add this

Monday, October 16, 2023

 


Hòa Ước Bảo Hộ . Sấm nổ bể trời . Thợ rèn nấu ấn

Tôn Thất Tuệ

Hòa Ước Giáp Thân 1884 (hòa ước Bảo Hộ, hòa ước Patenôtre) thiết lập nền bảo hộ, chi tiết hóa hòa ước Qúi Mùi năm trước, minh thị xác nhận vị trí của Pháp và chính thức chia ba nước Việt, lấy ba tỉnh Thanh Nghệ Tịnh của Bắc Kỳ và Phan Thiết của Nam Kỳ giao cho An Nam. Hòa ước nầy ký ngày 6 thg 6, 1884 chưa đầy một tháng sau khi Pháp và Tàu ký hiệp ước Thiên Tân ngày 11 thg 5, 1884, theo đó Tàu công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại VN; Tàu chấp nhận điều nầy vì Pháp đã đuổi khỏi Đông Dương 200 ngàn quân Thanh vua Tự Đức yêu cầu Tàu gởi đến. Tàu thua trận Pháp Hoa nầy.

Trước khi ký hòa ước, triện ấn Tàu cấp cho nhà Nguyễn để dùng trong các quốc thư được thiêu hủy trong một buổi lễ trang trọng.
Mặt ấn, không khó tìm ra vì đã được đóng trên thư gởi Bắc Kinh và, trước khi nấu ấn, đóng trên nhiều tờ giấy rời. Theo Pierre Daudin, nửa bên phải ấn có sáu chữ Hán: Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn và nửa bên trái sáu chữ nầy viết theo lối triện của Mãn Châu. Hình ấn được luân lưu trên internet, trích từ sử của nhà Thanh.

Patenôtre, đại diện nước Pháp, trên cả phái bộ Pháp (Légation de France), người ký hòa ước, đã nhiều lần muốn giữ ấn nầy cho Thư Viện Pháp, ngay cả phút chót, trước khi ấn bỏ vào lò, ông còn hỏi lại nên giữ hay hủy. Thái độ của Patenôtre chỉ do khiếu văn hóa của Pháp, muốn giữ bảo vật hơn là một ý hướng chính trị. Ông có dư quyền để quyết định nhưng đã nhiều lần để cho triều thần nhà Nguyễn quyết định. Lần đầu ông đề cập với Nguyễn Văn Tường, phụ chính đại thần, cũng không xong. Và quyết định nấu ấn thành hình.

Nguyễn Văn Tường giao việc nấu ấn kiểu cách nầy cho một đại thần khác mà thông tín viên của hãng tin Havas gọi là Premier Ministre (thủ tướng, thừa tướng) chúng tôi không biết là ai và chức vụ chính thức là gì. Nguyễn Văn Tường đi ra ngoài khi ấn được nấu và trở vào ký hòa ước. Pierre Daudin trách quần thần không giữ kỷ vật và kỷ niệm cho vị vua số một của họ.

Chúng tôi thiết nghĩ lúc nầy nền bảo hộ của Pháp đã ăn rễ, đã thi ân cho nhiều người. Các đại thần nầy thấy cần biểu lộ tối đa sự chuyển hướng mới trọng Pháp, sá chi chút kỷ niệm của người xưa. Nguyễn Văn Tường, sau khi ký, miệng cười tươi nói với Patenôtre chữ ký của ông sẽ tồn tại mãi, nghĩa là nền bảo hộ tồn tại mãi.

Chúng tôi khó nghĩ về chính khuôn dấu ấy. Mặt dấu không nói VN là chư hầu của Tàu; ấn chỉ làm bởi Tàu tại Tàu, made in China như bây giờ Tàu in cờ Mỹ và biểu ngữ 'I Love America'. Ấn không ghi gì hơn ngoài sáu chữ Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn. Có thế nói tính cách chư hầu trong sáu chữ lối triện kiểu Mãn Châu hay không. Nhưng VN thời ấy dùng Hán Tự làm ngôn ngữ chính quyền hành chánh, chữ Tàu có nhiều cách viết mà vẫn là Hán Tự.

Việc tiêu hủy ấn nầy đi ngược với thực tế chính trị, VN cũng như các nước nhỏ khác chịu triều cống nhưng hoàn toàn độc lập. Nay hủy ấn nầy có nghĩa là xác nhận tình trạng làm chư hầu. Quan lại nhà Nguyễn thừa sức biết người Pháp không đối xử VN như Tàu, ngoại trừ thời gian đô hộ tiền sử và thời Minh. Tuy ấn nầy được một người Pháp nêu với Bộ Ngoại Giao Pháp, quan lại nhà Nguyễn nhiệt tình hủy nó, nấu chảy một cách trang trọng. So với Patenôtre, quan lại VN bảo hoàng hơn vua. Tuy thái quá, thái độ nầy dưới mắt của người nghiêm nghị thoang thoảng dư vị của Ngô Khởi giết vợ cầu vinh. Không dùng nữa thì vất đi, cần chi nấu chảy một cách đầy kịch tính ngay trong Tòa Khâm Sứ. Mà hủy thì hủy ở Thái Miếu như đốt vàng mã cho tiền nhân. Đốt hủy tại Tòa Khâm!
Việc sấm sét bể trời do chính Patenôtre mô tả rõ ràng. Nguyễn Văn Tường ký giữa sấm chớp. Nhà ngoại giao nầy khá tinh ý, diễn tả sự kiện một cách có thể giải thích là điềm lành hay dữ. Ông nói thiên nhiên đã cho cuộc ký kết nầy một điều trang trọng bi thảm (une solennité dramatique). Một điều trang trọng bi thảm?! Pháp đã dành cho Nguyễn Văn Tường vinh dự thứ nhất là ký sau cùng vào dự thảo hòa ước. Patenôtre đã ký, hai ông Duật và Phan đã hạ bút lông ký
  記.

Hiệp ước 1884 về phía VN được ký kết bởi ba đại thần: Phụ Chính Nguyễn Văn Tường, Toàn Quyền Phạm Thận Duật và Phó Toàn Quyền Tôn Thất Phan. Lúc ấy vua Kiến Phước là một con bệnh chờ chết hai tháng sau.  Nhân vật ngang với Nguyễn Văn Tường trong chức vụ phụ chính là Tôn Thất Thuyết nhưng diễn trường thuộc quyền điều động của Nguyễn Văn Tường. Năm sau 1885 khâm sứ Pháp de Courcy ra lệnh hai ông trình diện ở Tòa Khâm, một mình Nguyễn Văn Tường đến; Tôn Thất Thuyết cáo bệnh, de Courcy dọa tống giam. [Đi xa hơn, vì vậy Phan Khôi đã 'mạt sát', chữ của Phan Khôi, Tôn Thất Thuyết không chịu hòa với Pháp, nhất là về sau, không chịu hưởng lệnh ân xá của Pháp mà cứ tiếp tục kháng chiến khi vua Hàm Nghi đã bị Trương Quang Ngọc phản bội].

Chúng tôi tìm được ba đoạn ngắn về việc hủy ấn trong bài điểm sách của Nguyễn Văn Tố về tác phẩm ‘Sigillographie sino-annamites' (nghiên cứu ấn triện Việt Hoa) của Pierre Daudin xb 1937 Saigon. Bài tiếng Pháp của ông Tố đăng trên tập san giáo dục Bắc Kỳ cùng năm.

1.- Jules Patenôtre, người ký hòa ước, đã viết trong cuốn Souvenirs d'un diplomate, Hồi ký của một nhà ngoại giao.

Việc ký kết hòa ước đã được ấn định thi hành ngày 06.06. Ngay trước khi ký có một sự kiện đầy ý nghĩa và gây nhiều âm vang của thời đại. Đó là việc thiêu hủy quốc ấn mà vua Tàu đã gởi cho vua Gia Long năm 1803 như một biểu hiện bá quyền của Tàu; triện nầy đã được triều đình Huế từ đó dùng để đóng trên công hàm gởi Bắc Kinh. Sự hiện diện của khuôn dấu lịch sử nầy được phát giác bởi ông Devéria, thư ký thông ngôn tại Bộ Ngoại Giao. Devéria tìm thấy trong thực lục của Tàu và lưu ý chúng tôi không nên để trong tay người An Nam bằng chứng chịu làm chư hầu nếu chúng ta muốn An Nam công nhận nền bảo hộ là một thực thể trước mắt.

Khuôn dấu nầy bên trên có con lân quỳ làm tay cầm (nguyên bản chameau, lạc đà) bằng bạc mạ vàng. Mặt dấu hình vuông, ít nhất mỗi bề mười một xăng ti mét. Tổng thể, triện nầy là một vật quý, tôi muốn đưa vào bảo tàng viện Pháp Quốc. Tôi đề nghị Phụ Chính Đại Thần Nguyễn Văn Tường xin chính phủ Pháp cất nó đi trong một thời gian để không ai thấy nữa rồi tính sau.

Nhưng đề nghị của tôi không được chấp nhận. Quyết định từ phía Nam triều là quốc ấn nầy phải tiêu hủy nấu chảy một cách trọng thể trước mặt các đại thần được mời đến dự lễ ký kết hòa ước.

Vì muốn chia bớt trách nhiệm cho các đại thần khác, quan Phụ Chính Đại Thần yêu cầu để cho chừng 20 vị quan phát biểu ý kiến và đề nghị sửa đổi dự thảo hiệp ước. Biện pháp giờ cuối nầy không làm phái bộ Pháp thay đổi ý kiến. Tuy vậy chúng tôi đã để từng vị lên tiếng trong đại sảnh của Tòa Khâm Sứ.

Đã đến giờ định mệnh của cái quốc ấn nầy.

Khuôn dấu đã được chính thức xác nhận là thiệt. Khuôn dấu được chấm mực đỏ đóng trên nhiều tờ giấy để lưu niệm.

Một cái lò bằng đất có ống bệ thợ rèn được đem ra giữa sảnh đường, do hai người dân địa phương thổi lửa.

Lần cuối, tôi hỏi lần cuối các quan lại chứng kiến sự chuẩn bị hỏa lò từ đầu có muốn giữ lại cái ấn của vua Gia Long và gởi nó qua Paris hay không. Không ai đồng ý. Chỉ trong vài phút, biểu tượng chư hầu nầy đã thành một một khối kim loại không hình dáng đặc thù nào.
Quan Phụ Chính Đại Thần không dự phần mở đầu nghi lễ nầy. Ấn đã nấu lõng xong, ngài bước vô đại sảnh, nay ngài chỉ có việc là chuẩn bị sẵn sàng để ký hòa ước đã soạn thảo.
Khi ngài bước chưa đến bàn, một cơn dông tố hung hãn nổ tung, đem cho buổi lễ nét trang trọng bi thảm. Trong tiếng sấm gầm và chớp sáng lòe, ngài phụ chính dùng bút lông ký tên mình dưới hòa ước thiết lập vĩnh viễn nền bảo hộ của Pháp. Hình như ngài không để ý sấm chớp mưa gió. Ký xong, ngài quay sang tôi cười vui nói:
“Chữ ký nầy của tôi, tôi nắn nót, nó có giá trị lâu dài”.

2.- Tác giả Pierre Daudin trích bài tường thuật của một thông tín viên gởi hãng tin Havas tả cảnh tượng nầy như sau:

Đông người ngồi quanh cái bàn lớn giữa đại sảnh của Tòa Khâm. Đô đốc Courbet biệt phái thêm nhiều sĩ quan đến lo an ninh chung với các quân nhân tại chỗ.
Trên bàn, chiếc ấn của vua được đặt bên miếng đệm vải tẩm mực đỏ. Đó là một miếng bạc mạ vàng hình vuông mỗi cạnh từ 10 đến 12 cm, nặng 5kg900. Tay cầm hình con lân quỳ (chameau); lân biểu tượng cho sự thần phục trong văn hóa nghệ thuật Tàu. Một quan thượng thư đọc văn kiện mô tả khuôn dấu, đối chiếu với khuôn dấu, khám xét có trùng nhau hay không. Và chứng nhận là khuôn dấu thực, chính hiệu là nó.

Trong lúc đó, nội dịch đặt giữa đại sảnh ống bệ thợ rèn và một lò nấu. Bệ thợ rèn gồm hai ống viên trụ bằng tre cao 1m50, nối thông lò nấu bằng hai ống tre nhỏ.
Bắt đầu mồi lửa làm cho màn cảnh nầy sôi động. Tiếng bệ thụt lên thụt xuống theo tay hai người địa phương lấn áp tiếng nói của những nhà thương thuyết. Tức thì trong lò đất nấu, than đỏ rực rồi ngọn lửa xanh nhảy múa.

Giờ nấu chảy đã đến. Một người cầm khuôn dấu, chuẩn bị ném vào lửa. Patenôtre giữ tay lại rồi quay qua quan Thừa Tướng mặt nghiêm không cảm xúc, ông nói: "còn thì giờ, chúng ta hãy giữ cái ấn nầy để gởi đi Paris”.
Người đối thoại không trả lời, nghiêng người nói nhỏ vào tai của người bên cạnh, trước khi lắc đầu không ưng thuận. Chỉ vài phút sau biểu hiện nền bá quyền lâu năm của Tàu trên xứ Việt đã tiêu ma thành một khối bạc không hình thù.

3.- Pierre Daudin nhận xét: thật đáng tiếc quốc ấn của vua Gia Long đã chịu số phận thế ấy; người ta có quyền than phiền quyết định không lấy lại được của các đại thần không giữ lại kỷ niệm và kỷ vật của một vương lãnh vĩ đại là Gia Long.
Các khuôn dấu từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị vẫn được dùng trong triều chính. Hằng năm các khuôn dấu nầy được chùi rửa một lần. Lễ rửa triện tổ chức long trọng, mọi triều thần đều tham dự. Lễ ấy gọi là Phất Thức. Phất thức cuối cùng (tình từ năm xuất bản 1937) nhằm vào ngày 24 tháng 12 (5 Fev 1937) tại điện Cần Chánh.---

========================================================

Huế, Linh Mụ nhìn qua Nguyệt Biều, xa mờ trời cao là núi Kim Phụng







No comments:

Post a Comment