add this

Tuesday, May 9, 2023

Thế giới hậu bán thế kỷ 20

 

    Barbie

Vỡ Mộng Kỹ Thuật Tiến Bộ

The Rise and Fall of Progress

David Motadel điểm sách The Age of Interconnection, Jonathan Sperber

Times of London, May 5, 2023; Tôn Thất Tuệ lược dịch

 

Trong những năm tiếp theo những kinh hãi của Thế Chiến 2, một ý tưởng chung ngự trị thế giới; ấy là lòng tin tưởng đặt vào sự tiến bộ của toàn thể loài người trên địa cầu. Giới trí thức và giới chính trị cả hai khối tư bản và CS “đoàn kết” trong một niềm lạc quan về sự cải thiện tuần tự vững chắc các điều kiện vật chất nhờ khoa học và sự làm chủ thiên nhiên, để tiến đến những xã hội hòa hợp và tốt đẹp hơn. Cuốn sách của Walt Rostow, The Stages of Economic Growth xb 1960 nói rằng các xã  hội đang tiến từng bước một đến chỗ dừng bước của lịch sử, một thứ vô tưởng tân thời. Nhưng đó là một lời xác định trứ danh về lý thuyết tân tiến hóa, điểm son sáng chói trong ngành khoa học xã hội lúc ấy.

Hứa hẹn tiến bộ và nhu cầu phát triển đã được nêu cao bởi các lãnh tụ các quốc gia đang phát triển (Global South). Jawaharlal Nehru tỷ tê rằng Ấn Độ cứng như đá, không nhúc nhích trong lúc các nơi khác đều đi tới; chủ nghĩa thuộc địa đã chận đứng sự tiến bộ của Ấn. Kwame Nkrumah đòi hỏi tiến bộ cho dân tộc Ghana. Gamal Abdel Nasser chúi đầu trong bản dịch Arab cuốn sách của Rostow để thực hiện lý thuyết tân tiến hóa cho Ai Cập.

Nhưng rồi lạc quan nói trên đến lúc suy. Những năm giữa thập niên 1960; những tiếng nói chỉ trích thuyết tân tiến bắt đầu có ảnh hưởng.

Kinh tế gia thấy rõ các giới hạn của thuyết phát triển. Các nhà môi sinh lên tiếng cảnh báo việc phá hoại thiên nhiên; các chính trị gia đi tìm những giá trị của xã hội truyền thống. Giới trí thức để ý đến sự bất dung hợp giữa tân tiến và truyền thống.

Các tiếng nói thời hậu thuộc địa đã kết án định thức cho rằng “khối Global South nằm trong thời kỳ phát triển thấp nhất” là tuyên truyền kỳ thị trong đầu óc đế quốc của Tây Phương. Các cầu thủ tiến bộ đã rời khỏi đấu trường quốc tế. Những ý tưởng xưa kia cho là hợp lẽ thường nay trở thành ngây ngô và nguy hiểm.

Thăng và trầm của luận thuyết tiến bộ cho thấy những thực trạng xã hội thời hậu chiến.

Lạc quan trong thời kỳ đầu trùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, cải tiến khoa học và những bước tới của dân sinh và y tế công cộng đã ảnh hưởng các xã hội tuy không đồng đều. Sự vỡ mộng thất vọng trong những thập niên cuối thế kỷ 20 là kết quả khủng hoãng chính trị và sự tắt nghẽn kinh tế. Nhiều cải tiến lúc đầu rất tốt đẹp nhưng dần dần trở thành xấu trong trường hạn, ví như thuốc lá, asbestos, thuốc sát trùng, thuốc ngừa thai quá nhiều hormone.

Những chuyển biến nầy được Jonathan Sperber tổng duyệt đưa vào tác phẩm The Age of Interconnection. Thời gian nghiên cứu từ 1945 đến 2001 Sperber chia thành ba thời kỳ. “Hậu chiến” đánh dấu bởi tái thiết và hy vọng; “thời kỳ xáo trộn” từ thập niên 1960 khi trật tự thế giới không còn giữ nguyên và “hậu thiên niên” chứng kiến sự xuất hiện các cấu trúc mới đưa đến hiện tình thế kỷ 21.

Sperber bắt đầu xem xét sự liên hệ giữa người và thế giới thiên nhiên, sử dụng quá mức hóa chất để bảo vệ mùa màn khỏi bị côn trùng phá hoại, việc dùng quang tuyến. Trong những năm 1940, 1950, không ai nghĩ đến môi sinh.

Nhưng qua thập niên kế tiếp, tình hình thay đổi sâu đậm: nhiều phong trào bảo vệ môi sinh đòi hỏi các thể lệ qui định cách khai thác thiên nhiên. Greenpeace, thành lập 1971 bởi nhóm chủ trương hòa bình tả phái Mỹ, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối thí nghiệm hạch nhân, khoan dầu, săn bắt cá voi và hải cẩu. Tuy vậy phong trào gây ý thức nầy không được nơi nơi chú ý. Các lãnh tụ hậu thuộc địa đã qui đương trách nhiệm phá hoại thiên nhiên cho các nước giàu phía Bắc (Global North). Nữ thủ tướng Ấn năm 1972 nói: Nghèo và thiếu thốn đâu có làm ra ô nhiễm.

Chương sách làm độc giả suy nghĩ nhiều nhất là phần nói về y tế. Như đã nói, những năm hậu chiến là giai đoạn lạc quan. Sức khỏe được cải thiện, trụ sinh và chủng ngừa đại chúng đã diệt trừ bệnh hoạn khắp nơi. Các chiến dịch bài trừ đậu mùa, lao phổi và sốt rét được thi hành khắp địa cầu. Thiên hạ say mê trụ sinh. George Bankoff, bác sĩ Anh viết về y tế năm 1946 đã tiên tri: Không bao lâu nữa, quý bà sẽ có son môi pha trụ sinh. Các bà tiếp tục đẹp và khiêu gợi như xưa nhưng nay còn hơn nữa, vi trùng chuyền qua các cú hôn sẽ bị tiêu diệt. Trụ sinh sẽ trộn vào kem thoa mặt, son kẻ mi và kem đánh răng.

Niềm hoang lạc nầy không kéo dài lâu. Mấy thập niên cuối của thế kỷ chứng kiến sự trở lui của các chứng bệnh, đặc biệt là HIV, lao phổi và sốt rét. Thế giới lo âu vì bệnh Xi đa (Aids). Nhân viên y tế không dám sờ bệnh nhân; hành khách có HIV dương tính không được lên máy bay.

Tác giả ghi nhận phản ứng về Aids trở nên trầm trọng vì bài ngoại.

Đầu thập niên 1980, Âu Châu gọi Aids là bệnh Mỹ; Nam Mỹ thì gọi là nhiễm trùng Bắc Mỹ. Ngoại quốc không được vào nhà tắm Nhật; báo Nhật khuyên không nên cặp bồ đánh đọ với người da đen nếu không muốn vi khuẩn vào người.

Tuy vậy tử suất thế giới sút giảm. Nhờ tử suất giảm và sinh suất tăng, dân số thế giới từ 1950 đến 1973 gia tăng chưa từng có trong lịch sử. Sự chết chùm vì đói của Malthus không xẩy ra vì nông phẩm gia tăng đủ sức nuôi số người mới gia tăng. Nhưng những cuộc di dân to lớn đã thay đổi cơ cấu xã hội nhiều quốc gia.

Thế chiến được tiếp nối bởi một phần tư thế kỷ phát triển kinh tế vững chắc và thịnh vượng cho khối tư bản tây phương (và cho khối CS nhưng ở mức độ thấp kém). Tây phương điều tiết đường lối tư bản, có thể lệ riêng dựa theo hệ thống tiền tệ Bretton Woods 1944; hệ thống nầy đã giữ vững vai trò bá quyền của HK.

Nhưng khi lòng tin vào sự phát triển không giới hạn bị lung lay tận gốc bởi khủng hoãng dầu, suy thoái và lạm phát, hệ thống nầy cũng sụp đổ theo và đưa đến thời đại mới với sự phá bỏ thể lệ hóa xưa, tư hữu hóa, mở đường cho thị trường tài chánh quốc tế.

Đông và Tây đều nhảy vào nồi xúp của mụ phủ thủy tư bản.

Đường lối siêu tư bản nầy vẫn không tránh khủng hoãng. Tỷ số gia tăng tổng sản lượng tính theo đầu người từ 1973 đến 2001 kém hơn một nửa của thời gian từ 1950 đến 1973. Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thuyên giảm nhưng bất bình đẳng trong từng nước gia tăng.

tảu thủy chở containers

Sperber minh họa cách mạng mậu dịch thế giới bằng hình ảnh thùng chở hàng. Container không những đưa đẩy thị trường quốc tế mà còn tạo ra lối sản xuất quốc tế. Ví dụ con búp bê Barbie. Giữa thập niên 1990, nylon làm tóc Nhật chế biến; plastic làm thân của Đài Loan, sơn của Mỹ và Tàu cung cấp vải. Sau khi được ráp bên Tàu theo các khuôn Mỹ làm và các máy móc của Nhật và Âu châu, các con búp bê Barbie được chở trong các container đến các tiệm đồ chơi khắp thế giới. Thị trường quốc tế đã đưa đến xã hội tiêu thụ toàn cầu, nghĩa là thế giới có nhiều điểm chung.

Kỳ quái là điểm chung nầy không những ở những hình thái thấy được như áo quần. Điểm chung là xứ nào cũng thấy hình thành giai cấp trung lưu, ngay ở các nước CS xưa như Nga.

Global South đỏ; Global North xanh

Dĩ nhiên một cuốn sách như thế nầy không thể bỏ qua vấn đề chính trị như thường lệ. Đây cũng là giai đoạn chính trị thế giới phân thành lưỡng cực với hai khối quyền lực Nga và Mỹ theo hai ý thức hệ khác nhau. Kinh tế học chia thế giới thành hai vùng: Global South gồm các quốc gia chậm tiến đang phát triển và Global North gồm các xứ phát triển và kỹ nghệ hóa. Global north có những bất thường như Nga Mỹ đồng lòng ủng hộ Do Thái độc lập nhưng chống Anh Pháp Do Thái chiếm kênh Suez. Phía Nam (Global south) sau khi giải thực thì nội chiến hà rầm và các chính phủ độc tài mới thay thế chính quyền thực dân. Cũng là giai đoạn Tàu và Cambodia giết hàng triệu người; và cũng có những vụ giết người CS ở Indonesia, Guatamala.

Sự sụp đổ của Liên Xô làm cho các phong trào CS vùng Global South mất chính nghĩa, do đó xây qua chủ trương cực đoan, gồm cực đoan muslim. Giai đoạn nầy khác biệt với giai đoạn trước, tiền bán thế kỷ, 1914 – 1945 và sẽ khác với giai đoạn kế tiếp.

Cuốn sách nầy trình bày các chuyển biến theo thứ tự thời gian và theo đề mục. Tác giả không chú ý giải thích chi tiết. Khó khăn của ngành sử về toàn thế giới là dung hòa những khác biệt từng vùng và sự giống nhau toàn thế giới. Spercer nêu nhiều sự bất xứng trong hướng tiến hóa của thế kỷ 20; bất xứng giữa hệ thống tư bản và hệ thống CS; giữa các quốc gia độc tài và dân chủ; giữa nước nghèo và nước giàu; giữa quốc gia kỹ nghệ hóa và không có kỹ nghệ; giữa chính quyền thực dân cũ và chính quyền hậu thuộc địa, v.v… và v.v…

Trường hợp thuốc lá: vào các thập niên cuối, việc hút thuốc thuyên giảm nhiều ở Âu Châu và Bắc Mỹ nhưng gia tăng quá độ ở Á Châu. Cái vụ mập phì lũ thì sao? Trong xứ nghèo giai tầng giàu có mập mạp hơn dân nghèo; nhưng trong xứ giàu thì số người mập phì lũ thuộc giai tầng ít lợi tức. Với những kinh nghiệm nầy, không thể tổng quát hóa các vấn đề chung cho cả thế giới. Hiện tượng toàn cầu hóa sẽ không đồng đều nhưng cũng không ngừng.

Tuy nhan đề sách là sự tương liên (interconnection), các sự canh cải được quảng bá một chiều, từ những trung tâm tây phương chuyển đến ngoại vi ngoài Âu Mỹ, rõ nhất là xe cộ và y tế. Liên hệ một chiều và bất tương xứng nầy đã tạo ra khuôn dạng của hậu bán thế kỷ và đưa đến tình trạng bất tương xứng khắp nơi.

Công trình nghiên cứu to lớn của Sperber (688 trang) không nói đến các nhân vật lịch sử và thiếu vui thích của giai thoại. Tác giả chú trọng đến lịch sử xã hội mà quên mất lịch sử văn hóa; không đề cập các phong trào tư tưởng như hiện sinh... Cuốn sách chỉ dùng những tài liệu liên quan phát triển của Âu Châu và Mỹ Châu; bỏ quên các vùng đất khác trên thế giới.

Những thiếu sót ấy không đủ làm mất giá trị của The Age of Interconnection như một tác phẩm khởi đầu, khuyến khích nghiên cứu hiện tượng chưa có trong lịch sử: thế giới hóa toàn diện (total globalization).-


No comments:

Post a Comment