add this

Wednesday, March 11, 2015

cúng làng

đình làng Thổ Tang, Vĩnh Phúc từ thời Hậu Lê

cúng làng

tạp ghi của Tôn Thất Tuệ
Quái tặc sao có đám người xúm xít làm cái chòi kiểu thương phế binh chiếm lề đường. Ở Mỹ đâu dễ gì, đất của bạn mà còn phải theo luật lệ đủ thứ. Nhưng tôi tìm hiểu thêm, đó là cái hộp làm bằng những vật liệu thô sơ cho một mục đích vô cùng ngắn hạn, một ngày rồi tháo đi, một thứ "khách sạn" tiếp ông thần hoàng của làng từ bên nhà bay qua nửa trái đất đến với họ mỗi năm một lần. Xin mọi người biết cho rằng tuy hơi kỳ kỳ mà rất quan trọng, quan trọng lắm đa. Chỗ tôi đang nói đây là góc đường Tait, Linda Vista San Diego, ngày hè 22.12.1985.

Xin mời Ngài, Tiên Sư của làng Nam Thọ, Quảng Nam, xin mời Ngài an tọa cho đôi hia vạn dặm được nghỉ sau chuyến đi nửa trái đất qua Thái Bình Dương. Xin mời Ngài ngồi đây cho những đứa con làng Nam Thọ cúng Ngài, lạy Ngài. 

Ô kìa, sao Ngài có vẻ buồn? Sau khi đưa mắt nhìn vật liệu thô sơ dùng để dựng cái hộp nầy, Ngài nhìn xuống. Tôi tin Ngài không cần cái vật chất bề ngoài, Ngài không buồn vì chúng tôi không mời Ngài về khách sạn Hilton. Tôi đoán Ngài buồn vì thương chúng tôi nghèo phải dùng mấy thứ tồi tệ nầy. Ngài thương chúng tôi. Cảm động quá. Chúng tôi ai cũng nghèo, làm cu ki, hốt rác, cắt cỏ, chùi nhà. Tuy vậy chúng tôi có thể thuê một trung tâm sinh hoạt. Mà chúng tôi không làm, không phải vì sợ ăn mắm nêm vấy bẩn nhà người ta. Xứ nầy đủ thứ thuốc tẩy mùi, không như bên nhà phải lấy xác trà chà lên bàn để mất mùi nước mắm. Ở đây chùi nhà đã thành một kỹ nghệ. 

Ngài biết rõ hơn tôi, nơi đình làng có cái sân rộng. Cây đa lớn lắm nhưng không đủ che bóng mát cho cả làng đến dự lễ tế và đình đám, vả lại mặt trời không đứng yên để duy trì bóng cây ở một chỗ nhất định. Cái rạp đã được dựng lên. Chú Ngọ cuối làng vác hai cây lồ ô, ông Xuyên đã trên sáu mươi kẹp nách bó lạt tre một cách trịnh trọng rồi khoe đã gần một tháng ông mượn cho được cái kính mà chẻ, rồi nung vào lửa cho nó dẻo để đóng góp vào cái rạp hôm nay.

Ông già tôi lè kè hai ngọn lá dừa, trông thật vui như con công kéo lê cái đuôi xinh đẹp. Mẹ tôi đội cái nia trên đầu. Cái nia to lắm, bà phải dang cả hai tay giữ lấy như chiếc nón thượng quai tua ngoài Bắc. Tôi thấy mẹ tôi đẹp quá, tôi bảo bà dừng lại chờ tôi. Tôi chạy vào nhà kiếm cho được cái nia nhỏ đội lên đầu như mẹ để đi theo đến đình làng. Con nít thì háu ăn, dọc đường tôi tưởng tượng thịt và xôi nhiều lắm bỏ đầy cái nia mà mang về. Đến nơi hai ngọn lá dừa đưa lên khung tre để che nắng và cái nia trên đầu mẹ tôi cũng lên nằm gần đó làm mái cho cái rạp ngoài sân. Tôi cũng dự phần với cái nia nhỏ đội trên đầu. 

Ở xứ nầy không cái nia ấy, không có đôi lá dừa ấy, không có những cây tre lồ ô ấy hay bó lạt của ông Xuyên nên chúng tôi dùng những khúc gỗ, những tấm váng ép những miếng nylon. Và như tổ kiến, chúng tôi dựng cái hộp nầy. 

Tôi cũng khoe với Ngài có cái cây bạc hà cao như cây đa làng mình. Dưới bóng cây kia trẻ con chơi đùa. Tựa vào cây kia ngồi bệt trên cỏ, kìa, là con Sáu, vợ thằng Sáu Lâm. Cái con Sáu bụng thề lè có mang sáu tháng, ngồi chờ để rửa bát. Hôm nọ tôi ghé lại nhà tự nhiên tôi nhắc bầu cử sang năm, nó dửng dưng như câm như điếc. Sau đó tôi nói buổi lễ cúng làng, nó mắt sáng lên, dành cho được việc rửa chén chiều nay; nó kể mẹ nó lúc có mang sáu tháng như nó mà đi gánh nước rửa chén và nấu nướng ở một buổi cúng làng thế này. 

Nói chuyện con Sáu mà quên cái nầy. Ngài mới qua có lẽ Ngài hiểu. Người ở đây không hiểu việc làm lỉnh kỉnh như bê khúc gỗ, căn tấm bố. Họ nói chúng tôi ngu. Cái gì cũng sẵn, bỏ tý tiền ra thuê là xong. Thì giờ là vàng ngọc. Đúng, chúng tôi cũng theo qui luật ấy. Nhưng làm cái hộp nầy như cha ông chúng tôi làm cái rạp trước đình. Chúng tôi không hủ lậu đâu. 

Có chuyện như thế nầy. Một người bỏ ra mười đô để mua một thân cây chuối bằng bắp tay mà ăn gỏi (nộm) ai cũng cười là vô lý. Nhưng tôi thấy hắn khoái chí vô cùng. Cái đĩa nộm trước mắt. Thân chuối thái mỏng trắng xóa làm nền cho những con tôm luột đỏ bên cạnh những ngọn lá rau thơm xanh biếc. Tôi trông hắn ăn, hắn ăn như ăn cả buổi chiều gió nhẹ thổi qua bụi chuối sau hè. Hắn ăn như ăn luôn cả thúng rác mục mà mẹ hắn ủ vào gốc cây. Hắn như ăn cả một quá khứ, cả một thời niên thiếu chờ đợi quả chuối chín vàng. Hắn ăn nhiều đến thế mà chỉ bỏ mười đồng có gì vô lý; quá rẻ như cho không. 

Cũng cái chuyện thì giờ. Hơn trăm con người đứng chờ cả hai giờ mà tế lễ; mỗi giờ đi làm kiếm chừng bốn đồng, nhân lên nhân xuống biết bao là tiền. Thế mà họ đứng đấy, chờ quỳ lạy mỗi khi xướng danh vị tiên sư của làng, xướng danh những kẻ hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, xướng danh tổng quát chiến sĩ không tên, xướng danh cái tên mồ chung là biển cả của bao người chết chìm khi đào thoát. 

Họ chỉ bỏ ngần ấy tiền quá rẻ để thấy cái cam cực của chính Ngài khi khai phá làng Nam Thọ, Quảng Nam, để thấy sự chờ đợi hàng năm cho cây tre trở thành bụi tre nối nhau vây quanh làng mình. Họ bỏ ngần ấy tiền để thấy sự hy sinh vượt mức của bao con người, để thấy quá khứ tấy rõ lên hình, để cho quá khứ hiện tại và tương lai gộp nhập vào nhau trong cái hộp nầy, cái hộp dựng bằng những tấm bố, những miếng ván thùng. 

Chúng tôi đánh trống lên, đánh phèn la lên. Họ cười họ chê chúng tôi không văn minh không biết thuê ban nhạc rock kích động để đãi Ngài sau chuyến đi vạn dặm qua Thái Bình Dương. Ôi, tiếng trống nó thay tiếng lời. Đó là tiếng trống mà người vợ nghe biết chồng mình lính thú ra đi. Cái trống là nguyên ủy của âm nhạc, là nhạc cụ đầu tiên của loài người, khởi xuất từ thân cây rỗng. Tiếng trống dậy khắp các khu rừng Phi Châu như những mạch máu, những tiếng nói cho nhau vượt qua các lớp cây dày. Tiếng trống gọi nhau khi giặc đến, cướp đến, tai họa đến. 

Thưa Ngài, tiếng trống ấy hôm nay chúng tôi dóng lên để đón Ngài, như ngày xưa Ngài đánh trống gọi dân đến họp việc làng. Theo tiếng trống ấy, Ngài đã đến đây cùng tất cả những ai đã đặt chân đến làng Nam Thọ, hoặc để sống suốt đời, hoặc đến rồi đi, những ai đã xây dựng làng nầy. Đến cùng Ngài còn có cái đình vôi mục, cái đình chúng tôi góp tiền gởi về tu sửa nhưng chưa đủ. Có cả cái rạp bằng lá bên trên có cái nia của mẹ tôi, có mấy tàu lá dừa của cha tôi. Có cả mẹ con Sáu rửa chén trong buổi cúng làng. 
Nhưng thôi chừng ấy đủ rồi Ngài ơi. Đủ rồi, đừng thêm nữa. Mà Ngài còn móc trong túi ra cả mồ mã cha ông chúng tôi như một cuốn phim chiếu lên màn ảnh. Có cả những cây sim mọc hoang, có cả những chân nhang bạc màu trên nấm mồ. Ngài còn kéo cả ông giáo Liên. Ông thầy lớp vỡ lòng của tôi trong áo lương đen phai màu. Ông cầm tay tôi như mấy chục năm về trước ông cầm tay tôi viết chữ dễ nhất bằng một sổ dọc, chữ i. Tôi còn nghe ông nói: i tờ hai chữ giống nhau, chữ i có chấm tờ dài có ngang. Ông giáo Liên cũng độc ác như Ngài, kéo theo cái trường mái tranh. 

Các vị dính liền với nhau à, các vị và các vật vô tri dính với nhau mà đến đây tất cả thế kia?! Ông giáo Liên già rồi, chết rồi đâu thèm gì miếng thịt bò thui và mắm nêm trên bàn nầy. Bác Xuân cũng thế, già rồi không còn cái răng làm sao nhai hết miếng thịt. Họ đã đến, những cái ấy đã đến. Nhiều quá, nhiều quá. Ngài đã đem làng Nam Thọ về đây. Chưa đủ, Ngài còn đem cả Ngũ Hành Sơn, cây cầu Đà Nẵng, ngọn đèo Ải Vân, cả dãy Trương Sơn, châu thổ sông Hồng, cả dòng Cửu Long. Chưa hết, Ngài còn đem cả đền Hùng, cả con mắm ba khía Cà Mâu. 

Hay chính Ngài bất lực, không rứt ra được những phần nhỏ mà phải đưa cả một toàn bộ. Ngài đã không rứt được đình ra khỏi làng Nam Thọ, không rứt được làng nầy ra khỏi miền thùy dương, không rứt được miền thùy dương ra khỏi non sông một mối. Phải rồi, cây bầu làng mình đâm rễ dài đến tận Thanh Hóa; sông Cửu Long tưới mát Cao Bằng, than Nông Sơn nấu cơm ở Hà Tiên, Đoàn Thị Điểm là cô giáo của Nhất Linh. 

Tôi xin mượn hình học để giải thích việc nầy. Hai mặt phẳng có chung ba điểm không trên một đường thẳng sẽ dính vào nhau, chồng lên nhau và là một. Mặt phẳng Nam Thọ có ít nhất ba điểm chung với mặt phẳng Việt Nam nên hai mặt phẳng ấy dính nhau. Vì vậy khi Ngài đem mặt phẳng Nam Thọ về đây Ngài đã phải đem cả mặt toàn quốc. 

Tôi muốn nói khi cung bái vị khai lập làng Nam Thọ cùng tất cả những gì thuộc về làng nầy, tôi đã cung bái tất cả những ai âm thầm trong sử sách đã đổ một giọt mồ hôi cho nước Viêt Nam; cũng như tôi đã dành cho tác giả vô danh hai câu lục bát ca dao cái cung kính dành cho Nguyễn Du. 

Giá như Ngài sống ở Mỹ, Ngài đã giàu vô cùng trên sinh quán của điện ảnh. Sáng nay trong buổi tế lễ cúng làng nầy, tôi thấy Ngài là nhà sản xuất phim ảnh đại tài. Cái phim Ngài chiếu đầy đủ. Hiện thực, siêu thoát, tình tiết, âm thanh, khung cảnh, nhân vật. Một cuốn phim đầy đủ. Hòa bình, chiến tranh, an bình, tủi nhục. Không một chi tiết nào bỏ sót, từ con sò cho đến cung điện nguy nga. 

Một cuốn phim mà khán giả không còn là khán giả mà thành tài tử đóng phim để rồi khóc vì phim trong rạp hát dựng lên cấp bách với những cây đinh đóng vội.- 



No comments:

Post a Comment