add this

Monday, January 30, 2023

Putin tính sai

 


    Tân binh Nga nhập ngũ

Putin sai nước cờ

Putin’s Miscalculation * Fred Kaplan điểm sách Putin’s war, Mark Galeotti * New York Reviews of Books, Feb 9,2023. Tôn Thất Tuệ dịch

Gần cả năm nay, ngàn vạn lần được nhắc tới là sự ngạc nhiên bất thường về Ukraine. Chiến cuộc không chấm dứt trong vài tuần hay vài ngày với sự đầu hàng vô điều kiện của Ukraine, tuy tình báo số một, CIA, đã tiên liệu như vậy và chuẩn bị phi cơ cho Zelensky “đi công tác quốc ngoại”. Nhưng giới học thuật đặt vấn đề cách khác.

Lý do cù cưa đến nay phải chăng vì sức mạnh của Ukraine hay là tình trạng tồi tệ của Nga về mọi phương diện. Không nhất quyết về phía nào, học thuật nghiêng nhiều về lý do là sự thoái hóa của Nga về chính địa, và riêng về quân sự.

Mark Galeotti, được xem là chuyên gia danh tiếng về quân sự Nga, phân tích sâu xa hơn lời giải thích của Nato về các nhược điểm quân sự Nga.

Học giả Anh quốc nầy “nhìn thấp” hơn các nhà chiến lược Âu Mỹ. Moscou đã trang bị vũ khí quá nhiều cho các binh chủng hành quân, nhưng chú ý rất ít, bỏ tiền rất ít về những thứ cho là tầm thường, rất “thế tục” đó là tiếp vận. Thiếu phụ tùng thay thế, thực phẩm, nước uống và xe vận tải chuyên chở những thứ nầy. Do đó đường tiếp tế bị tê liệt và tiền tuyến tê liệt theo. Sĩ quan trung cấp được huấn luyện theo lối ôn tập, lập lui lập tới bài cũ, không học gì thêm, học tập chính trị là chính, ngõ hầu tránh những phản loạn trong hàng quân. Cũng trong phần thế tục, lính quân dịch ăn uống không đầy đủ, doanh trại hư nát, lương thấp, những kẻ bảo vệ quê hương nầy không đủ sức xâm chiếm thành công các nước khác.

[Đến đây độc giả sẽ nhớ đến công trạng của hàng hải thương thuyền Mỹ trong thế chiến thứ hai. Tàu buôn bị đánh chìm nhiều hơn tàu chiến; tàu buôn chở súng đạn, xe vận tải, thiết giáp, lương thực. Ngày nay HK chỉ làm chủ 6% hàng hải thương thuyền thế giới, Tàu chiếm 43% sở hữu và Tàu có 63% hải vận, dùng tàu của mình và của người khác. Đó là sức mạnh thực sự của Bắc Kinh về quân sự. Các chiến lược gia tự hỏi nếu lâm chiến thì HK lấy gì mà chuyên chở trên biển. Phi cơ vận tải không đủ sức thay thế tàu thủy. Giới quân sự cho rằng xe vận tại như GMC xưa quan trọng ít nhất ngang bằng với thiết vận xa] Người dịch chú giải.

Trở về Ukraine, không kể tin tình báo tối mật, giới bình dân, báo chí, chỉ nghĩ Putin nhắm đến việc chiếm hết Donbas. Những vũ khí sẵn sàng đem dùng, việc tập trung lực lượng ở biên giới, những thành phần ly khai, và thành phần thân Nga tại chỗ…  đủ để cho Putin thành công. Nhưng nào ngờ, Putin muốn chiếm cả nước Ukraine, cộng hòa XHCN nghĩa lớn nhất trong liên bang Liên Xô xưa,  có 40 triệu dân. Những gì Putin hiện có không giúp ông thôn tính Ukraine dễ dàng, huống hồ nhai sống trong một tuần.

Học giả Galeotti mổ xẻ sự lượng định sai lạc của Putin về sức mạnh quân sự Nga. Năm 1991, khi Liên Sô sụp đổ thì Hồng Quân cũng sập đổ theo. Theo đó, nước Nga mới trên thực tế không có một quân đội theo nghĩa thông thường. Năm 2000, khi Putin lên cầm quyền kế nghiệp Yelsin, quốc gia và quân đội vẫn còn mê mệt, uể oải, ê ẩm của thời sau chiến tranh lạnh; có nghĩa thiếu sức hoạt động.  Trong 15 năm tiếp theo, nền kinh tế được bơm nhiều tiền nhờ dầu hỏa và có cải tổ thương nghiệp; các tướng lãnh chỉ huy được thăng cấp không theo thủ tục chính thống đã biến quân đội thành một lực lượng chiến đấu “đủ sức gây chiến và chiến thắng bất luận tranh chấp nào”.

Nhưng tầm mức các cuộc chiến mà Nga đã thắng rất hạn hẹp, không phức tạp về chiến thuật và không gặp sức kháng cự mãnh liệt nào như ở Ukraine. Những chiến thắng xưa không dễ gì có với tối thiểu thiệt hại nhân mạng và vật lực.


Chiến tranh đầu tiên của Putin, và cũng là thử thách đầu tiên, là Chechnya, một cộng hòa ly khai. Thật sự, cuộc chiến đã bắt đầu 1994, thời Yelsin, cuộc chiến mà Yelsin được tướng lãnh bảo đảm rằng bọn phản loạn sẽ phải quỳ gối trong vòng hai giờ khi chỉ một trung đoàn nhảy dù duy nhất ra tay.

Nhưng chiến dịch tấn công trở thành thảm bại, vì sĩ quan thiếu huấn luyện, binh sĩ trả lương ít, không tiếp vận. Yelsin cho tăng cường thả bom và pháo kích cũng không đi đến đâu.

Trong bài diễn văn nhậm chức, Putin thệ nguyện sẽ tái lập Nga thành một quốc gia vĩ đại, đầy quyền năng và uy lực và hứa sẽ thu dụng nhiều nhà cải cách mọi lãnh vực. Những nhà cải cách nầy theo lệnh của ông đã bao vây có phương pháp thủ đô Grozny, dập tắt hỏa lực địch và nhất là không di chuyển xa các đường tiếp vận. Trong nước Putin đã kiểm soát hoàn toàn truyền thông tự do đại chúng và trình bày cuộc chiến theo ý muốn của chính phủ. Thành công như một chiến thắng quân sự nhưng thực tế Chechnya ngưng chiến vì được Putin cho quy chế tự trị rộng rãi nhất chưa từng có trong hai thế kỷ.

Năm 2008, chính quyền thân Tây phương của Georgia chuyển quân đến khu vực South Ossetia trong tay thành phần ly khai do Nga điều khiển. Đó là dịp tốt cho Putin lưu ý rằng mặc dù Liên Xô đã tan rã, Georgia vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của Nga. Putin điều động không lực và lục quân đông gấp đôi lực lượng của Georgia, cộng với hậu thuẩn của khối ly khai thân Nga tại chỗ. Nhưng lính Nga vẫn thường xuyên bị phục kích; hơn ¼ thiết giáp của Nga bị bắn hạ trước khi đến South Ossetia; số đến được thì bị tiêu diệt bởi vũ khí thô lậu đơn giản vì xe không được bọc sắt đầy đủ. Ngoài ra lực lượng Nga còn bị trục trặc kỹ thuật, như bom không nổ, liên lạc thông tin bị gián đoạn. Bi hài là có lần một tướng lãnh cao cấp phải mượn điện thoại vệ tinh của một ký giả để ra lệnh thuộc cấp hành quân thế nầy thế kia.

Nga thắng cuộc trong vòng năm ngày; dễ hiểu vì bất quân bình lực lượng. Nhưng bài học cho Putin là đáng lẽ Nga chiến thắng dễ dàng hơn và khỏi thiệt hại không cần thiết.

Sau kinh nghiệm nầy, Putin phải cải tổ quân đội. Khối tướng lãnh cồng kềnh bị cắt giảm, hai trăm sĩ quan đeo sao về vườn; nhiều vũ khí được canh tân, nhiều vũ khí mới được sản xuất, kể cả loại bom “thông minh” bắt chước bom của Mỹ dùng ở Trung Đông. Đời sống binh lính được cải thiện.

Năm 2011, chế độ Basar al-Assad bị tấn công từ hai phía, muslim ISIS và nhóm phản loạn chủ trương dân chủ. Putin đã giúp Assad ngồi yên trị vì Syrie, một liên minh hiếm hoi bên ngoài Liên Xô, bằng ngoại giao và bằng quân sự. Hành động quân sự giới hạn trong việc oanh tạc từ trên không đã ép hai kẻ thù phải khuất phục. Phi công Nga lần đầu tiên từ chiến tranh Afghanistan mới có những phi vụ lâu nhiều giờ.

Nhưng cuộc chiến mở đầu giấc mộng của Putin là sáp nhận bán đảo Crimea và xâm nhập miền Đông Ukraine. Tháng 02, 2014, tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovych trốn thoát qua Nga để tránh hình phạt đã phá hủy kế hoạch gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Phe dân chủ thân Âu Châu đã được bầu lên cầm quyền thay thế. Trong lúc ấy Putin đã và đang cố sức giữ Ukraine trong quỹ đạo Nga. Ông lo ngại nếu Ukraine gia nhập Nato, thì hạm đội Hắc Hải của Nga, đóng tại Sevastopol, sẽ nằm trong sự kiểm soát của liên minh quân sự do HK cầm đầu. Do đó ông đã ra lệnh các lực lượng đặc biệt chiếm Crimea.

Chiến dịch chỉ mất dăm bảy… giờ là đạt thành quả, hầu như không tốn một viên đạn. Hai người lính Ukraine và một người Cossack chí nguyện bị thương. Không có người Nga nào trúng đạn.

Năm 1954, thủ tướng Nikita Khrushchev trao cho Ukraine quyền sở hữu Crimea nhân ngày kỷ niệm 300 năm giao hiệp giữa Nga và Ukraine. Đó chỉ là món quà tượng trưng vì chỉ có một thực thể chính trị là đảng CS Nga. Sau khi Liên Xô giải thể, Crimea vẫn là địa điểm du lịch nghỉ mát ưa thích của người Nga; nhiều dân địa phương tự nhận là người Nga.

Vì những lý do trên, việc Moscou tái nhập Crimea đã đem lại “nguồn vui ái quốc” để kết hợp hai phe ủng hộ và chống Putin. Đám nhà binh thì lên chân ca hát.

Putin từ đó dần dần tin tưởng vào huyền thoại “có vị trí trong lịch sử với sứ mệnh làm cho Nga vĩ đại như xưa”. [MAGA? Make America great again?].

Một tháng sau là chiến dịch xâm nhập miền Đông của Ukraine; kế hoạch nầy nguyên thủy không do Putin đề ra. Một người “quốc gia” Nga tên Igor Girkin châm ngòi lửa khi ông dẫn một toán dân hổn tạp gồm 52 chí nguyện quân và đánh thuê từ Crimea luồng lách vào vùng Donbas qua mặt lính biên phòng. Khi họ chiếm được vài quận hạt thì Putin gởi tiếp liệu và ủng hộ tinh thần. Tuy nhiên Putin không nhắm đến đất đai mà để làm áp lực chính trị, hăm dọa chính khách thân Âu Mỹ “hãy chấp nhận Ukraine nằm trong tinh hệ Nga”. Giới thân cận trong Điện Cẩm Linh đã nói riêng với tác giả Galeotti (khi ông đang làm nghiên cứu ở Nga) rằng trong vòng sáu tháng, quan quân ở Kyiv sẽ thức tĩnh mà bỏ ý nghĩ hướng về Tây Phương. Nhưng, vẫn theo tác giả, Putin coi thường tinh thần quốc gia Ukraine đang lớn mạnh trong dân chúng kể cả những người nói tiếng Nga trong suốt 25 năm từ ngày tuyên bố độc lập. Putin và nhân viên tình báo không thấy được rằng quân lực Ukraine, từ khi Nga quấy phá miền đông năm 2014, có thêm ngân sách tiêu dùng, tuyển mộ thêm và huấn luyện đúng mức; nay đủ sức hành quân ở Donbas.

Trong tình thế nầy, Putin phải lựa chọn rút lui hay leo thang chiến tranh. Ông chọn giải pháp thứ hai, dựa trên khẩu hiệu của ông và quần thần rằng: “dân quân thân Nga không được phép thất bại”. Trong mấy tháng về sau, Putin đã đưa 10 ngàn lính đến chiến trường Donbas. Ukraine phản công. Hai bên lâm vào thế bí vất vả, dùng chiến thuật hầm hố lấy từng tất đất, bắn sẻ và pháo kích. Từ 2014 đến 2021, có 14 ngàn thương vong gồm 500 người Nga.

Từ đó Putin quyết định gỡ thế bí bằng cuộc xâm chiếm trên nhiều gọng kềm, dựa vào ba lý do. Thứ nhất, ông nghĩ rằng chiến thắng chớp nhoáng ở Crimea, không phải là phép lạ mà là kết quả của việc cải cách quân đội, việc bình thường, tất yếu. Thứ hai, chiếm bán đảo nầy là bằng cớ sức mạnh của chủ trương tái lập Nga thành một đế quốc hùng mạnh. Thứ ba, Nga có thể qua mặt Nato; tổ chức nầy trở nên luộm thuộm không dám làm gì khi Nga sáp nhập Crimea năm 2004, loẹt quẹt cấm vận lấy lệ; nay họ cũng sẽ không làm gì hơn nếu Nga đưa quân vào Ukraine.

Putin không thể phân biệt một cuộc tấn công phối hợp thiết giáp, bộ binh và không lực khác với một đòn đơn thuần đánh vào một bán đảo có đa số dân chúng mong chờ sáp nhập vào Nga. Ông không ngờ phản ứng của Nato; Nato đoàn kết hơn và viện trợ nhiều hơn.

Nhưng một trong những giới hạn chính của Putin là ông biết rất ít về quân sự. Ông không bao giờ ở trong quân đội, trốn lính bằng cách gia nhập KGB. Trong cơ quan mật vụ nầy, ông làm trong chi vụ chính trị, không giao tiếp với giới nhà binh. Trong điện Cẩm Linh ông đã dựng lên một cơ cấu quyền lực cai trị của một người như Nga hoàng xưa, hành động theo lời cố vấn của các đồng nghiệp mật vụ say sưa cuồng nhiệt với hào quang của một nước Nga hùng mạnh và căm thù Tây Phương. Putin quyết định theo bản năng hay theo sự thúc dục của các phụ tá thân cận chuyên về ý thức hệ, chứ không phải kinh nghiệm và kiến thức chiến tranh.

Galeotti tin rằng các tướng lãnh có kinh nghiệm đã không đồng ý đánh vào Ukraine trước khi chuẩn bị đầy đủ như huấn luyện tân binh, toàn thiện thiết giáp hiện có, và củng cố đường tiếp vận. Nhưng Putin ở trong tháp ngà từ khi có đại dịch corona Tàu, tin tưởng lý tất thắng của Pierre Đại Đế Thế Kỷ 21, đoan chắc dân chúng Ukraine ùa ra đường mừng giải phóng quân Nga. Trong các xe tăng Ukraine bắt giữ có sẵn những y phục đại lễ diễn hành chiến thắng.

Các sĩ quan cao cấp mà tác giả đã giao tiếp trước khi súng nổ đều có thái độ sùng kính Putin, xem ông như nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ cứu Nga ra khỏi sự lãng quên của thế giới.

Đầu năm 2022, Putin đã có một chiến thắng ngoài lãnh vực quân sự. Người ta đã kiên nể Nga và Nga đã tái lập uy tín trong vùng Hắc Hải.

Quân lính tập trung ở biên giới đã xua đuổi các nhà đầu tư kinh tế khỏi Ukraine. Ông cho tiếp tục phong tỏa các hải cảng Mariupol và Berdyansk làm đình trệ ngoại thương của Ukraine, quan trọng như xuất cảng lúa mì. Các nhà ngoại giao trên thế giới đổ dồn về Moscou tìm mọi cách thương thuyết với chính quyền Nga để giảm cường độ xung đột. Tây phương sẵn sàng nhượng bộ để Nga yên lòng về an ninh như minh xác chính sách của Nato. Moscou trở lại vị trí cũ, trung tâm thương thảo ngoại giao thế giới.

Nhưng Putin không biết khai thác và phá vỡ lợi thế ấy, vất bỏ chiến công không đổ máu ấy bằng một hành động quá với là tấn công Ukraine trên một quy mô rộng lớn ngày 24 Feb 2022.

Tác giả hoàn tất tác phẩm đầu tháng sáu 2022, ba tháng sau khi Nga nổ súng. Ông cho rằng Putin không thể giữ Donbas chứ đừng nói việc gì lớn hơn. Nhưng ông khuyến cáo không nên gạt bỏ Nga ra khỏi mọi nhận định, hay thiết lập chính sách. Theo ông, cuộc chiến nầy cho thấy Russia của Putin không phải là một đại cường quốc, tuy tuyên truyền tối đa. Mặt khác đừng quên rằng Putin tiếp tục nắm quyền. Không có một điều khoản nào trong hiến pháp cho phép hất chân Putin.

Putin chỉ ra đi vì đảo chính quân sự. Vẫn khó tiên liệu.

Tuy nhiên nếu có đảo chánh, nào ai biết kế nhiệm Putin sẽ lành hơn hay dữ hơn. Hiện nay vẫn có chủ trương cho rằng Putin làm chưa đủ “đô” để tái lập vinh quang của đế quốc Nga.

Galeotti chấm dứt tác phẩm với lời bình luận rất mô phạm: Giá như bằng lòng xây dựng một quốc gia hùng mạnh bên trong biên giới, thay vì theo đuổi mộng ảo đế quốc, Putin đã sẽ được nhớ đời như một kẻ dựng nước thành công. Nhưng Putin không làm thế để rồi nhiều năm nữa hay nhiều thập kỷ nữa, Nga sẽ phải tốn sức, tốn công, tốn của chữa trị vết thương chiến tranh do cái vung tay quá mức của Putin mà ra.-

==================================================

Sông Hương Huế

=========================

No comments:

Post a Comment