add this

Monday, October 9, 2023


  

Có chăng một nền Hoa học của VN

A Vietnamese Sinology? (tiếp theo)

Liam Kelley ttt dịch


H
iệp định Genève 1954 chia đôi VN cũng chia đôi vấn đề Hán học. Miền Bắc làm mọi cách điều gọi là sự cần thiết tách biệt văn hóa mới và kiến thức ra khỏi thời thuộc địa và phong kiến. Vấn đề đầu tiên là các bài lịch sử.

Trong thời kỳ trước 1954, giới trí thức ủng hộ Việt Minh quyết định những gì viết bằng Hán tự không được xem là văn chương VN, vì viết bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên năm 1955, Khuất Duy Tiễn, (1909–1984), CS thuần thành, dưới bút hiệu Minh Tranh, đã xuất bản một luận văn trong đó ông biện luận rằng những bài viết bằng Hán Tự nhưng mang tinh thần yêu nước cần được xem thuộc gia tài văn chương của quốc gia, bởi vì nội dung quan trọng hơn hình thức.

Luận cứ nầy bị bài bác bởi rất nhiều học giả, đứng đầu bởi Đặng Xuân Khu, lý thuyết gia văn hóa CS hàng đầu, tức là Trường Chinh. Trước đó năm 1943 ông đã vẽ ra các đường hướng văn hóa trong tài liệu Đề cương văn hóa Việt Nam. Trong tác phẩm nầy Trường Chinh nói rằng văn hóa VN bị tắt nghẻn, ngăn chận bởi chủ thuyết phong kiến, thực dân và phát xít Nhật, rõ hơn nữa là bởi tư tưởng của những
chủ thuyết ủng hộ các chế độ như Khổng Giáo và các thứ triết lý Tây Phương. Trường Chinh chủ trương một nền văn hóa mới, xây dựng tên ba diễn trình là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Nhiều học giả tham gia thảo luận sôi nổi. Nhưng chung cuộc đến kết luận gần như luận thuyết của Minh Tranh. Những tác phẩm yêu nước viết bằng chữ Tàu được xem là một phần của văn chương VN. Nhưng yêu nước là những đoạn trong sử liệu viết trong các thời kỳ có tương tranh với Tàu, những đoạn nầy được xem là mang tinh thần chống lại Tàu.

Văn Tân, trong Tập san nghiên cứu văn sử địa, nói rằng ”Đã đến lúc tạm kết thúc cuộc tranh luận. Chữ “tạm” đã tinh tế che dấu một sự thỏa hiệp đưa đến kết quả khác với tiên đoán khi Minh Tranh bị phản đối tập thể. Thời gian chấp nhận các sách báo viết tiếng Tàu trong các điều kiện phong kiến thuộc văn chương VN chính là thời gian Bắc Việt vô cùng hỷ hạ với Tàu.

Liên hệ thân hữu nầy được chiếu sáng bởi các lời văn thời đại. Ví dụ năm 1954, Minh Tranh lập luận rằng Tàu và Việt là các chiến hữu (“bạn chiến đấu”) vì trong lịch sử cả hai đứng lên chống lại cai trị phong kiến.

Trong những điều kiện chính trị hóa nầy, làm sao có thể thấy tiếp tục những nghiên cứu bác học thập niên 1940.

Nếu xưa kia, giới trí thức VN cố sức trong những năm 1920 và 1930 dịch những tác phẩm của Trung Hoa Dân Quốc để tân tiến hóa kiến thức thì nay trong những thập niên 1950 1960 Bắc Việt quyết dịch hay chú giải các tác phẩm của Trung Cộng.

Ví dụ của Trần Bá Đạt 陳伯達 (1904–1989) xb 1951 nhan đề: Tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp chủ nghĩa Mac Lê với cách mạng Trung Quốc;
của Hồ Kiểu Mộc: Ba Mươi Năm Đảng CSTQ.
Của chính Mao Trạch Đông 毛澤東 (1893–1976) xb 1925 Phân tích giai cấp xã hội TQ và năm 1933: Phân tích giai cấp nông dân TQ.
Nguyễn Ngọc Kha viết: Giới thiệu cuộc đấu tranh chống phái hữu và cuộc thi đua cải tạo tư tưởng. Hà Nội 1959
Vô danh: Truyện Hồng Quân TQ. Bắc Kinh 1959.
1962 một cuốn sử đảng CS TQ mới in xong được dịch ngay ra tiếng Việt. Lịch sử Đảng CSTQ Gián Yếu của Vương Thục, Mã Ký Bình và Vương Kiều.
Ngoài những gì liên quan đảng CSTQ, các học giả BV dịch nhiều sách về các đề tài khác. Ví dụ: Sử gia marxiste Lữ Chấn Vũ 呂振羽 xb 1949 Giản Minh Trung Quốc Thông Sử, Hà Nội 1956.

P
han Khôi dịch Lỗ Tấn (1881-1936) đang khi làm bĩnh bút của báo Nhân Văn. Nhân Văn cùng với Giai Phẩm xin chính phủ cho thêm tự do sáng tác. Giống như cuộc chống đối hữu phái tiếp theo Trăm Hoa Đua Nở của CSTQ, những lời kêu cầu nầy của NVGP được đáp lại bằng đàn áp.

Tập san nghiên cứu văn sử địa số 40, 1958 đăng tải bài bình luận của Nguyễn Lương Bích: ‘’Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại trong công tác sử học TQ” kết tội nhiều học giả như nhà khảo cổ Trần Mộng Gia 陳夢家 (1911–1966) và sử gia Lôi Hải Tông 雷海宗 (1902-1962). Bài luận của ông Bích mở đường cho Tập san nầy trong số tới tố cáo Phan Khôi bắt chước Hồ Thích, và kết án tội cũ đã lập lại các ý tưởng của Hồ Thích. Tập san nầy kết tội Hồ Thích là tay sai của của đám chủ trương tư bản thực tiển Mỹ John Dewey, William James và Ernst Mach. Do đó Phan Khôi bị tội đồng lõa tiếp tay. Ông bị quản thúc tại gia và chết năm sau.
Đào Duy Anh cũng bị thanh trừng trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm và chịu phận sống âm thầm mai một.
Phạm Quỳnh đã chết còn bị tố cáo và kết án.
Từ 1960, học thuật BV chỉ có một việc là vận động tuyên truyền dân chúng ủng hộ chiến tranh.

T
rái ngược với miền Bắc chủ trương tách khỏi quá khứ thời thuộc địa, học giả Miền Nam chung sức kiến tạo một xã hội hậu thuộc địa trên những nền móng mà họ đã vun đắp trong thời thuộc địa. Trong lãnh vực Hoa học, những học giả cũ đã chết. Những học giả mới xuất hiện, với ý định duy trì và phát triển ngành nầy.

Rất nhiều vị quê quán miền Bắc đã quyết định di cư vô Nam sau hiệp định Genève 1954; một số khác gốc Miền Nam. Công cuộc nghiên cứu của những học giả này cho thấy sự khác biệt sâu đậm giữa hai thế giới trí thức Bắc và Nam.

Xét trường hợp Nghiêm Toản (1907-1975). Sinh trưởng và được giáo dục ở Bắc Kỳ, Nghiêm Toản bắt đầu sự nghiệp dạy trung học và đại học trước khi di cư vô Nam năm 1954, giữ chức vụ giáo sư Việt ngữ và Hán văn tại Đại Học Văn Khoa do Quốc Gia VN của vua Bảo Đại thiết lập năm 1949. Ngày còn ở Bắc ông đã hoàn tất sách giáo khoa ‘Việt luận’ gồm ba quyển, là những bài viết mẫu cho học sinh trung học biết cách viết văn, làm luận. Ông trích thuật các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nhà văn chỉ trích những xấu xa của xã hội, xb thập niên 1930; và các tác giả Pháp như Jean-Jacques Rousseau và Gustave Flaubert. Sách nầy được tái bản trong Nam.

Trong lúc ấy, ngoài Bắc các tác giả Pháp bị chê bai, bài trừ; Vũ Trọng Phụng bị tố cáo và buộc tội sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Không khí trí thức hai miền Nam Bắc khác nhau đến cùng cực. Nhưng miền Nam là sinh lộ để tiếp tục nền Hoa học được hình thành và khuyến khích trong thời thuộc địa. Thật vậy chúng ta có thể thấy chuyển mạch từ thời thuộc địa đến thời cộng hòa miền Nam trong hai cách thức.

Thứ nhất là tái bản các sách xưa:
Nho Giáo của Trần Trọng Kim,
Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh
Trung Quốc Sử Cương của Phan Khoang
Các bản dịch của Nhượng Tống: Mái Hiên, Nam Hoa Kinh, Sử Ký Tư Mã Thiên
và Đào Trinh Nhất với Liêu Trai Chí Dị, dịch trong những năm cuối đời.

Các sách quan trọng của các học giả Tàu cũng được xuất bản như Phùng Hữu Lan: Trung Hoa Triết Học Sử.

Các học giả trong Nam tiếp tục dịch thuật như xưa. 1961, Nghiêm Toản dịch Đạo Đức Kinh và hoàn tất bản dịch Pháp Văn Tam Quốc Chí. 1991 Nguyễn Duy Cần dịch và chú giải Đạo Đức Kinh, và nghiên cứu tư tưởng của Trang Tử và Lão Tử.

Nhiều vị đã xuất bản những bản dịch riêng rẻ không được giới thiệu rộng rãi nhưng có giá trị. Hoàng Khôi với Xuân Thu Tam Truyện, những lời luận giải về sách Xuân Thu. Cạnh đó Nguyễn Mạnh Bảo, một tín đồ Cao Đài hoàn tất bộ bảy quyền về Kinh Dịch. Mặt khác Bộ Giáo Dục có cho in một số sách dịch khác.

Một trong những học giả danh tiếng là Nguyễn Đăng Thục đã cổ súy Khổng giáo như một triết lý sống và ông đã trình bày vấn đề nầy theo phương pháp giáo khóa thuận tiện cho các trường.

Sinh trưởng và được nuôi dạy ngoài Bắc và học ở Âu Châu, Nguyễn Đăng Thục di cư vô Nam và làm giáo sư Đại Học Văn Khoa Saigon. Ông xuất bản rất nhiều sách. Cuốn trội yếu nhất là “Lịch Sử Triết Học Đông Phương”. Ông đã giao tiếp với các học giả khác ở Đông Á, như đã mời Trương Quân Mại đến dạy ở Saigon.

Nhưng dồi dào hơn Nguyễn Đăng Thục, ít nhất về số lượng, là Nguyễn Hiến Lê (1919 - 1984). Sinh trưởng ở Bắc Kỳ, sau khi tự học Hán tự, Nguyễn Hiến Lê vô Nam trong thập niên 1930. Ông được biết trước tiên ở Saigon nhờ loạt “sách học làm người” dịch của Mỹ. Sau Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy, ông bắt đầu giới thiệu độc giả lịch sử, văn chương và triết lý của Tàu. Ông không chỉ dịch mà còn nêu nhiều chi tiết về tác giả, bối cảnh lúc sáng tác v.v… để người đọc hiểu thêm một cách dễ dàng.
Tác phẩm đầu tiên trong đường hướng nầy là cuốn sách ba quyển nhan đề Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc xb 1955. Ông đã viết xong vài tháng trước khi thất thủ Điện Biên Phủ. Trong lời tựa ông cho biết nhiều người đã dịch văn chương Tàu trước ông, đặc biệt là thơ Đường; nhưng không có một chữ về nhà Đường hay những đường nét chính về nghệ thuật và tri thức của triều đại nầy; độc giả có thể đọc vài trăm trang sách dịch nhưng không hiểu một tý gì về Đường thi. Theo ông, tìm hiểu văn chương Tàu theo các sách báo hiện nay cũng như tìm hiểu nước Pháp bằng cách nhìn tượng của Jeanne d’Arc. Do đó, ông kèm theo nhiều điều cần biết về bối cảnh văn hóa và lịch sử của nguyên bản. Sau đó ông cho in thêm hai cuốn khác về cổ văn và tân văn Tàu.

Nguyễn Hiến Lê cho ra đời một cuốn sách khác, giới hạn bề ngang chú trọng bề sâu; chỉ luận về tác phẩm của Tô Thức, thi sĩ và quan lại triều Tống. Ông đã dựa rất nhiều sách tiếng Anh của Lâm Ngữ Đường, và có được nguyên bản của Tô Đông Pha nhờ Thương Vụ Ấn Thư Quán, Tô Đông Pha Tập 蘇東坡集.

Tiếp tục lối dùng tài liệu quốc tế và nguyên bản gốc từ Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê cùng đồng nghiệp Giản Chi (Nguyễn Hữu Văn) dịch Sử Ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, Tuân Tử và Chiến Quốc Sách. Hai ông chung viết Đại Cương Triết Học Trung Quốc, phỏng theo các sách của Hồ Thích, Phùng Hữu Lan, Vũ Đồng 宇同, Tương Duy Kiều 蔣維喬 và Tiêu Công Quyền(1873–1958), 蕭公權 (1897–1981).

Nhân vật đáng nêu tên cuối cùng là Lương Kim Định (1914-1977), được biết nhiều hơn là Kim Định. Sinh trưởng trong một gia đình TCG La Mã và đi tu thành linh mục, cuối thập niên 1940 ông du học Pháp theo môn triết học tây phương và Hán học. Kim Định trở về VN dạy các trường đại học trong hai thập niên 1960 và 1970. Ông xuất bản rất nhiều tác phẩm.

Tác phẩm của ông nặng Hán học nhưng không nói gì về nước Tàu, ông muốn dùng những tư tưởng trong triết lý Tàu để tạo ra một nền triết lý mới cho xã hội Miền Nam VN. Nhưng đấy không phải là một sáng kiến bảo thủ, ông vận dụng rất nhiều lý thuyết và triết lý Tây Phương. Ông trích dẫn những nhà khoa học xã hội như Marcel Granet và Claude Lévi-Strauss, các nhà Hoa học như Herrlee Creel và Joseph Needham, cùng với các triết gia Friedrich Nietzsche và Michel Foucault.

Sau rốt, Kim Định phát triển quan điểm quốc gia cực đoan chung với một số học giả khác. (Quan điểm nầy là) Hán học, tri thức của Hán học do tổ tiên người Việt tạo ra trước, người Tàu mới theo sau. Khổng Tử chỉ khai triển những điều tổ tiên VN đã tìm ra. Với lập luận nầy, Kim Định quả quyết các sách như Kinh Dịch v… thuộc văn hóa VN, của VN. Do đó dùng Hán học tạo ra một nền triết lý mới cho VN là hữu lý.

Những cố gắng tạo một chỗ đứng cho ngành Hán học trong thế giới hiện kim không khác với cố gắng của các học giả thập niên 1920 đưa cổ ngữ vào quốc ngữ. Những công trình như của Kim Định, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê …mang một sắc thái tâm tình khác xưa. Thời thập niên 1920 các sĩ tử đào tạo theo truyền thống lo ngại thế giới văn hóa của họ biến mất dần dần. Nhưng thập niên 1960 vấn đề còn bức bách hơn. Một mặt ở miền Nam, học thuật nầy bị đe dọa bởi khuynh hướng tân tiến hóa trong các kế hoạch kiến thiết quốc gia. Một mặt Miền Bắc là vùng những học giả nầy dính bó keo sơn đậm đà, nay họ đã mất miền Bắc nầy.
Trong lời tựa, Nguyễn Hiến Lê nói rằng cuốn sách đem ông về thời niên thiếu tuyệt vời. Thời ấy, mỗi lần đi thăm bà con ở ngoại thành Hà Nội sống trong những ngôi nhà tranh nhỏ trên bờ sông Hồng rợp bóng tre xanh, ông thường nghe tiếng sáo trúc và nghe các nho sĩ ngâm thơ.
Thiết nghĩ hình ảnh lý tưởng của một nước VN và địa vị Hán học đã ám ảnh những nhà Hoa học như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Kim Định. Sự lưu luyến thương mến của họ vô bờ nhưng không dành cho một nước Tàu.
Đó là một hoài niệm về một quê nhà đã mất, về một thế giới tri thức lồng vào quê nhà ấy.

Giống như cách mạng tháng tám đã chấm dứt Hoa học giữa thập niên 1940, thập niên 1970 chứng kiến một sự kiện tương tự.

Nghiêm Toản chết năm 1975, lúc chiến tranh chấm dứt. Kim Định nhập cư Hoa Kỳ. Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi ở lại nhưng nằm yên bất động.

Sách báo xuất bản trong Nam trước 1975 bị cấm chỉ, bị tịch thu.

Nhưng kỳ diệu thay, chẳng mấy chốc sau biến cố 30.4, hầu hết các sách xuất bản trước 1975 tại Miền Nam đều đã được in lại ở hải ngoại. Một số rất ít học giả tỵ nạn tiếp tục công việc xưa. Trần Trọng San ở Canada cho in những sáng tác mới và cũ đã xuất tại Saigon bởi Bắc Đẩu. Kim Định viết thêm nhưng không nhiều, ông chỉ chú trọng tái bản những sách cũ.-

Xuất xứ: Sinology in VN

=========================================


=====================


 

No comments:

Post a Comment