add this

Monday, October 6, 2014

từ jerusalem đến rome



Bản dồ Do Thái vẽ theo Thánh Kinh
từ Jerusalem đến Rome 

tôn tht tu 


Câu hỏi của anh… nhắc tôi rằng hiểu biết về Thiên Chúa Giáo (TCG) rất cần thiết để hiểu biết hầu như mọi điều. Từ nhạc cổ điển với Bach, Mozart, từ việc Hitler sát hại người Do Thái… cho đến sự hình thành của Cọng sản QT, cho đến các thuộc địa, cho đến các cuộc thánh chiến. Nói chung là những gì, những nơi, những thời có dính líu ít nhiều đến Tây phương; mà Tây phương gồm cả Liên Sô như Virgil Gheorghiu lưu ý.
Câu hỏi nầy nằm trong khoảng 400 năm đầu của TCG. Sự hiểu biết của tôi không đủ để diễn tả phần thần học được cấu tạo từ ngày Jesus qua đời. Tôi chỉ nêu vài nét lịch sử.
Do Thái (DT) là là nơi mang tính chất chính trị - địa dư (geopolitic) sâu đậm nhất. Nó không những nằm trên ngã ba mà ngã tám ngã mười. Ngay trong huyền sử Thánh Kinh, khi Abraham bỏ đời sống du mục du canh và ngừng bước ở nơi sau nầy là Palestine /Do Thái, ông đã phải đương đầu với người Philistine có trước. Thay vua đổi chủ cứ luân diễn.  Đến thời  tiền sử, cận sử, DT và các nước nhỏ xung quanh là con đường chung của các cường quốc như Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã; là bến tàu của Địa Trung Hải và cả Hắc Hải.
Hai anh hùng thủy / bộ Hy Lạp và La Mã cũng giành dựt nhau, đồng thời để lại cái gọi là văn minh La Hy. Jesus ra đời khi La Mã đô hộ về chính trị nhưng Hy Lạp tiếp tục ảnh hưởng văn hóa, bên cạnh sự thoái hóa của Do Thái Giáo (DTG). Bối cảnh ấy ảnh hưởng đến cuộc đời và tôn giáo của Jesus.

Qua nhiều biến cố, các địa danh phức tạp nên tạm nói chung là vùng Judea rộng lớn (như một thời Los Angeles hiểu là Nam Cali). Jesus sinh ở Nazareth trong quản hạt nầy, một tỉnh của đế quốc La Mã. Người cha làm thợ mộc; Ông cũng theo nghề nầy, đồng thời thuyết giảng điều sau nầy người ta gọi là Phúc Âm, chính yếu kêu gọi tình thương. Xã hội nhiễu nhương, các vua chúa La Mã tàn ác như cho người đấu với cọp, khi không kịp đem mồi từ nhà giam, thì vua bắt vài quần thần bên cạnh xô xuống hầm thú coi chơi đỡ buồn. Hai lớp người độc ác bên cạnh người dân là các tăng lữ cúng tế sát sanh và bọn cho vay nặng lãi. DTG chỉ còn cái xác phàm như xơ mướp.
Jesus không làm điều hậu thế rùm ben bốc thơm là cách mạng. Ông chỉ muốn DTG không chết chìm trong những nghi lễ vô duyên; nhiều điều hư vọng đã nhảy vào đầu óc của tăng lữ gây nguy khốn cho tín đồ, nghĩa là mọi người; cần tẩy sạch những tà kiến nầy. Biển khổ trước mắt tạo cho ông những thức tĩnh triết học. Khác với những nhà cách mạng bạo động, ông muốn xây dựng công bằng xã hội đặt trên gốc là tâm, là tình thương, đồng thời nuôi dưỡng ước mơ chung là có một đấng cứu thế ra đời, một ý niệm đã có từ lâu, như một di hưởng tiền kiếp nói theo lối Đông Phương. Ông nói đến “Vương Quốc của Cha ta” để làm nơi đến của mọi người, và đi đến bằng tình thương và hướng thượng.
Rừng tư tưởng trong vùng đầy rẫy những học thuyết trừu tượng, ngay cả PG từ Ấn đem qua cũng không thiết thực nên không hấp dẫn. Trong lúc ấy, lời rao giảng của Jesus đầy tính cách kêu gọi, đầy trực giác, hướng thẳng vào người nghe. Số người theo rất đông. 12 đệ tử thân cận gọi là tông đồ.
Sau ba năm dùi đánh đục đục đánh săn, Jesus cùng các tông đồ đi từng làng một, xuyên qua Palestine để truyền bá tư tưởng mới. Ông tiếp tục vào Jerusalem. Theo Thánh Kinh Do Thái, Jerusalem là vùng đất bên cạnh Palestine được vua David, cháu chắc mấy mươi đời của Abraham, chọn làm đất thánh một ngàn năm trước tây lịch. Ông cũng bị đóng đinh ở chỗ nầy.
Đến đất thánh, Jesus được hoan nghênh nồng nhiệt. Nhưng sau đó, dân chúng ruồng bỏ ông; vì ông không chịu làm người hùng lãnh đạo phong trào chính trị, khôi phục chủ quyền trong tay La Mã. Kẻ thù của ông xuất hiện. Đó là các nhóm thầy cúng chủ trương giết súc vật cúng thần linh và nhóm cho vay cắt cổ.
Chúng đưa ông ra giáo tòa Senhedrin về tội phỉ báng Thượng Đế bằng cách tự xưng là con của Ngài.
DTG (và Hồi giáo về sau) không chấp nhận sự phân đôi Thượng Đế thành Chúa Cha và Chúa Con. Tòa không kết án tử hình nhưng mượn tay chính quyền La Mã và vu cáo ông xưng là vua của người DT. Toàn quyền Pointus Pilates ra lệnh xử tử vì phá hoại nền cai trị La Mã. Về cái chết nầy, nhiều sử gia không biết hay bỏ qua giáo tòa nầy mà chỉ nói đế quốc La Mã phải trừ diệt hậu hoạn. Kỳ thật cả kẻ bị trị lẫn kẻ thống trị đều muốn Jesus chết.

*****
Những tín đồ đầu tiên của Jesus là người Do Thái. Sau khi sư phụ chết, họ vẫn ở lại Jerusalem cùng hành đạo với người địa phương tại Đền Thánh. Họ không có một danh xưng riêng, âm thầm thành một giáo đoàn (assembly) như một hệ phái, chỉ khác ở một điểm là họ tin Đấng Cứu Thế đã xuất hiện. Họ được để yên cho đến khi họ la to rằng Jesus là đấng cứu thế mà dân DT mong chờ mấy ngàn mấy trăm năm nay. Người DT bắt đầu kỳ thị thanh trừng họ. Tuy gặp khó khăn họ không ra khỏi những tín điều của DTG và không ra khỏi quốc gia Israel.
Nhưng mọi sự đã thay đổi cùng cực với sự xuất hiện của một người tên Saul. Saul người DT cứng cỏi, thích thanh trừng môn đệ của Jesus, đã trở đạo và mang tên mới là Paul, là Saint Paul về sau.
Paul là một học giả. Ông đã dùng chữ Hy Lạp Christo, đấng cứu thế, để cho Jesus cái tên đôi là Jesus Christ. Do ngữ căn nầy mà có những chữ như Chúa Ki Tô, christian, christianism, chrétien, con chiên….Paul mở đầu sứ mạng mới là đem TCG đến các người không phải là DT. Ông nêu ra các vấn đề thần học.
Ông nói người christian không tội gì phải thành tín đồ DT; không thể được cứu rỗi bằng những điều luật thành văn hay truyền khẩu của DTG. Chỉ cần tin Jesus Christ là đủ.
Với chủ trương lý thuyết của Paul nêu trên,TCG hoàn toàn cắt đứt khỏi nguồn gốc xưa (DTG). Sự đoạn tuyệt nầy còn bị đậm nét bởi hai sự kiện như sau.
Thứ nhất là sự bất mãn trước luận thuyết cho rằng DTG chỉ là sự sửa soạn lót đường cho TCG xuất hiện. Thứ đến là năm 70 TCG dùng đường Jordan trốn chạy qua Hy Lạp tránh nhiệm vụ chống La Mã, cũng như không ủng hộ hai cuộc nổi dậy đòi độc lập năm 115 và 132.
Nhưng TCG vẫn được xem và tự xem là một trong ba tôn giáo Abrahamic bên cạnh DT và Hồi Giáo. Ngoài việc lấy Thánh Kinh là nguồn gốc, dân tộc DT còn cho mình là con cháu (nghĩa đen, sinh học) của ông Bành Tổ Abraham. Mahommed tự cho là thuộc dòng máu từ Ismael, con của Abraham và cô tỳ nữ (servant). Jesus nằm trong phả hệ của vua David, bà con bên mẹ. Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng nói rõ Jesus thụ nhận nét tinh anh của vua nầy.
Tôi có dự một buổi giảng đạo của một mục sư Tin Lành. Sau nhiều câu hỏi khó trả lời, ông nói quý vị hãy bỏ cái chuyện Cựu Ước, Cựu Ước là lịch sử của dân DT. Tin Lành chỉ y cứ vào Tân Ước. Roman Catholic có catechisme riêng, không kể Tân hay Cựu Ước. Lời nầy còn nhiều thiếu sót, trả lời tránh né.
Tuy Paul mong muốn truyền bá xa hơn biên giới DT, dân của xứ nầy đã cung cấp rất nhiều tín đồ cho Paul lúc khởi sự. Những tín hữu TCG gốc DT cùng chung dân tộc phải rời Israel trong lần xua đuổi cuối ra khỏi quê cha năm 138 khi cuộc tranh đấu độc lập thất bại và vua Hadrian hủy bỏ tính cách thiêng liêng của Jerusalem, đổi tên nước thành Syria Palestina.
Người DT lưu vong kết tụ với nhau thành những nhóm lớn nhỏ gọi là diaspora. Phần lớn sống trong đế quốc La Mã và những phần còn lại của Judea bên ngoài Jerusalem. Người DT và chính quyền La Mã hiểu ngầm với nhau rằng chuyện phục quốc là vô vọng. La mã nới rộng phần nào chính sách cai trị. Phía DT họ điều chỉnh việc hành đạo qua hình thức mới: DTG rabbinic. Đường lối nầy không coi trọng việc đến lễ tại Đền Thánh Jerusalem, vì nào có được phép đến. DTG nay không lệ thuộc vào tăng lữ, vào Đền Thánh, đồng thời không cần một giới đàn trung ương khác phải xây thêm. Nghi lễ cúng tế và sát sanh được thay thế bởi học tập qua sự diễn giải của các đạo sĩ (rabbin), triết gia hay luận sĩ..
Trái với sôi động mấy chục năm trước phải đấu tranh giành độc lập, nay giới chủ trương rabbinic rất ôn hòa về chính trị và tạo nên đường dây liên lạc duy nhất trong xã hội DT. Chủ trương nầy đại diện quyền lợi cả hai bên. La Mã thỏa mãn với tầng lớp nép mình nầy và hy vọng số nầy làm cho giới lãnh đạo và giáo hữu chấp nhận nền trật tự được La mã sắp xếp (Pax  Romana). Người DT hưởng cơ hội thuận tiện để tiếp tục sự tự quản và không có ai xâm lấn vào sự hành đạo.
Trong khi người DT tạm ổn trên đường lưu vong, thì khối TCG, trái lại, bị La Mã thanh trừng kỳ thị. Điều nầy rất nghịch thường. DT trước kia gây thiệt hại cho La Mã như khủng bố, không chịu đóng thuế, nay được La Mã ưu ái. TCG lại gặp nạn tuy đã nhiều lần không chịu tham gia chống đối, không chịu tham gia chính sách bài trừ ngoại bang.
Trong 138 năm trước khi phải ra khỏi nước chung với mọi người, TCG vẫn phải đối đầu với ác cảm của DT nhưng không có những cuộc thanh trừng từng loạt. Nhiều nhóm nổi dậy như Assassin, Zealot thẳng tay sát hại kẻ cọng tác với La Mã, nhóm tiên phong Rabbinic. Sử liệu cho thấy TCG không nồng nhiệt trong phong trào độc lập, cho nên có sách nói nhiều môn đệ TCG là nạn nhân. Nhưng nếu đúng thì vì lý do chính trị. Như mọi hiện trạng khác trong lịch sử tôn giáo các nơi, việc thanh trừng TCG dựa trên một mớ nguyên nhân nằm dưới nguyên nhân ý thức hệ bên ngoài: TCG không tôn thờ các vua La Mã mà tôn thờ Jesus, không yêu nước.  Người DT đã thành một tầng lớp phủ phục, thân thiện và phục vụ cho La Mã; rất có thể họ đốc thúc nhà cầm quyền diệt trừ nhóm TCG. 12 tông đồ đã có 10 người tử đạo (Juda tự tử và John bạo bệnh).

*****
Câu hỏi của anh Tân đáng lẽ chỉ trả lời bởi một câu trong Tân Ước: “And so we came to Rome” (Acts 28:14). Tôi nghĩ anh muốn nói cái Rome với đền đài nguy nga cho nên mới kèm gần bốn trăm năm đa sự.
Tuy sau nầy chết vì toàn quyền Pilate, Jesus không chịu lãnh đạo cuộc võ trang chống ngoại xâm, vì quan niệm triết lý của ông.  Khi không thể lặn sâu mãi, từ khi Saul xuất hiện, TCG đã âm thầm ra khỏi biên giới DT để vào những vùng khác của đế quốc La Mã. Rome trong câu nói trên không nhất thiết là Rome trong nghĩa hẹp. Dẫu vậy, thủ đô bao giờ cũng hấp dẫn và dễ thở. (Sau 75, thân nhân ngoài bắc vào khuyên nên bám vào thành phố ít kềm kẹp hơn nông thôn). Song song với việc di cư nầy là sự hệ thống hóa các điều gọi là chân truyền từ Jesus hay các tông đồ. Tân Ước nói đến một giáo hội Rome. Giáo hội theo nghĩa chính thì ba người là đủ thành hình, giáo hội, giáo đoàn, church assembly, congregation.
Có thể tưởng tượng người DT theo TCG cũng phải sống thành những diaspora. Nếu diasporas thuần túy DT được nối kết với nhau qua giáo lý và các đạo sĩ (đường lối rabbinic), các diasporas theo TCG, gốc DT hay không, được móc nối bởi giáo lý mới. Nếu họ theo kiểu Rabbinic của đồng hương thì không cần một giới đàn trung ương, giáo hội không giáo đường. Tôi không có tài liệu mô tả sự hành đạo trong thời gian phôi thai của TCG. Nhưng không thể rềnh rang hào nhoáng vì đang bị đàn áp. Theo tài liệu hằng năm của Romana Curia, giáo hoàng (giám mục Rome) đầu tiên là tông đồ Peter (Pierre, Phê Rô, Petrus, Pedro) tại vị từ năm 33 đến 64 khi tử đạo. (Theo Tân Ước Mathieu, Peter được Jesus trao cho chìa khóa cửa vào Nước Trời. Trong lúc ấy Discovery TV nói Peter trả lời không biết Jesus là ai khi chính quyền La Mã hỏi trong vụ xét xử Jesus). Tính đến ngày TCG thành quốc giáo, 11 trong 30 người kế vị Peter đã tử đạo.
Người DT đã nhiều lần bị đuổi ra khỏi nước và sống khắp đế quốc. Lớp cũ nay theo đạo nhập chung với người mới làm cho giáo hội đông thêm để truyền bá rộng rãi hơn. Vì thiếu người, quân đội vẫn tuyển giáo dân như vua Marcus Aurellius, và nhân dịp thắng trận ông đã bỏ lệnh đàn áp. Việc hủy bỏ không thành luật nên các vua sau vẫn duy trì.
Lúc TCG ra đời, đã có nhiều tôn giáo khác hoạt động bên cạnh nhau. Đế quốc nầy chưa có chính sách đàn áp bất cứ tín ngưỡng nào. Nhưng nay lại kỳ thị tôn giáo mới. Cho dù bị gọi là Tào Tháo, người đọc sử có thể nghi vấn về bàn tay của người DT, lớp người phục vụ La Mã. Chỉ có TCG tấn công nền tảng của DTG bằng cách không công nhận khả năng cứu rỗi của luật có từ thời Moise (Moser). Đế quốc La Mã không thống nhất, trừ vài giai đoạn ngắn, luôn có ít nhất hai hoàng đế và các lãnh chúa vùng; thiện cảm ác cảm khác nhau dành cho tôn giáo nầy. Do đó, TCG phát triển không đồng đều nhưng nói chung là có tăng trưởng.

 *****

Tăng trưởng để vượt qua các cuộc đàn áp và có ảnh hưởng với chính quyền. Hơn ba thế kỷ đen tối đã cáo chung bởi việc TCG được hoàng đế Constantine chấp nhận bao dung. Nhưng cần biết không phải tự nhiên nhà vua ban thưởng mà không có sự đóng góp của người thụ ân. Vã lại tiền nhiệm của Constantine đã hủy lệnh bài trừ.
Vua Galerius đã ký lệnh hủy thanh trừng năm 311 ít lâu trước khi chết. Con rễ Maxentius, vua Rome, nhờ vậy được sự ủng hộ của cộng đồng TCG để đổi lấy giấy phép bầu giám mục Rome (giáo hoàng) mới là Eusebius. Eusebius giữ ngôi vị nầy trong 4 tháng trước khi bị vua giải nhiệm. Nhưng dẫu sau Maxentius cũng giữ được Bắc Ý trong tham vọng tranh bá đồ vương.
Trong chiến cuộc diệt trừ “sứ quân” Constantine, nhà vua không biết “phe ta” đã trở cờ qua phe địch. Eusebius tuyên truyền rằng Constantine, vua cõi Tây Ban Nha, thấy lúc gần trưa từ mặt trời xuất hiện một thánh giá với các hàng chữ Hy Lạp, dịch qua La tinh là In hoc signo, vinces (nhờ dấu hiệu nầy mà chiến thắng). Giáo hoàng còn đưa ra nhiều huyền thuyết khác như mặt trời chiếu nhiều hình là chữ Hy Lạp hàm ý Chúa Christ sẽ đưa Constantine lên ngôi. Cuộc thư hùng xẩy ra mùa hè năm 311; ngày 29.10 Constantine vào Rome giữa tiếng hoan hô của giáo dân. Xác Maxentius chết trôi được vớt lên chặt đầu đem đi khắp thành phố cho dân xem trước khi gởi qua Carthage hăm dọa chủ tướng khu vực nầy.
Hai năm sau, 313, Constantine họp với vua Licinius ở Milan cùng ký Sắc Lệnh Milan tuyên bố bao dung toàn diện cho TCG và tất cả tôn giáo khác trong đế quốc; tuy nhiên văn kiện nầy qui định nhiều đặc lợi cho TCG như trả lại tài sản bị tịch thu, bỏ tội truyền đạo…

*****

Constantine là một hoàng đế tàn ác. Tàn ác đối với cả vợ con. Để giải quyết việc truyền ngôi theo ý riêng, tháng 5, 326 ông đã giết con trưởng Crispus sinh bởi bà vợ trước. Qua đến tháng bảy, theo sự hối thúc của mẹ, ông giết hoàng hậu Fausta bằng nước sôi khi bà đang tắm. Cho đến ngày nay không một tác giả nào đồng ý với Constantine rằng hai nạn nhân đã tư thông bất chính. Giết thêm vợ chỉ để che lấp vụ giết con. Tên tuổi của họ trên các đền, bia đều bị đục bỏ, giáo hoàng Eusebius đã sửa sách vở cho đúng với thánh ý. Về sau ông còn giết cháu, con em ruột là Constantina mà ông đã gả bán trong mưu đồ chính trị.
Ông đã tiên phong trong ngành tuyên truyền, tạo cho mình một hình ảnh đẹp vừa thế tục vừa thần thánh. Ông đã dùng nhiều phương tiện bên cạnh quân sự để chiếm và giữ đế quốc; do đó những phát giác gọi là mới về hai mặt dính liền của chiến tranh (quân sự / chính trị) đã có từ lâu. Ông đã đi trước trong chuyện viết lại lịch sử, bốc thơm thằng nầy, bốc thối con kia, nhan nhãn quanh ta, mới hôm qua, hôm kia.
Constantine đã làm cho đế quốc La Mã thay đổi sâu đậm: tôn vinh vai trò của TCG, hủy bỏ hệ thống cai trị bởi nhiều hoàng đế và tiểu vương, thống nhất hai vùng đông và tây. Ông đã xây kinh đô mới tại Istambul ngày nay. Constantinople là cái yết hầu, là chỗ nối nhau của Địa Trung Hải và Hắc Hải, là cây cầu giữa Âu Châu và Á Châu. Như một tâm điểm của một vòng tròn chạy qua Nga, Ấn Độ, Iran, Hồng Hải, Tây Âu. Nói khác từ đây đi tắt rất thuận tiện.
[Lực lượng hải quân Nga (và Liên Sô lúc trước) hùng cứ quanh đây. 2013, Nga đã chiếm lại bán đảo Crimea bên kia bờ Hắc Hải trông qua Istambul]. Các nhà chiến lược Mỹ tin rằng nếu Liên Sô đánh chiếm cả thế giới thì Moscou xuống chiếm Thổ Nhĩ Kỳ trước, chứ không phải là Paris, rồi từ đây nhảy vô Âu Châu. Thổ đã chấp nhận lý thuyết nầy nên năm 1964 chấp nhận không can thiệp vào đảo Cyprus để được núp dưới cây dù hạch nhân của Mỹ).
Chiến lược gia Constantine thấy Ý dễ bị nguy khổn. Nếu có lực lượng mới xuất hiện ở Ai Cập thì họ sẽ vượt biển đánh chiếm rất dễ. Về thực tế, phía bắc đế quốc có những dân tộc gọi là barbarian như Goth, Germanic hiếu chiến và thiện chiến. Thật vậy, 200 năm sau khi ông chết, miền Tây đã bị nhóm nầy chiếm. Phía Đông nhiều lần muốn hưng binh cứu người anh em (sic) nhưng không thành.
Constantine chấm dứt lối cai trị tập thể khi triệt hạ hoàng đế phía Đông Licinius để thống nhất. Ghi nhớ: đế quốc quá rộng khó kiểm soát nên Diocletin chia làm hai, chỉ cai trị phía đông và giao phần kia cho một người bạn. Nay Constantine gộp chung. Sau kỳ thống nhất nầy đế quốc lại chia đôi cho hai con của vua Theodosius. Khi miền Tây bị tiêu diệt bởi các rợ, thì miền đông còn đứng vững nhờ hệ thống phòng thủ và vị trí chiến lược. Ấy là công trạng của Constantine. 

Năm 395,đế quốc La Mã chia hai: đông  (tím) và tây (đỏ)

Constantinople, thủ phủ chính trị và thủ phủ của giáo hội Orthodox đã bị suy yếu trong cuộc Thánh Chiến Thứ Tư. Đoàn hùng binh của giáo hội La Mã thay vì đến Jerusalem đánh người Muslim thì vào chiếm và phá hủy đô thị nầy. Vết thương nầy mở đường cho việc đế quốc Ottoman (Muslim) kết thúc số phận của đế quốc La Mã và dồn Orthodox lên phía Bắc đóng đô ở Nga.


 *****

Những dòng  trên đây có phần thừa thải nhưng có thể giúp hiểu thêm vì đế quốc La Mã và TCG không bao giờ tách khỏi nhau.
Cho đến khi chết, Constantine vẫn giữ danh hiệu Pontifex Maximus (Giáo lãnh tối cao) của tất cả các tín ngưỡng tôn giáo trong đế quốc. Với đặc quyền nầy (có từ vua đầu tiên Augustus) ông điều khiển chi phối hoàn toàn TCG. Mãi đến lúc gần chết ông mới xin rửa tội và hứa nếu lành mạnh ông sẽ là con chiên gương mẫu. Việc ngưng đàn áp đã có từ trước theo chiếu chỉ của Galerius, ông chỉ thêm phần trả lại tài sản bị tịch thu. Ông hành động như một chính trị gia. Ông không muốn bất cứ xáo trộn nào, dù về tôn giáo, xã hội v.v…Bất ổn đã xẩy ra trong TCG về thần học; bản thể của Jesus là đề tài sôi bỏng có thể đưa đến những tai họa ly khai, hay bạo động.
Danh từ “ba ngôi”, không có trong thánh kinh, là sáng kiến của các nhà siêu hình học thế kỷ thứ 2 nhưng nội dung ý nghĩa còn tranh cải. Christ là Thượng Đế hay người? hay ở chặng giữa? Christ là kẻ thụ tạo hay không? Giáo sĩ Arius thuộc vùng Ai Cập chủ trương rằng Christ là thực thể thụ tạo (crée, creature) tuy ở trên các thụ tạo khác. Chúa Con không giống, không cùng bản thể với Chúa Cha. Tuy bị khai trừ, ông vẫn được ủng hộ của phân nửa các địa phận trên toàn đế quốc. Nhà vua ra lệnh triệu tập đại hội giáo sự (công đồng) và cho phép Arius trình bày luận thuyết nầy. Trước khi Arius mở miệng hơn ba trăm giám mục đã tuyên bố ủng hộ lập trường Chúa Cha và Chúa Con giống nhau ngang nhau về bản thể. Arius bị án lưu đày; sách của ông bị tịch thâu đốt.
Vụ án Arius mở đầu các vụ duyệt xét chính tà. Những khuynh hướng có phần huyền nhiệm (mysticisme) đều bị trừ khử. Nhiều tài liệu đã mất. Tuy mới hai ngàn năm cho đến nay, rất ngắn so với lịch sử các nước như Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa, thế mà không ai dám chắc Jesus nói ngôn ngữ nào; đa số các học giả cho là tiếng Armenian, nhưng vẫn là một giả thuyết.
Từ khi Constantine dời đô qua Rome Mới, sự cách trở địa lý đã âm thầm chia bớt phần nào quyền lực Pontifex Maximus cho Giáo Hoàng. Giáo hoàng thành “Pontif” thực sự khi Miền Tây Đế Quốc La Mã sụp đổ với sự xâm chiếm Barbarian. Tuy trên giấy mực chỉ thành quốc giáo từ 380 qua quyết định của vua Theodosius, TCG đã chiếm địa vị độc tôn. Pontifex Maximus Constantine đã dùng quyền lực loại bỏ các tín ngưỡng khác để củng cố TCG với tin tưởng rằng nhờ đó có ổn định, làm cho các nước bị trị tôn trọng trật tự được La Mã sắp xếp (Pax Romana). Constantine và các kế nghiệp công khai chủ trương phá hủy đền đài, nơi thờ phượng các tôn giáo, ngay ở Hy Lạp. Ngoài việc đốc thúc phá hủy một số lớn tác phẩm điêu khắc và kiến trúc, Theodosus còn cấm tổ chức Thế Vận Hội Olympic từ 393 (mở lại 1896). Vua nầy có nhiều điểm giống Constantine: triệu tập các đại hội giáo sự giải quyết các vấn đề thần học, tước quyền các giáo lãnh bị xem là tà đạo, và đến lúc gần chết mới chính thức chịu rửa tội. 

Brosen icon constantine helena.jpg
Constantine và mẹ điều được phong thánh St Constantine & Ste Helena

Điểm cuối: nhiều người hời hợt đã ví Asoka với Constantine, một sai lầm trầm trọng. Hai người nầy chỉ gặp nhau ở điểm đều là vua nước lớn. Asoka đã dùng binh lực để chinh phục, nhưng thấy cái vô nghĩa của chém giết nên đã tìm về tôn giáo. Ông ủng hộ Phật Giáo và cho đến chết vẫn có cuộc sống đạo đức, không biến PG thành quốc giáo. Constantine dùng quân lực làm vua miền Tây và sau đó toàn đế quốc. Ông đã trên thực tế công nhận TCG là quốc giáo (hợp thức hóa bởi Theodosius); ông tiếp tục những việc như giết con trưởng, giết vợ, giết cháu, làm gương xấu cho thế hệ sau tương tàn gấp bội.
Tuy giúp đỡ PG phát triển, Asoka không đàn áp các tôn giáo khác, không can thiệp vào giáo lý. Có sự khác biệt nhỏ giữa nhà sư em ông và một nhóm khác, nhưng Asoka không chút ganh ghét hay cầm tù, phát vảng. Ông chỉ cấm sát sanh để cúng tế và hủy bỏ án tử hình.
Constantine có cấm hai điều khá thú vị dành riêng cho người Do Thái. 1- cấm bắt hay mua người TCG làm nô lệ. 2- cấm đè nô lệ “hợp pháp” ra mà cắt qui đầu. (circumcise)./-



No comments:

Post a Comment