add this

Saturday, October 4, 2014

cảm thức vô hình

mùa gặt La Crau, Provence, France tranh Vincent van Gogh 1888
cảm thức vô hình
tôn tht tu
Hôm Dec 9, 2012, tôi nhận một email, một thân hữu gởi chung ba người. Chẳng có gì, ngoải mấy chữ đang ở Toronto và xế chiều sẽ trở về Montreal. Tôi không quen, bạn của bạn, không có ý niệm gì ngoài tin chắc  là người Huế và dân Đồng Khánh. Bỗng dưng, một nỗi sầu – không đúng vì thiếu chữ; một kinh nghiệm tâm linh? – quấn lấy tôi, nó không đau đớn như móng sắc đau, nhưng thâm sâu. Tôi định thần thì thấy như cảm quan cũ, nhân khi lần đầu tiên nghe khúc nhạc ngắn Thais của Massenet. Những dòng điện đi từ ngực ra đến đầu ngón tay ngón chân, như một suối nguồn đưa nước về các nhánh sông. Khó tả, nó mang tính chất huyền nhiệm, cộng với tiếng phong linh mơ hồ trong chiều đông.

Mỗi lần nằm mộng thấy người quen tôi hay nói cho vợ biết để cùng cầu nguyện. Người trong mộng có thể là nhân vật hai đứa đều biết hay chỉ một mình tôi biết trên đời. Có khi là ông đưa thơ, có khi là ông chú, bà cô, có khi là cô bạn học lúc mới lên đệ thất. Sau giấc mơ tôi thường thức dậy, tiếp tục cười, tiếp tục vui, tiếp tục buồn chốc lát rồi thôi, và chỉ giữ lại nét mặt để kể cho vợ. Nhưng đây, thiếu nữ ấy tôi chưa biết hình dáng, chỉ là một hiện hữu nhân thể đang ở Toronto và không đến từ một giấc mơ.

Tự nhiên tôi hình tượng một con người đi từ Toronto về Montreal; hai nơi nầy rất xa lạ chưa đến. Tàu bay? Tàu điện? Xe hơi? Freeway láng bóng hay sần sù? Tuyết phủ, đá trơn? Những nét xa lạ ấy không phải là nền tảng của một suy cảm khó diễn tả. Khắp nơi ở các nước phát triển, phương tiện giao thông gần giống nhau; không cẩm lệ mụ Thôi thì cẩm lệ mụ Cửu Ới. Không bún bò thì cơm hến.

Trên những con đường quen tôi vẫn có những bâng khuâng rất bâng quơ. Lên về Atlanta (từ vùng núi thưa dân Tây Bắc Georgia) thăm con thăm cháu hay mua thực phẩm, tôi phải dùng freeway 75, một trong hai trục lộ chính của sườn đông như freeway 5 ở sườn tây Mỹ. Sau cái ồn ào tấp nập của đảng người bay là con đường tiểu bang chỉ có hai lối ngược xuôi nhưng vẫn được lái 55 miles. Hạ sơn và qui ẩn chỉ trong một ngày, cho nên tôi đều trở về khi chiều xuống chậm, hàng cây ngả nắng làm cho đường nhựa đen hơn. Ai cũng mở đèn an toàn như tối lắm.

Vì chỉ một lối, chậm nhanh tùy xe trước mình. Tôi thường đi sau. Tỉnh lộ GA140 chạy đông tây, có những ngõ rẽ, phần nhiều khá ngắn như những ngõ cụt; khách đi qua khó biết dài ngắn vì cây che khuất, nhà cửa lưa thưa trên những trang trại nhỏ. Nông cơ nông cụ cũ gỉ sét được kéo ra trước nhà làm vật trang hoàng. Mấy chục năm nay giới nhà nông đã bỏ nghề, đi làm công ở các hãng xưởng dọc các xa lộ nhưng vẫn ở nhà cũ còn giữ nguyên thời thịnh nông, với cái vựa (barn), chuồng ngựa, những bành cỏ chờ mục…

Những người làm công ấy chạy trước tôi. Đến một khúc quanh có người đổi hướng, cả đoàn phải dừng lại. Tôi nhìn chiếc xe kia từ tốn vào vùng đất riêng. Xe ấy ra khỏi dòng luân lưu chung. Với tôi đó là một lần chia tay. Nó mang tính chất ngậm ngùi, như những ngày trước tết và sau tết tôi thường lên ga Huế đón đưa đoàn người không quen về quê và xa quê để bắt đầu một năm nữa. Tuy là cảnh thương vay, nó vẫn đầy âm hưởng bền dai.

Tôi cảm thấy yên ổn vì những người vừa tách riêng ấy đã về được nhà. Có nơi mấy đứa bé núp sau lùm cây dọa ma và người về giả bộ sợ thật, ngả đùng ra sân để chúng cười sung sướng. Có người đưa tay chùi trán mà hiểu lời dạy của tiền nhân: phải đổ mồ hôi mà kiếm cơm, trước khi bình thản bước vào home sweet home, để quên đi ban sáng ông chủ ỳ tiền đã chửi mình thậm tệ một cách vô lý.

Yên ổn vì nó ứng hiện lời cầu nguyện của vợ chồng tôi vào các thời kinh: xin mọi người được bình an, đi tới nơi về tới chốn. Và tôi hưởng sự bình an để đem con ngựa sắt chạy thêm 40 miles về đến nhà. Vội vã chạy xuống nhà kính đốt lửa cho khói thật nhiều để người đi bên ngoài nhìn vào thấy ấm, mất đi cái lạnh lùng nêu trong cổ thi: kim dạ hà xứ túc, bình sa vạn lý tuyệt nhân yên. (đêm nay ta ngụ nơi nào, trước mắt cát bằng ngàn dặm, không thấy khói nhà ai nấu cơm chiều).

Tôi vẫn sống trong những cái lẩm cẩm vu vơ, lắm khi quên ăn để chứng nghiệm một bài thơ, để tìm hiểu sự khác biệt và đồng nhất, như khác mau da vẫn là người. Tôi vẫn sống với những cảm nghiệm vô hình đầy tính chất linh khải của một tình người vô lượng vô biên, nhưng dè dặt luôn tự hỏi mình có còn, có có tâm cảm hay không, để thêm cho đầy binh điện tâm linh khỏi cạn khô.

Chiều hôm kia, giữa cánh đồng cỏ vàng như lúa chín, như cánh dồng vàng trong tranh Van Gogh, giữa nắng yếu tranh giành không gian với sương núi, giữa những tiếng phong linh kêu gọi, tôi vẫn dành tâm cảm cho kẻ đang còn ở Toronto. (Ước mong) trên đường về Montreal, theo sau có một người. Không phải là kẻ si tình, không phải là kẻ quấy nhiễu rình rập, mà là một hiền nhân, một ange gardien bảo vệ người đẹp, không dùng súng, mà bằng một ý lực tình người. 
Nàng sẽ được che chở. Nàng đang ở Canada cho nên tôi nói với các chư thiên, thiên thần bằng hai thứ tiếng địa phương Anh Pháp: Qu’elle soit protégée; that she be protected.-


No comments:

Post a Comment