add this

Sunday, April 30, 2023

Nhỡ Trump thắng 2024


Đức lo nhỡ Trump thắng

Der Spiegel 28.4.2023 . TTT lược dịch

Trông ra hình như vị tổng thống thứ 45 của Mỹ bị ám ảnh bởi nước Đức, quê xưa của nội tổ, nhưng không theo lối tích cực. Ông thường xem Đức là kẻ thù lớn nhất của Mỹ. Trong phiên họp với lãnh tụ Liên Âu tại Brussel 2017 về thặng dư mậu dịch, ông không ngần ngại bày tỏ ý kiến: “Đức quốc tệ, tệ, tệ lắm. Đức đổ dồn vào Mỹ hằng triệu chiếc xe hơi. Phải chấm dứt”. Lần nầy qua lần nọ, ông nói với thế giới rằng Đức bám gấu váy của Mỹ, là một nước không tin được, hoàn toàn do Nga kiểm soát. Ông nói: chúng tôi lo bảo vệ Đức khỏi nguy cơ của Nga để Đức chuyển qua Nga tỷ nầy qua tỷ nọ.

Berlin và Brussel thấy nhẹ người khi Joe Biden hất Trump khỏi cuộc chạy đua năm 2020 vì đang lo mối liên hệ Âu Mỹ (liên Đại Tây Dương) sẽ tiêu ma trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Nhưng nay nguy cơ ấy có thể xẩy ra.

Theo dự đoán khá tin được, chỉ có hai đối thủ xưa là Biden và Trump trong cuộc tỷ thí sắp đến. Trump trẻ hơn và năng động hơn. Cơ may thắng cử không xê dịch nhiều. Các nhà chính trị trông xa đã khuyến cáo Nato, Liên Âu và Đức chuẫn bị nhỡ khi Trump chiếm White Houe lần thứ hai, vì Trump không mấy thiện cảm với Nato, Liên Âu và Đức Quốc. Michael Link, phối hợp viên hợp tác Âu Mỹ trong chính phủ Đức cho rằng Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ hung hãn hơn, khó đoán hơn so với nhiệm kỳ trước. Ông đã bắt đầu qua Mỹ nhiều lần hơn để vận động với các nhà lập pháp.

Agnieszka Brugger, đại diện Đảng Xanh trong quốc hội hoan nghênh sự chuẩn bị nầy vì Âu Châu cần hợp tác với cả Bắc và Nam Mỹ để cải tiến kỹ thuật, kỹ nghệ và an ninh. Nữ dân biểu nầy ngại chính sách mới của Mỹ sẽ nới lõng hợp tác liên Đại Tây Dương.

Đức tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ là một kịch bản hãi hùng cho đường lối bảo vệ khí hậu. Trump đã kéo HK ra khỏi thỏa ước khí hậu Paris, hủy bỏ nhiều chính sách bảo vệ môi sinh, cho phép các công ty khoan dầu và khí đốt ngoài khơi. Trump đã giảm thiểu quyền hạn của cơ quan bảo vệ môi sinh, EPA.

Tuy vậy, đối với Đức, mâu thuẫn nguy hại nằm trong mậu dịch. Vào năm thứ hai tại White House, Trump đã mở cuộc chiến; ông nói: nhập cảng thép và nhôm của Liên Âu là đe dọa an ninh quốc phòng HK và ông đã áp đặt 25% thuế nhập cảng hai sản phẩm nầy. Liên Âu đáp lễ bằng cách tăng thuế áo quần, whisky, xe bình bịch và bơ đậu phụng.

Lời lẽ đôi bên đã khá êm dịu trở lại khi Joe Biden cầm quyền. Nhưng thực chất không được bao nhiêu vì Joe Biden cũng chủ trương “American First”.

Biden đã dùng 370 tỷ phụ trợ các công ty sản xuất lợi cho môi sinh như xe chạy bằng điện, sản xuất điện lực bằng quạt gió v.v…nhưng hưởng lợi là các công ty nội địa của Mỹ. Trợ cấp tài chánh nầy đã khuyến dụ các công ty kỹ thuật xanh Âu châu dọn nhà qua Mỹ làm ăn. Nay nếu Trump trúng cử, ông sẽ đẩy mạnh chính sách bảo vệ hàng nội địa của HK.

Thị trường tài chánh quốc tế, trái lại, rất điềm nhiên, vì họ đã quen hưởng lợi những chính sách gọi là vụng về của Trump như ép buộc cơ quan độc lập là US Federal Reserve hạ lãi suất.

Nhiều chuyên gia ngoại giao kêu gọi dân chúng không nên quá lo nghĩ về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Trái lại là một điềm lành. Sergey Lagodinsky, ủy viên trong Hội Đồng Liên Âu nói rằng "Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ thúc dục chúng ta củng cố nền tự trị chính trị của Liên Âu”.

Michael Roth, chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Đức kêu gọi nước của ông phải làm sao tự giữ vững an ninh của Âu Châu dù tổng thống Mỹ là Biden, là Trump là ông nầy ông kia. Đức phải tiếp tục cố gắng nầy như đã dành 2% tổng sản lượng quốc gia để củng cố kỹ nghệ quốc phòng và gia tăng khả năng chiến lược của Âu Châu.

Marie-Agnes Strack, chủ tịch ủy ban quốc phòng quốc hội tự hỏi vì sao phải điên rồ quýnh quáng trước sự thay đổi nhân sự White House.

Thực tế thì Âu Châu đã không làm gì nhiều cho sự tự túc vừa nêu. Các quốc gia Âu Châu đồng thanh ủng hộ mục tiêu toàn diện về nền tự túc tự trị chiến lược mà TT Pháp Macron nhiều lần nhấn mạnh. Nhưng các hội viên Liên Âu không hiểu chung một nghĩa.

Các quốc gia Đông Âu, trên hết là Ba Lan và ba xứ Baltic, phản đối vai trò quân sự của Liên Âu ngày một mạnh thêm. Những nước nầy muốn kéo HK dính líu vào lục địa nầy để nhẹ bớt gánh nặng cho địa phương. Ngược lại Macron muốn Âu Châu đóng vai độc lập trên sân khấu thế giới về quân sự. Berlin thì đứng ở giữa. Mâu thuẫn nầy sẽ bùng nổ một khi Trump thành tổng thống lần thứ hai.

Việc Trump trở lui White House sẽ bất lợi cho Ukraine.

Trong các lần phỏng vấn mấy tuần qua, Trump đã tỏ ra bất động đối với việc Nga vi phạm luật quốc tế và không một chút thiện cảm với dân tộc thống khổ Ukraine. Ông nói rằng nếu tái cử, ông sẽ giải quyết vụ Ukraine trong vòng 24 giờ. Nếu ông có quyền quyết định như vậy thì Putin sẽ được phép chiếm giữ nhiều phần đất của Ukraine. Trump không một lời tốt đẹp ngắn nào cho Zelensky, có lẽ vì tổng thống Ukraine không thỏa mãn yêu cầu của Trump điều tra công ty nhiên liệu Burisma nơi Hunter Biden làm việc và đầu tư.

Hiện nay Liên Âu tiếp tục quân viện Ukraine và đã hứa cung cấp một triệu quả đạn đại bác và các quân dụng khác. Nhưng tuần qua (giữa tháng 04, 2023), bộ trưởng ngoại giao U vẫn than phiền Liên Âu không viện trợ đủ làm cho nhiều người thiệt mạng”.

Nếu Trump loại Biden khỏi cuộc đua, lời kêu gọi của bà ngoại trưởng sẽ thống thiết hơn. Trump theo chủ trương cô lập, HK sẽ tách khỏi các tương tranh giữa các quốc gia bên ngoài và đầu tư vào nền kinh tế nội địa. Đây chỉ là vấn đề kinh tế, không lý thuyết ý thực hệ v.v…Các dân biểu thân Trump đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt viện trợ tài chánh và quân sự cho Ukraine. Nghị quyết nầy mở đầu một con đường mới trong chính sách Ukraine của HK.

Trở về bộ ngoại giao Đức, chiến thắng của Trump sẽ gây nhiều biến động cho sự nghiệp  của Annalena Baerbock. Bà ngoại trưởng sẽ không còn đồng nghiệp Mỹ thân ái Antony Blinken cùng chia sẻ những chính sách vì tư tưởng hơn là kinh tế, khác với tỷ phú Donald. Bà đã bắt đầu kế hoạch thích ứng hóa, đã yêu cầu đại sứ Đức ở Mỹ và một số chuyên gia khác tiếp xúc với các nhà lập pháp và các chính trị gia bảo thủ ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Năm 2016, chính phủ Đức tin chắc Hillary Clinton sẽ làm TT nên không thèm liên lạc với ban tham mưu của Trump; sau đó quá trễ, không thể tạo dựng mối liên hệ tốt đẹp.

Với kinh nghiệm ấy, bà Baerbock đã chỉ thị thuộc cấp khai thác những điểm tương đồng với đảng CH như chủ trương xe hơi chạy điện. Từ khi Elon Musk làm ra xe Tesla, vấn đề không chỉ ở bên tả phái, đối nghịch với đảng CH. Phương pháp của Baerbock là vây quanh Trump bằng những cận thần thân Đức.-

==============================================

Chợ xưa

==============================



No comments:

Post a Comment