add this

Saturday, December 8, 2018

tới rồi, tới rồi




tới rồi, tới rồi

tôn tht tu

Bến Ngự có mụ Lễ, mụ là ông Bửu hay Vĩnh chi đó, khác với mụ Tấn bán cá. Thời 49, 50 Bến Ngự có rất nhiều “buvette”, chỗ uống rượu và các thứ khác (buvette từ động từ “boire”). Dễ hiểu. Đồn lính lớn là trường Khải Định, chỉ có ngõ hậu vô đấy rất gần nơi có dân cư. Chỗ mụ Lễ còn to hơn buvette của anh Ngạc hay của anh Sửu, em bác Hòa xe đạp. Về sau mụ biến địa điểm nầy thành bàn ping pong, và có lần mở bài chòi ngày Tết ngoài sân.

Từ ngày xem cuộc bài nầy, tôi không màng đến các cuộc chơi nơi khác vì không sánh bằng. 11 cái chòi giống như 11 cái miễu góc nương. Chòi rộng có thể đem cả gia đình lên ngồi. Có mành tre sơn long phụng như trước các bàn thờ. Người chơi thường cuốn lên vì không muốn ngồi sau trướng kiểu quân sư quạt mo Khổng Minh. Trống đánh kèn thổi, nghe qua thì như kèn đám ma nhưng nhờ tiếng trống đánh vào thùng hay viền mép da gây nhiều biến điệu, không khí vui nhộn. Âm nhạc liên tu giữa hai lần đi chợ, nghĩa là lúc đánh bài.

Hể mà nghe “tới rồi” thì nhạc trổi; giống như ở sân vận động Bảo Long, khi có đội banh làm bàn thì ban quân nhạc kèn đồng gáy như gà rạng đông. Lúc nầy mới là vui. Một người bưng cái khay, trên khay có dĩa tiền chung, một cây cờ bưng tới chòi tới; chủ miễu lấy tiền, treo cờ chiến thắng. Trịnh trọng như đi nạp lễ cưới. Hai người chia bài hai bên lắc lắc ống tre đựng thẻ như xin xăm đền Thánh.
Cuộc chơi sân mụ Lễ không cầu kỳ như các sách đã tả; không có nào như chủ xị đánh trống phất cờ ngân mời các tay chơi lên chòi, người tới không phải dùng một thứ gì để đổi tiền mà lấy tiền ngay.

Chia bài xong, “anh hiệu” đánh hắng một cấy thì kèn trống ngưng tay. Không hùng hổ kiểu hát bội (như ta đây Lữ Bố…thùng thùng thùng), hiệu nhà mình chỉ mời gọi: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ” rồi hò một câu ca dao, trước khi tuyến bố: ấy là con gà, ông ầm v.v…
[Có bài viết rằng bài tới bắt đầu một câu hò; thiết nghĩ chỉ có vào lần trình diễn quay phim làm tài liệu hoặc tác giả nghĩ theo lối hò bài chòi. Bài tới với sáu người ngồi trên chiếc chiếu, chia mau, tới mau cho rồi; con nít lấy chi mà hò].
Con bài đi đầu nầy có người gọi là bài thai. Tôi không lấy gì làm tin. Một biến thể của bài tới là bài thai. Bài thai có ba mươi cửa thường dùng 30 con bài dán lên 30 ô; 30 con trùng đôi kia chủ sòng giữ; mỗi ván, nhà cái lấy một con úp dưới chén và hò thai để người chơi đoán mà đánh; câu hò mở đầu bài chòi giống với câu hò thai nầy. Thiết nghĩ con bài nầy mới là bài thai.

Xin trích dẫn vài câu hò:
Một hai họ nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
(Con bài Tứ cẳng)
Tay bưng một đĩa mắm lầm
Vừa đi vừa hát té ầm xuống sông.
(Con bài Ông Ầm)
Ngồi kề vực thẳm anh câu
Sẩy chân tụt xuống vực sâu cái ầm.
(Con bài Ông Ầm)
Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo thúng dưa.
(Con gióng)
Đi đâu ôm tráp đi hoài
Cử nhân không thấy tú tài cũng không.
(Con Học trò)
Tay bưng đĩa muối bát rau
Anh chấm em chấm cho mau hết nồi.
(Con Nhà nghèo)
Ai đi ngoài ngõ ào ào
Nghe như ông tượng đạp vào, ông vô.
(Con Tứ tượng)
Hượi mà hưới hượi
Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
Hai người thì có bốn chân
Đó là tứ cẳng bớ nàng, bớ anh!

Một nữ nhân viết rằng bài chòi có mười hay tám chòi, có người sửa phải có chòi trung ương tức là 11 chòi. Đúng rồi. Bài chòi chỉ dùng 28 lá của bài tới, tính toán rất hợp tình hợp lý. Ví dụ bắt đầu cuộc vui, người rao bài lấy một thẻ bên đỏ (sẽ lấy bên xanh ván sau) thì đỏ chỉ còn 27 thẻ. Hai bên có người đem thẻ đi chia, cho năm chòi, mỗi chòi lấy 5 thẻ, số còn lại đưa cho chòi trung ương. Trường hợp nầy chòi trung ương có 2 đỏ 3 xanh. 11 chòi x 5 thẻ + 1 thẻ = 28 x 2 = 56. Nói hợp tình là tránh bất công có một người chơi đi đầu. Nếu số chòi chẳn như bài tới, người rao phải đến một chòi nào đó lấy con bài đầu, chòi nầy thắng thế. Chỉ có một bất công nhỏ là chòi trung ương được “đánh” từ hai phía. Chòi trung ương theo lý thuyết dành cho chủ; thực tế không vậy.

Nếu muốn giảm số chòi thì phải giữ chòi trung ương, tức là chín. 9 chòi x 5 thẻ + 1 = 46 = 23 + 23; có nghĩa hai bên có số thẻ như nhau; Cho mỗi chòi 6 thẻ thì bài tính không tròn để hai bên có số thẻ như nhau. 9 chòi x 6 thẻ + 1 = 55.

Thập niên 1950, hai lá nọc đượng và bạch tuyết không dùng tới, có phần nào vì tượng trưng hai bộ phận âm dương. Ngày nay nên đem chúng trở lại, hợp lý, sau khi thế giới biết cách mạng tính dục (sex revolution); love và make love dùng lẫn lộn. Nếu chọn hai quân thí bỏ ra ngoài, có lẽ chọn con “nghèo”, ai lại muốn nghèo; Evangelical đưa ra Phúc Âm Giàu Khỏe, Healthy and Wealthy Gospel khuyến dụ người Nam Mỹ.

Con thứ hai tùy theo triết lý, quan điểm thời cuộc từng người chọn. Có thể là con “tử” hiểu là Khổng Tử; “Tử viết:…”, nếu muốn chống Tàu theo lối thời thượng, tuy đấy là thái tử; Có thể là “ầm”, hiểu là trời; tại quận Bình Chánh gần Saigon có bảng ghi hãy dẹp thằng trời, mời hợp tác xã lên ngôi. Cũng có thể là con gối; lao động là vinh quang, làm ngày không đủ làm thêm giờ ngủ, không cần gối, hoặc ngủ gối là tiểu tư sản là địa chủ... Cấy chi cũng triết lý. Đúng như Bùi Giáng: cá diếc ngộ cá rô.

Bộ bài người ta mới cho tôi có con Tuyết thay cho bạch tuyết và vẫn giữ Tàu đọc là bạch tuyết. Hán Việt Từ Điển Thiều Chửu không có chỗ nói bạch tuyết là bộ phận sinh dục phụ nữ mà chỉ nói một nghĩa là: Hình dung da thịt trắng đẹp mịn màng.
Con nọc đượng bây giờ chỉ còn là đượng, không chữ Hán. Tự điển nêu trên không có entry "đượng" hay "nọc" có lẽ giống như heo nọc; hay là đọc ngọng chữ ngọc hành, vũ khí nguy hại của giống người.

Khác biệt nhỏ với bài tới, bài chòi không cấm việc tới bằng quân đỏ là ầm, mỏ và tử. Bài tới mà tới đỏ thì thúi, không ăn tiền.

Theo luật của Hoa Kỳ, đánh bạc là tay con đánh với tay cái; còn nếu ba bốn người ngồi lại đánh bạc và trả xâu cho kẻ khác thì thuộc loại tiêu khiển. California cấm đánh bạc nhưng rất nhiều sòng bài vì dân chúng đến đánh và trả xâu, dân chúng ăn thua với nhau; không như Las Vegas. Nổi tiếng nhất The Bicycle người Việt rất thích lái Mercedes đến và về bằng xe đạp nếu phước đức ông bà chưa cho phép đi bộ.  Theo qui định trên, bài chòi không phải là gambling; mười một người đến đậu tiền và đánh mười ván, chủ trại lấy một làm xâu. 

Bài chòi không đen đỏ; mong cho tới để khỏi mất chến; mong có thêm “tới rồi” mới gọi là ăn.

Sau 75, tôi ngồi bán thuốc lá lẻ trong chợ gạo xa cảng Phú Lâm Saigon. Nếu bạn mù, bạn sẽ nói đang ngồi ở hội bài chòi. Tới rồi, bạn nghe góc nầy thì góc kia tới rồi, quanh năm suốt tháng, đối đáp tương đắc; đôi lúc hứng chí cả chợ đều tới rồi.
Tới rồi nghe cũng khó hiểu như tên bản nhạc Dalida hát: Pour en arriver là. Tới rồi tới chỗ mô, bờ giác ngộ? đến chỗ hạ màn? đến chỗ anh đường anh tôi đường tôi, toi chemin toi, moi chemin moi; you street you, me street me
Ca khúc chợ búa nầy coi bộ không rắc rối như Dalida (nàng phải hoài nghi tất cả, hoài nghi chính mình, hoài nghi tình nhân và cả thượng đế). Những người trong chợ không có chi hoài nghi, trực giác giúp họ thấy đâu trái, đâu phải, để còn giữ chút thiện tâm làm tài sản cuối cùng và sâu kín khi mọi thứ đã bị chiếm đoạt.---

****************************

nhân vật bài tới
Tram Nguyen FB

Chị Hai 1 đi chợ Sáu Tiền 2
Anh Ba 3 chê ít (lấy) Tám Tiền 4 mà mua
Sáu Hột 5 tính hay se sua
Lấy Xe 6 chở bạn vui đùa cũng nhanh.
Anh Gióng 7 lên giọng thất thanh
Phận Nghèo 8 không thủ lanh chanh thiệt là
Anh Đấu 9 tóc Quăn 10 thiệt thà
O Hương 11thương lắm nhưng mà lặng im.
Mụ O Mỏ 12  Dọn 13 như kim
Tuyết 14 em Gối 15 chiếc nhưng tình ủ hoa
Học Trò 16  Ngủ 17 gật ngủ 18
Thầy 19 phạt Tám Giây 20 cũng là nhẹ tênh.
Say Sưa 21 ngày tết thua tiền
Giày 22 mất một chiếc sợ điên vợ nhà
Vợ Bồng 23 nó quẳn ra xa
Mặt mày Xơ  24 xác ... vợ la anh chừa.
Ông Ầm 25 tính khí oai thừa
Như Voi 26 đĩnh đạt dáng vừa quan trẻn
Tử 27 sinh một kiếp lênh đênh
Như quân bài tới bên thềm ngày xuân.
Anh Đượng 28 để Rún 29 bâng khuâng
Chạy theo O Liễu 3tình xuân đậm đà . 

**************************************
Dalida




No comments:

Post a Comment