add this

Sunday, July 14, 2024

Quốc gia hưng vong phu xe hữu trách

     Thẻ căn cước Quốc Gia Việt Nam, Phủ Thủ Hiến Bắc Việt 

Quốc gia hưng vong . phu xe hữu trách

Tôn Thất Tuệ

Số là có mấy người VN hăng máu vận động bầu cử Mỹ 2024 và dùng tám chữ "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" làm khẩu hiệu, slogan in chữ rất to. Phe nào phía nào cũng nói nước Mỹ đang lâm nguy, theo kiểu của riêng mình và kêu gọi người VN bỏ phiếu cho gà nhà, vì dù có làm cu li, đơ dem cùi bắp, đều hữu trách, thất phu hữu trách mà. (Ngày 13 tháng 7, ứng cử viên Donald Trump bi ám sát hụt, chỉ sứt lỗ tai).

Một ông bạn già Hán rất rộng nói ông rất buồn vì tám chữ nầy là biến hóa sai lạc từ hai câu thơ của Cố Viêm Vũ 顾炎武 (1613-1682)
天下兴亡匹夫有责 Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách
国之兴亡,肉食者谋 Quốc chi hưng vong, nhục thực hữu mưu.

Thay vì quốc gia, nguyên tác bắt đầu với hai chữ thiên hạ. Thiên hạ là một lối nói của người Tàu thời xưa để gọi dân Tàu, một phần vì đối với họ, chỉ có người Tàu mới đáng kể, mọi chủng tộc khác đều là man di mọi rợ. Người không rành chữ Hán cũng thấy rằng Cố Viêm Vũ phân biệt thường dân, gọi là thất phu, khác với giai cấp cai trị, mà ta đặt cho cái tên chính khứa bây giờ, vì thiên hạ và quốc không đồng nghĩa với nhau; thiên hạ là chữ để chỉ người trên mặt đất, quốc là một chữ để chỉ một thực thể chính trị. Hai câu đó có nghĩa rằng vận mệnh của dân (Tàu) là trách nhiệm của mọi người dân, (nhưng) vận mệnh của nước (Tàu)  - muốn nói nền cai trị - tùy vào mưu lược của giới "nhục thực".
Nhục thực 肉食 chữ để gọi những người ăn mặn, đối lại với tố thực  素食 chỉ người ăn chay. Thời xưa, người giàu, giai cấp quan lại mới có thịt mà ăn, nên nhục thực cũng là chữ để chỉ những người không phải là thất phu, cùng đinh, hay dân ngu khu đen. Và như thế, đối với học giả Tàu giữa thế kỷ 17 nầy, việc nước không phải là trách nhiệm của người dân mà là việc của các chính khứa.
Thân hữu ấy kết luận email như sau: Từ khi nào thiên hạ biến thành quốc gia thì không biết nhưng rất có thể rằng một chính trị gia xa lông, đã vo tròn bóp méo chữ và ý của Cố Viêm Vũ để dụ những kẻ thất phu làm con chốt thí thân cho tham vọng của chính họ.

B
ạn nghĩ gì khi nghe khẩu hiệu quen thuộc: quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Chữ Hán đã dành, có chi lạ, không có chi phải dị ứng, vì các nước như Mỹ vẫn dùng La Tinh trên quốc huy. Nhưng bạn bị cự nự không ở chỗ đó. Học giả sẽ nói bạn vo tròn bóp méo hai câu mỗi câu 8 chữ của Cố Viêm Vũ, như đã trình bày bên trên.
Nhưng ''quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách'' đã thành một slogan, đã Việt hóa từ khi ý niệm “quốc gia” được thành hình với việc Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, thống nhất gọi là Quốc Gia VN. (danh từ người quốc gia ngày nay từ đó mà ra). Slogan nầy sống mạnh nhờ cuộc vận động chính trị 1954 của ông Diệm muốn nói mọi người cần tham dự công cuộc giữ nước, là trách nhiệm chung. Câu nói nầy không có sự phân biệt của Cố Viêm Vũ, toàn dân # chính quyền. Tất cả chỉ có một.

Quốc gia là một trong cả ngàn chữ mới người Nhật từ đầu thế kỷ 20 đã dùng Hán Tự mà tạo ra để diễn đạt những quan niệm trong khoa học nhân văn và xã hội tây phương không có ở Á Đông, cho người Tàu, Đại Hàn và VN dùng ké. Quan niệm quốc gia và chủ nghĩa quốc gia (nationalisme) xuất hiện từ khi có Cách Mạng Pháp 1789, một trăm năm trước khi Cố nhà mình chết,1682. Nước Tàu và các thuộc địa từ đầu thế kỷ 20 sôi sục về vấn đề quốc tính. Như ở Đông Dương ba nước Việt Mên Lào muốn trở thành ba quốc gia riêng biệt dù hoàn toàn dộc lập hay ở trong Liên Hiệp Pháp. 
Có thể suy đoán chính người Tàu đã sửa câu văn của Cố Viêm Vũ. Tình hình chính trị hai thời khác nhau và cách vận động chính trị cũng khác nhau. Cố Quân sinh ra trong thời Tàu bị Mãn Thanh đô hộ, ông đã tổ chức vũ trang phục quốc và thất bại. Đối tượng vận động của ông là giới có học, có thế lực kinh tế, những quan lại tại chức hãy phản Thanh. Và ông kêu gọi qua sự phân chia hai thành phần xã hội, rất thực tế.
Đến thế kỷ 20 thì vận động quần chúng, toàn dân không phân biệt là việc chính cho nên nói thất phu hữu trách và 8 chữ mới thành một khẩu hiểu ngắn gọn, thay vì 16 chữ.
Thiên hạ hay quốc gia chẳng khác nhau mà chữ quốc gia hợp thời hơn, hấp dẫn hơn.

Ngày nay, thế kỷ 21, chính quyền mới của Tàu đã khuyến dụ các học giả dùng hai chữ "thiên hạ" trái với quan niệm quốc gia hạn hẹp, tạo nên một ý thức hệ toàn cầu, ngõ hầu lý thuyết chính trị đi kịp với sự phát triển kinh tế và thế lực của Tàu trên thế giới, một trật tự mới như thời La Mã có Pax Romana.
Thiên hạ có ba nghĩa. Thứ nhất là quả đất, toàn thể thế giới dưới bầu trời. Thứ hai là lòng người, dân tâm 民心, ý nguyện chung của mọi người. Thứ ba là một định chế địa cầu, một hệ thống phổ quát của toàn cầu, thế giới vô tưởng xem thế giới là một gia đình duy nhất.

Trở về câu nói của Cố Viêm Vũ, "hưng vong" kỳ thật chỉ là vong, lụn bại đi xuống, theo lối nói tùy nghĩa. Lối nầy trong tiếng Việt cũng có. Các con chúng tôi ở xa thường hỏi xóm nhà có mưa hay không vì chúng lo cây cỏ chết khô. Mẹ chúng thường trả lời: "Có mưa nắng chi mô, tưới cả ngày, hết trong đến ngoài". Không có mưa, chứ nắng thì quá dư, nhưng mà hiểu là không mưa. Ô kê xa lem! Cố Viêm Vũ đang nói chuyện vong quốc, ngoại nhân đã tiếm quyền, đâu có hưng gì!
Những người bi quan, những người biết quá nhiều (les hommes qui en savaient trop) thì cho rằng thời nào, chỗ nào cũng thế, đám dân nghèo bị lợi dụng đủ thứ, chỉ ăn bánh vẽ. Đó là:
quốc gia hưng vong phu xe hữu trách.
Hôm qua em đạp xích lô,
bụng đói thấy mồ,
em hô khẩu hiệu bô bô,
em đạp xích lô.--




No comments:

Post a Comment