add this

Tuesday, December 5, 2023

 

    Chu An Lai và Tôn Duy Thế, Moscow 1939

Nát một đời hoa 

con gái nuôi của Chu An Lai

The Woman Back from Moscow by Ha Jin

Perry Link The NY Review Dec 7 2023


Cuốn sách nầy sẽ bị Bắc Kinh trừ khử. The Woman Back from Mosow: In Pursuit of Beauty là cuốn tiểu thuyết dựa theo đời sống thực của Sun Weishi, (孙维世 Tôn Duy Thế) con gái nuôi của Chu An Lai nhờ trí óc tinh duệ và ráo riết học phương pháp đóng kịch ở Moscou, đã lên vị trí tột đĩnh ngành kịch nghệ trong những năm Mao nắm quyền. Sắc đẹp và sức sống tràn đầy đã thu hút nhiều yếu nhân, ngoài bố nuôi một lòng thương mến, còn có tướng Lâm Bưu ly dị vợ xin cưới (bất thành); dĩ nhiên có Mao nữa, đã hiếp dâm nàng trên chuyến du hành xa bằng tàu hỏa. Nàng có bao nhiêu người hăm mộ đeo đuổi; cuối cùng nàng kết hôn với ngôi sao điện ảnh Jin Shan.

Ha Jin, cựu binh sĩ TC đến Mỹ năm 1985 lúc 29 tuổi để học tiếp đại học, đã viết 10 tiểu thuyết bằng tiếng Anh, thi ca, truyện ngắn và luận văn. Với lời văn nhẹ êm, Ha Jin đã đưa vào cuốn sách những điều Bắc Kinh cho là hơn cả sự thật về đảng CS Tàu. Nhà xuất bản phải cẩn thận lưu ý đấy là cuốn tiểu thuyết, trùng tên nếu có chỉ là tình cờ.

Tuy nhiên tác giả kê rõ năm cuốn sách tham khảo. Mặc dù các lời đối đáp là hư cấu, ông nói, các sự kiện, những chi tiết lớn nhỏ trong cuốn truyện đều có thật. Sự thật nhiều khi còn quái dị hơn tiểu thuyết. “Tôi đã cố sức trung thành với cuộc đời thực sự của Tôn Duy Thế”.

Tai tiếng, bậy bạ đâu chẳng có nhưng ở Trung Cộng kể chuyện thật là một điều vô cùng hệ trọng, bởi vì điều nầy đặt câu hỏi về tính chất chính thống của chế độ. Mặc dù “gia đình đỏ” (con cháu của tay chân dưới quyền Mao) nắm hết giai tầng lãnh đạo xứ sở, chúng không có quyền nầy theo truyền thống từ thời đế quốc cha truyền con nối. Quyền nầy cũng không do bầu cử, đảng CS Tàu có cho bầu cử đâu.

Chính vì vậy, CS cần có một bộ áo luân lý chính trị mặc cho các sự kiện như trường chinh đến Diên An lập căn cứ, như việc thành lập cộng hòa nhân dân 1949. Bộ áo ấy tẩy sạch các vụ thanh toán sát hại tập thể và chết đói. Bộ áo ấy mang tính chất tôn giáo linh thiêng. Quần chúng không nên và không quyền thắc mắc, nghi vấn nầy kia.

Giữ gìn lịch sử “nhà nước” là nghề của đám người gọi là sử gia tạo nên một quá khứ, không cần để ý mâu thuẫn vô lý của sự kiện lịch sử, không cần biết có thật hay không. Vì vậy, sử gia đỏ của Bắc Kinh và chính Bắc Kinh sẽ đóng vai trò con chó săn to lớn với con thỏ yếu hèn là cuốn tiểu thuyết này của Ha Jin. Tiểu thuyết của Ha Jin chính là sự thật, không như lịch sử viết theo chỉ thị của đảng.

Mao hư cấu, Lâm Bưu hư cấu nhưng Ha Jin đã lột mặt nạ đạo đức thần thánh để “hư cấu” những con người thật, tầm thường không hơn gì ai.

Bối cảnh văn hóa của The Woman back from Moscow là văn hóa của giai cấp thượng lưu đỏ, khác xa với người dân bình thường. Từ những hang xó bụi bặm ở Diên An trong thập niên 1930 đến cuộc đấu tranh giai cấp đầy máu của thập niên 1960, nhà nào cũng có đầy tớ dọn dẹp, có người nấu cơm sẵn đem đến, có người giữ cửa. Giang Thanh vợ của Mao sống trong biệt thự, có một đoàn tớ gái, có du thuyền.

Khá lạ, cái khổ đau của giai cấp lãnh đạo cũng khác cách khổ đau của quần chúng nghèo. Tôn Duy Thế và đồng nghiệp biết rõ vụ Mao tấn công phim 武訓傳 Vũ Huấn Truyện (cuộc đời của Vũ Huấn) năm 1951. Mao muốn nắm kỹ nghệ điện ảnh, tố cáo phim nầy tiêu biểu thỏa hiệp, âm mưu chung giữa các thế thực phong kiến phản động. Lời của Mao như án tử hình. Tuy vậy, cô Thế và bằng hữu không bị hành quyết như hằng triệu địa chủ trong kỳ cải cách ruộng đất từ 1949 đến 1953.

Giai cấp nầy sống trong vỏ bọc nhưng không thể gọi là được che chở. Không khí căn thẳng và thiếu tương tín. Tình cảm gia đình vẫn có nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh vì mục đích chính trị. Lưu Thiếu Kỳ phá hủy hôn nhân hai đứa con vì nhu cầu cách mạng. Chu An Lai cho mọi người thấy ông thương yêu cô con gái nuôi. Ông dạy cách sống còn: chỉ có một lối duy nhất là hãy cẩn thận khi viết thư. Con cứ xem như thư con gởi bố trước khi đến tay bố, đã có người đọc trước. Nhưng trong thời cách mạng văn hoa, Chu An Lai lưỡng lự có nên hy sinh cô Thế để tự vệ, khỏi bị Giang Thanh nuốt sống; ông đã quyết định ký lệnh tống giam con gái nuôi để cô bị tra tấn và chết trong tù. Dì của Tôn Duy Thế phải nói rằng bề ngoài điềm đạm tử tế của Chu An Lai không che kín con rắn biết cười ác độc.

Nhưng trường hợp của họ Chu đâu phải duy nhất, ngoại lệ. Ông sống trong khung cảnh mà không ai tin ai, chỉ tin chính mình. Nhà Hoa học danh tiếng người Úc Simon Ley đã nói: so sánh đảng CS Tàu với Mafia là điều bất công cho Mafia. Trong Mafia, tình huynh đệ là nòng cốt sống còn của tổ chức. Kẻ bại trong chính trị nội bộ CS Tàu không được phép về vườn, mà phải vô tù hay bắn bỏ. Chu An Lai không cố ý kết liễu đời Tôn Duy Thế; nhưng ông phải chọn giữa chính ông và nữ đạo diễn điện ảnh, con gái nuôi của ông.

Quyền hành chính trị chi phối mọi tương tác, cho nên luôn có câu hỏi: ta sẽ dùng kẻ ấy như thế nào?

Khi thức giấc trên xe lửa nằm bên cạnh Tôn Duy Thế, Mao châm điếu thuốc, phun khói từ hai mép môi. Mao nói: tôi phải nói với cô rằng cô đã mất trinh từ lâu…Hãy gia nhập tác vụ của tôi; tôi cần sự giúp đỡ của cô, tôi sẽ cân nhắc cô. Tôn Duy Thế chưng hửng, khóc chạy khỏi toa xe, Mao giữ lại và nói trước khi để nàng đi: Dù cô không muốn làm việc với tôi, hãy giữ mãi trong đầu rằng tôi sẽ hân hạnh giúp cô, khi cô cần đến tôi.

Một số năm sau, Tôn Duy Thế cần đến Mao. Hồng Vệ Binh đang tra tấn anh của nàng Tôn Dương về tội viết tiểu sử ca ngợi Chu Đức (Zhu De 朱德) sáng lập Quân Đội Giải Phóng mà Mao đang giành chức nầy. Mao hứa sẽ điều tra, nhưng chỉ hứa lèo, làm chi có cảnh nạn nhân hiếp dâm được kẻ bạo hành giúp đỡ.

“Văn chương vết sẹo”, sau khi Mao chết, phơi bày nhiều chuyện đau thương đem trình khiếu nại với chính kẻ tạo ra đau thương. Sự thể nầy chỉ xẩy ra khi một đảng duy nhất thống trị. Nhà văn Zheng Yi viết lại câu chuyện của một thiếu phụ có con học mẫu giáo bị giết vì bố nó thuộc giai cấp kẻ thù. Ba người đã dùng dây thừng buộc bé sau xe kéo cho đến khi bé chết. Mười lăm năm sau có ba người cùng bí thư đảng ủy đến nhà bà “xin lỗi”, bà phải tốn công mời trà nước.

Những ngày trước khi chết trong tù năm 1958, Tôn Duy Thế luôn bị công an vào hạch hỏi các mối liên hệ của nàng; chúng cần những tin tức tình báo dùng trong công tác chính trị về sau. Công an luôn hỏi về sinh hoạt tính dục (sex) của nàng. Chúng hỏi nàng Chu An Lai thương mến như con nuôi hay vì xác thịt. Những bằng chứng nầy chẳng giúp gì cho nàng, chẳng thêm chẳng bớt qui chế xã hội của nàng. Nhưng hữu ích vô cùng cho Giang Thanh để hạ đối thủ họ Chu. Có lần cô Thế phải nói: sao các ông chỉ lo nghĩ đến cái gì đeo tòn ten nơi háng của lãnh tụ tối cao của đảng mình?

Năm 2016, Xu Zhang-run, một giáo sư danh tiếng đại học Tân Hoa xuất bản một số luận văn phê bình các chính sách của Tập Cận Bình theo nhãn quan học thuật chính thống. Các bài nầy rất sâu rộng, viết bằng Hán tự bán cổ điển. Tập cần phải chống lại, nhưng không có cách gì hơn là cách chức tác giả, không cho hưởng lương hưu, câu lưu. Và hơn thế nữa, ông bị ra tòa về tội lui tới nhà thổ ở Tứ Xuyên.

Giữa thập niên 1990, bác sĩ riêng của Mao, Li Zhisui (李志綏 Lý Chí Tuy) xuất bản cuốn sách về đời tư của Mao. Nhờ đó, dân Tàu mới biết lãnh tụ vĩ đại mê chơi gái vị thành niên. Con lợn lòng của Mao to đến mức xóa mờ các tội ác gây chết chóc, khốn khổ triệu triệu người Tàu.

Ha Jin quả quyết trong xã hội thâu hẹp có TDT, không tìm đâu ra một chi tiết nhỏ thuộc về lý tưởng giúp dân và xây dựng một nước Tàu XHCN mới. Các lãnh tụ tối cao nghĩ chi chuyện đó cho mệt. Giang Thanh muốn lập ra một đường lối hát xẩm mới (new Chinese Opera) để tạo uy danh cá nhân chứ không vì xã hội.

Mao không bao giờ nói với TDT lý thuyết tập thể hóa nông nghiệp. Nhưng khi cô chiếu cho xem một đoạn phim bom nguyên tử nổ, Mao như bị lửa đốt trong lòng, và từ đó ám ảnh bởi ý nghĩ Tàu phải có loại bom nầy.

Tuy vậy vẫn có một số người giữ lý tưởng và hy sinh đời mình cho các lý tưởng ấy. Ha Jin đã đem TDT làm ví dụ điển hình. Năm 1939, TDT được gởi đi Moscou cùng với Chu An Lai; họ Chu cần đi Nga chữa bệnh. Xong việc Chu An Lai về nước nhưng TDT ở lại. Cô học tiếng Nga, đồng thời theo học lớp kịch nghệ. TDT say sưa thán phục các nguyên tắc kịch nghệ của Stanislavski: diễn viên phải đưa các nhân vật mình đóng vào chính mình, thẩm nhập tư tưởng, cảm nghĩ, lo âu của họ khi đang diễn trên sân khấu hay đứng ngoài sân khấu. Diễn viên phải chú tâm hoàn toàn vào vở kịch dù chỉ đóng vai câm, không đối thoại.

TDT nghĩ rằng những khuôn vàng thước ngọc ấy có thể thực hiện bằng cách đạo diễn tuồng hơn là làm vai kịch sĩ. Trở về xứ thập niên 1950, cô thực hiện thành công quan niệm nêu trên và trở thành nhà đạo diễn tài ba và soạn các vở kịch riêng của mình.

TDT dựng vở kịch Pavel, phỏng theo cuốn “Thép Đã Tôi” của Nikolai Ostrovsky xb 1936. Nghệ thuật tuông tràng từ nội tâm; các phê bình gia hỷ hạ, giúp cho TDT nềm vui ngoài dự tưởng. Tiếp đến nàng nghe lời khen của Mao rằng nàng “đã đem vinh dự cho Tàu và cho đảng”.

Nhưng nàng nghĩ khác, nàng thất vọng vì câu nói ấy. Khi đưa lên sân khấu tuồng Pavel, nàng không có một động lực chính trị nào và nàng không thích Mao áp đặt chủ quyền quốc gia lên việc làm vì nghệ thuật của nàng. Dần dà nàng đi đến kết luận: mọi tài năng nổi trội trong nghệ thuật sẽ được giới chức quyền chú ý và nhào nắn theo ý riêng dùng vào các mục tiêu chính trị. Vậy thì sáng tác vô duyên, vô ích. Mà còn nguy hiểm; mọi canh tân sẽ làm mình tách khỏi nhóm, trong lúc trên xứ Tàu muốn yên thân không nên làm gì khác người, sống bình thường là tốt nhất.

Trong thời cách mạng văn hóa, TDT được đưa về làm việc trong một giếng dầu tại thị trấn xa xăm Hắc Long Giang (Heilongjiang 黑龙江), làm việc như một công nhân bình thường và có dịp tìm hiểu đời sống cơ cực của phụ nữ. Nàng viết vở kịch Mặt Trời Lên, trình diễn thành công ở Bắc Kinh và các thị trấn lớn. Đây phải là một ví dụ thi hành chỉ thị của Mao trong bài học tập tại Diên An 1942. Mao yêu cầu các nhà văn đến gần công nhân, nông dân, binh sĩ, xem xét họ làm việc ra sao, sống ra sao và đưa cuộc tranh đấu của họ vào nghệ thuật.

Nhưng tác phẩm của TDT bị kết án là tiểu tư sản phản động. Nàng dùng giá là chính cuộc đời mình để mua bài học: Mao chỉ muốn văn nghệ sĩ trung thành với đảng, sáng tác trong khuôn viên của đảng, một sản phẩm của đảng.

Kinh nghiệm sân khấu của TDT là một kịch bản mô tả số phận của “nghệ thuật XHCN mới” thập niên 1950. Văn nghệ sĩ các ngành ủng hộ chế độ mới, và nâng cao giá trị các lý tưởng. Một trong những phương tiện chính là lối hát cố hữu của Tàu là xiangsheng (tương thanh 相聲) đối đáp bình dân chế riểu, tiếu lâm khôi hài. Đảng ra lệnh biến cốt lỏi châm biếm thành phương tiện ca ngợi chính thể mới. Nhưng khổ nỗi làm sao khen ngợi chính thể bằng đường lối châm biến chế nhạo? Tuy vậy, đến 1956 một số tương thanh được thí nghiệm thành công, có cơ may thành một nghệ thuật XHCN mới. Giống như trường hợp sân khấu của TDT, đảng không muốn thấy ai xuất chúng hay có sức sáng tác tự khởi ngoài chỉ thị của đảng. Năm 1957, He Chi, người cải biến xuất sắc nhất bị kết án hữu khuynh với 20 năm tù tập trung lao động. Cuộc thí nghiệm tương thanh chấm dứt.

Những đều trên xẩy ra không riêng cho giới văn nghệ mà là điều kiện sống của dân Tàu từ khi có CS cho đến nay. Khi trường học, nhà thương, mọi cơ sở văn hóa xã hội biến thành các đơn vị sản xuất do đảng lãnh đạo, không ai muốn hay dám hỏi: tôi sẽ làm gì giúp ích cho cộng đồng?” Thay vào đó là câu hỏi: trong cơ cấu mới nầy tôi sẽ làm gì để kiếm lợi nhiều hơn cho gia đình?

Sự khác biệt giữa hai đời sống quan và dân từ trên xuống dưới ở mọi nơi, mọi thời ở TC. Bạn hỏi chung một câu hỏi, dù câu hỏi của đảng, bạn sẽ có vô số câu trả lời, trái nghịch nhau.

Khoa học gia Fang Lizhi (方励之 Phương Lệ Chi) kể rằng năm 1989, ông Teng Teng phó trưởng ban giáo dục nhà nước Tàu đã mời đại sứ Mỹ James Lilley đến văn phòng trách cứ hạch hỏi tại sao HK dung chứa sinh viên Tàu kết án thảm sát Thiên An Môn. James Lilley mới trở về nhiệm sở chưa được hai giờ thì có điện thoại của thư ký riêng của Teng Teng yêu cầu Lilley chăm lo cho vợ và con của Teng Teng vừa trốn vào tòa đại sứ xin tỵ nạn.

Nếu nước Tàu có chăng một lương tâm chung từ thượng cổ, thì lương tâm ấy nứt rạn. Từ khi nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình cấm ấn hành sách sử nào không được đảng CS phê chuẩn. Một số sử gia chui (underground historian), theo một tác phẩm của Ian Johnson, cùng giới làm phim, văn nghệ sĩ dùng những phương tiện thô sơ nhất, phơi bày bằng chứng trại cưỡng bách lao động, nạn đói, thảm sát tập thể và các cảnh tượng kinh hãi mà chính quyền quả quyết không có. Việc làm nầy khó như dùng tay đào tìm những chứng tích sâu trong lòng đất.

Ha Jin là một chiến hữu trong chiến dịch nầy nhưng ông dùng phương tiện tay không khác với các sử gia chui vừa nêu; phương tiện nầy là ngòi bút tài tình, vận dụng những tài liệu về sự thật, nghiên cứu tới nơi để cùng Ian Johnson làm sống dậy những chuyện đã bị ngâm tôm gần thế kỷ.

Dân Tàu đã biết khá nhiều nhưng nếu đọc sách của hai tác giả nầy họ sẽ hệ thống hóa các nguồn tin. Nhưng có khác thêm, Ha Jin đã đưa các sự kiện vào nội tâm rồi cho trở ra trang sách.

Tàu đã có diễn nghĩa, truyện theo sử (tam quốc diễn nghĩa) để đọc hay làm chuyện kể. Hình thức nầy được dùng trong thời của Mao, lén lút kể hay chép ra giấy; kể những việc làm (thật có giả có) của Mao, của Chu An Lai, của Lâm Bưu và các chóp bu CS Tàu. Nhưng những thứ nầy không có nét thâm sâu truyền cảm nội tâm như tác phẩm của Ha Jin. Đồng thời độc giả biết thêm về đời sống của các nhân vật, không chỉ là những tên đơn thuần trong các diễn nghĩa.

Ưu điểm của The Woman Back from Moscow là thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mọi giới. Bình dân thích chí, trí thức vừa lòng như Cô Gái Đồ Long, như Hán Sở Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc.

Chưa có bản dịch ra chữ Tàu, mà có thì Bắc Kinh sẽ không cho ấn hành. Ngày nay ước chừng 80 triệu người Tàu dùng internet, cộng với người Tàu hải ngoại sẽ cùng Ha Jin phơi bày tính chất phi nhân của CS Tàu, như một con rắn biết cười Chu An Lai ký lệnh tống giam con gái nuôi Tôn Duy Thế để làm vừa lòng địch thủ Giang Thanh, để thấy con ma dâm Mao Trạch Đông giết triệu triệu người.

No comments:

Post a Comment