add this

Tuesday, March 26, 2024

Mỹ cứu đói Nga 1921

 

    Herbert Hoover (1874-1964) Tổng Thống HK thứ 31

Mỹ bới gạo cho Nga 1921

American Relief to Russia in 1921 by Bertrand M. Patenaude

Orlando Figes The NY Review Mar.2003

Ngày July 31, 1921, The New York Times công bố lời kêu gọi của Maxim Gorky ”gởi mọi người lương thiện’’. Quê hương của Tolstoy đang gặp đại nạn; mấy triệu người đang bị đe dọa bởi tử thần trong nạn đói xấu xa nhất thế giới từ xưa đến nay. Nhưng bất hạnh nầy của Nga là cơ hội làm sống dậy lý tưởng nhân bản đã bị lung lay sau thế chiến thứ nhất. Văn nhân Gorky yêu cầu mọi người tử tế Âu và Mỹ "không chần chừ cứu giúp dân tộc Nga. Hãy gởi thực phẩm và thuốc men’’.

Cho đến khi có lời kêu gọi nầy, Tây Phương không có một ý niệm gì về cuộc khủng hoãng ấy (chung cuộc 5 triệu người chết đói). Chính quyền Xô Viết là thủ phạm đã vơ vét hết sạch lúa gạo của nông dân nhưng không bao giờ dùng hai chữ nạn đói (golod) mà chỉ nói thiếu hụt và các mỹ từ khác.

Vào mùa hè 1921, ¼ tổng số dân quê đang bị nạn đói hoành hành. Bóng đen bắt đầu từ Ukraine, Donbas, Volga rồi đến Ural… mãi tận Sibérie. Nặng nề nhất là vùng truông cỏ Volga. Tính đến tháng 7, 1921, riêng tỉnh Samara, gần 2 triệu người (3/4 dân số) thiếu ăn và bệnh tật; chung cuộc 700 ngàn người chết thực sự vì thổ tả và thương hàn. Nông dân đói phải ăn cỏ, lá, vỏ cây, rêu, tranh lợp nhà, bánh mì bằng hột oak, mạc cưa, đất sét và phân ngựa. Họ giết hết gia súc. Người già, trẻ con nằm la liệt chờ chết. Từng đoàn người ra sân ga mong nhảy tàu hỏa đi Moscow hay bất cứ chỗ nào nghe nói có thực phẩm. Có nơi đã ăn thịt người vừa chết. Nạn đào mồ xẩy ra khắp nơi. Các nghĩa địa canh phòng cẩn mật. Văn khố Nga còn giữ các lệnh đóng cửa quán ăn vì nấu thịt người. Gia đình giữ xác thân nhân làm thực phẩm, không chịu giao cho chính quyền.

Hàng triệu người Tây Phương đã nghe lời kêu gọi của Gorky; nhưng chỉ có một người có thế đáp ứng tình trạng khẩn cấp nguy nan nầy. Đó là Herbert Hoover, đứng đầu Cơ Quan Cứu Trợ HK (American Relief Administration ARA), tổng thống tương lai thứ 31. Mới trông, hình như HH không phải là người ra tay cứu giúp Liên Xô. HH chống cộng kịch liệt, ông còn bị kết tội không chịu giúp người nghèo HK trong thời Suy Thoái 1929-1933. Nhưng cuốn sách chúng ta đang đọc cho thấy cuộc Suy Thoái nầy quá lớn và che mất công trạng cứu trợ nhân đạo của HH trong thời gian 1917-1923.

trẻ em đói ở Nga 1921

Tự mình trở thành phú ông trong kỹ nghệ hầm mỏ, HH nổi tiếng về  kinh danh và óc tổ chức. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914, ông đang ở Luân Đôn. Ông đã giúp 200 ngàn người Mỹ trở về nước; số nầy là những người đang du lịch hay sống vô tổ quốc ở Âu Châu. Ông đã thành lập ủy hội cứu trợ, nuôi ăn thường dân bị kẹt ở Bỉ. Năm 1917, ông trở về Washington và được TT Wilson ủy nhiệm thành lập Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm nhằm tiếp tế các quốc gia đồng minh Âu Châu. Sau chiến tranh, tổ chức nầy giải tán. HH thành lập ARA để trợ cấp thực phẩm cho các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng ARA còn có mục đích ngăn chận khủng hoãng kinh tế Mỹ bằng cách giúp nông dân giải tỏa tồn kho thực phẩm ứ đọng đã sản xuất theo nhu cầu chiến tranh. HH còn nghĩ rằng đem biếu Âu Châu thực phẩm sẽ tạo nên thiện cảm quốc tế và làm cho các sản phẩm của Mỹ được chú ý và mua dùng.

Năm 1920, ARA đã cung cấp thực phẩm cho hơn 20 quốc gia Âu Châu. Tại mỗi nơi, ARA chỉ thuê dụng một số ít người Mỹ điều khiển một số đông người địa phương làm việc như hành chánh, vận tải, phân phát các gói thực phẩm và hạt giống. HH cho rằng đây là dịp phát triển sinh hoạt công dân nhen nhúm các lực lượng dân chủ đối đầu với ảnh hưởng của Bôn sê vit khắp Âu Châu. Như vậy, chính trị, doanh nghiệp và cứu trợ đi chung với nhau.

Kinh nghiệm ba ngành hợp nhất được dùng tới khi ARA quyết định nới rộng tầm tay cứu trợ đến Liên Xô năm 1921. Theo Patenaude, tác giả cuốn sách chúng ta đang đọc, Wilson lẫn HH cho rằng chủ nghĩa Bôn sê vít là một căn bệnh của dân chúng mà thuốc trị là cứu trợ thực phẩm. Bệnh nầy không thể ngăn chận bằng võ lực mà phải dùng thực phẩm. Khi ăn no đủ, người Nga sẽ nổ lực về chính trị và sẽ lật đổ chế độ bôn sê vít.

Suy nghĩ của HH đã được chú ý để thực hiện vì vào lúc ấy Nga mới đưa ra Chính Sách Kinh Tế Mới năm 1921 sau hằng loạt nổi dậy của nông dân, thợ thuyền và nhất là thủy thủ trong kỹ nghệ hàng hải tại tỉnh Kronstads mà Trotsky xem là các viên ngọc của chế độ CS. Kinh tế mới ngưng tịch thu lúa gạo (tuy thực tế vẫn còn cho đến 1923), đưa ra một hình thức kinh tế hổn hợp cho phép các công ty tư và nhỏ sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng. Để được công nhận bởi các cường quốc Tây phương, Lenine đã ký các thỏa hiệp thương mãi với Anh, Đức, Na Uy, Ý và Áo. Theo nhãn quan của các cố vấn Mỹ tại Nga trong tổ chức ARA, kinh tế mới là một bước thối lui của chế độ độc tài CS. HK không muốn giao thương với Nga nhưng Quốc hội xem công việc của ARA là cơ hội phát triển dân chủ nên đã cấp 20 triệu. Tài liệu giải mật năm 1940 ghi tường trình của Hoover cho biết viện trợ thực phẩm gây ảnh hưởng và chú tâm đến Mỹ trong thị trường Nga, lấp lổ trống kinh tế xuất hiện từ khi có cách mạng và giúp các công dân tích cực giảm thiểu sự kiểm soát của nhà nước xô viết.

Mùa hè 1922 vào lúc cao điểm hoạt động, ARA đã cung cấp thực phẩm dưới nhiều hình thức (bột mì, ngũ cốc đã xay, các gói thực phẩm, các bữa ăn nóng trong các quán ăn xã hội hay các phạn điếm công cộng lớn). Số người thụ hưởng lên đến 10,5 triệu người lớn và trẻ con trên một diện tích gần bằng nửa lãnh thổ HK.

Công cuộc được thực hiện bởi 199 người Mỹ và 120 ngàn công dân Nga. Đó là cuộc cứu trợ lớn nhất trong lịch sử.

Trọng tâm của nạn đói là vùng truông cỏ Volga. Vùng nầy đã có thời tiết khắc nghiệt. Hạn hán khô ráo mùa hè, tuyết lạnh mùa đông; đã có những vụ mất mùa nghiêm trọng 1891, 1906 và 1911, chỉ kể số ít. Nông dân Volga đã quen thất thu mất mùa nên luôn luôn giữ một số thóc lúa để dùng khi cần.

Nhưng những dự trữ lương thực nầy đã bị tịch thu vơ vét trong trận nội chiến 1918-1920. Trong cuộc chiến nầy, Volga nằm ngay sau hai chiến tuyến chính của Hồng Quân chống Bạch Nga phía nam và phía đông. Các đoàn công nhân vũ trang dưới quyền Hồng Quân vào các làng xã xúc hết các vựa thóc, ai chống sẽ bị bắn ngay. Do đó nông dân chỉ trồng đủ ăn và làm hạt giống; chứ không trồng thêm dự trữ khi lâm nguy, vì có trữ thêm thì Hồng quân sẽ đến thâu hết. Thế rồi, chúng cũng đến lấy luôn hạt giống mùa sau.

Giống như vụ đói thập niên 1930 tại Ukraine, nạn đói Volga 1921 do chính quyền Xô viết tạo ra. Chính quyền ra lệnh trưng thu suốt mùa lạnh tuy đã yêu cầu dân chúng cảnh giác tình trạng thiếu ăn và ra lệnh xuất cảng lúa gạo qua Nga. Trong cuốn The Education of a True Believer nhà văn Nga Lev Kopelev đã tường trình việc làm của chính ông trong Trung Đoàn Komsomol có nhiệm thu vét nông sản của dân chúng. Ông và lính cùng đơn vị tịch thu cho đến mẩu bánh mì trên tay trẻ con. Dân chúng kêu khóc thảm thương suốt kế hoạch ngũ niên. Việc làm nầy của Kopelev và trung đoàn đỏ rập khuôn đã làm ở Volga mấy năm trước.

Tác giả Patenaude nói đến các khó khăn của phái đoàn cứu trợ Mỹ như thiếu phương tiện chuyển vận. Nhưng trở ngại lớn nhất là chính quyền Nga cản trở; nhân viên ARA luôn bị công an Cheka làm khó dễ, có khi bắt giam với tội tuyên truyền chống cách mạng và gián điệp.

Chính quyền Nga nghi kỵ ARA cũng phải. Đảng CS Nga thành hình xuyên qua nội chiến, trong đó HK và 16 quốc gia khác đứng về phe Bạch Nga. 1918-1919, theo lệnh của chính phủ HK, ARA đã chuyển thực phẩm và vũ khí cho lộ quân Tây Bắc của tướng Nikolai Yudenitch đủ sức từ vùng Baltic tiến về Peterbourg.

nạn nhân của bôn sê vít, đói 1921

Năm 1921, thành phần trung cấp đảng đông thêm nhiều với thành phần ít học, con cháu nông dân đã ở trong Hồng Quân vẫn còn tin tưởng cách mạng đang tiếp diễn chống tư bản, không thích kế hoạch kinh tế mới của Lenine và không cảm tình với ARA. Lenine gọi thành phần nầy là tả khuynh.

Công dân Nga được ARA tuyển dụng phần lớn thuộc thành phần trí thức cũ, bác sĩ, giáo sư, chuyên viên canh nông, hay các cựu dân cử trong các hội đồng hàng tỉnh tự trị mà cách mạng đã giải tán. Nhiều người đã từng làm việc trong ủy hội cứu đói của Nga (Pomgol), tổ chức duy nhất và cuối cùng trong chế độ mới có nhiệm vụ gây quỹ cứu trợ.

Gorky thuộc cấp lãnh đạo Pomgol nên tin tưởng Pomgol sẽ là hạt giống của nền dân chủ tương lai. Lenine thành lập ủy hội nầy, một phần vì nhượng bộ Gorky và một phần để tiếp nhận cứu trợ từ nước ngoài. Nhưng khi ARA hoạt động ở Nga Lenine bèn giải tán Pomgol và tống giam hay lưu đày thành phần chủ chốt, ngoại trừ Gorky.

Lenine và mật vụ Cheka theo sát các hoạt động của ARA. Lenine bất mãn khi ARA muốn hoạt động độc lập, không có sự can thiệp của đảng CS. Lenine cho đó là âm mưu thành lập một quốc gia Tây Phương bên trong Nga.

Lenine có thủ thuật riêng. Năm 1922, bộ chính trị ra quyết nghị tịch thu các tài sản quý báu của giáo hội để lo cứu đói. Trong khi Hồng Quân lục lọi các nhà thờ, theo lệnh của Lenine, báo chí ởm ờ nói lấy của giáo hội trả cho ARA. Bôn sê vít nấu chảy vàng bạc, thánh giá, chén dĩa… bằng vàng, bạc đúc thành khối bỏ vào ngân khố. Vài nhân viên ARA lúc về nước bị bắt đem theo những của quý ấy mà họ mua ở chợ trời. Lenine lấy đó làm bằng để phỉ báng ARA.

Tuy vậy, dân chúng tỏ ra biết ơn. Hàng trăm người đã quỳ bên ngoài giáo đường, cảm ơn God đã đem HK đến Nga mang theo thực phẩm cứu đói.

Đại Tá Walter Lincoln Bell đã được tôn vinh như thánh sống. Năm 1922 ông điều khiển một ủy ban tám người nuôi ăn 1,6 triệu người lớn và trẻ em tại 2.750 quán ăn ở vùng truông cỏ xa xôi Ufa and Bashkiria, rộng bằng diện tích nước Pháp.

ARA đã tạo dựng sự tôn quý ở Nga dành cho HK. ARA tượng trưng hiệu năng cao của doanh nghiệp tự do, cũng là tinh thần cũ của Nga trước cách mạng 1917, nối kết Nga và Mỹ.

Tuy nghi ngờ vì lý do chính trị, Bôn sê vít thích tính chất năng động của ARA, cũng là tính chất của xã hội Mỹ để bù vào sự lười biếng ù ly trong xã hội Nga. Năm 1923, Bukharin phải nói: Nga cần Marx và HK. Lenine khuyến khích đảng viên tìm hiểu và sùng thượng Henry Ford. Dân quê trong vùng hẻo lánh tưởng Henry Ford là một vị thần đang điều hành chính sự ở Nga.

Hoover kỳ vọng rằng ARA kích động tinh thần công dân của người Nga, cho họ nghị lực và phương pháp để lật đổ chính quyền Xô viết, kỳ vọng nông dân sẽ vùng lên khắp nơi. Thực tế không có vậy.

ARA mở đầu truyền thống ngoại viện của HK đi kèm với chính trị tư bản. Thành quả nhân đạo của ARA không thể phủ nhận. Không có sự can thiệp của Mỹ ở Nga năm 1921 thì Nga không có vụ mùa năm tới là 1922 và có thể 10 triệu người chết đói. Sau khi ARA chấm dứt sứ mệnh cứu trợ, chính quyền Bôn sê vít có gởi một lời cảm ơn ngắn đến dân chúng HK.

Maxim Gorky
Nhưng Gorky đã bày tỏ đúng cảm nghĩ của người Nga trong bức thư gởi Hoover:

Trong lịch sử khổ đau của loài người, tôi không thấy có cái gì đánh mạnh vào linh hồn lương tri con người bằng những gì dân chúng Nga đã chịu đựng. Trong lịch sử của hành động nhân đạo thực tiển, tôi chưa thấy thành quả duy nhất nào to lớn và đầy lòng quảng đại bằng công cuộc cứu trợ mà ông đã thực hiện. Sự giúp đỡ của ông sẽ đi vào lịch sử như một thành quả to lớn và duy nhất, đầy đủ vinh quang và sẽ mãi mãi còn trong ký ức của hằng triệu người dân Nga mà ông đã cứu thoát chết. Tinh thần quảng đại của dân chúng Mỹ sẽ làm sống dậy ước mơ tình huynh đệ giữa các dân tộc vào lúc nhân loại đang cần bác ái và từ bi.-

CHIÊM NGHIỆM của người dịch TTT

Đương khi dịch thuật bài nầy, chúng tôi gặp bức phát họa một tù nhân thò tay qua song sắt vớ ổ bánh mì bên cạnh chìa khóa phòng giam. Nhiều ý kiến độc giả trái ngược kèm theo những phán định giá trị, những triết lý. Chúng tôi ức đoán những vị nầy chưa bao giờ ở tù mà đói, không ở tù kiểu Mỹ đòi ăn cho đúng với đức tin. Chúng tôi có lần nói chuyện với một văn hữu nay đã quá vãng. Ông chê trách Tạ Tỵ chỉ viết có một điều là đói trong trại tù cải tạo trong tác phẩm Đáy Địa Ngục. Chúng tôi chưa đọc cuốn sách của nhà văn kiêm họa sĩ nầy. Đồng thời chúng tôi biết người cầm bút kia, thời VNCH được miễn dịch vĩnh viễn vì lý do sức khỏe nên không đi lính và không đi tù trong rừng sâu. 99% chắc chắn văn nhân nầy không có dịp trải qua những ngày giờ đói thần sầu quỷ khóc; đến độ phải than rằng trong bao tử có linh hồn.
Thực phẩm đã được dùng để trừng phạt trong phạm vi tương đối giới hạn là nhà tù cho đến mức độ rộng lớn là cả một dân tộc như Ukraine bị Staline trừng phạt trong thập niên 1930. Cũng như Mao Trạch Đông với nạn đói kinh niên mỗi dịp phát động cách mạng nầy nọ.
Với trường hợp Nga trong bài nầy, Bôn sê vít không trừng phạt dân Nga nhưng đã trút hết nông phẩm kể cả lúa giống. Đây là ví dụ quý báu minh chứng lý thuyết cho rằng đói là do chính trị ác độc mà ra chứ mẹ thiên nhiên có đủ tài nguyên nuôi sống loài người. Ngân Hàng Thế Giới đã xuất bản tập sách nhỏ về việc nầy. Chứng minh thực tế hơn, một giáo sư UCSanDiego đã trình bày qua một cuộc điều nghiên xã hội học ở Phi Châu.
Sudan không cho các hội từ thiện quốc tế đưa thực phẩm đến dân chúng thiếu ăn vì nội chiến. Biafra cũng không khác chi. Palestine hiện nay đói khổ vì Do Thái gây khó khăn cho các nước chúng quanh trong việc chuyên chở vật phẩm cứu trợ. VC ngăn sông cách chợ 1975, dân Saigon không mua được gạo trong lúc heo ở Cà Mâu ăn cháo gạo trắng.
Chúng tôi phải khen Franklin Roosevelt đã đưa vào lý thuyết và thực tế chính trị thêm một thứ tự do khác: tự do đối với nghèo túng, tự do không bị bức bách bởi khốn cùng. Freedom from want. Sử gia đã khen ông tổng thống nầy thi hành chương trình New Deal, tái phân lợi tức, phát triển kinh tế song song với sự gia tăng phúc lợi của người dân. Gorbachev lên cầm quyền để thấy Nga với các kế hoạch thập niên ngũ niên đã không chạy kịp New Deal.
Roosevelt đã cưỡng bách điện khí hóa nông thôn như cưỡng bách giáo dục. Ông đã đưa ra đường lối phụ trợ nông gia (agriculture subsidy). Vì vậy mãi cho đến 2015, 12 quả trứng chỉ mất 99 cent. (nay 2023 thì tăng gấp ba hay gấp bốn). Ấy là một nét vĩ đại ít ai biết bên cạnh những thành công kỹ thuật.
Tinh thần thực tế nhân bản nầy có thể tìm thấy trong hạnh nguyện của Lưu Ly Quang Vương Phật: khi một người làm việc ác vì đói khổ thì Ngài cầu mong có khả năng cho người ấy ăn đủ no, mặc đủ ấm trước khi chỉ dạy giáo lý đạo lý, gọi là pháp thực.- 03.2023


=============================================================


==========================================

No comments:

Post a Comment