add this

Wednesday, December 10, 2014

chỗ thuyên đứng


chỗ Thuyên đứng
Tôn Tht Tu


La Jolla không lạ gì với tôi. Qua lại nhiều lần nơi vòm cây xanh nầy vì lý do nghề nghiệp cho tôi cảm nghĩ về một thành phố Đà Lạt với nhiều thông và những ngôi nhà kiểu Pháp. Thỉnh thoảng tôi gặp những khóm hoa vàng mà bảo là mimosa bên bờ hồ. Sáng hôm ấy trong cái lành lạnh nhè nhẹ đầy ý xuân, tôi trở lại nơi đây trong một tâm cảm khác thường.
nơi ấy như một cành cây có bầy ong bạ lại trên đường đi tìm nơi xây tổ. Thật vậy khuôn viên của trường đại học là nơi tập họp nhất thời của người Việt ăn Tết và giao thừa sớm. Cái sớm hơn tự nhiên vì các điều kiện sinh hoạt của xứ Mỹ, nó không như trong quyết định của Quang Trung cho quân sĩ ăn Tết sớm để về Thăng Long lấy lại chủ quyền.Tôi vẫn bị dày vò vì ý nghĩ của một kẻ lưu đày Đông Âu đến Paris nói rằng không ai có thể đem quê nhà theo gót giày lãng du. Ý nghĩ đó cày nát tâm thần tôi khi vào nơi tổ chức hội chợ Tết Ất Sửu 1985 tại đại học San Diego như để tìm một hương xuân bèo bọt.

Nhiều người đã đến trước. Trẻ con chạy tung tăng như trong lối xóm người lớn lo cúng quảy buông thả trẻ con ra đường. Tôi đến sớm và thấy Tết lớn dần với số người lớn dần. Thật ra hôm ấy chỉ ngày hai mươi bảy. Ý niệm về thời gian trong tôi có quá nhiều lộn xộn. Trước nhất tôi phải giả định đó là ngày Tết. Điều này cho tôi ổn định tâm thần, giải quyết một trong muôn ngàn cơn xoáy trong lòng. Thứ đến, giờ nầy, ngày nầy, cho dù ba hôm sau mồng một âm lịch thật, không phải là cái Tết mà người bên nhà cùng mừng vui với người bên ngoài. Bên mình, sự cử hành Tết cũng bị điều kiện hóa bởi những thể thức mới, còn bên Âu Mỹ, Tết cũng phải đi làm đi học. Thứ ba, theo chương trình, 12 giờ trưa mới có lễ chính thức, niệm hương, đốt pháo; một thứ giao thừa giữa trưa; không phải vào đêm đen như mực.

Của cùng một cái Tết mà ba thứ thời gian - thời gian của niên lịch, thời gian vay mượn cho tâm tư tập thể, và thời gian thương cảm của chiều tuế mộ 30 ở quê nhà - đã tách rời nhau trong tôi, phân chia thành ba như bài học vạn vật sơ đẳng, thân thể con người gồm đầu, mình và tay chân.
Bất giác tôi nghĩ hôm nay tôi sẽ có một thứ thời gian thứ tư sẽ tìm gặp đâu đó quanh đây, như trong đòn bánh tét, món quà chưng bán mỗi năm, hay một ai nào đó. Dày thêm một tý nữa cho thời gian có sao đâu.


Giá như dùng xe ủi cày nát các mô cỏ xanh rồi trải thành con đường đất mịn; rồi theo đó có những nồi cháo nóng hổi cùng những chiếc đòn thấp lè tè. Và giá như có một bà lão ngồi tráng bánh cuốn bốc hơi. Và giá như ở góc kia có vài ba chiếc xích lô mà phu đạp cho ngừng nghỉ để ngồi lên ghế xe, cầm lấy tờ báo đọc ngấu nghiến mấy hàng tin, vỗ đùi khen thưởng một câu châm biếm, tay đưa ly xây chừng nhâm nhi. Giá như những thứ ấy có thật để đem Tết an vị vào đấy thì tôi đã thật ở trên quê nhà.

Nhưng đây chỉ có bánh cuốn dưới lớp nylon, với một tý nước mắm trong dĩa xốp màu trắng. Dẫu sao cũng là một thứ quán xá cho ta ý niệm về sự dừng chân trên đường phiêu bạt để thấy lại quán nước chè xanh, nước vối, tô bún riêu. Mà tôi lại tạt vào chỗ có món ăn Huế. Tinh nghịch, tôi bảo cô hàng hãy đọc cho ra một câu lục bát về một thứ bánh tôi mới mua mở hàng. Cô ấy chịu thua nên tôi phải ra tay.
          (Bánh) Bột lọc mà bọc nhụy tôm
         Tay chưa mở lá mà mồm (đã) hả ra.

Quanh mấy gian hàng, rất nhiều áo màu xanh đỏ như những năm học ở Saigon về Huế ăn Tết, tôi chỉ thấy những chiếc áo màu trên đường Trần Hưng Đạo và Gia Long. Nghe tôi hát một giọng rất thuốc lào các cô cười vui hồn nhiên.

Nhưng có một người không cười mà như muốn ẩn núp sau cột lều tuy cột lều nhỏ hơn cườm tay. Phải rồi, có những lúc ta cần cảm giác được che chở như giọt mưa cần lá đỡ trước khi rơi vào má người; hay như Hoàng Trọng đã viết trong một bài ca: em níu lấy cành dâu che dấu mộng ban đầu.

Chẳng hiểu vì sao tôi biết người đó tên Thuyên, mặc chiếc áo dài xanh biển khá đậm, móc lên tay chiếc áo len trắng xù như lông thú. Giữa cái xã hội gọi là cởi mở, tôi bỏ bớt sự dè dặt với phái đẹp. Nửa trang trọng, nửa thân mật tôi chào Thuyên, hơi nghiêng nghiêng đầu.

Một nụ cười thật rộng xóa tan vẻ điềm nhiên của Thuyên sau cột lều hàng quán. Quả thật cho đến lúc ấy, Thuyên bị xóa mờ trong đám áo màu chung quanh. Sự chuyển động của đôi môi hé mở các nét duyên dáng khác trên mặt, như bức màn nhung kéo lên để lộ sân khấu đầy phông cảnh đẹp tươi.
Tôi vẫn đứng tần ngần tại chỗ. Trong tôi nẩy ra một ý nghĩ rất độc ác. Phải làm gì để dìm sắc đẹp nầy. Ganh tỵ chăng? Tôi thầm mắng chửi nàng thậm tệ: "Ồ cái đồ rộng miệng; đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà." Tôi gật gù khoái chí với ý nghĩ hàng tôm hàng cá ấy.
À phải rồi, cô nàng có lần xuất hiện đâu đây trong một buổi trình diễn hòa ca. Đúng rồi. Từ đó tôi mới bắt chuyện.
- Hôm nay cô Thuyên hát bản gì cho ngày xuân?
- Ngày xuân bao giờ chả thế, Thế Lữ, Phạm Đình Chương... đôi khi hát nhạc ngoại quốc.
- Khúc hát thanh xuân? You told me you loved me.. của J Strauss?

Thuyên không trả lời; mắt nhìn ra rừng cây. Tôi chủ quan cho rằng nàng đang hướng về rừng của thành Vienne trong một phim về vua luân vũ nầy. Tôi nhìn Thuyên chằm chặp mà không ái ngại vì mắt Thuyên quay về hướng kia. Vẫn chủ quan, tôi thấy một nét nhạc chạy qua mắt nàng. Lúc ấy cảnh vật và nhân vật chung quanh đã tan biến trong tôi, chỉ có Thuyên.
Thuyên quay người như muốn đi rồi nhìn tôi. Và nàng đi thật; đi chẩm rải. Tôi theo sau. Đột nhiên, Thuyên đi nhanh, nhanh lắm, bước lên thềm cấp tiền đường của lễ đài. Đến bực cao nhất, Thuyên dừng lại quay lui trong lúc tôi còn dưới thấp.

Rất may nàng không cười. Nếu cười tôi đã chết giấc rồi. Mặt trời ở sau lưng tôi và chính mặt nàng phản chiếc thiên thể ấy. Hai tay tôi ghì vào người. Hai cánh tay trước đưa lên, mười ngón tay từ từ rơi nhẹ để nằm ngang. Đầu tôi nghiêng nghiêng. Rõ ràng đó là dáng điệu của trưởng ca đoàn cảm ơn và tán thưởng ca sĩ soprano sau một khúc hát gay go trần ải.
Tôi bước lên bực thềm. Thuyên vẫn đứng đó. Tôi bảo tôi phải đi bây giờ, đi Santa Ana lỡ hẹn mấy ông bạn du đảng văn nghệ văn gừng với nhau. Thuyên quay người rồi trở về vị trí cũ, nói:
- Ông không ở lại nghe hát à? Hay ông biết không có nhạc Strauss?
Dứt lời, Thuyên đi thẳng vào hội trường. Tôi thật cù lần. Chính cô nàng là người đầu tiên nói một câu có đâu ra đó. Từ nãy đến giờ tôi chỉ nói bâng quơ. Thế mà tôi để cho nàng đi mất. Cù lần chứ còn gì nữa.

Bên trong người ta đang chuẩn bị sân khấu. Phải chăng tôi sợ những thứ ấy mà không đi theo Thuyên? Thật vậy, phông cảnh, những chiếc máy vi âm là những người bạn năm xưa của tôi. Cuối năm học là một lần trình diễn văn nghệ. Hay có lần lưu diễn làm sân khấu lộ thiên, ngủ tại chỗ giữ đồ đạt như nông dân ngủ trong chòi rơm canh lúa canh khoai. Một Lê Lai liều mình cứu chúa; một Hạng Võ bên người đẹp Ngu Cơ vào giờ sinh tử, một Kinh Kha vác kiếm ra đi...đã là những quãng đời thật của tôi. "Ngu Cơ" bây giờ ở đâu? phải chăng đang nuôi chồng gầy yếu trong vùng kinh tế mới không đủ sức cử đỉnh ngàn cân? "Kinh Kha" đâu? Có lẽ trong trại cải tạo. "Lê Lai" e rằng đã mất xác trên biển. Thuyên ơi em đã đi vào chỗ chết của đời tôi.


Tôi cúi đầu đi ra bãi đậu xe. Loay hoay mãi không mở được cửa vì lầm xe cùng màu cùng hiệu. May không có báo động. Tôi tự thấy mình là tài xế nguy hiểm sẽ đưa xe ra xa lộ. Tôi cẩn thận móc dây an toàn. Luật xứ nầy chỉ trừng trị kẻ say rượu nhưng không thể định cái say nhè nhẹ như trong tôi lúc ấy. Freeway 5 trực chỉ bắc hành.
Tôi thật vô lý, quá lệ thuộc vào giờ khắc mà dật dờ trên xa lộ, lại bỏ mất cơ hội gần Thuyên nhưng thấy hay hay tìm ra sự giải thích có phần ngụy biện.

Không, tôi không đi vì một thời biểu sắp sẵn, biết không Thuyên; mà chỉ vì cái giao thừa ban trưa sắp đến hai giờ nữa. Nhận chân mình là kẻ lưu đày thì giờ ấy phải ra đường, xa nơi mình ở hằng ngày, nơi đó đâu có phải nơi để hưởng giờ đầu năm lúc ban sơ của một chu kỳ niên kỷ. Ai tự nhận là kẻ lưu đày mà không sợ sệt khi về đến cổng. Còn Thuyên là con người của gia đình, của tổ ong bạ vào khu rừng La Jolla; Thuyên ở đấy đi.

Chiếc xe mượn được có máy hát khá tốt. Chủ nhân còn để một cassette. Như cái máy, tôi đưa tay ấn vào. Ít phút sau tôi mới nhận ra đại hòa tấu dang dở của Schubert (Unfinished Symphony). Thì cứ như nghe vậy thôi, như nghe tiếng gió. Rồi trống lại dội lên đánh mạnh vào lòng. Nay tôi sống trong giả mộng Thuyên đã đặt vào đây hòa khúc nầy để trả thù tôi, trả thù lối độc ác nguyền rủa cái cười rộng miệng của nàng. Thôi được, trong nhạc có chút màu xanh lá, chút đau đớn, chút vu vơ. Tôi nhận lấy.
Đến Quận Cam, tôi chẳng thấy trời trăng gì. Vào nhà người bạn tôi chỉ muốn nhào ra thảm ngủ một giấc. Rượu thịt ê hề, thấy mà sợ. Tôi như kẻ mất trí, cảm thấy mình hiện không ở Santa Ana mà đang ở La Jolla. Tôi phải quay về San Diego. Vâng, tôi đã quay về San Diego trong cái gọi là trả thù của Thuyên, khúc nhạc của Schubert.

Bóng chiều đã ngả nhiều. Mặt đường đậm đen. Trên không là khu vực sáng. Xe chạy như đi vào đường hầm, những hành lang dựng đứng của sườn núi. Tôi rẻ vào con đường ban sáng dùng để vào UCSD tuy biết giờ nầy đàn ong không còn bám vào nơi bờ cây xanh nữa. Đã tàn một cuộc vui. Tôi muốn trở lại đây vì đã quá cái giao thừa giữa trưa nói trên.

Tôi trở lại nơi ban sáng có phố xá, có người vui, có cô nàng quay lưng đi thẳng mất vào hội trường. Cây cối cao xanh không che hết ánh sáng vào lúc xế chiều. Nhìn kỹ mới nhận thấy cảnh một gánh hát mới cuốn tượng dời gót. Còn có một thứ hoặc họ không thể dọn vì quá nhỏ, hoặc muốn để lại như lưu dấu một ngày xuân.

Đó là xác pháo đo đỏ trăng trắng, nơi thì nằm yên vì sương ẩm, nơi thì theo gió dật dờ lui tới. Trên thềm còn những dấu thuốc súng cháy đen vì những viên pháo nổ chậm rơi xuống đất. Những vết đen ấy cho tôi biết đó là nơi sáng nay Thuyên quay mặt về hướng mặt trời để phản chiếu nguồn sáng ấy. Lại một lần nữa, tôi đưa hai cánh tay trước lên và cho đôi bàn tay rơi xuống trong tư thế của nhạc trưởng chào mừng diệu thủ danh cầm.

Tôi bước lên chỗ Thuyên đứng sáng nay và cũng quay người về hướng đông. Mặt trời đã chạy về phía sau nhường chỗ cho những đám mây đám sương. Và giá như có nguồn sáng ở phương ấy, vẫn không có khuôn mặt tươi vui của Thuyên để chiếu lại. Và giá như có nguồn sáng ấy, khuôn mặt u buồn của tôi chỉ là vực thẳm màu đen mà thái dương chìm xuống như hạt muối rơi vào biển sâu.

Lại một thứ thời gian lộn xộn trong đầu. Hôm nay tôi và người Việt giả định sáu giờ trước tức 12 giờ ngày 27 Tết là giao thừa, có pháo, có niệm hương. Từ giao thừa giữa trưa ấy, bây giờ là sáu giờ sáng mồng một Tết. Nhưng trước mặt tôi là một buổi chiều thực sự, một hoàng hôn, một bóng tà dương nếu muốn dùng vài chữ Hán Việt. Vâng, nó đến thực sự với đầy đủ hậu quả và sức lực; hơi lạnh tràn dâng. Bóng cây dẫn bước con người về thế giới suy tư và thương cảm.

Tôi biết không thể đứng đây nữa, sẽ phải về. Chữ "về" chỉ có nghĩa rời khỏi mà chưa bao hàm nơi đến. Và nếu bây giờ là chiều 30 thật, tức là năm sáu giờ nữa là giao thừa như vậy mình phải đi và đi đâu? không có một nơi nào thật đáng cho ta dừng chân hưởng giây phút đầu tiên của chu kỳ niên kỷ trên bước đường lưu lạc.

Sáng nay người ta tụ lại như hình ảnh nói lên khuynh hướng tập đoàn ở con người và cả các loài động vật như ong và như trên đã nói, tôi xem chợ Tết nầy như một đàn ong bạ tạm nhánh cây rồi đi. Tôi vẫn đứng nơi chỗ Thuyên đứng sáng nay để - xin làm đỏm triết nhân một tý cho vui ngày xuân - có chút suy nghĩ về người đời và đời người.

Nơi chỗ Thuyên đứng sáng nay cách mặt đất chừng hơn một thước mà tôi có cảm tưởng mình là nhân vật truyện ngắn đứng trên lầu cao Thượng Hải nhìn thành phố Tàu chật ních người. Theo ý ông, ngoài con người và động vật còn có một thứ khác biết hợp quần. Tinh tú kết thành tinh hệ, như chòm Bắc Đẩu, chòm Hiệp Sĩ và vô số thiên hệ khác trong vũ trụ bao la. Nhưng chỉ lấy một tinh hệ mà nói, sao nầy đến sao kia mất cả triệu năm ánh sáng. Từ đó giữa người nầy và người kia vẫn xa nhau bằng nhiều năm ánh sáng.

Tôi không rõ tác giả nói về sự xa cách đó trong cảm thức triết học hay một nhận định về thế thái nhân tình trong xã hội bị nghiền nát vì chính sách phi nhân như Trung Hoa thời cách mạng văn hóa. Dẫu sao ý kiến ấy gieo rắc cho tôi sự xa cách giữa con người và con người trên nhiều quan điểm. Phải chăng con người đến gần nhau để xa nhau hơn như sáng nay tôi đã ngầm mắng rủa cái cười rộng miệng của Thuyên.

Dĩ nhiên tôi vẫn bị ám ảnh bởi người con gái mặc áo xanh biển, tay móc chiếc áo len trắng xù như lông thú. Cô nàng ở đâu? Chắc chắn ở San Diego, một quận hạt rộng bao la như một vùng chiến thuật bên nhà trước 1975; ở đâu đó trong quận hạt cực nam nầy của California.

Trở lại ý niệm tinh hệ nói trên, tôi hỏi từ North Park đến Linda Vista bao triệu năm ánh sáng? Từ Mira Mesa đến El Cajon mấy ngàn năm ánh sáng? Từ Santee đến La Mesa mấy ngày ánh sáng? Escondido đến Oceanside?
Mà thiên thể vì sao họ sống xa nhau như vậy?  Họ là những viên ngọc, bằng chứng là ánh sáng tung tỏa mà không cần thợ mài kim cương trứ danh, những viên ngọc to hơn quả đất triệu triệu lần. Họ là ngọc nên họ sống xa nhau.

Mà Thuyên có phải là viên ngọc không. Đột nhiên tôi hỏi: "Thuyên em có phải là viên ngọc không?" Tôi tưởng tượng cô nàng đứng trước mặt và đối đáp như sau.
- Thuyên, em có phải là viên ngọc theo nghĩa vật thể của nó không? Chắc không? Em chỉ là cục đất bùn.
- Ông đùa một cách tinh tế hay ông nói con người là cát bụi hay như Kinh Thánh, con người nắn thành từ đất sét?
- Tôi có làm ruộng và đắp những con đê thật nhỏ để ngăn nước hay giữ nước, bằng những khối đất bùn khuân từ chỗ khác hay lấy sâu ở bên cạnh. Nếu em cho tôi những viên ngọc để thay thế, tôi sẽ bó tay trước cơn nước lũ và không thể đem những viên ngọc ấy bỏ vào cối xay làm ra gạo. Tôi sẽ bó tay nhìn nước cuốn đi cả đám mạ xinh tươi.
- Tôi chẳng hiểu ông muốn nói gì.
Sau khi nhắc lại câu chuyện thiên thể, tôi tiếp
- Những viên ngọc bao giờ cũng muốn đứng xa nhau, chỉ đem cái óng ánh của mình ra khoe nhau như thời thượng mà vẫn nằm yên trong tủ kính hiệu kim hoàn chờ làm của riêng. Còn tôi, tôi thích những viên gạch, cũng là từ bùn nung lên hay chính đất bùn tôi nhào với rơm tráp vách tre nơi nhà lá. Tôi chỉ thích những cục bùn giúp tôi làm con đê chận nước cho lúa xanh tươi.
- Tôi không ngờ ông lại theo chủ nghĩa duy lợi đến thế.
- Chả có gì lợi hại nơi đây. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ về bản chất của vật liệu. Tôi có bao giờ lên mặt dạy đời thế nào là lợi, thế nào là hại đâu. Tôi nói thế cũng như hôm nay tôi nói Thuyên rất đẹp.
"Tôi sống lên trong bùn lầy, trong cái tăm tối ở quê nhà, tôi yêu mến những cục bùn và tôi muốn Thuyên là cục bùn để tôi yêu mến. Chỉ có thế thôi. Nếu khung cảnh Tết hôm nay đưa ta về quá khứ, tôi nói rằng trong quá khứ ấy có hằng triệu cục bùn nắm lấy tay nhau như một con đê, như những nông dân sau lưng Bà Triệu, sau lưng Lê Lợi. Đó là những nông dân yêu mến những cục bùn như yêu thương con tim họ. Đây tôi không lên mặt dạy đời một bài lịch sử đâu nhé. Tôi tin họ không phải hay đúng hơn họ không nhận mình là viên ngọc và không chịu để cho một ai bỏ xác mình vào chiếc hòm thủy tinh cho đời cung bái hay nguyền rủa. Chết rồi, hồn về với những cục bùn đắp thành con đê. Thế ấy, tôi muốn Thuyên thành cục bùn để tôi yêu mến, thế thôi.

Tôi bừng tĩnh ra khỏi cuộc đối đáp giả tưởng và thấy mình đang đứng một nơi vô cùng hoang vắng chỉ có sương chiều và xác pháo rụng rơi. Tôi phải vể.
Trên đường đến bãi đậu xe, cô đơn đã ăn nhập với cô liêu. Tôi quay mặt về chỗ Thuyên đứng sáng nay, lẫm bẫm mấy chữ "thoảng qua một tết những gì?" rồi tôi hỏi:
Sao Thuyên không dùng nụ cười rộng mà rộng cười để rút ngắn những năm ánh sáng giữa các thiên thể và nhân thể trong vũ trụ hay ít nhất trong San Diego nầy, Thuyên ơi!
San Diego 03-1985

Franz Schubert

♫♪ ♫♪ Symphonie Inachevée ♫♪ 


See the source image
Chợ hoa Tết Saigon xưa

No comments:

Post a Comment