add this

Thursday, October 26, 2023

Phật giáo ra khỏi Ấn Độ

 

        Pháp luân (dharma Wheel)

Phật Giáo Ra Khỏi Ấn Độ

Vương quốc gốc Hy Lạp Bactriane, sau những năm tháng rực rỡ ngự trị đến bờ sông Hằng, đã bắt đầu tàn lụi từ thế kỷ thứ nhất trước JC, nội bộ xâu xé, mở đường cho các bộ tộc Saka, Kouchana xâm chiếm. Nhưng Phật giáo trông cậy vào sắc dân phần nào bán khai nầy để phát triển. Công cuộc ấy đồng thời làm bung nở những nền văn minh sáng chói của Hy Lạp, của Ba Tư và của Ấn Độ, cùng chung sống, tạo nên sự hòa hợp hiếm có trong lịch sử nhân loại.

Một trong những vị vua triều Kouchan đóng vai trò quyết định trong việc phát triển PG là Kanishka. Vương quốc của ông phía Đông giáp Tàu, phía Tây giáp Ba Tư, chiếm toàn vùng Bắc Ấn. Hình như ông muốn theo gương của Asoka hay làm hơn.

cột trụ Asoka

Nhưng Asoka mới nầy xa lạ với Ấn Độ. Về hình dáng, ông mặc áo dài vải dày bó sát người, đi ủng cao, quyết tâm quảng bá PG ở bên ngoài Ấn. Ông đề xướng hội nghị kết tập kinh điển để chuyển kinh điển qua tiếng Phạn. Với ngôn ngữ bác học nầy, PG đã tách khỏi quần chúng không biết ngôn ngữ nầy. PG mất quần chúng nhưng được giới quí phái, học thức trong xã hội. Trong hướng mới nầy, xuất hiện những kỷ yếu triết lý, có chú giải và phê bình. Những nhóm hoằng pháp mới đi đến các nơi xa mà dân chúng chưa bao giờ nghe tên Đức Phật, chưa nghe Chánh Pháp; họ được bảo vệ và giúp đỡ tối đa, dưới uy tín và nhiệt tâm của nhà vua.

Họ đã đến Trung Á, Tàu và Tây Phương, có rất nhiều tín đồ mới. Sự lưu động của họ làm cho thế giới Hy Lạp nhớ lại chu kỳ gió mùa họ đã quên. Gió mùa đã giúp phục hồi giao thông bình thường giữa các hải cảng Hồng Hải, vịnh Ba Tư và duyên hải Ấn Độ. Các thương gia Tây Phương đến lập nghiệp ở tiểu lục địa Ấn theo PG để dễ sinh sống, dễ giao thương với địa phương mới. Họ giúp tiền của, phương tiện để khoét núi hay đào hầm làm chỗ ở của tăng đoàn.

Ảnh hưởng của lớp người mới theo nầy được thấy rõ qua sự chuyển hóa các tín ngưỡng. Tiểu thừa chuyên chú tu học trong các thiền viện nay có thêm đại thừa mang tính cách năng động của một giáo hội vô vụ lợi hoạt động không ngừng. Những "vị Phật" mới thế chân Thích Ca, đứa con của Ấn Độ, từng đoàn bồ tát thực thi hạnh bồ tát.

Và chính Phật Giáo cải biến nầy đã ''chiếm'' Tây Ba Tư, Trung Á, Tàu, Đại Hàn, Nhật Bổn, bán đảo Đông Dương và các quần đảo khác trong Ấn Độ Dương.

Nhưng chính trong nội địa Ấn, thời đại huy hoàng của PG đã cáo chung, không còn Asoka. Khi Hung Nô chiếm Punjab thế kỷ thứ 6, giáo hội tại Ấn không tìm đâu ra một Kanishka mà thấy trước mặt đứng sừng sửng một kẻ đối nghịch vũ phu, đã ươm mầm cho giai đoạn đen tối với Islam. Khi người muslim trong đà tiến vũ bão càng quét Bắc Ấn thế kỷ 11, PG Ấn đã suy sụp, tan biến, không để lại dấu tích, dù là dấu tích những ngày hấp hối. Vô cùng ngạc nhiên, một tôn giáo lớn đã biến mất bất thần ngay tại nguyên quán, là một nước Ấn Độ rộng lớn có rất nhiều hình trạng từng vùng khác nhau. Có thể quy đương lý do cho tính cách phá hoại quá khích cực độ của Hồi Giáo; nhưng Bà La Môn không được đối xử khá hơn PG bởi người muslim mà vẫn sống sót sau các cuộc thử thách, tìm những nguồn sinh lực mới để đứng dậy và mạnh mẽ như xưa.

PG dễ bị tấn công thiệt hại hơn vì được tổ chức đầy đủ hơn. Người muslim chỉ việc đốt các tăng già là đủ chấm dứt đời sống của giáo hội. Bà La Môn cũng có những tu viện, những nơi an dưỡng tĩnh tâm, nhưng đó là một định chế thứ yếu; mất đi không gây nguy khốn hoàn toàn cho việc hành đạo và đời sống tôn giáo của tín đồ. Trong khí đó, với PG, tăng già là trung tâm, là cái nôi nuôi dưỡng, linh hồn của tôn giáo; không tăng già thì không có tăng sĩ làm dây liên lạc giữa tín đồ và giáo pháp.

Nhưng việc xâm chiếm của muslim không xẩy ra một lúc và toàn diện khắp Ấn Độ. Muslim phải mất hơn bốn hay năm thế kỷ mới tiến sâu vào miền Trung và miền Nam của tiểu lục địa Ấn. Không thiếu gì những nơi ẩn khuất, những quận hoạt xa xôi; những nơi nầy có những tín đồ trung kiên quanh các tu sĩ chân chính, gây dựng lâu dài sức kháng cự, truyền cho hậu thế những truyền thống ngàn xưa, ngày khôi phục ắc sẽ đến.

Sự thật thế kỷ 13 đã có một ông hoàng xứ núi Sivalik, trung tâm Punjab, trong vùng đã hoàn toàn chế ngự bởi muslim, một lòng trung thành với PG, đã trùng tu Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật Thích Ca Giác Ngộ, làm nơi hành hương cho vô số tín đồ theo Phật. Đây là trường hợp duy nhất.

Đời sống PG tại Ấn Độ đã chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn ngay sau những lần xâm chiếm đầu tiên của muslim. Trong lúc ấy, cực Bắc là Népal, cực Nam là Tích Lan, hai xứ nầy vẫn trung thành với PG. Đồng thời tất cả Đông Á, Tây Tạng, Tàu, Đại Hàn, Nhật Bổn, Đông Dương, Quần đảo Ấn Độ Dương, Nam Dương tiếp tục nhiệt thành thờ phụng các vị Phật, Bồ Tát truyền từ Ấn Độ qua.

Sự tương phản nầy có thể giúp giải thích bí ấn lịch sử nầy. PG, vì nội lực và các biến cố lịch sử, đã mất dần tính cách quốc gia nguyên thủy, để mang khuôn mặt mới ngày một thêm phổ quát.

Sự phát triển đại thừa, nhân khi xóa bỏ tính chất lịch sử của Thích Ca, ý thức hay không ý thức, đã cắt đứt những liên hệ mật thiết cuối cùng giữa PG và quê quán của PG. Các vị ‘’Phật Mới” không có một lịch sử tích cực rõ ràng, không có một vùng địa lý linh thiêng, và không cần định vị một nơi sinh như Ca Tì La Vệ. PG dần dần tách khỏi những nơi nầy để trở thành một tôn giáo theo nghĩa tân thời của danh từ nầy, là một hệ thống giáo lý và cách hành đạo, nhằm kết hợp tín đồ trong một công đồng nới rộng mà không quan tâm đến những hình thức xã hội. PG chỉ đòi hỏi giáo đồ giao cho trách nhiệm giữ mối liên lạc với đấng linh thiên huyền nhiệm. Ngoài ra, những việc khác dành cho các tổ chức ngoài đời.

Thành công về ý thức của PG là ở đặc điểm ấy. PG không đảo lộn quốc gia mà PG được du nhập; PG bước vào nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Đôi khi người truyền đạo ứng xử như thầy thuốc thuộc về một nền văn minh cao hơn, biết thuốc men và cách chữa trị các bệnh tật. Và như có thêm cánh tay hữu dụng, ông biết nhiều chuyện kể cảm động, gợi những tình cảm sâu đậm và dịu êm nơi linh hồn của con người ở bất kỳ khung cảnh sống nào, điều kiện sống nào: Êm đềm, nhân ái, dịu dàng, tận tụy. Ông biết dùng những hình ảnh để minh họa bài giảng, điêu khắc, hội họa trong kho tàng nghệ thuật của Ấn được làm giàu bởi văn minh Hy Lạp và Ba Tư. Ông có một số thân chủ mới kính trọng ông, trò chuyện với ông; nhiều nhà tôn giáo cũng đến thăm hỏi đàm thoại. Tiếp đến là một tu viện được dựng lên làm lò lửa ấm, làm khuôn mẫu tu học.

PG có quyền hưởng vinh dự chiếm một phần của quả đất mà không cần dùng tới vũ khí. PG đã nếm mùi thanh trừng, có kẻ chết vì đạo; những kẻ đối nghịch kết án PG làm hủy hoại trật tự hiện có bằng cách nêu cao sự thánh thiện của chủ trương độc thân, đặt các bổn phận gia đình dưới bổn phận tôn giáo. Nhưng không ai trách cứ PG đã dựng một xã hội mới đối nghịch với xã hội hiện có.

Trái lại PG yêu mến guồng máy xã hội bên ngoài đã giúp đỡ PG được an bình mà lo những nhiệm vụ tinh thần. Bên Tàu, Khổng giáo đã giúp việc nầy. Ở Cambodia, Chiêm Thành, Java, Sumatra, PG được những sự hổ trợ của các giáo phái Bà La Môn đặc biệt là phái Siva.

Ở Đông Dương và các quần đảo trong Ấn Độ Dương, PG không bị đe dọa bởi các tôn giáo bạn. Phái Siva hay phái Vishnou cùng PG là những thứ ngoại nhập, vua chúa, giai cấp quý phái chấp nhận các tôn giáo nầy như một nền văn hóa sang trọng và thuần nhuyễn; chưa tạo thành một nền văn minh ăn sâu vào quần chúng. Dân chúng cứ tiếp tục cuộc sống bình thường, chẳng để ý các giới luật Bà La Môn.

Nhưng tại nội địa Ấn thì sự việc khác xa. Bà La Môn cấu kết, đồng hóa với trật tự xã hội. Trái với PG có lý tưởng nhân bản toàn diện, Bà La Môn gìn giữ tối đa tính chất Ấn của mình. Trong cái xứ tập hợp nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ, Bà La Môn là biểu tượng thống nhất rõ ràng và được đa số công nhận. Đứng trước một tôn giáo là Islam, tay cầm kiếm tay cầm lửa, Ấn Độ - trong một động tác đột khởi và đồng tình – phải tỵ nạn núp dưới sự bao che của Bà La Môn. Rõ ràng trong lịch sử, Ấn đã chịu bao lần vị xâm chiếm, nhưng chưa có kẻ xâm lăng nào mang hình ảnh và sứ mệnh một tông đồ. Chưa có kẻ xâm lăng nào nghĩ tới việc triệt tiêu các thần linh, các đền đài, những định chế của xứ sở để áp đặt trên những điêu tàn ấy, một thần linh mới (un dieu nouveau), một sự sùng bái mới, một công đồng mới mà ai cũng cho là cố ý phá nát các truyền thống và tổn thương lương tâm con người.

Duy chỉ giai cấp (Bà La Môn), với những quyền năng và đặc quyền điều dẫn xã hội, có thể bẻ gảy tuyên truyền bằng khủng bố của muslim.

PG ở Ấn mấy thế kỷ rồi đã mất nguồn hứng khởi lúc sơ khai; không còn là một tôn giáo mà thành một trường phái. Các du ký hành hương của người Tàu, đặc biệt là Huyền Trang cho chúng ta những ảo tưởng. Chúng ta đang nói về những trí óc đã có tiền ý, những nhà du lịch ngoan đạo không biết gì và không muốn biết ngoài giáo hội của mình, không phải là những nhà thám hiểm mà chỉ là những nhà tôn giao muốn vinh danh hơn là học hỏi.

Hãy lấy can đảm tự hỏi từ triều Goupta (thế kỷ 4) vai trò của PG ra làm sao ở Ấn Độ nếu chúng ta chỉ tự giới hạn trong sử liệu Ấn và không biết tới du ký của Pháp Hiền, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Lúc đó, chúng ta sẽ xem PG như một trong những trường phái triết học Ấn, như phái Vedenta (ở Ấn gọi là PG trá hình) hay phái Sankhya.

Một số sáng tác hổn tạp trá hình PG nhiều hơn kinh điển hiện đã quy tập. Dưới danh nghĩa PG nhưng thật là mớ hổ lốn của ma thuật, phù thủy, phồn thực  (érotisme, obscénité). PG đã hoàn toàn đồng hóa với Ấn Giáo Bà La Môn; giữ lại những danh từ thay nghĩa, rỗng nghĩa từ PG chính thống. 

Với sự thể nầy PG không có gì ích lợi đem hiến tặng Ấn Độ. Phật Giáo phải mất dạng vì đã mất lý do tồn tại.

Vai trò lịch sử của PG xưa là nhịp cầu giao tiếp giữa Ấn Độ và các quốc gia để luân lưu khắp thế giới những yếu tố căn bản có giá trị phổ quát hoàn vũ nằm trong kho tàng mà nền văn minh Ấn duy trì cẩn mật.

Chừng nào còn làm vai trò nầy, PG trở nên năng động và đầy sức lực. Khi Ấn Độ tự co rút, PG mất sức sống, gầy mòn, suy sụp. Khi Ấn bị vây khổn, cầm tù bởi ngoại bang gây hấn, PG chết. Lớn mạnh trong phẩm giá của một tôn giáo phổ quát hoàn vũ, PG không thể sống sót qua cơn tai ương quật trên xứ sở và cô lập PG.

Hiện nay các nhà tư tưởng trên thế giới đang đón chờ Ấn Độ trở mình chống chỏi sự quên lảng hơn ngàn năm nầy, vinh danh Thích Ca Mưu Ni như một trong những vinh quang của Ấn Độ, trả lại PG vị trí một truyền thống vĩnh cửu của tiểu lục địa nầy.-


GHI CHÚ   

Đây là câu trả lời câu hỏi "Phải chăng PG chỉ là một hình thái thứ yếu trong văn minh Bà La Môn" trên tập san giáo dục Bắc Kỳ (Bulletin de la Société d'enseignment mutuel du Tonkin 1934). Ức đoán người viết là Nguyễn Văn Tố.

Năm 1963, chúng tôi như con vẹt lấy từ cuốn sách về cải cách ruộng đất bất bạo động mà nói rằng Asoka biến PG thành quốc giáo và do đó PG phải ra khỏi Ấn. Lúc ấy PG đang lên chân, sau đảo chánh,  y như sẽ có một chế độ giáo quyền (theocracy) kiểu Tây Tạng.
Chúng tôi nói sai theo, Asoka không tuyên bố PG là quốc giáo, ông chỉ cấm giết súc vật cúng tế, bỏ án tử hình, ông cho khắc trên đá lời Phật để dạy dân chúng, đưa PG đến tận Ai Cập.

Bài viết nầy xem vua Kouchan là Kinishka như một Asoka mới và  chính ông nầy đã mở đầu diễn trình PG ra khỏi Ấn Độ.

Bài bằng tiếng Pháp rất ''Nguyễn Văn Tố" nầy có một chữ khó hiểu là "humain'' mà trong ngữ cảnh hàm ý mất tính chất địa phương, chúng tôi dịch là phổ quát, (thay vì nhân bản) vì trong bài dùng chữ universel. Một chữ khác là "les nouveaux Bouddhas", chúng tôi dịch sát nghĩa là các vị Phật mới và để trong ngoặc kép, thiết nghĩa tác giả ám chỉ các ngài tiếp chân Phật Thích Ca như Long Thụ. Nhiều sách khác không ngần ngại xem Long Thụ là Đệ Nhị Phật.

Quốc huy Ấn Độ
Sau khi chiếm gần hết Ấn, Alexandre Le Grand rút về cố quốc, để lại rất nhiều binh lính, định cư tại chỗ; ông cũng mở phong trào di dân từ Địa Trung Hải lên Bắc Ấn. Dân mới tới lập ra các quốc gia nhưng độc lập với Hy Lạp như Mỹ với Anh Quốc, sách địa dư gọi là các vương quốc Hy Lạp không được rõ (royaume grec). Kinh nghiệm một PG ra khỏi sinh quán làm liên tưởng hình thái Do Thái Giáo Rabinic. (Rabbinic judaism) Rabbin là pháp sư, truyền đạo, hành đạo nơi nơi không cần một đền thờ gốc ở Do Thái.

Bài viết từ 1934 dự phóng sự trở mình của Ấn Độ. Vũ Văn Mẫu viết trong lời dẫn nhập sách tư pháp rằng Ấn Độ mới từ khi độc lập 1949 đã dùng giáo lý PG làm căn bản tinh thần của quốc gia mới qua sự chấp nhận Pháp Luân trên quốc kỳ. Quốc huy mới của Ấn Độ độc lập giống như "đầu cột trụ Asoka'' có bốn sư tử đâu lưng và bốn hình Pháp Luân. Nhưng Asoka và PG xem như hai mặt của đồng xu.-

====================================

 

No comments:

Post a Comment