sa mạc,
triết lý,
tình yêu
Hoàng Thọ Châu
Mọi người hầu như chỉ
chạy vòng vòng quanh triết lý và tình yêu, chẳng có ai nói rõ hai thứ ấy là gì.
Chẳng phải triết học và tình yêu quá xa như các ngôi sao mà con người chưa thể
chế ra viễn vọng kính đủ sức mà nhìn. Trái lại hai thứ ấy quá gần như chính
khuôn mặt của mình, mình thấy không được phải nhờ gương soi.
Xuân Diệu không nói trực tiếp rằng các điều người ta nói về tình yêu đều không rõ vì theo ông "làm sao định nghĩa được tình yêu"? Mô tả tình yêu khó như vẽ hình người, vẽ không khéo thì thành quỷ, thành quái nhân; người đọc thấy ngay vì họ biết con người hình dáng thế nào, và tình yêu thì họ đã biết tuy không thể biểu lộ như văn nghệ sĩ. Có rung cảm chân thật mới làm phát ngôn viên được. Ai cũng là thi sĩ, nhạc sĩ trong tâm hồn và trong lối sống.
Triết lý lại là cuộc
sống, không khác gì tình yêu. Các môn phái triết lý xuất hiện rồi biến mất; vì
triết gia sống trên trời với những cái nhìn xa vời, cho nên triết gia muốn ra
chợ mua con cá phải bỏ lại nhà những bài luận văn. Nhà toán học không chứng
minh được hai với hai là bốn nên ra chợ hỏi bà bán cam. Bà lấy một cái rỗ, bỏ
hai trái cam vô rồi lấy hai trái khác bỏ vô nữa, xong đổ ra cái rỗ lớn và đếm
thành bốn trái. Giáo sư toán than phiền không thể lấy một chia ba; một bà mẹ
cười, xong đem ra một cái bánh, gọi ba đứa con ra chia làm ba, ba đứa đều vui
vẻ, không biết số lẽ số chẳn còn thừa bao nhiêu.
Độ nầy nhiều người
dùng chữ minh triết để phân biệt với triết tây, sao lại không
có minh tình nhỉ. Nhưng nếu nói triết lý để mà sống thì đông
tây không khác nhau. Tình yêu chính là triết lý. Chỉ có nữ triết gia mới:
"băng đồng chỉ xá hái nạm lá cho anh xông" hay "giọt mồ hôi em
chặm, ngọn gió lò em che". Chỉ có nam triết nhân mới: "đói lòng ăn
nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương".
Nhưng người ta đã quên cái xương sống của sự việc mà vin vào cái bên ngoài. Biện lý ở Cali không dám nhìn vào các chứng tích giết người của OJ Simpson cho nên mở đầu cáo trạng bằng cách nêu cá tính của bị can là hay đánh vợ để kết luận cầu thủ football nầy mang tội giết vợ và một kẻ khác. Gậy ông lại đập lưng ông, phe luật sư đã moi móc cuộc sống của điều tra viên có lần dùng chữ "nigger" chỉ người da đen. Cả hai đều chơi trò "character" kéo dài vụ án gây thiệt hại ngân quỹ của tiểu bang.
Tình yêu không giết
người nhiều bằng triết lý. Cơ đồ quốc gia suy sụp vì người trách nhiệm đi vào
hướng tình yêu sai bậy như vua Kiệt, Trụ. Hành động của Lữ Bố với Điêu Thuyền
không phải là tình yêu mà là sự biểu diễn uy quyền nam tính.
Còn triết lý thì quá
nhiều ví dụ. Những vụ thánh chiến cũng nằm trong lãnh vực nầy. Triết lý duy vật
đã tác quái trăm năm nay và còn tiếp tục. Triết lý thượng tôn con người đã quy
định rằng thú vật không có cảm giác đau đớn như con người. Nguy hiểm nhất là
thứ một chiều, độc tôn trong tinh thần Hy Lạp. Họ đã bỏ vào miệng
God/Dieu câu: ai không theo ta là chống ta.
Lạ hơn nữa triết lý
tây phương chủ trương khác biệt. Tinh thần và vật chất; người và vật; giống hữu
tình và vô tình; ta và kẻ khác. Những phân biệt ấy đã mang ít nhiều sự chống
đối khắc chế, đấu tranh. Trong lúc đó thì mọi việc điều tương hợp, cùng vận
hành, cùng sinh thành. Sự tách biệt càng xa thêm như hai đường thẳng của hình
chữ V ngày một rộng ra.
Nhưng trời đất bù trừ
bằng đường ngược trở vào, để giảm bớt xa cách. Công việc ấy được giao phó cho
tình yêu, thi hành sự hội nhập như hai bàn tay nối nhau. Thương người như thể
thương thân vì thấy người chính là mình. Với vật vô tri, chúng ta không thể vô
cớ đập nát cành hoa vì giữa mình và hoa có một thứ tình yêu thầm lặng. Với thú
vật cũng vậy. Chỉ có tình yêu mới tiếp nhận cái to lớn; tình yêu là đón nhận. Làm
sao cái to nhất thành cái nhỏ nhất và cái nhỏ nhất thành cái to nhất? Hãy vào
bếp lấy một hột muối, đem thả xuống hồ; hồ thành hạt muối và hạt muối thành cái
hồ. Tình yêu cũng vậy, lấy cái to lớn của tâm tư mà tiếp nhận, tiếp nhận người
yêu, người đồng loại, thú rừng, hoa cỏ; rồi tự mình biến thành nhỏ bé nằm trong
tâm khảm của người yêu, nằm trong sự bao che của đồng loại, núp mưa núp nắng
dưới tàng cây, gặp chú thỏ như một lữ hành trên đường làng.
Những thứ triết lý
chủ trương bạo tàn đưa đến một xã hội không có tình yêu mà chỉ có lạc thú nông
cạn như xã hội VN hiện nay, như cái loại cafe nằm, song hành với thiền ôm.
Những điều gọi là nghệ thuật mô tả các thứ nông cạn ấy không thể tránh tính
cách nông cạn. Các thứ nầy không thấy ở các giai đoạn lịch sử có tinh thần nhân
ái. Có thời, các ngành văn nghệ tây phương không nói đến "loving" mà
chỉ có "making love" như định nghĩa con người là như vậy.
Hai thái độ hay hai
vai trò to và nhỏ của tình yêu nêu trên có thể được diễn tả - tuy không đầy đủ
- bởi hai ý niệm: tiếp nhận và hiến dâng. Nhưng cũng đừng lấy ý niệm tiếp nhận
đặt tên cho triết lý và hiến dâng cho tình yêu. Phần triết lý, hãy dùng ý niệm
chiếm hữu, nhất là khi nói đến các thứ triết chụp giật chen nhau trong chợ văn
chương và chính trị.
Trong lối suy nghĩ Tây
phương, triết lý và tình yêu cũng phân biệt nhau. Triết lý lắm khi đã đi xa
cuộc sống trong lúc tình yêu chính là cuộc sống. Tình yêu phát sinh trước tiên
như một bản năng tự tồn. Dù ấp hai thứ trứng, gà mẹ bảo vệ gà con và vịt con như
nhau. Tình yêu nơi con người thăng hoa và nhân hóa mãi mãi. Tây phương lại phân
biệt bản năng và lý trí, đề cao lý trí và xem bản năng như súc vật. Nhưng bản
năng có nhiệm vụ vận hành như động cơ cần người lái. Khi xe chạy êm không ai
nghĩ đến công việc của máy, nhưng máy xe vẫn có và cần thiết đều đều.
Nếu sự chia đôi trong suy nghĩ đưa đến tình trạng ta và không ta, sự tách biệt triết lý khỏi tình yêu cũng nằm trong sai lầm ấy. Triết lý hay hiền triết xem như khối óc, tình yêu xem như trái tim. Hai thứ ấy nếu tách nhau thì không còn thân xác. Trong hai thành tố ấy, tình yêu nổi rõ hơn vì được biểu thị dưới nhiều hình thức. Triết lý thì lặng lẽ, đôi khi lạnh lùng. Nhưng trái tim và khối óc sống gần nhau như trong thành phố nhỏ, "đi năm ba phút trở về chốn cũ".
Chủ trương đường lối chính trị hay văn hóa nào làm tê liệt cái nầy thì
làm tê liệt cái kia luôn thể. Lần nầy lại chạy vòng quanh như câu mở đầu bài
nầy nhưng nếu lần đầu là chạy vòng quanh ngoài thì lần nầy quanh trung tâm, có
tính chất luân vũ, cùng nhịp sống hay cùng chết, tùy theo tương duyên và khung
cảnh. Chạy quanh để hỏi đâu là tình yêu, đâu là triết lý. Người hỏi chính là
điều mình hỏi, mình đi tìm. Không tìm ra chính là đã tìm ra.
No comments:
Post a Comment