add this

Tuesday, February 3, 2015

cuộc chiến tàn chưa?



south vietnam, abandoned uniforms, communist invasion, the vietnam war, fall of saigon
                                                        Oh Dante! Divine Comedy or Inferno?

cuộc chiến tàn chưa?
tôn thất tuệ
đọc Nguyễn Đức Lập
Cuộc Chiến Tàn Chưa?
Hoa Gấm xuất bản California 1987


Trong hài kịch người ta cười vì điều gì? Chẳng phải vì tuột quần lòi mông, mà vì câu chuyện có thật. Nếu lời giải thích trên đây được chấp nhận, những chuyện của Nguyễn Đức Lập (NĐL) được xem là có thật. Cuộc chiến tàn chưa? (CCTC) đem người đọc đến một buổi họp ấp nhàm chán với Sáu Trọc xí xộn te rẹt chỉ vì ban bí thư xã muốn món thịt cầy cuối năm để tạo sự đoàn kết. Tác giả cũng cống hiến một cuộc đánh ghen thật "sexy": tuột quần xác ớt vào háng kẻ cướp chồng và cho các tay ghen hùa đánh hôi mấy cái đồ lót ve vẩy trên tay làm cờ chiến thắng về làng ca khúc khải hoàn. Hoạn Thư vẫn có mặt trong kẻ làm vợ của một cán bộ nằm vùng ở Gia Định.
Có một chút khác biệt nho nhỏ giữa hai chữ truyện ngắn chuyện ngắn. NĐL dùng danh từ thứ hai. Người viết muốn nêu rõ ông ta không viết văn mà kể những mẫu đời, những chi tiết nhỏ của "bức tranh vân cẩu" mà khung vải là một thôn ấp xa xôi ở VN trong muôn ngàn địa phương miền Nam sau 1975. Tuy tác giả cố tình khiêm nhượng, rồi ra những chuyện ấy, nếu đạt tính chất dân gian như Tấm Cám, sẽ trở thành câu chuyện không của ai mà kể hoài cho nhau nghe. Phải chăng người giới thiệu đã bắt đầu quá khen NĐL?

Ngôn ngữ bộc trực
Không cần gán cho cuốn sách một trường phái như hiện thực, tả chân, hiện thực xã hội, loại có luận đề v.v...vì đó không phải là việc của tác giả và người đọc. CCTC gần như sao lục các câu nói sống động. Tuy mới nhìn có vẻ cẩu thả thô tục, chính đó là sự sống (mà có gì quí hơn sự sống của con người và sự sống của ngôn ngữ). Tôi vô cùng sung sướng hình dung cái miệng dỏng dảnh của Bà Tư Tào Tháo:
- Bộ bữa nay thiên hạ trúng gió chết ngắt hết rồi sao mà hổng có ai đi chợ hết, hay là bị xe lật, đui què mẻ sứt hết rồi, sút tay gảy cọng hết rồi sao không lết nỗi ra chợ.
Người vợ liệt sĩ ấy đã xổ tài nghệ với công an đuổi chợ không cho bà bán mớ hành ngò trên tay như những đường thương ma quái:
- Phản ông phản cha mày chớ phản động. Tiên nhơn tổ đại từ đường tụi bây, cái quân đâm heo thuốc chó phá cửa đốt nhà. Tụi bây tới số rồi tụi bây mới chọc bà cố nội tụi bây. Mới ráo máu đầu mà đã làm trời. Tao theo cách mạng từ hồi tụi bây còn trong khu đít của con gái mẹ tụi bây...Mỗi thằng lương tháng mấy đồng mà thằng nào cũng hút thuốc thơm ngoại quốc. Tụi bây ăn của dân từ trong quần ăn ra mà...
Tuy cùng một gốc, Anh ngữ ở Mỹ có khác với ở Anh; Úc có lối nói khá riêng biệt; Anh văn ở Ấn và Nam Phi cũng chịu sự thay đổi nầy. Tiếng Pháp ở Canada không hoàn toàn giống ở Paris. Không hiểu thế hệ thứ hai và ba ở Mỹ có còn ai nói tiếng Việt không. Nếu có thì những cuốn sách như của NĐL đem người nói tiếng Việt về gần với VN hơn. Họ sẽ không quên lối nói bộc trực và tượng hình của miền Nam.
- Vợ chồng tôi ăn ở với nhau như hai con cá trê đực, ráng muốn lòi con trê cũng hổng ra được đứa con nào thành ra muốn tích cực động viên cho con đi nghĩa vụ cũng không có đứa nào mà động viên.
Những câu nói ấy, hồn nhiên, không tinh lọc qua kính học thức, của những con người sống thực trong xã hội về sau sẽ giúp các nhà nghiên cứu nhân chủng học nhận diện đúng một thời đại. Bởi lẽ ngôn ngữ cho biết cả tâm tình, các mối lo âu và cả bệnh hoạn.

Cuối ngõ tin yêu
Tuyển tập gồm 15 chuyện ngắn mà thật ra có thể nói là 14. Hai chuyện đầu và cuối là hai mảnh của một sự việc, với tựa đề và nhân vật như nhau nhưng đánh dấu hai khoảng sống khác nhau của Bà Tư Tào Tháo.
Đề tài chung của cuốn sách là sự vỡ mộng của những người đã làm việc cho Mặt Trận, những người ở trong thế kẹt cố giữ lấy câu gặp thời thế thế thời phải thế nhưng chẳng may thế thời không phải thế. Đó cũng là sự chạm trán giữa những tâm thức khác nhau trong cùng một con người; đó cũng là sự nhận biết cái bên ngoài và bên trong không giống nhau.
Thực tế phũ phàng, tập truyện thứ hai, là thực tế phũ phàng dành cho Năm Lượng, ho hen và hom hem gầy yếu. Lượng tham gia kháng chiến từ hồi mười tám tuổi, tập kết ra bắc và kết nạp vào đảng rồi đi bộ qua Trường Sơn vào Nam. Tôi tin một người như Lượng đã cố gắng như câu hát của họ: nở ngàn hoa chiến công dâng lên người, dâng lên tới đảng cả niềm tin yêu sáng ngời. Ta cảm động cái tin yêu của Lượng vì ít ra còn có người tin yêu dù tin yêu vào chỗ nào. Thực tế, đoạn cuối cuộc đời đã đặt Lượng trước một gã trưởng phòng công an ít tuổi hơn con lão để bắt đầu một trò chơi mới: điều tra tham nhũng của đứa em kết nghĩa trong quá trình tranh đấu lúc nào cũng sát nhau như cặp bài trùng. Sáu Vịnh, thay vì sợ sệt, đon đả anh anh em em với viên thanh tra, đã thẳng thừng cho biết sự ăn chia cả với kẻ phái lão đến đây, chính hắn đã bỏ tiền mua cơm cháo và mua cái mùng mới cho quan ngài nằm nơi công xá vãng lai nầy.
Lão đã chạm một cái gì vô hình không cao như dãy Trường Sơn, không thuộc ý thức hệ, không có trong niềm tin của lão. Lão đã cáo bệnh phục viên. Nhân danh công lao đóng góp 30 năm của lão, họ tổ chức buổi liên hoan thật lớn cho lão về vườn. Một món quà trần truồng, không gói giấy, không trao tận tay, nằm chềnh ềnh trên bàn. Một cây thuốc Samit sản xuất ở Thái Lan. Cây thuốc hình lập phương bốn miếng dài hai miếng ngắn cho ta ý niệm về một cái hòm. Thật vậy nó đánh dấu ngày tàn của lão khi tin yêu đã chợt tắt. Bệnh tật, cô đơn, nghèo đói là những huy chương thực sự dệt bằng những bước chân của lão trên đường mòn Trường Sơn. Vào lúc bệ rạc gần về với ông bà, lão gặp Sáu Vịnh trở lại và được giúp đỡ đi bác sĩ tư. Người em kết nghĩa dạy cho lão bài học là dù gián tiếp lão cũng không ra khỏi thực tế phũ phàng của tham những. Nói ra anh đừng buồn, tôi mà không tham nhũng móc ngoặt thì tiền đâu mà lo bệnh cho anh. "Năm Lượng tiếp tục làm thinh. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má khô khốc nhăn nheo của lão".
NĐL trình bày câu chuyện với nhiều tính chất trào lộng. Những giọt nước mắt của Lượng là nước mắt của người đọc dù ở vị trí nào. Thực tế phũ phàng ấy không chỉ dành cho Năm Lượng mà cho rất nhiều nhân vật khác trong tuyển tập.
Không hơi đâu mà đặt vấn đề thực hay không thực của các nhân vật trong thể loại sáng tác nhưng ai cũng giả định như có thật. Nhân vật của NĐL không có tính chất biểu tượng nhưng rất tiêu biểu. Tính chất ấy làm bức tranh sống động vì nó còn tính chất cá biệt của mỗi người trong bối cảnh đó.
Một Năm Lượng, một Sáu Thiệt, một Tư Tào Tháo là những con người tăm tối, vô danh tiểu tốt, thuộc cấp lẹt đẹt trong hệ thống đảng. Nói vậy không nghĩa là sự vỡ mộng của họ không làm ta chú ý và đau đớn. Kinh nghiệm của họ, ít ra về nhân bản, cần được xem là quan trọng như sự ngỡ ngàn của Arthur Koestler, của André Gide, của Ignazio Silone v.v...
Mà còn cay đăng hơn.
Tuy là một nhà trí thức, André Gide không bị thu hút bởi Nga Sô vì lý thuyết của Marx mà vì sự băng vữa của nền văn minh Âu châu. Những đặc quyền, đặc lợi, lòng vị kỷ đã dằn vặt nhà văn nầy. Ông cũng nhận rõ sự bơ vơ tư tưởng của Âu châu. Con người (tây phương) cần có cái gì thay thế đấng thiêng liêng họ đang tôn thờ, vì theo Gide ý niệm về đấng thiêng liêng đó đã rỗng trong lúc con người cần một lý tưởng vượt cao sự ích kỷ. "Nếu chỉ dựa vào cái tôi dày đặt, con người sẽ đối diện với sự trống vắng kinh tởm".
Những cảm thức nhân bản và thái độ dấn thân của Saint Exupéry đã làm cho Gide cảm khái. Trong lời tựa cuốn Vol de Nuit, Saint Ex viết: hạnh phúc không cứ chỉ nằm trong tự do mà còn ở trong sự chấp nhận một nghĩa vụ". Và Gide xem như cuộc cách mạng Nga 1917 đáp ứng nhu cầu: Tôi muốn la thật to nói lên thiện cảm dành cho Liên Sô; tôi ước mong tiếng la ấy được nghe và có ảnh hưởng. Đó là năm 1931.
Nhưng đến 1936, André Gide lại la to hơn để xin mọi người đừng nghe tiếng la 1931 của chính mình. Tiếng la mới ông dùng để nói thay cho cái tăm tối đè nặng lên những kẻ bị lưu đày. Những gì Gide thấy tận mắt đã làm ông ta đau đớn. Sự chịu đựng của nhà văn nhạy cảm nầy đã đến mức cùng với sự phát giác sau đây. Một kiến trúc tuyệt hảo nói là để cải tạo thành phần phạm pháp thành những công dân tốt nhưng trong thực tế những kẻ thụ hưởng tiện nghi ấy là những kẻ chỉ điểm cho kẻ khác đi tù. Tác giả Khúc Nhạc Đồng Quê tự hỏi: Còn có sự vô luân nào nhiều hơn thế ấy nữa không?
Nói thêm một chút để so sánh với Năm Lượng. André Gide vỡ mộng còn la với thế giới, còn có thể viết văn và đoạt giải Nobel 1947. Còn Năm Lượng? - những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má khô khan. Còn Sáu Thiệt? – lủi thủi ra đi lúc trời tối sợ xóm làng biết, tìm về Đồng Tháp vì "rau rác, tôm cá khá hơn" chứ chưa được cái thứ "anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than". Như vậy hành trình của các nhân vật trong tuyển tập NĐL đau thương hơn những trường hợp được xem là vĩ đại. Hậu quả để lại suốt đời trên thân thể và lương tri của những kẻ đi gia nhập. Mụ Thỏa suốt đời bới xách che dấu chồng nay chết sình ôi vì đơn xin cấp hòm theo tiêu chuẩn bị "đá banh", cuối cùng phải nhờ mấy tấm ván kê sạp sau nhà của Hai Mập, tên ngụy từ đầu đến đít, nhờ đến cái mền cũ của Hai Phi phản động tẩm liệm tiễn đưa người vợ của liệt sĩ. Trong lúc ấy nên nhớ ở xã đầy cả một kho gỗ mà cô Sáu Trọc ỏng a ỏng ẹo không kéo ra được một que.

Trâu già không nệ dao phay
Nếu mụ Thỏa về lòng đất bằng những cây đinh đóng vội trên gỗ hòm, bà Tư Tào Tháo về quê như một kẻ mặc áo gấm. Cái áo tươi thêm khi trên đường đi bà chỉ cho đứa con gái cây cầu khỉ nơi mà cha nó đã hy sinh. Lại càng tin tưởng nữa là bên cạnh lời hứa của nhà nước, mãnh đất và căn nhà bà nhắm tới thuộc phần hương hỏa của chồng trước đây bị soán đoạt. Của trong tay rồi, cần gì phải gấp, dung dăng dung dẻ với bà con, hơn nữa cũng để cho người ta hợp thức hóa "diện" của mình. Thật vậy, bà Tư Tào Tháo đã chễm chệ ngồi hàng đầu trong buổi lễ phát bằng. Công lao của chồng được ca ngợi và các cung cách cũng đã đầy đủ. Bà cũng được ôm choàng như các đại đồng chí ôm nhau tuy chưa quen với cử chỉ ấy; nhất là khi cái mũi nhám cào của lão cán bộ rê tới rê lui trên đôi gò má nhăn nheo như nùi giẻ của bà.
Là con nhà cách mạng, cô Út được giao trọng trách xứng đáng là đi đếm gà đếm vịt của dân làng. Còn căn nhà cũ thì không được vì đảng đã phân bố. Phần đãi ngộ dành cho bà cũng liên quan đến vịt như cô Út: cái chòi của thằng Tư chăn vịt mé sông.
- Cái điệu nầy bộ chồng tui là cục cứt. Vậy mà chú nói chồng tui được biểu dương ngoài Hà Nội.
Viên bí thư xã đáp: - Đó là sự thiệt. Tui nói láo với chị làm chi. Lối nói nầy tuyệt hảo, không biết lão muốn trả lời cho câu một hay câu hai của bà Tư (chồng tôi là cục cứt / được huy chương ở Hà Nội). Còn nói gì nữa. "Trên" là một cái gì to lớn vô hình, con ngáo ộp che dấu và giải thích mọi thứ. Trên đã quyết định cho bà cái chòi chăn vịt. Còn "dưới" là bà muốn làm gì thì làm. Hai mẹ con bèn về Saigon buôn thúng bán bưng.
Thành phố ấy kẹp nách với Gia Định tuy là nơi xô bồ mà là nơi dung nạp các anh hùng mạc lộ, một bên là kiểu bà Tư, một bên là những kẻ sống không nỗi vùng kinh tế mới. Nơi cái rốn gặp gỡ giữa quân tử và tiểu nhân nầy có đủ chỗ cho mẹ con bà đặt đôi thúng gióng bán hành ngò. Nơi đó còn có những kẻ bỏ qua, tha cho bà cái vui say quá độ của một thời vung vít. Lối xóm đã mua hết những rỗ rau ế không bán được vì chợ bị công an đuổi. Bà Tám Cháo Lòng cho mẹ con bà tá túc vì tình cố cựu.
Bà Tư Tào Tháo phải vùng lên để kiếm sống, nhất định ăn thua đủ. Bửu bối, túi gấm bà lận vào lưng quần, chốc chốc thò tay cho chắc còn đó: mấy tờ giấy chứng nhận gia đình cách mạng. Đấu trường là chợ Bà Chiểu. Đám hậu thuẩn khá đông toàn đồng cảnh ngộ. Hổn chiến xẩy ra như sau:
"Một bàn tay (của công an) rắn chắc chụp lấy vai bà Tư. Một bàn tay khác nắm vô ót... Miệng bà vẫn chát chúa 'ăn cướp, ăn cướp'. Hai chân bà dãy đành đạch. Chiếc rỗ bị hất tung đi. Hành tiêu ớt tỏi đổ tháo trên mặt đất. Bà Tư Tào Tháo bị xách đứng như một con gà."
Cả chợ như ngưng hoạt động để xem một màn rất cụp lạc mà chính yếu là sự tuôn xả tất cả ngôn ngữ thâm sâu của bà Tư và tiếng bà vỗ mông bồm bộp như tự cổ võ thúc quân. Trước khi đồng ý về bót dàn xếp, bà Tư thò tay vào lưng quần, rút ra một cuộn giấy tròn, banh ra dí vào mặt công an, dõng dạt nói: - Chồng tao chết, tới bác còn phải đọc diễn văn. Mai mốt tụi bây chết thì cũng như con chó ghẻ thôi.
Không rõ bên trong hai bên đã phân xử ra sao. Bà con bên ngoài chỉ biết qua lời tuyên bố của bà: - Tổ cha tụi nó chớ, chưởi tụi nó đã đời vậy chớ tụi nó có làm con mẹ gì đâu. Nhưng bà tiếp: - Tụi nó chưa chịu thua đâu. Mà tui cũng chưa chịu thua đâu. Trâu già đâu nệ dao phay. Bữa nào xung gan, tui còn vạch cái bộ mặt thằng già có râu nhà nó nữa kia.
Với câu nói trên NĐL châm dứt tuyển tập CCTC.

Cuộc chiến ý thức
Hình bìa của Nguyễn Nho Bụi và Phạm Xuân Nghĩa vẽ một thanh niên ôm choàng một thân cây bên khẩu súng M16 hạ xuống với chiếc nón sắt móc nòng, xa xa là hàng mộ bia sắp lớp. Điều đó và tựa đề cuốn sách như muốn nói đến cuộc chiến được quan niệm ở hải ngoại. Thật ra không thế. Mà chẳng lẽ chỉ là cuộc chiến giữa bà bán cải và đám công an mà kết cuộc chỉ là chưởi vả sướng miệng kèm mấy cái vỗ mông bồm bộp?
Phần dẫn nhập NĐL có viết: "Chiến tranh quả nhiên đã chấm dứt đối với tay sai ngoại bang. Nhưng đối với dân tộc, thực sự cuộc chiến mới bắt đầu ... không có chiến trường, tản mạn khắp nơi (trong đó) mỗi người dân là một chiến sĩ... cho người dân Việt nói lên tiếng nói và nguyện vọng đích thực". Tác giả không quan niệm cuộc chiến đơn giản như sự đôi co giữa bà Tư Tào Tháo và công an, cũng không quan niệm theo thời thượng kiểu chính trị phòng trà. Những bài viết khác của NĐL trên các báo ở Mỹ nói lên tâm trạng chua xót và diễu cợt sự yêu nước làm dáng "cho có với đời".
Trở về tác phẩm trên tay, NĐL đã đưa cái nhìn rất nhân bản đến mọi người liên hệ dù ở chiến tuyến nào. Niềm đau ở con người đều như nhau. Đau lắm chứ. Bà Ba Trưng đã mất đứa con gái vì bà đòi cô ta hạ ảnh thờ của chồng là sĩ quan ngụy tử trận để đón chồng trong bưng ra. Rồi chồng cũng chẳng thấy "vì bận đi công tác xa với một nữ cán bộ". Đau lắm chứ. Bà mục sư bỏ công nuôi trẻ mồ côi để bị kết án nuôi con nít bán cho Mỹ. Cái tin một thằng tên Lân bị chặt đầu ở Sa Mát chỉ úp mở ở xã. Nhưng Mười Thạnh lấy ảnh con đem ra thờ không cần điều tra vì ông xem như nó đã chết từ khi đi nghĩa vụ và đưa lên biên giới Miên. Trong lúc ấy bà Bốn Định (có chồng là viên chức xã) cả năm rày đem thằng con ra làm bài học gia đình phục vụ đất nước. Rồi vô tình thằng con bà Bốn Định được xác nhận chết. Kẻ hung hãn hôm trước trong phiên họp động viên nghĩa vụ được cô Sáu Trọc mô tả:
- Ai dè cái nư của chỉ lớn dễ sợ. Chỉ nhào xuống dãy đành đạch dưới đất, rồi lăn từ trong nhà ra ngoài ngõ. Chỉ chưởi không trừ một cái gì hết. Chỉ la làm tụi thanh niên trong xã xanh mặt.'Tổ cha bay, con tao có chết thì cũng phải đem cái xác về đây cho tao'.
Kể lại chuyện trên nhằm chứng minh rằng khi ngoại cảnh - do con người tạo ra - đã đụng đến cái cùng tột lay chuyển cả lương tri, con người trở thành đối nghịch với ngoại cảnh ấy, chứ không còn trong thế hổ tương. Đó là nguyên ủy cuộc chiến. Cuộc chiến sẽ mang hình thức ra sao không phải là việc tiên đoán của người viết. Không tìm thấy trong tuyển tập nầy một kế hoạch kinh tế, một chính sách ngoại giao v.v.. cho một nước VN tương lai như người Việt hải ngoại nói rất nhiều.
Nghe nhạc của một nước Không Tử biết hưng thịnh ra sao. Thấy rõ hoàn cảnh từng con người một giúp ta dự đoán rất nhiều. Đem kinh nghiệm của Vạn Thế Sư Biểu vào cuốn sách nhỏ nầy không phải là ý muốn của NĐL mà là cái luận của người đọc, nhất là khi bối cảnh là quê hương hay chính bản thân độc giả.
"Chỗ sáng con có tìm được hay không má không biết. Nhưng con bỏ chỗ tối mà đi, má cũng an lòng". Lời bà Hai Khánh chính là lời của mẹ ta. Đoạn nầy đưa ta về câu chuyện Khổng Tử gặp người đàn bà khóc chồng bị cọp ăn mà không chịu đến xứ người dữ "vì người dữ còn nguy hơn cọp dữ".
Cuộc chiến NĐL cho nằm dưới 15 chuyện ngắn, theo chỗ người giới thiệu thấy, thuộc phạm vi ý thức (không phải ý thức hệ). Tất cả mọi cái nhìn - dù của nhà văn, kế hoạch gia, cách mạng gia v.v..- đều phải đến tận những con người thực sự. Nhân vật của NĐL không có bằng đại học, không biết nhạc cổ điển tây phương, nhưng biết lẽ thường, cái lương tri tự nhiên có trong con người và họ cũng rất người, cuốn theo những đàn sáo của thời đại. Sự ba động của tâm tình sẽ trở về sự lắng yên tự nhiên một khi đã thấy sự thật. Nếu đó chưa phải là cuộc chiến thì nó cũng là khởi nguyên của cuộc chiến.
Sự thật đã giải bảy. Một bên là những con người có thật dù ở chiến tuyến nào và một bên là cái trừu tượng tuỵêt đối mà người ta nhân danh để giải thích mọi chuyện phi lý. "Trên" là trên nào? ai ở trên? Với nền tảng chính trị trừu tượng ấy, con người là số không mà nhà nước là cực đại, nhân thể chỉ là một ảo tưởng văn phạm nếu muốn dùng một chữ của Arthur Koestler.
Trở vể địa bàn VN cả bắc lẫn nam, trước và sau 1975, những thứ trừu tượng ấy đã quá quắt. "Tiền đồn của thế giới tự do", "mũi dùi xung kích cho thế giới cọng sản" đã đưa NĐL đến lời than trong phần dẫn nhập: Buồn làm sao cả một dân tộc không có quyền, không có tiếng nói trong sự tồn vong đất nước. Trạng huống đó đã đưa đến bức tranh vân cẩu mà tác giả phát thảo trong CCTC. Người viết cũng nhấn mạnh trong lời tựa đến những nạn nhân "vạn cốt khô" cho các tướng danh thành dù "thành" trong sự thanh trừng của đảng hay "thành" trong vương giả tủi nhục ở California hay Paris.
Để chòng ghẹo và thử tài Tôn Tử, nhà vua (Ngô Hạp Lư) đã ra lệnh cho các cung nữ không theo hiệu lệnh của nhà quân sự nầy. Nhà thao lược đã đem chém hai nàng ái phi sau đó tên tuổi đi vào quân sử Đông phương. Viết lại chuyện nầy, đa số đều khen tài Tôn quân nhưng hầu như không ai để ý đến hai nhân vật tế thần. Cùng với những người cầm bút khác NĐL đã nhìn hai cái đầu rụng rơi ấy. Một Năm Lượng đời tàn cuối ngõ tin yêu, một bà mục sư mất con đi thủy lợi, con Thiền phải tự vận khỏi lấy thằng Đào cho hắn đạt đối tượng đảng v.v... Và Cuộc Chiến Tàn Chưa? là "thánh giá oan khiên buổi phế thần" (thơ Nguyễn Ngọc Thuận) cho những linh hồn ấy, của kẻ đã chết và đang sống mà như đã chết.-

♫♪♫Beethoven Eroica♫♪♫

No comments:

Post a Comment