add this

Thursday, February 12, 2015

đôi guốc gỗ chiều ba mươi
tôn thất tuệ

Chiều ba mươi, chiều tuế mộ, phải dùng cả ba chữ cho nó dài lê thê như lòng mình vì nó dư một chữ, mộ là chiều như mộ khúc, serenade, mang tính chất giao tiếp với đêm và chưa thành dạ mà viết dạ khúc, nocturne.
Những ngày ngồi chơi xơi nước, tôi hay đến nhà một cựu nhân viên chính phủ VNCH, ông cứ nhắc tui: sau nầy anh có quyền hành (sic) thì cho công chức nghỉ ngày ba mươi vì nó quan trọng hơn cả ngày mồng một. Ngày cúng ông bà anh biết rồi chớ.

Nhưng tôi nhìn thêm ngày ba mươi là ngày của người nghèo: chợ hai mươi chín chợ nhà giàu, chợ ba mươi chợ nhà nghèo. Hai mươi chín gồm những ngày trước, phải kể từ 20 tháng chạp. Ngó qua bên tây phương, trước Noel gần cả tháng, người giàu đã lên trại thông mua cây ngo thật to, hay mua sớm giá rất cao. Còn phe nghèo chờ đến trưa 24 mua mấy cây ôi.

Tết tạo ra một số người "mua đầu chợ bán cuối chợ", mua quấy quá cái gì đem bán kiếm chút tiền và chờ cho đến gần chiều ba mươi mới mua sắm cúng tết trong lúc nhà giàu đã lên mâm lên cổ. Trên đôi thúng gióng, thế nào cũng có vài cây bông thọ, bứng nguyên cục đất bỏ vào hai ngọn lá thơm thành chữ thập. Mãi cho đến gần đây tôi mới biết ý nghĩa của bông thọ là để lấy phước, theo sự tin tưởng của trong Nam. Bông thọ tròn vo như một thứ viên mãn, tròn trịnh của trời đất, của triết học đông phương.  Huế có loại bông thọ tre. Tre?, đúng bamboo ấy mà. Lấy thanh tre, bào mỏng giữ lên phía trên như một đầu tóc xoắn tròn, nhuộm vàng hay đỏ ngả vàng cắm ở trang thờ.

Trở lại chợ 30, bạn sẽ thấy, em ơi hoa rụng tơi bời, giờ đây giấc mộng tan rồi. Những thứ còn lại cho ta thấy mức tiêu thụ của người dân. Thôi hãy thu xếp cho xong. Nhưng sự thể ấy cũng giúp cho người nghèo làm tròn việc đáp ơn tổ tiên, tưởng niệm chiều linh thiêng, chiều tuế mộ.

Những năm còn tiều học, đến Tết là tôi đi bộ qua Thương Bạc xem hàng chưng bán, thích nhất là cây dành dành, đào nguyên gốc mà thả sống trong nước, tôi nhớ nó giống như gardena mẫu đơn của Mỹ, những con cá long nhãn, đuôi phướn. Tôi thấy các chậu cúc, thược dược. Từ những thứ ấy tôi biết thêm chữ "vàng Bảo Đại", màu vương giả. Về sau tôi thấy thân sinh của Thạch Trúc trồng những hoa ấy trong nhà đẹp làm sao.

Dạo ấy tôi sống bên nhà ngoại. Một hôm cậu Cửu la oai oái đêm qua có kẻ vô cưa ngang cây mai. Cây mai rất quen thuộc nên tôi có thể hình dung những cành bị cắt. Do đó, buổi đi Thương Bạc hôm ấy bắt đầu sớm hơn và tôi đi khắp chợ xem thử có ai cầm cành mai bán hay không. Có vài người cầm cành mai bán, nhưng các cành rất nhỏ so với nhánh mai bị cưa trộm.
Hôm ấy 29 Tết, tôi thấy một người lớn tuổi cầm nhánh mai, mà bên dưới đã hui cháy đen như thường làm (để kéo dài sức sống cành hoa). Ông đi chân đất và đem theo một đứa con trai chừng bảy tuổi cũng chân không. Khi đã xế chiều tôi đi về; trước tôi trên cầu Trường Tiền hướng về phía An Cựu, hai cha con ông ấy cũng đi và mang theo cành mai, có nghĩa không bán được.

Hôm sau ngày 30, tôi trở lại như thói quen và canh chừng có ai bán mai trộm nhà mình hay không. Hai cha con ông ấy vẫn mang cành mai cũ ra bán. Quá giữa trưa tôi vẫn thấy ông kiên nhẫn cầm bảo vật ấy. Vì ngày Tết, tôi phải vào phía Tam Tòa nhà bác tôi, phía trước nhà ông tổng giám thị Đóa. Xế chiều, tôi trở về Bến Ngự.

Và trên cầu Tràng Tiền như hôm qua hai cha con hướng về hữu ngạn. Người cha hình như không ôm cầm cái gì cả nhưng thằng con có đôi guốc gỗ mang quanh cổ như vòng hoa chiến thắng. Tôi chỉ ghi nhận như rứa.
Hơn 60 năm, hôm nay tôi viết lại, nước mắt chảy hồi nào không hay. Anh chị em chúng ta đã là cha mẹ, ông bà nội ngoại. Lúc nhỏ cha mẹ chúng ta hay nói nuôi con mới biết công ơn cha mẹ.

Đứng ít nhất hai ngày trời bán cho được cành mai mua cho con đôi guốc gỗ. Ông có cưa trộm cành mai của kẻ khác không? Nếu có, xin cho tôi chia xẻ nghiệp quả nầy, xin cho tôi cùng sám hối. Và xin trời đất, các đấng linh thiêng ghi cho ông cái tội sinh phúc. "Felix culpa, felix culpa", cái tội phải làm người cha nghèo.--









No comments:

Post a Comment