add this

Tuesday, November 21, 2023

    Cổng Nam Tây Kinh (Thành Hồ) Thanh Hóa
 

Gia Phả và Sử Ký

Hyppolyte Le Breton . Hà Nội 1937


Gia phả các đại tộc các vùng quanh biển và các vũng vịnh cho thấy nhiều chi tiết lịch sử không có trong Đại Nam Nhất Thống Chí.

Vào thế kỷ 10, dòng họ Hồ lập nghiệp tại vùng đồi núi Tiên Sinh miền trung du giữa Quốc Lộ và Sông Con.

Thế kỷ 13, Hồ Kha xuống vùng đồng bằng gần biển, xây dựng cơ đồ trên đĩnh đồi Bào Đột. Tiếp đến thời Bảo Khánh của Trần Minh Tông (1314-1324) xuống thấp hơn đến các vũng vịnh, đắp đê tăng diện tích trồng lúa. Từ đó xuất hiện hai nhóm làng với hai tên khác nhau là Tam Đôi và Tam Công. Cuộc bành trướng lũy tiến của dòng Hồ là dấu tích các vũng xưa mang tên chung Diễn Châu biến mất để thành ruộng giữa thế kỷ 10 và 15.

Vào thế kỷ 15, đất phong của họ Nguyễn làng Thượng Xá gồm hải khẩu Cửa Xa và vũng Hồ Nước Biển. Cửa Xa đã thành Cửa Lấp. Do đó, ngày nay vùng Đồ Cảm chỉ có một lối ra là cửa sông Cửa Lò. Lối thông thủy giữa biển và Hồ Nước Biển bị lấp cạn thời Gia Long. Cho nên vũng nầy thành nước ngọt.

Các thay đổi nầy được tìm thấy trong gia phả họ Nguyễn Thượng Xá và đúng như địa dư hiện tồn. Tuy nhiên, Đại Nam Nhất Thống Chí không ghi. Đây là một trong những lỗi của các người kết tập. Họ chỉ sao chép Nguyễn Trải và còn nói thêm trong vũng có những sinh vật như các loại sò, là những thứ chỉ sống nước mặn. Xem xét tại chỗ, hiện nay chỉ có những loài nhuyễn thể sống ao hồ như ốc, hến.

Tất các các làng dựa lưng vào các ngọn đồi giữa Cửa Lò và Cửa Hội đều được thành lập bởi Nguyễn Xí từ thế kỷ 15. Ngày nay chỉ cách biển 2 km, 5 thế kỷ từ núi xuống đến nước, rất nhanh.

Gia phả có thể giúp chúng ta dựng lại quá khứ theo bốn tụ điểm dưới đây.

1.- An Tịnh là kinh đô cuối cùng của những triều đại VN bị vây khổn. An Tịnh là nơi thích hợp được chọn để chỉnh đốn quân ngũ, tập trung lực lượng chống ngoại xâm Mông Cổ thế kỷ 13 và chống đô hộ của nhà Minh thế kỷ 15. Trong những ngày đen tối nhất, VN phải rút về An Tịnh. Những dòng họ lớn có thế lực đã tổ chức các cuộc phản công chống người Tàu và đã thành công. An Tịnh đã cống hiến những chiến công to lớn nhưng sử ký không ghi chép đầy đủ. Các đại tộc nầy tự gánh chịu các chi phí chiến tranh như nuôi quân và tiếp tế. Giống như các chư hầu của các vua nước Pháp.


2.- Thập nhị sứ quân. Gia phả họ Hồ sẽ giúp độc giả biết nhiều hơn về việc nổi đậy của 12 sứ quân. Biến cố nầy xẩy ra vào thế kỷ thứ 10 trong thời gian Ngũ Đại bên Tàu. Lúc ấy Đại Nam thuộc quyền thống trị của nhà Hậu Hán. Lợi dụng tình trạng vô chính phủ của Tàu, 12 sứ quân ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ tuyên bố độc lập. Gia phả họ Hồ cho biết sứ quân Diễn Châu là Hồ Hưng Dật, và khu vực nầy trở thành một phiên quốc. Từ đây, đại tộc hùng cường nầy đã sinh ra hai vị vua. Do đó, dòng họ Hồ xưng là thuộc chủng tộc thuần túy Đại Việt.

Nhà Ngô nhà Tiền Lê đều có gốc An Tịnh. Tiên sư của gia tộc uy lực là nhà Hậu Lê là một trong 12 sứ quân và cai trị Cửu Đức, tức là An Tịnh.

Vậy thì phải chăng những vị sáng lập các triều đại quốc gia đầu tiên không thuộc dòng giống thuần túy Đại Việt hay sao?

Câu hỏi tiếp, Trung Hoa đã áp đặt chế độ nào cho các xứ bị Tàu xâm chiếm. Nếu 12 sứ quân thuộc giống Việt thuần túy thì đó là chế độ bảo hộ như La Mã đã áp dụng và như Pháp hiện áp dụng ở Maroc, Tunisie và Đông Dương.

3.- Nguồn gốc dân tộc Việt. Đáng ngạc nhiên, gia phả họ Hồ ghi rõ dòng họ nầy là hậu duệ của các vua Nghiêu Thuấn, 25 thế kỷ trước cai trị lưu vực sông Dương Tử.

Những gia tộc danh tiếng, nhất là của 12 sứ quân, đều thuộc giống Bách Việt gốc ở lưu vực nầy. Nguồn gốc dân tộc Việt chưa được giải quyết rõ ràng. Các gia phả có thể nêu các đầu mối để các học giả nghiên cứu thêm. Tuy vậy, phải loại bỏ những giả thuyết hoang đường như vua Louis 14 tin chắc là hậu duệ của Francus trong huyền thoại Hy Lạp.

4.- Các sắc dân ở Đại Nam. Theo gia phả của một số gia đình, cư dân An Tịnh có tổ tiên người Chàm và Trung Hoa. Để khai thác các vùng đất nước mặn các vua Lê cho, Nguyễn Xí dùng sức làm việc của tù nhân Chàm và Trung Hoa và sau đó giúp họ thành lập các làng trong lãnh địa của mình. Bị tiếm quyền, hai vua Chàm Chế Ma Nô và Chế Son Nô đem gia quyến qua Đại Việt xin tỵ nạn, được vua Trần cấp đất ở Thu Lũng và Cẩm Trường làm lãnh địa.

Gia phả và văn học

Nói rằng Đại Nam không có văn chương có nghĩa là chưa bao giờ thấy một gia phả nào cả. Văn chương không được in rộng rãi, các bản gỗ rất tốn kém ít ai có đủ tiền làm, đồng thời chính phủ mới có quyền in.

Vì vậy các tủ sách gia đình của các gia tộc danh tiếng ở Thanh Nghệ Tịnh, ngoài gia phả, có thêm rất nhiều bản thảo nhiều thể loại văn chương mà thế giới văn học chưa biết đến. Nhiều sách báo về tiểu sử của Nguyễn Du. Chúng tôi tin là không đầy đủ vì người viết chưa đặt chân đến Tiên Điền xin ở lại một thời gian đọc các bản thảo và gia phả của dòng họ danh tiếng nầy.

Nói rộng ra, văn chương Đại Nam giàu có không như nhiều người Âu Châu đã hoài nghi. Riêng chỉ việc khai quật các gia phả và các bản thảo trong các tủ sách gia đình Thanh Nghệ Tịnh, chúng ta sẽ tìm được vô số bài thơ mới, một khối triết lý và luân lý làm giềng mối cho xã hội và làm giàu thêm học thuật Đông Dương. Những phát giác mới sẽ được dùng để sửa hay bổ túc các thực lục của triều đình.

Nhưng là chuyện không dễ. Làm việc nầy cần có người hiểu biết sâu rộng văn học Đại Việt, hiểu biết rành mạch Hán Học.


Phụ biên của người dịch

Hyppolyte Le Breton giữ chức đốc học Thanh Hóa. Ông đã xuất bản nhiều sách về tỉnh nầy. Bài nầy nằm trong một loạt luận văn cho nên nhiều chỗ khó hiểu đã giải thích nơi khác.

Le Breton dùng tên An Tịnh gọi một địa danh ông nói là nơi các triều đại bị nạn rút về để củng cố lực lượng. Khi viết về Thanh Hóa, trong cuốn sách cùng tên, Le Breton nói như vậy và  dùng chung thành ngữ những triều đại bị vây khổn (les dynasties aux abois; như con nai bị vây) nhưng tên là An Trường. 

Thiết nghĩ An Tịnh và An Trường là một. Thành An Trường được Lê Lợi cho xây ở tả ngạn sông Chu trong lúc Hồ Quý Ly xây Tây Kinh ở tả ngạn sông Mã. Le Breton cho rằng An Trường (khu vực Yên Trường) mới là kinh đô thực sự, là điểm tựa của đòn bẩy trong vật lý (fulcrum).

Tác giả cho là kỳ quái khi con cháu họ Hồ tự xưng thuộc chủng tộc thuần túy VN, đồng thời nói là hậu duệ của vua Nghiêu, vua Thuấn.

Dòng họ nầy xuất phát bên Tàu. Thủy tổ Hồ Hưng Dật thời Hậu Hán rời Chiết Giang đến châu Diễn (Diễn Châu Nghệ An) lập nghiệp trước khi chuyển đến Quỳnh Lưu, thời 12 Sứ Quân. Cháu 12 đời của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm đem từ đường về huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa và làm con nuôi của tuyên úy Lê Huấn, đổi thành họ Lê; bốn thế hệ sau sinh ra Lê Quý Ly, tức là Hồ Quý Ly.

Le Breton ngạc nhiên khi dòng họ Hồ nại có tông tích từ Nghiêu Thuấn. Nhưng ông sẽ phải ngạc nhiên nhiều hơn khi theo sử chính thức của triều đình, các vua Nguyễn là con cháu vua Thần Nông bên Tàu.

Nhiếp chánh vương Tôn Thất Hân ghi lại như vậy trong một tác phẩm về lịch sử nhà Nguyễn.

Liam Kelly đã viết  Trong khi quan niệm quốc gia, giống nòi, là những đề tài sôi sục ở Âu Châu, giới ưu việt cai trị ở VN chú trọng đến phả hệ chính trị, kết nối triều đại đương thời vào chuổi kế nghiệp chính thống từ một hoàng đế thần thoại là Thần Nông. Thân thế của Thần Nông và các vua kế nghiệp được đề cập trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thế kỷ 15. Thời điểm nầy cách xa mấy ngàn năm, tính từ thời gian giả định Thần Nông có thật.

Xin tham khảo bài cũ: Tỉnh Thanh Hóa

No comments:

Post a Comment