add this

Friday, December 5, 2014

hường ưng bửu vĩnh




Huế xưa
hường ưng bửu vĩnh

tôn thất tuệ

1972, tôi là trưởng phòng phòng nhân viên Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu. Có anh cán bộ tên là Bửu Vĩnh Sơn. Tại sao Bửu mà còn Vĩnh? Anh giải thích khi Huế tản cư1945, mẹ anh mang bầu và sinh anh ở vùng quê. Ông già ra làng khai sinh tên Vĩnh Sơn. Lý trưởng nhất định không chịu ký vì Bửu mầng răng sinh ra Vĩnh. Cho nên ông già phải cho cái tên là Bửu Vĩnh Sơn.

Ngẫm nghĩ ngay bây giờ, lắm kẻ, nhất là trong phiên hệ không biết dùng chữ đệm gì cho con. Vã lại, những người trong đế hệ thi tự cho những chữ đệm ấy là họ, cũng như ai cũng nhận Tôn Thất là họ. Trên thực tế, nhất là từ khi sống xứ người, các chữ đệm ấy đã thành họ. Biến cố chữ đệm trong đế hệ thi và phiên hệ thi đã tạo ra những rắc rối mà một trong những nguyên do chính là lòng tự kiêu mình mới là hoàng tộc. Vì lòng tự kiêu ấy họ bỏ hai chữ Tôn Thất phía trước và giữ chữ đệm cùng tên. Ngoại lệ là chữ Dương trong phiên hệ gây hiểu nhầm với bách tánh (như Dương Qua trong võ lâm) cho nên họ giữ Tôn Thất Dương...như Tôn Thất Dương Vân. Rồi theo tập tục thế hệ tiếp vẫn giữ để thành Tôn Thất Quỳnh...

Theo ngu ý, tên đầy đủ vua Bảo Đại là Nguyễn Phước Tôn Thất Vĩnh Thụy. Nói khác trong quan niệm của Minh Mạng chỉ thay đổi chút xíu. Hầu như con cháu không được giải thích về cái tên Tôn Thất. Trong số đó có tôi vì ba tôi chết sớm và gia đình ly tán. Khi học lịch sử, chúng ta nghe nói Trần Hưng Đạo là tôn thất nhà Trần. Nếu 1954, ông Diệm  làm Thái Tổ nhà Ngô, thì cậu Ngô Đình Trác sẽ thành (Ngô Đình) Tôn Thất Trác và hoàng thân thủ tướng Tôn Thất Bửu Lộc sẽ thành Nguyễn Phước Lộc. Tôn Thất chỉ là dấu hiệu bà con dòng họ với triều vua đương thời.

Đế hệ và phiên hệ thi là những bài thơ chữ Hán. Minh Mạng không bôn ba như vua cha nên có thì giờ học. Trong lăng Minh Mạng, mọi chi tiết to nhỏ đều có cái tên chữ Hán rất đẹp. Lăng cũng cho ta một ý niệm nào đó về vị vua. Lăng Gia Long hùng vĩ, đơn giản. Lăng Minh Mạng phức tạp để lộ tất cả ra ngoài và xây theo kiểu đối xướng (symetrie), trông rất lạnh lùng; trong lúc lăng Tự Đức còn nhiều thứ cần chút thì giờ để thưởng lãm như một bản nhạc cổ điển.

Nhưng có một ai nghĩ rằng vì thi ca, vì chất thơ, vì luân lý mà Minh Mạng trước tác những bài đế hệ thi, phiên hệ thi, thì người ấy nên làm thi sĩ, hoặc làm một nhà luân lý.
Tôi muốn nói mà không sợ mích lòng: đây là một hành vi chính trị (chính trị gia tộc của vua cũng là chính trị quốc gia); những danh từ đẹp mang ý nghĩa luân lý xuất hiện rất tự nhiên, không lẽ dùng mấy chục chữ như xoài, ổi, hành, ngò, ớt....Đế hệ thi tạo ra điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để làm vua. Cường, Tráng có mạnh đến cử đĩnh ngàn cân như Hạng Võ cũng xin đi chỗ khác chơi.

Các bài thơ nầy dùng trong việc kế vị. VN không có truyền thống đàn bà làm nữ hoàng. Do đó nếu không lầm, chữ đệm của các cô được ấn định trong giới nữ của đế hệ, ví như Công Tằng, Công Huyền. Nhưng bên dòng của mấy ông Tôn Thất Dương... con trai con gái đều đệm chữ Quỳnh. Tôn Nữ Quỳnh Hà ở Đalạt, hoa khôi có nốt ruồi đen to bằng nút áo.

Minh Mạng, tuy là một nho sinh, có quan niệm cai trị tập quyền hơn vua cha. Với ông, nước VN là một, cho nên ông đã hủy bỏ qui chế quốc gia chư hầu Chiêm Thành năm 1832. Đến năm ấy, Chiêm Thành mới hoàn toàn xóa khỏi bản đồ thế giới. Ông muốn dang cánh tay rộng thành một đế quốc, kéo đến Thái Lan, qua tận Nam Dương, và dĩ nhiên khống chế Miên và Lào. Nhà chính trị Minh Mạng cũng lạnh lùng như lăng Minh Mạng.
Bên ngoài là thế, bên trong lại cần ổn định hơn. VN đã qua cả mấy thế kỷ can qua; các biến động rất có thể trở thành "thể thao Nam Mỹ", đảo chánh lia chia. Hơn nữa hoàng tử Cảnh là trưởng nam, một lý do vững để đưa dòng nầy làm minh chúa. Trong một mức nào đó bài phiên hệ bắt đầu từ Cường là cốt tủy của câu chuyện.
Việc thành lập phiên và đế (trong ngoài; chính phụ, phên tre và chiếu bông) rất có thể thai nghén từ thời Gia Long. Bảo Quốc Kiếm, khi tranh luận về cuốn Biến Động Miền Trung, đã mỉa mai tác giả Liên Thành là hậu duệ của hoàng tử Cảnh (tác giả nầy lý luận đó là lý do Liên Thành chống tổ chức Phật Giáo; tôi không có ý kiến).  Nguyễn Ánh đã bực mình Cậu Cả không chịu lạy ông bà vì cúng ông bà là thờ quỷ, thờ ma. Cho nên Minh Mạng được tuyển kế vị. Vì lẽ hoàng tử Cảnh sẽ đảo lộn cả một lề lối xã hội trong lúc VN quá cần ổn định sau bao chinh chiến. Quyết định nầy có thể ảnh hưởng phần nào tâm trạng của Minh Mạng trong quyết định thanh trừng đạo Thiên Chúa, bên cạnh quan niệm cai trị toàn diện như đã nói trên. Cũng suy diễn rằng hai vị vua ấy lo âu về cái "chủng tử" Pháp Quốc.

Trở lại chuyện hoàng tử Cảnh không chịu lạy tổ tiên, thiển nghĩ Minh Mạng phải đặt ngay dòng hoàng tử Cảnh vào phiên hệ vì sợ dòng nầy là đường dây cho đạo Thiên Chúa vào hoàng thành. Nhưng lịch sử đã đi ngoài suy tính ấy; đạo Thiên Chúa đã vào bằng đế hệ thi ở chữ thứ năm với bà Nam Phương Hoàng Hậu. (Miên hường ưng bửu vĩnh; Bảo Đại tên là Vĩnh Thụy).

Một câu hỏi kỳ thú. Đế hệ thi có 20 chữ cho 20 đời vua kế tiếp. Đến đời 21 thì tên gì, nếu là bài thơ mới thì ai có quyền trước tác? và biết lúc đó có còn ai hiểu biết chữ Hán. Theo một cuốn sách xuất bản ở Hà Nội, (quên tựa đề và tác giả), có người đặt câu hỏi nầy với Minh Mạng. Nhà vua rất thực tế. Theo ông đó là câu hỏi sai, có triều đại nào làm vua đến 20 đời?! Minh Mạng cũng giống như Nguyễn Du hỏi: Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Chỉ buồn cho Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đã khuyên Nguyễn Hoàng vô Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân".

Phần thêm: Từ nhỏ, sau thời Bảo Đại thoái vị và trước 1954, tôi đã nghe rất nhiều lần câu sấm: Bao giờ giáo mọc trong thành, cha con nhà Nguyễn ẩm bồng nhau đi.

Cậu tôi, dân nhà quê thì hiểu chữ "giáo" là tre nói chung trong đó có tre cán giáo; trong Nam gọi là tầm vông. Thời ấy dân chúng tự động lên trên thành làm nhà tranh tre như kiểu thương phế binh chiếm đất. Ông nói đó là điềm nhà Nguyễn mất.  Một ông cậu khác thì nói giáo là Thiên Chúa Giáo; lúc ấy giáo là Thiên Chúa, lương bên Phật. Bà Nam Phương ứng vào điều nầy. Bảo Đại đã thoái vị làm công dân Vĩnh Thụy. Nhưng "Nguyễn đi Nguyễn lại về". Bảo Đại đã về Huế (trường đưa tôi đi tiếp đón), khi ông trở thành Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam (Chef d'État du Vietnam). Rồi cha con nhà Nguyễn ẳm bồng nhau đi khi một vị thủ tướng Thiên Chúa Giáo đã truất phế vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Lần đi nầy "sans retour". Trước đó một năm, năm 1953 lụt lớn sập mấy cửa thành, tôi nhớ có tên cửa Nhà Đồ. Một con cọp chết trôi từ trên nguồn, mắc kẹt dưới chân cầu Trường Tiền, nhe răng cười với thế sự. Chẳng khác các bạn trên cầu nhìn xuống, cọp ta cũng là người đời trong đời người.




No comments:

Post a Comment