như vậy việc viết sử triết học Tàu bắt đầu ở Nhật. Sau Tạ Vô Lượng nhiều học giả khác viết cùng đề tài có thêm nhiều đóng góp mới nhưng họ đều không đi xa khỏi cơ cấu cuốn sách của Matsumoto.

Tân kỳ nhất là tác phẩm của 胡適 Hồ Thích: 中國哲學史大綱, Trung quốc triết học sử đại cương,1919, chính yếu về ngàn năm trước Công nguyên, BC. Tiếp đến là của 馮友蘭 Phùng Hữu Lan: 中國哲學史, Trung Quốc Triết Học Sử 1934.

Giữa các lần xuất bản nêu trên, người Tàu đã dịch hai cuốn khác của Nhật ra mắt năm 1925. #1 Zhongguo zhe xue shi gai lun 中國哲學史概論, Trung quốc triết học sử khái luận, 1925 của Watanabe Hidekata  Độ Biên Tú Phương , dịch bởi 劉侃元 Lưu Khản Nguyên ;  #2 Zhongguo zhexue shi Trung quốc triết học sử 中國哲學史 của Takase Takejiro Cao Lại Vũ Thứ Lang, dịch bởi 趙蘭坪 Triệu Lan Bình.

***

Trần Trọng Kim
Trần Trọng Kim (TTK) bắt đầu soạn thảo Nho Giáo vào cuối thập niên 1920 và xuất bản năm 1930. Mười năm sau, 1940, khi phân tích bình luận, Ngô Tất Tố nói rằng phần lớn tác phẩm nầy TTK dịch từ sách Tàu.

Nhưng hãy xem lại bố cục cuốn sách thì thấy rằng TTK theo cơ cấu cuốn sách của Nhật xuất bản trước đó. Chỉ có trùng hợp TTK trích dẫn từ các tài liệu cổ những đoạn mà tác giả Nhật cũng trích dẫn nhưng không sao chép phần viết của kẻ khác.

Sách của TTK không có gì làm độc giả liên tưởng đến sách Tàu.

Vì sao không thấy có chỗ giống nhau giữa sách TTK và Tàu? Lý do: khác với người Tàu, TTK dùng ngôn ngữ phổ thông (vernacular language) để trình bày triết lý Khổng Mạnh.

KG là triết lý từ thời xưa thì dùng những danh từ xưa cổ mà diễn tả thì rất dễ, mắc chi mà phải cố trình bày theo lối mới cho đại chúng hiểu.

Từ đầu thế kỷ 20, Tàu đã bỏ “văn ngôn”, lối viết xưa không ai đọc được và bắt đầu phổ biến bạch thoại. Chính vì vậy, tác phẩm của Phùng Hữu Lan 1934 không dùng những danh từ xưa cổ và khó như Tạ Vô Lượng 1916 lần đầu tiên viết về triết sử của Tàu.

Sách của TTK xuất bản trước sách của Phùng Hữu Lan. Lúc ấy bên Tàu, Phùng Hữu Lan có thể sử dụng khá nhiều kết quả truyền bá bạch thoại. Trong lúc ấy,  TTK sử dụng quốc ngữ và độc giả chưa quen với lối diễn tả mới, không như độc giả Tàu đã quen triết lý KH và có danh từ phát triển từ Hán tự cổ điển trong bạch thoại. Trong hoàn cảnh ấy, TTK quá sức vất vả so với Hồ Thích hay Phùng Hữu Lan về ngôn ngữ.

Lấy ví dụ về 邵雍 Thiệu Ung. Hết sức khó hiểu và khó diễn tả tư tưởng của học giả thời Tống nầy. Hãy xem Tạ Vô Lượng 1916 và TTK 1930 xoay xở thế nào về Thiệu Ung.

Tạ Vô Lượng viết theo lối cổ điển với những danh từ trừu tượng và dùng lại lời của chính Thiệu Ung. Như vậy độc giả nếu không am tường những thuật ngữ cổ điển thì không thể hiểu Thiệu Ung muốn nói gì.

Ngược lại TTK phải ra công giải thích tư tưởng của người đời Tống nầy bằng ngôn ngữ phổ thông; hơn nữa ông không thể trông chờ độc giả moi túi kinh luân cá nhân ra mà hiểu; ông phải làm hết.

Không hiểu bây giờ người Việt nghĩ gì về cuốn Nho Giáo của TTK, nhưng các sử gia Âu Châu cho rằng tác phẩm nầy thuộc loại bảo thủ, xa đường hướng phát triển của xứ sở, ngay từ khi hình thành.

Tuy vậy, ít nhất trong tầm nhìn nhỏ hơn, theo vùng, Nho Giáo của TTK không có gì lạc hậu. Trái lại nó rất tân tiến và nhiều tính chất cải biến.

Những năm trước và sau 1930, KH không còn là đề tài hấp dẫn nhưng cách TTK đề cập hết sức sắc bén. Phương pháp TTK chọn để trình bày KH bằng ngôn ngữ phổ thông cũng sẽ là cách Phùng Hữu Lan chọn 4 năm sau để hoàn thành tập triết sử danh tiếng và nhiều ảnh hưởng.

Nhưng công việc của TTK khó khăn gấp bội. Không kém các đồng nghiệp Hoa Nhật về trí tuệ, TTK còn là người đầu tiên và duy nhất đã phổ thông hóa mấy ngàn năm lịch sử triết học mà không cần đến cách viết của Hán Tự.

Không thể phủ nhận cố gắng vượt bực nầy. Ít nhất về phương diện ngôn ngữ, Nho Giáo của TTK hết sức “hào hùng, có tính chất lịch sử”.

Xuất xứ: Trần Trong Kim and the Vernacularization of Confucianism 

=================================================

Ghi chú của người dịch

Phùng Hữu Lan (1895-1990)

Kể từ 1949, khi CH Nhân Dân TQ thành lập, Phùng Hữu Lan nghiên cứu chủ nghĩa Marx và dùng chủ nghĩa này để nghiên cứu lịch sử triết học Tàu. Năm 1949, ông gởi thư cho Mao Trạch Đông, ngỏ ý muốn dùng chủ nghĩa Marx mà viết mới lại lịch sử triết học. Nhưng ông không được trả lời. Tháng 8-1950, giới trí thức mới hưởng ứng phong trào «phê Lâm phê Khổng» (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử), phê phán tư tưởng Nho giáo, «bình Pháp phê Nho» (phê bình Pháp gia và Nho gia); do đó họ bắt đầu đấu tố Phùng Hữu Lan, phê phán tư tưởng của ông, và ông bắt đầu viết kiểm điểm, tự phê bình, sám hối. Phùng Hữu Lan đã thú nhận rằng, hơn 10 năm sau 1949, những gì ông viết ra đều xin sám hối. Sám hối những gì ông đã từng viết trước 1949 (trong đó có hai bộ Triết Sử và Trinh Nguyên Lục Thư).

Phùng Hữu Lan trở thành tội nhân ngay buổi đầu của cuộc Văn Cách, tức Đại Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976). Đại nạn của Phùng Hữu Lan chính xác bắt đầu từ tháng 6-1966 (bấy giờ 71 tuổi). Ông bị đấu tố, phê bình là «kẻ có uy quyền về học thuật phản động của giai cấp tư sản». Ông bị tịch biên tài sản, bị cô lập để thẩm vấn, và bị cưỡng bách lao động cải tạo. Tháng 3 năm 1967, Đại học Bắc Kinh thành lập cái gọi là «Trạm liên lạc để phê bình Phùng Hữu Lan» (Phê Phùng liên lạc trạm). Năm ông 73 tuổi (1968), do có chỉ thị của Mao Trạch Đông, ông được trả về nhà, nhưng chỉ được trả lại một phần tài sản đã tịch biên..

Trích từ: Phùng Hữu Lan – Triết gia kiêm sử gia trứ danh của Trung Quốc | Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com)

 


Ấn đã thống trị Tàu 20 thế kỷ về văn hóa mà không cần gởi một người lính qua biên giới

Hồ Thích, 1948

No comments:

Post a Comment