add this

Tuesday, April 29, 2025

tri ân vị quốc vong thân



thương tiếc không nguôi
Tôn Thất Tuệ 
2015

Khoảng 1967, tôi có đi theo một người bạn cốt ý ăn thịt bò nướng tại nhà một giáo sư Mỹ trên đường Duy Tân, Saigon. Cùng đến có Patrick Honey, chuyên viên về VN trong phái bộ Anh tại hội nghị Geneve 1954 và là cố vấn của ngoại trưởng Anthony Eden. Chừng mươi thực khách vây quanh ông trò chuyện một hồi không lâu lắm. Honey nói ông ta không ngạc nhiên khi nghe tin chiến tranh bùng nổ tuy dưới dạng du kích chiến, đánh dấu bởi trận Ấp Bắc Bà Bèo (29.09.1959). Theo ông, hơi hướng chiến tranh đã ngửi thấy khi hiệp định Genève xem như đi đến kết cuộc chia đôi VN tuy chưa ký kết. Ông đã đánh hơi trong khi tiếp xúc với nhân viên các cấp của phái bộ CS.
Theo nhà ngữ học nầy, Phạm Văn Đồng tưởng chừng cường quốc giao hết cả nước Viêt Nam cho HCM vì nước Pháp còn tệ hơn một thương binh mất cả tứ chi. HCM đã căm hận đàn anh quốc tế không tiếp tục viện trợ quân sự. Trung Cộng muốn nhân cơ hội nầy chứng tỏ vai anh, ngang với Nga nên đã cố ép HCM chấp nhận cái khôn ngoan thường tình là có còn hơn không. CS chuẩn bị ngay từ đầu bằng cách hô hào tập kết ra bắc thành phần mới được tuyên truyền nhưng để lại thành phần cốt cán.

Thật vậy, về đến Hà Nội, HCM gọi là tả khuynh các nhóm hay cá nhân nào chủ trương lấy hòa bình xây dựng kinh tế nâng cao mức sống dân chúng, cạnh tranh với miền Nam. Kinh nghiệm cho thấy rằng đi theo kiểu phát triển của Triều Tiên chỉ đưa đến thất bại vì phía nam vĩ tuyến 38, Mỹ đổ tiền rất nhiều mà tài nguyên thiên nhiên cũng hơn. Miền Nam VN lại được thiên nhiên ưu đãi giàu có hơn nếu đem so bắc nam Triều Tiên.
Cải cách ruộng đất qua đấu tố, ngoài mục đích làm cho giống như đàn anh CS, nhằm đưa tất cả cơ cấu sản xuất tập trung cho nhà nước để chuẩn bị chiến tranh. Đoàn ngũ hóa nhân dân cũng đi vào mục đích ấy. Nền văn nghệ cũng quyết liệt hơn. Không còn nét dân tộc và lãng mạn như thời kháng chiến. Những tác phẩm có tính cách trực khởi từ tình tự dân tộc như của Hữu Loan, của Việt Lang... đều bị cấm triệt và các tác giả bị tù đày. Về lý thuyết và thực tế cái gọi là dân tộc không còn sức kêu gọi trong giai đoạn mới. Hơn nữa tính chất dân tộc là xương sống của những thứ cần đả phá để thay thế bằng lòng yêu đảng và lãnh tụ. Văn nghệ là văn nghệ sản xuất, là tin tưởng vào lãnh tụ.
Mọi hình thái sinh hoạt, mọi chủ trương chỉ nhắm vào đánh chiếm miền nam dù với hình thức trường kỳ.
Bằng chứng rõ ràng nhất của âm mưu được tìm thấy trong lời thuyết minh của Nguyễn Mạnh Tường trước hội nghị các luật gia về hòa binh 1956 tại Bruxelle (ghi lại trong một hồi ký). Ông đã kêu gọi các đồng nghiệp chấp nhận vũ trang và bạo động là hòa bình. Đừng ngây ngô mà nói hòa bình và võ trang khởi nghĩa là hai thực thể tách lìa và đối kháng; hai thứ đó không như ngày và đêm.
Ông đã than khóc cho một nước VN bị chia cắt bằng con dao là sông Bến Hải. Nói với luật gia, ông dùng ví dụ trong nghề, là các phiên tòa ly dị, con sông nầy là nước mắt của đàn con. NMT đòi thế giới công nhận sự nổi loạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Nam. "Chúng ta không nên hiểu chiến tranh là cái gì nguy hại, không có lằn ranh giữa chiến tranh và hòa bình".  Ông lên án sự hời hợt trong sự suy nghĩ của người bình dân, và ông chủ trương nhìn chiến tranh và hòa bình trong lối suy nghĩ biện chứng, vượt qua lối giải thích nặng phần ngữ âm và cú pháp.
Chỉ cách phía trên chừng mươi trang, NMT đã phân biệt chính trị và luật pháp. Một bên chính trị là mơ hồ như ma như quái; một bên là luật pháp rõ ràng có lằn mức giới định. Nhưng đến đây ông lại kêu gọi các luật gia đồng nghiệp dùng biện chứng cùng tính cách năng động để hiểu chiến tranh chính là hòa bình, vượt lên trên ngôn từ.
NMT quên nói rằng hiệp định Geneve 1954 được ký kết giữa hai phái bộ quân sự CS và Pháp. Nó tạo nên một hình thái phần nào giống tình trạng ở vĩ tuyến 38; quân Nhật bị giải giới bởi Nga phía bắc, Mỹ phía nam; thực tế tạo nên hai nước Triều Tiên. CS đồng ý rút quân về cố thủ phần chia lãnh thổ, phía bắc vĩ tuyến 17.
NMT mang sứ mệnh do CSVN giao phó, cùng với Nguyễn Huy Mân chủ tịch tòa án quân sự để chuẩn bị dư luận quốc tế về âm mưu xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực.
Ngoài thực tế chính trị với tiền lệ rút quân ở Triều Tiên, Miền Nam vẫn có sự liên tục chính thống từ khi Bảo Đại tuyên bố độc lập sau thế chiến hai. Miền Nam là một quốc gia; chính phủ vẫn trông vọng một nước Việt duy nhất qua hai phản ứng 1. không chấp nhận dự Hội Nghị Á Phi với sự hiện diện của BV, 2. không chấp nhận đề nghị cả hai miền vào Liên Hiệp Quốc (đúng sai không bàn ở đây).
Kêu gọi luật gia thế giới ủng hộ một cuộc nổi loạn bạo động trong một quốc gia liên tục - ít nhất với lẽ thường - không có tí gì luật pháp. Đáng lý Hội Luật Gia Dân Chủ nầy phải để ý đến tình trạng luật pháp tại BV. Hà Nội đã đàn áp đẫm máu các cuộc nổ dậy, ví như vụ Quỳnh Lưu.
Lời lẽ văn hoa và chuyên nghiệp trước hội nghị che dấu sư hiện diện của CS trong việc hình thành hiệp định Genève. Ông chỉ nói một cách trống rỗng về tình trạng chia cắt. Nhưng ai cũng biết ông đến với một mục đích rõ ràng là bênh vực khởi nghĩa võ trang tại miền Nam. Ông đã cố tình (hay vì không biết) bỏ lững mối liên hệ giữa Nguyễn Hữu Thọ và chính quyền BV. Nhưng thiển nghĩ ông dư sức hiểu ông được phái đi không phải là thừa giấy vẽ voi.
Sau đó trong suốt cuộc hành trình, qua sinh hoạt với từng phái đoàn riêng, ông đã phê phán thậm tệ nền pháp luật BV trên lý thuyết và thực hành. Ông rất khắc khe với cải cách ruộng đất, không tiếc lời xấu xa cho chế độ CS. Nhưng học giả nầy quên hay cố quên rằng chính thể mà ông cho là tồi bại là phi nhân lại là guồng máy chỉ huy công cuộc mà ông ca ngợi. Đó là khởi nghĩa võ trang ở miền Nam. Nói khác ông mong chế độ ông chê trách phủ trùm đến Mũi Cà Mâu. Nếu mấy chữ kế cận trên đây không nằm trong ý tưởng của ông thì vị tiến sĩ đôi của chúng ta rất ngây ngô, hành sử như một luật sư chuyên nghiệp; làm việc cho một đơn đặt hàng nguy hiểm, như trường hợp biện hộ cho một kẻ sát nhân bị bắt quả tang và thú nhận cùng các bằng chứng rõ rệt.
Đây chỉ dùng một đoạn ngắn minh chứng sự chuẩn bị và ý hướng xâm chiếm miền Nam. Ông đã cổ súy sự tự phát võ trang. Điều nầy không mới lạ mà là một đề tài chính trong tuyên truyền của Hà Nội.

Tính cách gọi là "nhân dân" ấy dễ ngụy trang trong du kích chiến. Mà du kích chiến tự nó không thể giải quyết rốt ráo, phải nhường chỗ cho chiến tranh qui ước và diện địa. BV đã đi ngược lối tuyên truyền ấy khi cho những đơn vị lớn vượt Bến Hải xâm vào Quảng Trị 1972; và sau đó chúng ta chứng kiến những trận đánh lớn và xua quân ào ạt chiếm miền Nam ngày 30.04.75.
Chiến trận kết liễu, phô bày trước mắt người miền Nam một miền bắc nghèo nàn và bưng bít; phô bày trước mắt người Bắc một miền Nam không phải là một nhà tù vĩ đại, dân chúng không ăn cơm với cái gáo dừa. Trước chính sách bần cùng hóa, người miền Nam còn ở trong nước, phải nghĩ đến cuộc sống khó khăn, ở ngoài nước chỉ nghĩ đến thân nhân. Họ không có thì giờ để nghĩ đến những người trong cùng chiến tuyến đã chết, vừa chết.
Sự thương tiếc ấy cũng bị lu mờ vì lòng căm hận đối với ván cờ thí xe lấy chốt, căm hận đối với những kẻ có binh quyền để lại cái băng nhựa kêu gọi chiến đấu đến giọt máu cuối cùng mà người thật đã cùng vợ con xô chiếc trực thăng xuống biển sau khi đã đáp an toàn trên tàu chiến ngoài khơi. Dân chúng không tìm ra trung tướng Thiệu, cái trung tướng mà người bằng da thịt tên Nguyễn Văn Thiệu bảo đảm hiện hữu, còn cái tổng thống Thiệu sẽ mất đi. Thì ra tổng thống cũng không, mà trung tướng cũng không.
Tôi không quen ca ngợi kể cả ca ngợi Phật Chúa. Tôi lại không quen ca ngợi những chiến sĩ mọi cấp đã hy sinh, vì chính tôi là một quân nhân biệt phái, đi từ quân trường về nhiệm sở cũ và làm việc tại Saigon cho đến ngày hạ màn. Tôi đã không thấy sự cơ cực của người lính chiến, tôi đã không trực diện với cái chết kề hông. Tôi cảm thấy không đủ tư cách đứng lên đọc một lời cảm niệm, khệ nệ đặt một vòng hoa trên mồ chiến sĩ. Tôi không có quyền hô hào một ai xông vào lửa đạn. Nhưng tôi thấy được phép ta thán sự vong ân bội nghĩa, "bạc như dân".
Vừa đi tù về, một hôm chờ xe buýt, phải căng tai mà nghe để tách xa, khỏi di lụy; nhưng nhờ vậy tôi nghe hai bà nói về cái chết của Phan Thanh Giản mà các sử gia cách mạng cho là vô lối; Phan Thanh Giản không yêu nước, chỉ có những người như Lê Hồng Phong mới yêu nước. Chuyện nầy làm tôi liên tưởng sự phê phán của vài bà tướng bà tá đối với bà Lê Văn Hưng: ông Hưng tự sát là phí đời, không cần thiết, không khôn ngoan tí nào.
Phải rồi, những bà ấy hằng ngày tại Saigon điều khiển mười sáu ông tướng bốn màu nên xem các ông tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng không hơn gì con bài tứ sắc. Hàng ngày các bà điều khiển cả tiểu đội, nào lái xe cho bà đi chợ, lái xe cho con đi học, các bà có thể ăn lương của họ vì họ mưu cầu chữ thọ, điều khiển họ như tôi tớ. Vì vậy các bà không thể quan niệm cái hào hùng của anh lính trận, không thấy huynh đệ chi binh. Trong vài ngày cuối ở Cần Thơ, tướng Nguyễn Khoa Nam đi thăm bệnh viện dã chiến; một thương bệnh binh cố sức chồm ôm ông, vừa khóc vừa nói: trung tướng đừng bỏ em.
Các bà mang cấp bậc của chồng ấy tốt nhất nên ngậm miệng ăn tiền, vì rất có thể các đức ông chồng đang hung hăng trên diễn đàn cộng đồng, đứng đầu các tổ chức cựu quân nhân, bộ trưởng trong các chính phủ lưu vong. Ở đời có những người mình gặp mà không nói thì mất người, có người mình nói thì mất lời. Chị Hưng ơi, nói với họ làm chi, chị ơi.
Các bà thì sao cũng được còn các ông thì coi không được. Vài ông đã trở cờ. Nhưng điều buồn cười nhất là tất cả các vị ấy, dân sự, quân sự, văn nghệ sĩ đi đúng một khuôn thức: phải chửi lại cộng đồng, và chửi lại quân đội, hai tập thể đã cưu mang họ trong suốt cuộc đời họ. Không chửi như thế có được không? Đó là điều kiện của Hà Nội chăng?
Tôi không nghĩ như vậy, mà đây do tâm thức của kẻ qui hàng rất chi là Đông Chu Liệt Quốc. Ngày xưa Ngô Khởi tự ý giết vợ để cho vua tin. CS đa nghi, các vị ấy phải theo bài học của nhà quân sự Xuân Thu nầy. Rõ ràng, cứu cánh biện minh cho phương tiện; mà đây lại là phương tiện không cần thiết.
Nếu những người nầy thật sự là CS từ đầu (đảng viên hay nằm vùng) nay trở về chủ cũ; đó là những điều đáng buồn, họ không đáng trách. Nhưng đáng miệt thị là những kẻ từ trong trứng nước, lớn lên, giàu có trong ân huệ của miền Nam, hưởng không khí tự do (dù tương đối) quay trở lại làm hại cho miền Nam. Họ thuộc nhiều thành phần trong xã hội, và cũng là nhóm nhiều mồm mép nhất. Họ đáng bị nguyền rủa, trong lúc chúng ta không khinh thị những cán binh CS thực tâm tin tưởng như họ được tuyên truyền. Lớp nầy giống như kẻ bán khai chặt cây táo mà hái trái trong lúc người văn minh dùng thang mà hái rồi tưới nước cho cây.
Trường hợp tệ hại nhất, theo tôi, một ông tướng đã nói rằng nếu quân miền Nam giải phóng miền Bắc thì sự sát hại còn ghê gớm bội phần những điều đã xẩy ra sau 1975 bởi CSVN. Con cá sẩy bao giờ cũng lớn; vì con cá ấy chưa có trong tay, tự mình cảm thấy nó to hay tự ý khếch đại. Có câu hỏi trong Cổ Học Tinh Hoa, vẽ ma dễ hay vẽ người dễ; vẽ ma thì dễ quá, cái mũi không cần cân xứng, vẽ năm mười cái sừng cũng chả sao, nanh dài đến rốn càng tốt.
Biện lý cuộc đã xin tòa phán quyết tử hình cho một kẻ ăn cắp quả trứng gà. Quả trứng gà sẽ thành con gà, con gà sẽ thành bầy gà, sinh ra nhiều tiền, đem tiền đi đầu tư sinh lợi có thể xây cả trăm thành phố. Tòa giảm còn chung thân. Không một ai biết quả trứng có trống hay không.
Hy vọng lối suy diễn ấy chỉ mới có trong sự thôi thúc đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, để xin điểm, để làm quà của hàng tướng như Ngô Khởi dâng thủ cấp của vợ. Nhưng nếu lối suy luận ấy nằm lòng từ khi các vị ấy còn nắm quyền ở VN, thì khỏi giải thích vì sao con cháu Lạc Hồng chạy re không đem theo được cái mền rách.

Bên trên, tôi có nêu lời Nguyễn Mạnh Tường chỉ trích cái nhìn bình dân, chưa đạt đến mức biện chứng. Nhưng tôi là người bình dân, tôi có cái nhìn rất bình dân.
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bậc dậy như ai lấy kim chích đít: "Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ. Cũng giống như nhân viên xã vào nhà đếm gà thấy thiếu một con, không tin là chồn bắt mà đưa gia chủ ra kiểm thảo giết lén con gà sản xuất, trái với tinh thần đạo đức cách mạng.
Nhờ ơn trời đất, nhờ ơn ông bà tổ phụ, tôi có tròm trèm dăm ba chữ tuy không đi đến đâu về duy vật biện chứng, lý thuyết Marx. Tôi không dùng những thứ ấy để nhìn những việc xẩy ra chung quanh. Tôi chỉ là ông nông dân có con trâu làm việc trên đồng cạn dưới đồng sâu nay phải từ bỏ nó mà chưa chắc đã an thân.
Tôi cầu mong các thân hữu chia xẻ cái nhìn bình dân của tôi. Tôi không muốn căn nhà bị chiếm đoạt (bị ép mà dâng hiến), tôi không muốn vợ tôi bị xỉ mặt mắng là thứ vợ ngụy, tôi không muốn con mất các quyền học hành ...và tôi biết trên cuộc đời nầy, có những con người - dù không thành công - hy sinh tính mạng trong mục đích làm cho những việc ấy không xẩy ra. Tôi tri ân những người ấy.
Một ai đứng trên bờ nhìn ra đại dương mà thấy trong lòng biển nước có xác của vợ mình, của con mình cùng với cái máy đuôi tôm khi chiếc ghe không chịu nỗi sóng dập; người ấy cũng biết rằng trên mãnh đất đau khổ của quê nhà, có những kẻ - tuy chưa thành công - đã hy sinh cuộc đời trong mục đích làm cho việc ấy không xẩy ra. Hãy biết ơn những người vô danh ấy.
Một ai thấy miếng đất hương hỏa của mình dành xây nơi thờ cúng tổ tiên nay nằm dưới khu nhà tắm cầu tiêu của một dinh thự mới, khi tự an ủi với lý thuyết vô thường, vô sở trụ ... vẫn biết có những kẻ đã hy sinh trong mục đích ngăn chân điều nầy xây ra; họ thất trận, lắm người quên đi.
Tôi đã mời các thân hữu dạo quanh một vùng rất rộng lớn với ý niệm chiến lược cùng vài nét sơ phát của bối cảnh 1954 rồi đi đến cái nhìn rất nhỏ hẹp bình dân, không kinh điển, không học vị. Cũng giống như hình cái phểu lớn trên bé dưới, đầu voi đuôi chuột. Tôi ước mong cái nhỏ nhoi ấy là nhịp thở e ấp, thầm kín, chân thật và có thật. Mỗi cái nhìn riêng tuy nhỏ bé mà sâu sắc cho từng cá nhân. Cọng chung những thể nghiệm ý thức ấy, chúng ta sẽ có một luồng hơi ấm mới, khơi nóng bầu không khí có phần lạnh nhạt vì thời gian và những yếu tố xâm thực từ bên ngoài. Những khẩu hiệu to lớn ồn ào làm điếc tai không ai nghe; những lời sâu sắc từ tốn thì cô đơn, ít ai nghe.
Giữa hai sự thể ấy là những con người sống thực như mỗi chúng ta trực diện những mất mát, những khổ đau cho chính mình, cho gia đình, cho những người chung quanh. Chúng ta không bị xung động bởi bất cứ ngọn gió nào. Chúng ta có những câu hỏi rất người rất đơn giản và giải đáp ngay.
30.4 chấm dứt một sự cố gắng vô song của rất nhiều chiến sĩ trong mục đích tối hậu chận đứng ngày thảm não ấy. Rất tiếc, thiên cơ đã không giúp họ ngăn chận cảnh nước mất nhà tan và giúp chúng ta khỏi gánh chịu những tai ách trong từng hoàn cảnh cá nhân riêng rẻ.
Những hy sinh âm thầm ấy biết kể làm sao cho hết. Nhưng có kể, cũng xin đừng quên những di lụy trực tiếp của sự kiện những người nằm xuống. Đó là những "sư đoàn" cô nhi quả phụ, những thiếu phụ lo cho chồng thương tật, những bà mẹ cưu mang những đứa con trở thành bất túc, những đứa con không cha như nhà không nóc.
Bức tượng Thương Tiếc đã bị đánh ngã ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Đầu ngàn năm mới, Taliban đã phá hủy hai tượng Phật vĩ đại từ thời A Lịch Sơn Đại Đế (Alexandre le Grand). Hành vi ấy chỉ thỏa mãn sự kiêu căng của lãnh tụ Hồi giáo nầy và thiệt hại kỹ nghệ du lịch tại chỗ; nó không suy siển tinh thần tôn giáo của thế giới và của người theo Phật.
Cũng thế, Taliban VN đã phá hủy tượng Thương Tiếc bên xa lộ Biên Hòa; nhưng họ không thể trục hạ sự thương tiếc trong mỗi chúng ta. Bức tượng tâm thức ấy, ít nhất, mỗi năm được đem ra sơn phết một lần vào ngày mất nước. Bức tượng ấy không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai; bức tượng ấy không riêng gì của người mặc áo trận mà của mọi người. Trong tượng ấy, có người đã chết, có người đang sống và còn sống mãi.- 

Monday, April 21, 2025

Cầu Phủ Cam Huế





Cầu Phủ Cam

Cầu Tiệm Rượu
Tôn Thất Tuệ

Dạ thưa, nói chuyện tầm khào trước. Chừng 1972 đói meo ra làm việc ở Vũng Tàu nhưng tuần nào cũng ăn thịt chó, rượu nếp than thả dàn. Số là Trung Tâm Xây Dựng Nông Thôn đóng ở Rạch Dừa, ngoài cổng quốc lộ Bà Rịa Vũng Tàu là một dãy quán thịt chó e cả hai chục tiệm. Mặc sức mà chọn chỗ nào nhựa mận số dách, chỗ nào dồi nâm bờ oan. Nhân viên của tôi nhắm mắt đi cũng tới nơi. Trung Tâm nầy muốn có vẻ cách mạng, đều gọi đại tá chỉ huy trưởng bằng anh, anh Bé thay vì đại tá Bé, huống là tôi.
Sáng thứ ba nào cũng vậy, tui bước vô thì hai hay ba nhân viên chận hỏi: Anh, tối qua anh mơ thấy gì? Nghĩa là thấy chi để đoán số đề vì chiều xổ số. 10 lần đoán là 8 lần trúng; chúng trúng đề thì trả công bằng thịt chó, sống trên đời ăn cái dồi chó, chết xuống âm phủ biết có có mà ăn không.
Hy hữu nhất là ba lần kể sau đây.
Thứ nhất, nằm mơ thấy bảy con rắn sợ quá nhảy qua hàng rào chè tàu thấy ba con nữa. Đến sở, tui nói chuyện rắn, mấy thằng đàn em quyết đánh 73 và trúng thiệt, hẹn đi phất cờ tây ngày mai. Trước khi đi làm, tôi nói mụ nhà đi chợ ghé chỗ quen ghi 5 đồng 73, cả năm nay không đi thăm ông Huyện. Tôi tin bà nhà cũng trúng nho nhỏ thì ra tờ giấy người ta ghi là 75 thay vì 73. Trật lất, cái số con rệp thì cứ rệp rệp dậm chân tại chỗ.
Thứ hai, thấy đại tá Dần chỗ quen biết, chồng chị Hường, nhà ở trong trường Đồng Khánh bên phía Khải Định mượn. Đại tá Dần đi thăm đại tá Bé. Tui phán: tụi bây đánh con cọp nhỏ thử coi. Cọp lớn là 66, cọp vừa là 36, cọp nhỏ là 06. Chiều 4 giờ xổ số quốc gia giúp đồng bào ta trở nên giàu sang mấy hồi. Con cọp con mang số 06 nhảy ra chào mừng tân triệu phú gia. Trúng nữa, thịt chó "again". Xổ số mau lên, nai đồng quê đem lên.
Thứ ba, hai ông Phật ngồi đâu lưng, một ông to một ông nhỏ, không như tượng người Miên đeo cổ hai ông bằng nhau. Tính toán không ra, nhân viên cứ đến hỏi, anh anh đánh số mấy. Tôi đứng dậy, xoay lưng thì thấy tờ lịch hôm qua chưa bóc; tôi giựt xuống bèn nhớ hai ông Phật giáp lưng, ông to ông nhỏ. Thì trên tờ lịch, ngày tây in chữ to, ngày ta in chữ nhỏ. Tôi bảo đệ tử đánh cả hai số ấy, số đầu số đuôi, xuôi ngược. A Di Đà Phật, số đầu số đuôi y chang hai ngày âm dương. Khỏi cần nói thêm; mắm tôm, lá mơ, riềng.

Lây qua Cầu Phủ Cam là như thế nầy: tối qua tôi mơ thấy thầy Võ Văn Dật giải thích giúp công ty xưa SICA ở Đà Nẵng là Société Indochinoise de Commerce et Artisanat vì tôi nghi cấy "xi ca" nầy nằm trong tên gọi cầu Phủ Cam là Cầu Tiệm Rượu hay Cầu Tiệm Rượu Xi Ca. Khi trong tai vẫn còn âm hưởng mấy chữ tiếng Tây, tôi thấy trên écran tấm hình với ghi chú: Cầu Phủ Cam nhìn từ Cầu Bến Ngự; giống như thấy đại tá Dần muốn gặp đại tá Bé để bắt cọp.
Thức giấc, thấy buồn tê tái, người như vữa ra, tuy chỉ nhớ một khúc bờ sông, một bên là hàng rào của tiểu khu quân sự Thừa Thiên, cỏ cao, không có gì đặc biệt. Cảm thấy mình ngang bằng với đại văn hào Albert Camus với câu ngắn khó hiểu: De l'Algérie, on ne guérit jamais (bệnh nhớ Algérie, làm sao mà chữa lành).

Cầu Tiệm Rượu Xi Ca; cái âm "xi ca" chưa chắc đã là Sica Đà Nẵng nhưng có điều tin tưởng chỗ nầy đã không phải là quán rượu, tửu điếm trà đình; có liên quan đến rượu thì có lẽ là nơi sản xuất, nơi phân phối hay văn phòng v.v...

Tôi chưa bao giờ hỏi ai trực tiếp hay trên internet vì sao có tên Cầu Tiệm Rượu, dĩ nhiên là một hổn danh (nick name) như Cầu Ván là Cầu Nam Giao. Bây giờ không biết ra sao. Cứ như những năm trước 1975, ở góc cầu nầy bên phía nhà thờ, hướng về Bến Ngự, là một khu đất lớn hầu như không có nhà cửa gì; bao quanh hai mặt đường Nguyễn Trường Tộ và Phan Chu Trinh là một bức tường vôi, không cao lắm, ngang đầu một người trung bình. Bức tường nầy chạy lên gần đến đường rầy xe lửa đến trước mặt từ đường của gia đình ông Diệm, nơi ông Cẩn ở cho đến đảo chánh 1963.
Tôi tự hỏi phải chăng đó là địa điểm của nhà máy, trụ sở của xi ca. Mãi cho đến 1950, tôi còn nghe hai thứ rượu: rượu lậu và rượu xi ca; rượu lậu là nấu trái phép.
Quá hơn một nửa ngân sách chính quyền thuộc địa Đông Dương là lợi tức của ba công quản: thuốc phiện, muối và rượu (régie d'opium; régie d'alcool, régie du sel), độc quyền của nhà nước thuộc địa. Các tài liệu về công quản rượu và nghiên cứu phát triển kinh tế lẫn hóa học về rượu của BS Calmette và Viện Pasteur không đề cập đến thương hiệu Sica.
Tuy nhiên theo một cuốn sách về quan thuế và công quản xuất bản 1930 tại Hà Nội, việc sản xuất rượu ở Trung Kỳ do 18 lò cất rượu đảm trách; trong đó 10 lò thuộc về Société Industrielle et Commerciale de l'Anam (Công ty kỹ nghệ và thương mại An Nam), bao thầu khai thác với công quản rượu. Hy vọng đấy mới là xi ca (Sica) khác với Sica ở Đà Nẵng.
Bốn góc đường hai bên cầu chỉ có nơi nầy dự đoán là lò nấu rượu (distillerie d'alcool). Góc đối diện cùng bờ sông nhà cửa vườn tượt liền nhau, dính với tư dinh Ngô tổng thống. Bên tê sông góc phía Bến Ngự thuộc giáo phận TCG Thừa Thiên gồm tư dinh tổng giám mục, ăn thông với dòng Nữ Tu Thánh Tâm và nhà in Thánh Tâm. Góc kia là trường Bá Công xưa.
[Cập nhật, một người cố cựu ở Phủ Cam cho biết đúng là Tiệm Rượu Sica, tuy không phải là quán rượu. Từ đó, làng Phủ Cam có thêm nghề nấu rượu. Chúng tôi tưởng tượng thêm, bã rượu hay hèm nuôi heo mau lớn không bệnh, phải chăng từ đó họ đạo nầy nổi tiếng làm nem bên cạnh nghề chằm nón?]

Nếu hiểu cây cầu không chỉ là một vài bằng xi măng cốt sắt mà cả khung cảnh sống bao quanh, góc cầu nầy đã ảnh hưởng đến VN từ khi ông Ngô Đình Khả đốc thúc thi hành chỉ dụ thành lập trường Quốc Học của vua Thành Thái cho đến cuộc đảo chánh 1963, không kể những di lụy trường hạn. Người ta không còn thấy những ông đại biểu, tỉnh trưởng, tư lệnh vùng đứng ngoài đường trước "tiệm rượu xưa" chờ được gọi vô chầu ông cố vấn chỉ đạo tối cao Trung Phần.
Cặp mép bờ sông, các ngôi nhà dân trung bình, không kể dinh thự của bà Cả Lễ đem chúng ta đến những ngoại ô thành phố Âu Châu, mái đỏ và dốc hơn để tránh tuyết đọng. Ngày nay đứng bên kia sông theo đường Hàng Muối, người đời có thể nhìn qua đó mà tưởng đến hôn lễ vô cùng trọng đại giữa con gái của bà Cả và ông Trần Trung Dung, bộ trưởng quốc phòng, hoa tươi phải dùng máy bay DC3 chở trong Nam ra. Và nhớ đến đôi vợ chồng son nầy âm thầm đi nhận xác hai cậu Diệm Nhu đem chôn với một người thân thứ ba là cha Thuận cũng gọi người chết là cậu ruột; và làm tờ khai tử cho tuần vũ Ninh Thuận ở xã Phú Nhuận, Gia Định. Đám ma của nhị vị nầy là dê rô, không nghĩa lý gì với quốc táng ông Diệm tổ chức cho anh cả Ngô Đình Khôi, chết chung lấp chung một lỗ với Phạm Quỳnh. Con trai duy nhất của ông Khôi chết chung với bố, cho nên xẩy ra một cuộc chạy đua làm con trai trưởng, có nghĩa gọi tổng thống bằng chú ruột. Người trúng cử là một ông cựu giám đốc công an Trung Việt, đội đai rơm, tay cầm gậy, đi thụt lui, ôm kiệu đám mà khóc thương cha già.
Lúc ấy cụ cố (mẹ của các Ngô đại nhân) nhờ tay phục dược của BS Quyến mà sống bền; tuy vậy thiên hạ đã tưởng tượng cái đám ma của cụ cố sẽ to gấp trăm lần đám ma ông Khôi, rềnh rang trăm lần hơn cuộc đón rước Đức Cha Thục về Huế. Nhưng người mẹ già đặc biệt đã "buried her three sons", trong nghĩa đã chết sau ba con trai, để không hưởng một đám ma lịch sử. Ấy là tại cái nốt ruồi (chiếu lệ) dưới mắt của ông Diệm. Ông Đỗ Mậu nói việc nầy thầy tử vi Đồng Hới đã đoán khi ông Diệm còn ở bên Mỹ rục rịch trở về.

Nhưng mà thôi, con đường Hàng Muối của tôi ơi, may quá những trái muối chín đen chưa xuất hiện, để không thêm vị mặng đời người, để tôi nhìn thấp. Đứng trên cầu Phủ Cam hay cầu Bến Ngự sẽ thấy Quyết tinh anh như sen trắng; người con gái của thầy Thám dạy Pháp văn làm đối ảnh với bên kia sông những nữ tu Sacré Coeur áo dòng đen, đeo nặng trước ngực những thánh giá kim loại to bản, như chừng nửa kí lô.
Tôi đã quên những trái muối chín mặng nhưng chưa có trái nhãn lồng chín ngọt. Đứng trên cầu, trong tư thế không mặng không ngọt nầy, tôi tự hỏi, và hầu như đã trả lời có, về ảnh hưởng hổ tương giữa tâm và cảnh.

Mỗi người Huế trong tầm nhìn của người nơi khác, nói về thời xa xưa chưa ồn ào náo nhiệt; mỗi người Huế lúc ấy là một thế giới riêng biệt, có chiều sâu riêng. Cầu Ga, cầu Ván, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Kho Rèn, cầu An Cựu, như từng người Huế riêng, có nét mặt riêng có phong thái riêng biệt.

Ôi những cây cầu dễ thương, ôm những khúc sông dễ thương, như những người con gái ven sông. Một Hoàng Lan, một Phương Thảo trên Ga; một Thu Thảo, một Lan vô định và mong manh ở Bến Ngự; một Ngọ Thu, một Bích Diễm gần cầu Phủ Cam; một Thạch Trúc, mấy chị em của Minh Cầm, con thầy Hàm ở Kho Rèn; nơi An Cựu có nữ sĩ bạn đời của Ninh Hạ, có Túy Hạnh, có Thu Lê... À mà quên, cầu Bến Ngự mòn xi măng vì gót chân của Ngọc Thắm, của Bạch Yến...
Có noái cũng không cùng!







Sunday, April 13, 2025

Nguồn gốc lễ Phục Sinh

 


Resurrection, He Qi

Nguồn Gốc Lễ Phục Sinh
The roots of the Easter story

Phục Sinh sắp đến, tín hữu Thiên Chúa Giáo (Christian) nghĩ đến hai nền móng căn bản trong đức tin của họ là: cái chết và sự sống lại của Jesus, xứ Nazareth. Việc nầy không có gì mới vì sự chú tâm nầy đã xuất hiện ngay từ thời Jesus bị hành hình. Tín đồ tin rằng phục sinh không những là một phép lạ mà là bằng chứng cụ thể rằng Jesus đích thực là vị cứu tinh người Do Thái (DT) mong chờ từ lâu để cứu họ khỏi bàn tay của bọn áp bức.
Nhưng phải chăng ý niệm phục sinh tự nó là một tin tưởng duy nhất trong thế kỷ đầu tiên của người DT?
Ý niệm TCG về một Jesus chết đi và sống lại không những làm nòng cốt của toàn thể giáo lý mà nó còn làm cho đức tin TCG tách khỏi Do Thái giáo. Tuy vậy, ý niệm phục sinh đã có từ bao nhiêu thế kỷ trước khi Jesus sống lại.
Isaiad, tìm thấy ở Dead Sea, viết thế kỷ 2 sau JC


Trong huyền sử Ai Cập, thần Osiris được bà vợ tên Isis làm sống lại. Từ đấy mà sinh ra ý niệm phục sinh: "Người thân của ngươi chết sẽ sống lại". Sớm nhất trong các tài liệu bằng chữ viết nói đến sự tái sinh là Chương Isaiah (Book of Isaiah) trong Thánh Kinh. Tập nầy đề cập tương lai tức là thời phán xét cuối cùng, vào lúc người chết sống lại để nhận phán quyết tối thượng của God. Isaiah tiên tri: Người thân của ngươi sẽ sống lại, thân thể ngóc lên đứng lên. Những kẻ chìm sâu trong đất bụi sẽ đứng lên, ca vang sung sướng".
Sau đó Chương Daniel lập lại ý niệm nầy.


Lúc Jesus còn sống, có rất nhiều hệ phái Do Thái giáo tranh nhau ảnh hưởng. Mạnh nhất là nhóm Pharisees đã đưa ý niệm phục sinh vào tư tưởng Do Thái. Theo sử gia thế kỷ thứ nhất Josephus, Pharisees tin rằng linh hồn là bất diệt, sẽ nhập vào thể xác sống lại. Lý thuyết siêu hình nầy đã làm người Do Thái dễ dàng chấp nhận ý niệm Jesus đã sống lại từ xác chết.
Vài thế kỷ sau, các đạo sĩ (Rabbi) đã kết nạp những sơ phát trong Thánh Kinh vào việc sống lại thể xác chết trong thời đại cứu thế (messianic era).

Một nghĩa địa ở Jerusalem
Người  DT tin rằng vị cứu thế đích thực sẽ phải là hậu duệ của vua David sẽ tiêu diệt kẻ thù và tái lập vinh quang hào nhoáng xưa của DT. Trong mấy thế kỷ sau khi Jesus chết, các đạo sĩ giảng rằng linh hồn sẽ sống lại khi vị cứu thế xuất hiện trên quả đất.
Chừng 500 năm sau khi Jesus chết, sách Talmud - tuyển tập quan trọng nhất về giáo luật sau Thánh Kinh - dạy rằng nếu không tin sự hồi sinh, ngươi sẽ không có chỗ đứng trong Thế Giới Sẽ Đến (Olam Ha Ba). Olam Haba là cảnh giới sống của các linh hồn sau khi chết. Đặc biệt, địa ngục không có trong dòng tư tưởng chính thống DT.

Cho đến nay, quan niệm God cho kẻ chết một đời sống được xác nhận trong Amidah, lời cầu nguyện của DT trong các thánh lễ sáng, chiều, tối mỗi ngày.

Đệ tử đầu tiên của Jesus là người DT, những người nầy đã đưa quan niệm phục sinh vào tư tưởng TCG. Tuy vậy, sự hiểu biết về phục sinh trong giới TCG đã đạt những mức độ chưa từng có sau khi Jesus chết.

Theo Phúc Âm Matthew, Jesus, một người DT gốc Galilée đến Jerusalem vài ngày trước lễ Quá Hải (Passover). Ông bị kết tội ly khai chống chính quyền La Mã cùng tội phỉ bán, gây xáo trộn trong dân chúng chuẩn bị hành lễ; lúc ấy Passover là lễ hành hương lớn, dân tứ xứ tụ tập ở Jerusalem.
Jesus bị bắt đưa ra tòa, bị kết án tử hình. La Mã muốn duy trì trật tự La Mã (Pax Romana), ngại rằng các xáo trộn nhỏ trong đám dân hành hương có thể đưa đến nổi loạn; nhiều người cho rằng Jesus là vua của Do Thái.
Jesus bị hành quyết vào ngày thứ sáu (Good Friday) và sống lại ba ngày sau. Cho nên Lễ Phục Sinh vào ngày chủ nhật (Easter Sunday).
Hàng đệ tử đầu tiên không những tin rằng Ngài đã sống lại mà còn tin Ngài là vị Cứu Tinh của người DT mong chờ từ lâu, Ngài thực hiện các lời tiên tri. Tiếp đến Ngài được tin là Đứa Con Thánh Linh của God (The Divine Son of God).
Bản chất của sự sống lại của Jesus là đề tài tranh luận của các học giả và các nhà thần học. Tín hữu tin gì? Phải chăng là một thân xác sống lại làm bằng thịt và máu? hay phải chăng đó là một thực thể tâm linh thuần túy?
Tuy nhiên, sự phục sinh nầy mang một ý nghĩa rộng lớn hơn trong bốn Phúc Âm mà ngày nay làm đức tin của 2 tỷ giáo đồ TCG. Đó là: Jesus đã thắng cái chết; một viên đá nền móng lớn nhất của đức tin TCG.-

====================================================

Nhà Sách Saigon, đường Lê Lợi
=============================

Wednesday, April 9, 2025









Hãy nhìn bề sâu của Tariff
Ray Dalio; Business Insider tóm lược

Tiếp tục quan điểm đã viết thành sách cho rằng các quy tắc của đấu trường kinh tế chính địa thế giới đã tan vỡ, nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio cho rằng vấn đề chính yếu của tariff không phải là các con số mà độc giả cần hiểu sâu các yếu tố chính yếu đã đưa Donald Trump vào Bạch Cung để ấn định các thuế quan nhập cảng hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ kiểu cổ điển của trật tự trọng yếu của đấu trường tiền tệ, chính trị và địa chính. Sự sụp đổ kiểu nầy chỉ xẩy ra một lần trong đời người, nhưng đã xẩy ra nhiều lần trong lịch sử, khi các môi trường hoàn cảnh trở nên không chịu đựng được nữa.

1. Thị trường HK đặt trên nền móng nợ, bằng cách mua hàng hay vay nợ từ các quốc gia nào có thể sản xuất vật phẩm một cách rẻ hơn, ví dụ Tàu. Nhưng rất nhiều ngành kỹ nghệ đã đi quá xa, và nghiện nợ; hiện tượng nầy làm cho nền kinh tế tắt thở tim ngừng đập (heart attack).

Tỷ số nợ / sản lượng quốc gia tổng gộp là 121% năm 2024, so với 64% năm 2008. Rõ ràng là trật tự tiền tệ nầy phải hay đổi một cách thiếu êm thắm, nhằm thuyên giảm sự thái quá và bất quân bình. HK đang thực hiện vào giai đoạn tiên khởi.

Tương tín suy giảm giữa HK và các nước sản xuất như Tàu tạo nên các áp lực cần thay đổi hệ thống một cách triệt để. Lịch sử cho thấy những hoàn cảnh tương tự đã đưa đến các hệ quả như những vấn đề hiện nay.

2. Mọi nền dân chủ đều mất dạng vì sự cách biệt cơ may, sức sản xuất, giáo dục và mức giàu có. HK cũng theo quy luật ấy.

Những điều kiện nầy được trông rõ trong cuộc tỷ thí giữa các chính trị gia "vì dân hay mỵ dân" tả khuynh lẫn hữu khuynh, tranh nhau quyền lãnh đạo điều hành chính sự. Lịch sử cho biết tình trạng bất bình đẳng đã sinh ra các thủ lãnh độc đoán làm suy yếu nền pháp trị.

3. Không còn nữa, đã qua rồi thời đại HK có uy quyền thống trị xếp đặt trật tự các nước khác phải theo. HK không còn là một đế quốc ảnh hưởng cả thế giới từ thế chiến thứ 2.


Chủ trương hay khẩu hiệu "America First" đánh dấu sự chuyển tiếp nầy.


Trật tự thế giới đa phương và cộng tác được thay thế bằng đường lối đơn phương, dùng quyền lực riêng vào nơi và lúc nào có thể miễn là America first.

AI (artificial intelligence), thiên tai bão bụt, dịch tật sẽ là những yếu tố làm thay đổi luật chơi của thế giới tương lai gần kề.

Chúng ta nên nghiên cứu để biết trong lịch sử các quốc gia đã hành sử thế nào trước hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh hiện nay; cách thức ấn định quan thuế tariff và ngưng trả nợ cho các chính quyền ngoại bang chủ nợ. Chúng ta sẽ thấy những điều không thể tưởng tượng dù không xa hiện tại.







Tariff bảo vệ kinh tế quốc gia




Trụ Sở Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, Genève

LỊCH SỬ TRỞ LẠI 
VỚI CHÍNH SÁCH BẢO VỆ KINH TẾ

Protectionnisme et géopolitique : le retour de l’Histoire
Maxime Lefebvre. The Conversation Jan 19, 2025


Muốn hiểu sự trở lui của chủ trương bảo vệ kinh tế, phải xét từ một thời gian dài xa xưa, chèn giữa chủ nghĩa quốc gia và các tương tranh quốc tế. Tuy vậy, vấn đề mậu dịch hiện đại nằm trong tinh thần của GATT 1947 và WTO 1995. (GATT: General Agreement on Tariffs and Trade. WTO: World Trade Organization).

Những ưu điểm của chủ trương mậu dịch tự do đã được ca ngợi qua ý niệm lợi ích tuyệt đối của Adam Smith và lợi ích tương đối của David Ricardo. Tự do mậu dịch sẽ đem lại một nguồn lợi tập thể cho các đối nhân nhập cuộc vì làm gia tăng sự chuyên biệt kỹ năng, phân công và kết nối các nền kinh tế của các nước. Thành quả nầy sẽ đẩy mạnh xúc tiến sự hòa dịu giữa các dân tộc, dập tắt các mầm mống chiến tranh.

Thế nhưng, đối diện viễn tượng tích cực vừa nêu, chủ trương bảo vệ xuất hiện để sửa sai các hậu quả của sự trao đổi bất quân bình giữa các quốc gia, trong đó các xứ phát triển hưởng lợi nhiều nhất. 1834 chứng kiến sự thành hình Zollverein, hiệp hội quan thuế của các tiểu quốc Đức điều tiết mức độ nhập cảng hàng của Anh Quốc. Mới hơn nữa là sự lên tiếng của giới học thuật bảo vệ các nước chậm tiến trước sự xâm nhập của hàng hóa từ các nước Âu Châu và đề nghị những biểu suất quan thuế khác nhau.
Tự do mậu dịch được cổ súy mạnh nhất bởi Anh Quốc khi đế quốc nầy làm vua biển cả, thống trị thương mãi, kinh tế, tài chánh thế giới và làm chủ các xứ thuộc địa Á Phi. Không ai đủ sức chống lại.


Sau thế chiến 2, tự do mậu dịch mới thành một định chế quốc tế. Các khuynh hướng bảo vệ rất mạnh từ 1914, ví dụ luật Méline ở Pháp hay hàng rào quan thuế của TT Mc Kinley ở HK. Đường lối nầy sống chung với cao trào chủ nghĩa quốc gia và các mâu thuẩn quốc tế, song song với sự phát triển kinh tế. Sau thế chiến 1, Hội Quốc Liên muốn xây dựng nền hòa bình thế giới trên sự an toàn tập thể, chứ không dùng tự do mậu dịch làm một phương tiện chính trị.
Khủng hoãng 1929 một phần lớn vì thiếu một tổ chức kinh tế thế giới. Tiếp theo là các quốc gia trở về đường lối cũ, núp sau hàng rào quan thuế hay sức mạnh đế quốc thuộc địa. Ví dụ sắc lệnh ấn định tariff Howley Smoot 1930 của HK; Anh Quốc đã từ bỏ các nguyên lý tự do mậu dịch của chính mình để thành lập một hệ thống quan thuế biền biệt tại Hội Nghị Ottawa 1932, biểu suất khác biệt áp dụng giữa các quốc gia trong đế quốc Anh và các nước bên ngoài. Thế chiến thứ hai cùng sự phát triển chủ thuyết phát xít và cộng sản đã thay đổi đường lối thương mãi quốc tế.


Nhằm giải quyết các thất bại không thể ngăn cản chiến tranh và các vấn đề hoán chuyển mới, tiếp theo sự hình thành Liên Hiệp Quốc, - với sự thúc đẩy của HK - Quỹ Tiền Tệ Quốc tế và GTT ra đời. (GATT: thỏa ước quan thuế và mậu dịch). Nhưng LHQ đưa ra một hệ thống hòa bình toàn diện dựa trên sự phát triển kinh tế thế giới bằng cách tự do hóa giao hoán thương mãi giữa các nước. Nhờ kế hoạch Marshall 1947, Âu Châu đã chấp nhận tự do mậu dịch là nguyên tắc căn bản, để rồi thành lập Thị Trường Chung năm 1957, và nhờ trợ giúp của Mỹ, Đức trở thành cường quốc kỹ nghệ và thương mãi. Tiếp tục khuynh hướng ấy, Hiệp Hội Âu Châu ngày nay vẫn chủ trương tự do mậu dịch.
Ngày nay HK và ngay cả các nước Tây Phương không còn tin tưởng mù quán rằng tự do mậu dịch bảo đảm hòa bình và dân chủ. Tự do chỉ có ý nghĩa với nhau giữa các nước có đức hạnh; không hồ đồ hổn tạp như một nước Tàu. Âu Mỹ không còn cổ súy tự do mậu dịch, trở lui núp dưới chiến tuyến quốc gia, có khả thể gây ra các cuộc tương tranh mới như giai đoạn giữa hai thế chiến và gia tăng lạm phát, gây khổ lụy cho các nước nghèo.
An ninh quốc gia là lằn ranh đỏ các quốc gia nói rõ sẽ phải duy trì. Adam Smith đã biện minh hành động của Anh Quốc cấm tàu thuyền (nhất là của Hòa Lan) cập bến để phát triển hàng hải thương thuyền với lý thuyết "an ninh quan trọng hơn sự giàu có của một nước". Đó cũng là lý do Tây Phương cấm trao đổi kỹ thuật với khối cộng sản trong thời chiến tranh lạnh.
Các quốc gia muốn đánh thuế chỗ mô thì cứ việc tùy nghi. Nhưng đồng đều trong các chính sách đều có chỗ dành cho nông sản.
Điểm cuối cùng, các quốc gia tự sắm "vũ khí, dụng cụ pháp lý" bảo vệ thương mại để có hành động đối phó các trường hợp cạnh tranh bất chính. Hoa Kỳ có bảo vật: "super 301", chương 301 của đạo luật thương mãi 1974. Liên Âu cũng có những nội quy tương tự, đem ra giải quyết tương tranh thương mãi hai bên bờ Đại Tây Dương về việc tài trợ Airbus và Boeing. HK và Liên Âu hiện dùng những dụng cụ ấy với các sản phẩm của Tàu.


Nhiều lãnh vực trong việc toàn cầu hóa cần được thể lệ hóa, ví dụ: đầu tư, tài chánh, thuế vụ, cạnh tranh, môi sinh và xã hội.
Tự do hóa các hoán chuyển mậu dịch mà không nghĩ đến những hậu quả khác trong lãnh vực kinh tế xã hội là những hạ sách nguy hại. Do đó các chính phủ ngày một chú ý hơn khía cạnh "đối đãi qua về" (level playing field). Liên Âu vẫn kiểm soát đầu tư ngoại quốc để giữ quân bình thị trường, kiểm soát công ty ngoại quốc về việc tạo nên các thứ gaz nguy hiểm gây hiệu ứng nhà kính, thay đổi khí hậu.
Tự do mậu dịch không ngăn cản chính quyền tài trợ kỹ nghệ; việc nầy không được xem là cạnh tranh chính trị bất chính. Tự do mậu dịch sẽ cung ứng các hiệu năng tích cực trong bang giao quốc tế và sự thịnh vương chung nếu được lộng vào một bối cảnh có đủ các yếu tố thích hợp về chính địa, xã hội, môi sinh v.v... Tariff đã giúp điều hòa mậu dịch trong từng hoàn cảnh riêng.
Đối thể của Tariff là tự do mậu dịch. Vấn đề cuối cùng là vòng rào pháp lý điều dẫn tự do mậu dịch. Khuôn viên bao la chính là Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization), ra đời năm 1995, một cơ chế siêu quốc gia dàn xếp các bất hòa xung đột. Đấy là biến chuyển vô cùng quan trọng của cả thế giới và cũng là sự thay đổi quan niệm của HK; HK đã không đi theo con đường cũ như HK đã không chịu phê chuẩn hiến chương La Havane 1948 thành lập một tổ chức thương mại thế giới.
Nhưng Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu đã không chỉ định trọng tài hòa giải, đã tạo nên cuộc khủng hoãng tài phán. Quyết định nầy cho thấy HK đã đổi hướng theo chính sách bảo vệ, không để cho Trung Cộng qua mặt. Chính phủ Biden để nguyên không đá động vấn đề nầy, giữ nguyên tình trạng hiện hữu. Do đó Âu Châu quan ngại các thế lực thương mãi tùy quyền hành động, bên ngoài trật tự đa phương dựa trên các thể lệ chung. Sự đổi thay nầy cho thấy thế giới đã rạn nứt về phương diện chính địa, thúc đẩy bởi tương quan quyền lực tranh giành ảnh hưởng toàn cầu. Bất hòa bất ổn không thể tránh, tuy mức độ còn phải chờ xem..





Thursday, April 3, 2025

Tạ Thu Thâu bị giết 1945

Tạ Thu Thâu, hình cảnh sát chụp n8am 1930


TẠ THU THÂU BỊ SÁT HẠI 1945 tại QUẢNG NGÃI
Nguyễn Văn Thiệt, Rassemblement des Travailleurs Vietnamiens, Paris 1949 *

Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9/1945 cũng biết đến không khí hãi hùng của cái thành phố tự cho mình có tinh thần cách mạng cao ấy. Các tín đồ Cao Đài, các nhà trí thức, các nhà phú hộ, các nhà cách mạng quốc gia, tất cả những hạng người ấy cùng với vợ, con, anh em họ đều bị chém giết mỗi ngày. Người chết nhiều đến nỗi độ ấy ở Hà Nội, tờ báo “Gió Mới” của Tổng hội sinh viên, một tờ báo rất thiên Việt Minh đã phải lên tiếng rằng ở Quảng Ngãi, ngày ngày đầu người rụng như sung.
Anh Lê Xán, bạn tôi, một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày ra Lao Bảo, vừa được thả ra thì bị Việt Minh ở Quảng Ngãi bắt lại. Vì sự tình cờ của chiếc xe lửa ngừng lại nghỉ đêm ở Quảng Ngãi (độ ấy đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội bị hư nhiều nơi, xe lửa chạy rất chậm và hay nghỉ dọc đường) nên bắt buộc tôi phải xuống xe định kiếm một quán trọ ở cạnh ga mà nghỉ đêm. Trong lúc ngồi uống nước, sực nhớ đến Lê Xán, tôi tò mò hỏi bà chủ quán tin tức về bạn. Lập tức tôi bị một trinh sát viên mặc áo nâu, đi chân không, đang đứng ở cửa tóm lấy buộc tôi là đồng lõa với tội nhân Lê Xán và điệu tôi về Sở Công An.
Ngày hôm ấy tôi bị mang đi giam ở một nơi xa... Tôi đang lo sợ một nơi xa ấy là cõi âm ti thì chiếc xe ngựa chở tôi và một người lính gác, tay cầm một con dao dài, một quả lựu đạn buộc tòng teng vào giây nịt bằng một sợi lạt, từ từ rẽ vào con đường đi về Phú Thọ. Tôi hết lo bị chém liền vì tôi biết rằng ở làng Phú Thọ, Ủy Ban vừa dựng một nhà lao to để chứa cho đủ tội nhân xa thành phố.
Một buổi sáng, tôi đang đứng dựa vào cửa, cố thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì những tiếng các bạn tôi kêu lên: Tạ Thu Thâu! Tạ Thu Thâu! Tôi tĩnh hẳn người. Tạ Thu Thâu?
Các bạn tù của tôi tranh nhau nhìn qua cửa. Từ một phòng giam phía bên kia sân, độ bảy, tám người dân quân mang súng, gươm, lựu đạn và ông chủ tịch làng – vừa là sếp nhà lao thì phải – kéo ra một người đàn ông ốm lỏng khỏng mà tôi nhìn ra ngay là ông Tạ Thu Thâu. Ông mặc một sơ-mi cụt tay có hai túi trên ngực, một cái quần Tây dài, chân đi giày vàng. Áo quần trắng đã bàu nhàu và bẩn thỉu, dây do những vết đen đỏ còn đọng, dấu tích của những sự tra tấn vừa qua.
Râu tóc của ông Thâu rối beng, mặt mày hốc hác, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh nhìn mọi người, mọi vật, miệng ông hơi nhếch một nụ cười.
Các bạn tôi lao xao:
– Lần này thì Tạ Thu Thâu phải chết.
Một người nào đó nói nhỏ:
– Quân khốn nạn!
Tôi gián một con mắt vào khoảng hở giữa hai song cửa, hai tay muốn tét ra cho rộng để nhìn cho rõ đám người hùng hổ đi với ông chủ tịch luôn mồm la hét, nạt người này, cho lệnh kẻ kia và ở giữa, một bóng trắng chập choạng, khập khiễng đi đi… để biến sau mộr rặng cây mà ở đó tôi biết có một khoảnh đất trống gọi là pháp trường.
Tôi biết Tạ Thu Thâu bị Pháp bắt vừa mới ở tù ra, thân thể bị tiêm thuốc cho chết xuội đi một bên, nếu không có Chánh Phủ Trần Trọng Kim thì ông đã chết trong khám rồi.
Các bạn tôi nói là Tạ Thu Thâu bị buộc về tội phản cách mạng và âm mưu lật đổ chánh quyền. Bùi Trọng Lệ, đứng cạnh tôi, nói một cách nghiêm nghị quá đến nỗi tôi không cho là một lời mỉa mai:
– Tội Tạ Thu Thâu nặng nhiều hơn nữa. Ông phạm cái tội rất lớn là được dân chúng thương yêu.
Nhưng anh lính gác trước cửa phòng chúng tôi (không hiểu vì sao anh ta lại có cảm tình với tôi và thường hay nói chuyện cùng tôi) anh ta lại nói khác. Theo anh ta thì Ủy ban tỉnh Quảng Ngãi cũng không biết ông Tạ Thu Thâu bị bắt vì tội gì. Chỉ được điện tín của Trần Văn Giàu đánh ra cho các tỉnh, ra lệnh hễ ai gặp Tạ Thu Thâu thì bắt lại. Sau khi Ủy ban tỉnh đánh điện cho Sài Gòn biết là mình đã bắt và giam Tạ Thu Thâu thì liền được lệnh trả lời là phải giết ngay lập tức.
Nhưng khi đem ra pháp trường thì ông Tạ Thu Thâu diễn thuyết cho mấy người lính, ông nói hay quá với lại đúng quá nên ai nấy đều bỏ súng buông lơ, có anh khóc, không ai dám bắn. Nên lại đem ông về lao và Ủy ban lại đánh giây thép vào Sài Gòn hỏi nữa, sợ có giết lầm chăng. Và đã hai lần như thế rồi, Trần Văn Giàu đánh dây thép ra biểu phải giết, Tạ Thu Thâu đứng trước mũi súng lại diễn thuyết kêu gọi một mảy may lương tâm còn sót lại của đám người chỉ biết có vâng lệnh trên, rồi không ai nỡ bắn. Không dám bắn thì đúng hơn, rồi lại mang về, rồi lại đem đi.
Hôm nay thì chắc Tạ Thu Thâu phải chết! Các bạn tôi và cả anh lính cũng bảo thế, vì vừa được lệnh riêng của ông cụ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh.
Tôi bàng hoàng lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ, trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành.
Bỗng người lính gác kêu lên:
– Chu choa! Tạ Thu Thâu lại về!
Tất cả đều nhao nhao. Quả Tạ Thu Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây và đang tiến về phía trái. Nước mắt tôi trào lên, sung sướng khi thấy cái bóng trắng khấp khểnh kia có vẻ vững chắc hơn và trên môi lạt tôi tưởng tượng thoáng thấy một nụ cười ngạo mạn.
Sự sung sướng của tôi không được lâu. Đám người đi vừa đến gần cổng lao thì một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọc trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám đang đứng ở cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét:
– Đồ Việt gian phản động!
Rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm, đá túi bụi. Câu chuyện xảy ra rất mau, kể lại thì xem ra lâu quá. Thêm chỗ tôi đứng và chỗ tấn kịch rùng rợn đang diễn ra hơi xa nhau, mắt tôi lại đẫm lệ nên không thấy được tường tận. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh của một đám người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và từ đó, một giọng the thé rất trong của người thiếu niên kia vang lên:
– Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!
Đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua rồi mà không mấy đêm nằm ngủ tôi không thấy trước mắt cái bóng người quằn quại kia và nghe cái giọng nói the thé ấy.-----------

Đôi lời của người trích đăng 
Tôn Thất Tuệ
Tạ Thu Thâu là một trong những thủ lãnh Đệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản hay Trotskisme thì bị VM giết là đúng sách vở vì Trotsky là kẻ thù chính của Staline. Trotsky đã bị giết khi lưu trú tại Mexico. Thương cha thương một thương ông gấp ngàn thì phải giết bọn tờ rố kít. Vô tay Tố Hữu thì phải biết. Lệnh từ Moscou, một thứ Vatican duy vật. Trần Văn Giàu đã bị trách cứ không nhiệt tình diệt Đệ Tứ mà dùng quyền lực thanh toán nội bộ để giữ vị trí lãnh đạo trong Nam. Có thể lơ là mà Tạ Thu Thâu chạy ra Trung, ra Bắc để mất công Hồ Chí Minh ra lệnh giết.
Trần Văn Giàu bị hạ bệ nhưng còn may để trở thành vô danh, người không có mặt (a faceless person theo báo Times) nhưng còn cái đầu để đội nón, không bị chẹt đào. Trần Văn Giàu trong đảng sử chỉ là một giáo sư giỏi của Trường Đảng. Một thời Wikidepia theo lệnh Hà Nội không dám kê chức vụ và việc làm của Trần Văn Giàu. Với Tạ Thu Thâu, Wiki làm không khác, chỉ nói ông ra Bắc có tham gia đình công của thợ mõ nhưng không nói phải trở vô Nam và bị giết ở Quảng Ngãi 1945.
Nguyễn Văn Thiệt nói Quảng Ngãi giết người hằng ngày. "Ngày ngày đầu người rụng như sung". Điều nầy, tôi đã nghe họa sĩ Nghiêu Đề nói, vì 1945, ông và gia đình không ra được Quảng Nam nên ở lại Khu Ngãi Bình Phú; nhưng chi tiết ông kể sau đây có gia trị hơn vì nó phản ảnh thực trạng nầy.
Khắp xứ Quảng Ngãi, ngày ngày trẻ con chơi trò giết người. Chúng bắt một con châu chấu lớn, con nhái, con tắc kè, chuột nhắc... đè trên phiến đá. Chúng diễn lại buổi chặt đầu, đứa nào chặt đầu, đứa nào làm đội trưởng, đứa nào đọc bản án, đứa nào hoang hô cách mạng; sau rốt chúng chặt đầu con vật nhỏ xíu ấy. Nghiêu Đề cho biết thủ tục theo mấy đứa bé nầy rườm rà, thực tế đơn giản hơn, kéo nạn nhân ra ruộng, chặt đầu là xong.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích trong truyện "Chị Hồng Lưu" thì tả cuộc hành hình phụ nữ nầy ở Quảng Ngãi một cách rất Tây, rất kiểu cách: một dàn xạ thủ cùng bắn, có một linh mục làm lễ bí tích, có đội trưởng cho phát ân huệ, có cái hòm để sẵn. Theo lối tây, trong những cây súng của tiểu đội chỉ có một cây có đạn thật, các cây kia chỉ đạn mã tử; xạ thủ không biết mình bắn đạn nào để tránh mặc cảm giết người. Ở bên Tàu, cha mẹ của tử tù phải trả tiền viên đạn giết con mình, vậy làm chi có đến một dàn xạ thủ và viên đạn ân huệ. Ông nầy viết nhiều truyện liên quan VC rất buồn cười ngớ ngẫn nếu không muốn nói bênh vực lối trẻ con.
Sau các vụ giết người theo lệnh, HCM thường vuốt đuôi làm như không biết, tay không dính máu. Người lính đã nói cho tác giả biết HCM đã quở tỉnh Quảng Ngãi không chịu ra tay theo lệnh của Trần Văn Giàu. Một năm sau, HCM nói: "Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi buồn khi hay tin ông mất”.
Tạ Thu Thâu sinh 1906 tại Long Xuyên có bằng tú tài dạy học trước khi qua Pháp học tiếp. Ở đây, ông hoạt động trong khối Trotskiste chống lại khối Staliniste. Ông trở về nước cộng tác với các báo Saigon có khuynh hướng quốc gia và ông hoạt động trong các phong trào cách mạng không CS. Ông bị chính quyền thuộc địa bắt giam nhiều lần. Lần cuối ông được tha năm 1944. Thời gian nầy Trần Văn Giàu là sếp chúa CS thanh trừng Đệ Tứ và các đối thủ nội bộ.
Tạ Tu Thâu cùng vài cộng sự viên âm thầm kín đáo ra Bắc Việt. Trần Văn Giàu đã ra lệnh các đảng bộ địa phương bắt giữ Tạ Thu Thâu nếu gặp. Nhưng ở Bắc Việt, HCM đã củng cố lưới CS vững chắc hơn trong Nam. Tạ Thu Thâu đành trở lui, bị bắt ở Quảng Ngãi và bị hạ sát trước mắt mọi người.
Saigon xưa có tên đường Tạ Thu Thâu bên hông Chợ Bến Thành.

* Bài của Nguyễn Văn Thiệt được trích từ FB Le Van Quy không ghi rõ xuất xứ chính xác. Tổ chức của tác giả là Rassemblement des Travailleurs Vietnamiens (Tập đoàn thợ thuyền VN) không rõ khuynh hướng chính trị.

=================================================================

Huế xa xưa
============================================


Saturday, March 29, 2025

nói về Khánh Ly



Khánh Ly vinh danh Cờ Vàng, San Jose

chết trên sân khấu

Tôn Tht Tu

Một cô gái đang bị rắc rối với cảnh sát ở cây xăng góc đường. Cảnh nầy quá thường; nhưng khi biết cô ấy là con một người trong xóm thì ta thấy có gì bất ổn, tuy không sôi động, trong lòng. Nếu là con của một người thân thì sự xốn xang tăng thêm. Nói khác càng có liên hệ thì niềm đau thương càng lớn.
Thính giả, người thưởng ngoạn, đã thấy Phạm Duy là một thực thể trong đời sống, họ nghe PD từ lỗ tai xuống trái tim như nghe Beethoven. Họ gần gũi với PD trên vecteur nghệ thuật. Khi thiên thần sụp đỗ, thiên thần không khốn đốn mà khách ngưỡng mộ sống dở chết dở. Họ muốn giết kẻ phụ bạc mà không giết được nên có người đã tự giết mình trong ý hướng giết kẻ kia một cách tiêu cực (đồng hóa với người ghét/thương).
Chính vì vậy, câu chuyện PD không bao giờ dứt. Nó không dứt tùy theo từng người, tùy theo nồng độ liên hệ. Trong lãnh vực súng ống, range là độ xa giữa họng súng và mục tiêu; "shoot in close range" là kê súng sát mà bắn thì có chết thôi.
Sự liên hệ giữa người và người là một huyền nhiệm, được xây dựng tùy cá nhân, tùy quá khứ vô thức, tùy hoàn cảnh giáo dục; có những sự liện hệ mà suy nghĩ kỹ có khi mang màu sắc linh thiêng.
Những dòng trên đây tôi viết khi một nữ văn hữu (coreespondante) cho biết đã vỡ mộng vì một video có Khánh Ly hát mừng tổng lãnh sự VC; về sau vài ý nầy được dùng lại trong bài về Phạm Duy khi ông chết.- ghi chú 2016].
Tôi hết sức thông hiểu sự vỡ mộng của bà bạn email nầy; HTC chưa bao giờ nói nhận định nghệ thuật về Khánh Ly nên không biết nỗi niềm ấy sâu xa thế nào. Tôi xin nói qua cái nhìn của mình.

Thiết nghĩ, Khánh Ly phải bổ túc cho Thái Thanh thì nhạc PD mới lên tuyệt đĩnh. Nhạc Trịnh Công Sơn không đủ cái thiết tha cay đắng, hoan lạc tình người để khai thác giọng ca của KL. Nhạc TCS tạm cho nó cái tên cho đẹp như siêu thực, tượng trưng. Ca khúc Da Vàng chỉ vá víu và đơn điệu.
Kim Tước không chen vào nhạc PD vì Kim Tước chỉ thích hợp cho loại bán cổ điển như của Vũ Thành, Cung Tiến và một ít bài của PD trong phong cách ấy như Chiều Về Trên Sông, Đường Chiều Lá Rụng.
Thái Thanh, trái với tin tưởng của nhiều người, không hát hết nhạc PD. Không ai có thể qua mặt cô em vợ trong những bài như Kỷ Vật Cho Em, Tình Hoài Hương, Kỷ Niệm, vô số và vô số, kể cả Beau Danube Bleu. Cô út Phạm thị Thái được trời cho cái giọng hát khá nhiều thánh thiện nên khó diễn tả những cái có phần éo le như Hẹn Hò: một người ngồi bên ni sông ....
May mà KL không đi theo con đường của nhiều ngệ sĩ trình diễn “chuyên trị” một tác giả. Nói khác KL không đeo sống chết nơi ông "liệt… sĩ" xứ Huế nầy.
May, vì sao may? Khung trời (the scope) của TCS chỉ nằm trong phạm vi e ấp nhỏ nhoi kiểu Lê Uyên Phương; mấy bản phản chiến nới rộng scope ấy một chút nhưng bị lệ thuộc vào một khung cảnh địa dư cụ thể là cuộc chiến VN. Hãy coi xem: chiều chủ nhật buồn ... Hơi nhạc vì vậy cũng bị lệ thuộc vào cái khung trời ấy. TCS đã cố đi xa hơn như nới rộng không gian trong Phôi Pha và Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.
Đáng lý không gian ấy đã phải rất to lớn vì TCS dùng những danh từ rất gợi cảm, trái với lời chắc nịch của PD. Thật ra ý niệm về một scope là một cảm nhận trực giác. Hãy so sánh Mozart và Chopin. Mozart bệnh hoạn từ nhỏ và do đó yểu mệnh, không phải chết vì âm mưu của Salieri như trong phim Amadeus. Nhưng Mozart rất đàn ông, nhạc của ông nhanh nhất trên thế giới, linh hoạt vô cùng. Chopin cũng mắc bệnh phổi và có cuộc tình éo le với George Sand, nhưng cuộc sống hầu như bị chi phối bởi mặc cảm suy yếu, chính vì vậy nhạc Chopin như một tiếng nói nhỏ, nhưng nghệ thuật của ông rất cao cường làm cho các sáng tác trông rất tự nhiên; các nhà khảo cứu cho thấy ông đã nhào nắn nên không phóng khoáng như Mozart. Dư luận hầu như đồng thanh rằng TCS đã mất dương tính (virilité); nếu đúng thì đó là lý do làm cho scope của chàng bị nhỏ lại.
Khánh Ly đã không theo con đường "chỉ vì một soạn giả", một khi nhạc TCS đã dư thừa ế ẩm. Nàng tìm những sinh lộ khác như Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, nhạc tiền chiến. Nhờ giọng ca không ai bắt chước được, tự khắc chế, KL đã đạt tỷ số hát hay cao nhất sau Thái Thanh. Lệ Thu hát không đều; có những bài hát rất bựa mà tôi phải khôi hài nói tô bún cho Lệ Thu thiếu ớt trong mùa mưa lạnh ở Huế. Trong "thế hệ" nầy hầu như chỉ một mình KL được dự vào "club cổ điển" gồm tay tổ Thái Thanh, rồi đến Kim Tước, Mai Hương..., Sự lượng định nầy có phần hơi quá nhưng là một cách nhìn KL.
Những nhận xét trên chưa đủ diễn tả cuộc đời hát ca của KL; chúng chỉ phụ thêm những nhận định chung của nhiều người. Những ưu điểm nghệ thuật nầy nếu ngừng ở chỗ đó thì không có việc gì thêm cần nói.

Nhưng KL cũng như Lệ Thu, cũng như Ngọc Lan, đối với chúng ta, không giống như Nana Mouskouri, Mireille Mathieu hay Dalida, Patty Page v.v... Bởi lẽ, giữa người thưởng ngoạn và nghệ sĩ trong khung cảnh vô cùng đặc biệt của lịch sử hiện đại, có một mối liện hệ trên nhiều vecteurs; có lẽ phức tạp hơn trường hợp nghệ sĩ Cuba lưu vong ở Miami. Một điều không thể chối cải, sự khác biệt ý thức hệ ảnh hưởng đến nhận định của người nghe, người đọc. Nhưng ở những người quen sống trong không khí khai phóng miền Nam, nó không cộc lốc dị hợm như phía bên kia vĩ tuyến 17. Nếu hôm nay chúng ta bị đem về năm 1946 hoặc 1954, chúng ta sẽ áp dụng cách phê phán truyện Kiều theo chỉ huy của đảng và nói trường hợp KL là hoa lài cắm bãi cứt trâu. Vào thời ấy hai mục tiêu chà đạp là Tự Lực Văn Đoàn và Nguyễn Du.

Nhưng tính cách cực đoan nhiều khi được việc. Gần hai tháng sau khi hạ màn mới tập trung cải tạo, khoảng thời gian nhiều người đã phải làm việc với chế độ mới và phải hát những bản nhạc mới. Họ quen nên cũng hát trong trại cho vui. Quản giáo cấm hát: không đủ tư cách hát nhạc cách mạng nhất là bài nào có tên ông già. Bọn trá hàng nầy ruột gan để chỗ khác. Rõ đúng theo Khổng Tử: nội ngoại bất tề sự bất thành.
Người miền Nam đã biết KL dự những phiên họp quan trọng ở Đà Lạt cùng với cha Lan, người tuyên bố chỉ có con đường cho VN là Mặt trận GPMN nhưng có kẻ vẫn dùng máy bay các loại đưa nàng vào bộ chỉ huy không quân để hát những bài phản chiến và có thể còn những việc khác. Rồi người ta lại khen nàng mặc áo có cờ vàng với cam kết sống chết với lập trường chống cộng.
Sau một thời gian im lặng, tưởng nàng tĩnh tâm nhưng thực tế mới phát giác KL đã về VN tuyên bố lung tung như Nguyễn Thanh Ty tố cáo. Nàng được tiếng khôn ngoan không một lời nhỏ khi TCS bị chỉ trích bởi Trịnh Cung và Liên Thành kéo theo cả ngàn lời bàn của độc giả. Nhưng đó là thời gian KL đã hát mừng nhân viên sứ quán CS. Cả một năm sau video của buổi sinh hoạt nầy mới đưa ra công chúng tuy bên VN người ta đã biết.
Khi xem khúc phim nầy, vợ chồng tôi giữ im lặng; hai hôm sau chúng tôi trò chuyện và đã gặp nhau trên nhiều nhận xét chính. Trước dịp nầy tôi đã năm lần viết ngắn về KL, mới nhất là nhân bài viết của Cao Mỵ Nhân. Tôi thấy mình đang đối diện với một KL cừ khôi can đảm bảo vệ TCS, tự tin trong tiếng hát.
Xem xong thấy mình không muốn ghét KL nữa nhưng không nghĩa là chấp nhận, không nghĩa là ủng hộ, không nghĩa là bỏ qua. Cảm nghĩ lúc đầu nó ra làm sao ấy.
Chỉ có thể giải thích một cách ngụy biện như thời Hy Lạp Cổ. Khi đã đạt một điều gì thì hay phá bĩnh mà chơi. Ví như PD qua mấy trường ca, qua mấy trăm bản nhạc hay ho, ông viết: một hai ba ta đi lính cả nhà. một hai ba ta đi lính cọng hòa hoặc "buồn chi bỏ qua đi tám. KL đã đạt danh vọng tiền tài nay không cần nữa, phá hết mà chơi. Nào có như vậy. KL muốn củng cố gia tài nghệ thuật và gia tài tiền bạc bằng con đường mới, trở vế vết xe của cha Lan ngày xưa Đà Lạt.

Về chính trị thì đã rõ; đại đa số khách ngưỡng mộ tìm nơi KL một đồng minh qua Người Di Tản Buồn; Đêm Chôn Dầu; Một ngày năm tư con bỏ nước ra đi v.v...nay thì KL hát khen người đã xua họ vào bước lưu đày, trại cải tạo, kinh tế mới ... KL là biệt kích văn nghệ theo kiểu mới không như kiểu của Hoàng Hải Thủy.
Về âm nhạc là một phá sản toàn diện. TCS nơi KL đêm ấy không hơn gì TCS trong đám ca sĩ choai choai sau 75, không biết nhạc sử, không ý niệm về cái đẹp (esthetique), tuy đến mức Thanh Lam la hét. Nét chính yếu trong nhạc TCS là nhịp rất chậm, trừ những bài về sau học theo kiểu ngoài Bắc trước 75 như người đi lên đồi cao, mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình.
KL đã hát tham, làm thành điều kỳ dị gọi là liên khúc; mỗi bài một chút, hát nhanh hát gấp. Mây Hồng không nhẹ nhàng mà như đang bị hurricane thổi; bước chân của Hạ Trắng như bị kẻ cướp rượt qua công viên. Những bản nhạc ấy không thích hợp cho nhún nhảy mà nghề nhún nhảy KL lại không có. Thế mà KL cũng đã vung vít quờ quạng khá nhiều, nhúc nhích, xung xăng.
Ngạc nhiên vì sao KL lại biến những bản nhạc gạo cội của mình thành những presto dồn dập không đúng chỗ. Đó là về âm nhạc. Nhưng thực tế với giọng ca lứa tuổi gần 70, người ta còn hát chậm để còn chỗ mà thở. Patty Page đã làm điên đảo giới âm nhạc khi bà đã gần 80 mà hát hay hơn những bài gạo cội thời xuân sắc. Nhưng Patty không phung phí sức lực mà nuôi dưỡng giọng ca qua những bản "chữ ký" (signature song). Các nghệ sĩ về già đều giữ những lần trình diễn cũ làm sao cho chúng không mờ đi. Danh cầm Mỹ Van Cliburn, đoạt giải dương cầm Tchaikosky Nga thời Kroutchev, sau một thời gian im lìm, đã trở lại sân khấu và ông cũng đàn lại concerto năm xưa viết bởi Tchaikosky, tác phẩm đưa ông đến đĩnh cao trong đời nghệ sĩ.
Một điểm không đáng nói nhưng phải nói. Đó là cách ăn mặc, dù cô nói ngay khi bước lên sân khấu xin lỗi y phục không tươm tấc. Khánh Ly trong chiếc măng tô, quần tây, tóc búi sơ sài trông giống như mấy bà nội trợ lái xe vào Home Depot ngày cuối tuần mua vật dụng sửa nhà hay cây cối về trồng.
Đấy là một sự tính toán để biện giải về sau rằng nàng không cố ý hát hầu nhân viên ngoại giao CS mà bị ép trong một hoàn cảnh, nể nang hay quá yêu nghề. Không thể có chuyện ấy ở một người khôn ngoan như Khánh Ly: đã về VN trở lại Mỹ nói các giọng điệu khác nhau tráo trở ngọt ngào như sống chết với cờ vàng và tôi chỉ vì tiền và vì sợ bọn kháng chiến. KL hẳn biết chuyện xuất hiện nầy không đơn giản. Tô Văn Lai không nói gì với KL sao? Mắc gì KL phải đến đấy để bị ép lên hát!
Tính toán nầy chẳng may không giúp gì mà đã cùng những yếu tố khác đã đưa KL vào góc tối. Mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi. Với thời buổi truyền hình ngày nay, dung mạo của nghệ sĩ không thể xao lãng. Trở lại Patty Page, lúc trẻ đâu có đẹp như các ca sĩ Mỹ khác, và không đẹp như KL. Nhưng tháng 11 năm 2010 có hình nằm trên trang bìa một tạp chí điện ảnh số 1 của Hollywood,  sắc diện tinh anh. Ở tuổi 84, Patty vẫn còn lưu diễn ở Mỹ và Canada, mỗi năm chừng 50 buổi. Khán thính giả không phải trông một bà lão lụm khụm ăn mặc bê bối.
Các bạn chớ vội tin những điều tôi viết, hãy xem cái video thì rõ hơn nữa. Nếu các bạn thấy tôi viết không quá đáng, nếu các bạn là ông bầu văn nghệ trình diễn, bạn có dám đem hai triệu dollars mời KL hát để đầu tư làm giàu hay không? Người bơm tin nầy rất thích trò lạm phát, tập tễnh nghề tin vịt.

Thật buồn, tôi không muốn viết nhiều, bỗng dưng tôi thấy quí mến cái chết chưa có, không có thật, nhưng có trong ước mơ của Dalida: tôi muốn chết trên sân khấu dưới những lằn đạn của ánh đèn chiếu rọi, trong sự ôm ấp của những bức màn nhung. Nơi đó, nơi sân khấu, tôi đã được sinh ra và sống lên, không gian dối, không xảo hoặc; tôi chỉ có một tội là hớp hồn dân Pháp tuy không nhiều như Đờ Gôn theo sự thăm dò dư luận. Nhưng tôi, Dalida, tôi không bá đạo không mánh mung như nhà chính trị già nua nầy, tôi hát trên sân khấu, chết trên sân khấu, công khai, không lén lút, chỉ có nghệ thuật, không mồm mép, lưu manh. [cập nhật 2016].Và tôi cũng quí mến cái chết có thật trên sân khấu của Jane Little, đại hồ cầm, ở Atlanta.
Sân khấu không phải là đất thành của những con tắt kè đổi màu. Những thứ hồn cô cốt cậu, ai ai cũng lánh xa, dù ở trên chiến tuyến nào hay trên quan điểm nào. Sân khấu linh thiêng như đền thờ nghệ thuật không dành cho những thứ lưu manh. Tôi không đồng ý với Trịnh Công Sơn trên nhiều điểm, nếu không nói là ghét. Nhưng ghép Khánh Ly với TCS ở chỗ chê lẫn chỗ khen, ở chỗ thích lẫn chỗ không thích thì tội nghiệp cho Sơn.  (bài đã đăng)

========================================