bình bịch ngày xưa
bình bịch ngày nay
tôn thất tuệ
Một chiếc xe bình bịch chạy qua, chở
trên mình một người mập mạp phương phi mang đôi kính đen. Một thiếu phụ trung
niên gập mình chào gần như quỳ. Đứa con trai ngẩn ngơ cho đến khi mẹ nói: Hoàng
Thượng đó con. Nơi xẩy ra là An Hòa ngay bên ngoài thành nội trên đường thiên
lý hướng ra Văn Xá phía bắc. Đứa bé là Phạm Bá Hiền hiện ở San Diego,
California. PBH hơn tôi ba bốn tuổi, cho nên ước chừng thời gian trước hoặc sau
khi tôi nằm nôi 1939. Về sau, hậu duệ của Nhiếp Chánh Vương Tôn Thất Hân, cậu
Tôn Để, thấy chiếc xe gỉ sét nằm trong vườn ở Cung An Định, An Cựu. Chiếc xe gỉ
sét là chuyện thường, ấn tín cũng chẳng ra gì, mà thân hoàng thượng thì
"hoang phế bơ vơ".
Thế nào chiếc moto ni cũng bên Pháp đem qua; nó không thành một hiện tượng, vì người trên xe là
vua mà, chừng ấy còn ít quá, có chi là xa xỉ; vả lại, ngài ngự chạy ở những
vùng xa dân chúng, không phiền hà ai.
Mãi đến đầu thập
niên 1950, khi bắt đầu vào trung học, tôi mới nhìn ra khỏi xó Bến Ngự một chút.
Lại thấy có ông Từ Bộ Quýnh đi xe moto bình bịch; lại thấy ông cả Bính ở Vy Dạ
đi xe cấy chi nhỏ hơn bình bịch mà to hơn mobylette AutoBécane. Lại thấy anh Hướng,
làm cho Lý Lâm Tinh, huynh trưởng hướng đạo, chạy cái xe gì to hơn Lambretta. Lại
thấy anh Ngọ, Mỹ Thắng (?) chạy xe Ết Bà (Vespa), chiều chiều qua Xẹt (Cercle
Sportif) đánh tennis. Anh Hà Thúc Miễn, Bến Ngự cũng có Vespa. Bác Thanh, bố của
Trịnh Công Sơn cũng có Vespa.
Con nít còn hay
chú ý đến mấy chiếc xe moto cảnh sát hộ tống các quan lớn như thủ hiến, thấy
vui vui thấy moto ba bánh, kéo bên hông một chỗ ngồi có người cầm súng. Con nít
cũng thích xem các xe motto Harley của nhà binh chạy trên lòng chảo sân vận động.
Họ biểu diễn đứng trên yên xe, cởi áo, mặc áo trở lại mà xe cứ vù vù như bay.
Muốn xem thì phải chui lỗ chó hàng rào từ phía trường Nguyễn Tri Phương.
Anh Miễn của tui
còn có xe bốn bánh; sáu chục năm sau tui xem catalogue mới biết hiệu Chrysler của
Mỹ. Huế mình không đến nỗi quê mà nghĩ rằng cà rem ăn không hết phơi khô để
dành. Nhưng xe hơi không phải là món gần gũi; các xe của ông giám đốc học
chánh, của tỉnh trưởng, thủ hiến thì tránh xa khỏi bị nước bùn tạt vô người.
Qua
đến 1954 thì Huế có nhiều xe hơn, không ai chú đến xe bình bịch như của Ngài Ngự.
Ngài Ngự bây giờ không đi xe hai bánh mà đi xe bốn bánh, đại xa, chạy khắp thành phố
ngày đêm. Ngài đeo kính đen như thường, ôm một ca ve chỉ mặc xí líp. Ngài lịch
sự nhường nửa cổ xe cho Ngô Chí Sĩ đứng trong chiếc tàu đang lèo lái con thuyền
VN. Cuộc dạo chơi cố đô của ngài được ghi trong một đoạn về Thượng Tứ của Phan
Mộng Hòa (ái nữ của Maria Mộng Hoa); may quá ngài cũng có một cùng đinh đỡ đạn:
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm về mụ Xoài. Đó là
năm Huế phát động phong trào Bài Phong Đả Thực và ủng hộ “Triều” cụ Ngô. Học
sinh công tư toàn thành phố ngồi đầy nhóc trên những chiếc xe buýt màu xanh
dương hay xe GMC nhà binh. Bọn học trò chúng tôi được chở đi cổ động bỏ phiếu
cho chí sĩ Ngô Đình Diệm. “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”. Xe lớp lớp chạy lòng vòng khắp
mọi xó xỉnh của cố đô. Một đứa lớn họng hét to: “Đả đảo Bảo Đại” hoặc “Ủng hộ
Ngô Đình Diệm” rồi cả bầy hăng bò xít hét theo mà đả đảo hay ủng hộ. Tuổi trẻ
máu nóng bốc đồng thi nhau la hét đến khan hơi rát cổ. Khi xe chúng tôi chạy đến
đường Thượng Tứ, một bạn la to khẩu hiệu: “Ai bán nước ?” để cả bầy còn lại đồng
thanh đáp: “Bảo Đại!”. Tôi thấy mụ Xoài xóm tôi le te chạy tới. Cái cằm móm xọm
dài ra hơn khi mụ cười toe toét, trả lời đon đả: “Có đây! Có đây! Có mụ Xoài
bán nước đây!” (Hoàng Hôn Thôn Vỹ)
Thế rồi Huế trở
lại yên lặng. Nhiều căn phố được sửa lại, xây thêm một hay hai tầng như nhà
sách Gia Long của chị Dương, mẹ của cô Hồng. Phía Hàng Bè có Kem Anh Đào của mẹ
Trâm (em của La Quang Thanh).
Huế
không thêm xe bình bịch to lớn, nhưng thêm Vespa, không nhiều lắm. Lambretta đã
xuất hiện; không ăn khách “dòm” vì không ngọt nước như người anh em Italie. Con
nít cửng con mắt cũng to thêm đồng nhịp với thân thể cho nên cái nhìn cũng to
theo, để chú ý đến xe hơi. Dạo ấy, chạy quanh nhiều trong thành phố là Peugeot
203. Chaffenjon chưng cả nguyên chiếc trong tủ kính như con búp bê, nhưng các bậc
phụ huynh thì thích tờ rác xông, mà còn thích tờ rắc xông ken nhiều hơn (ken,
15, quinze). Xuất hiện sau 54 là hai chiếc Mercedes, chúng liên quan đến thời
cuộc tình hình chính trị mới.
Bên
cạnh hai cô con gái mặc jupe rất chi là quí phái trưởng giả, đốc Quyến còn có
thêm chiếc Mercedes màu xám, từ ngày làm bác sĩ gia đình, trông nom sức khỏe Cụ
Cố, thâm mẫu Ngô Chí Sĩ, và Ngô Cố Vấn Tối Cao Miền Trung. Đốc Quyến dư tiền
mua Mercedes bằng vàng cũng được nhưng miệng người thì nói quà tặng của Lãnh Tụ
Anh Minh. Mà quà tặng thì có chi mà nói. Trong khi đốc Quyến ung dung như rứa,
các người khác trong phong trào Hòa Bình thì xấc bấc xang bang.
Chiếc
Mercedes thứ hai là của ông Nguyễn Văn Hai. Thầy Hai đã là người ủng hộ quyết
liệt lấy tên Ngô Đình Diệm thay cho tên Khải Định. Việc đã thành nhưng trong
vài tháng, trường mang tên là Quốc Học. Thầy Nguyễn Đình Hàm nói ông đã có công
lớn trong việc đặt tên mới nầy và thành hiệu trưởng QH đầu tiên; ông cũng nói
xa nói gần việc nầy làm cho thầy Hai khó chịu. Thầy Hai sau đó làm giám đốc học
chánh Trung Phần. Ít lâu sau thì ông Đinh Quy lên thế thầy Hàm. Lại chào xáo
trong trường. Có người vẽ trên stencil và in ronéo một bức hý họa không có chữ:
một con rùa đội trên lưng một tấm bia đá, có khắc một chữ duy nhất, vừa có thể
đọc là chữ “Q” hoa không tròn đủ hay đọc là con số 2.
Thầy Hai đầy nhiệt
tình cách mạng, sửa đổi cách thi lục cá nguyệt; các lớp ngồi chung làm bài như
nhau; đề thi các giáo sư trình thầy Hai duyệt và quyết định. Thầy không thích
các giáo sư mặc áo tay cụt; có sự đụng độ nho nhỏ với thầy Đương dạy vạn vật; dịp
nầy thầy Đương trở lại ngành y khoa Saigon. Thầy Hai đã qui định đồng phục trắng,
nam sinh có cà vạt xanh dương. Mỗi sáng thứ hai tôi phải thắng khô mực và đôi
dép lốp đi chào cờ. Sân trường chia làm bốn, cột cờ ở giữa. Thay phiên nhau, các
ô cử người lên đánh nhịp bắt giọng hát quốc ca và suy tôn Ngô Tổng Thống.
Khi thầy Hàm đứng
đầu trường, thầy vẫn giữ những tập tục nầy, kể cả việc đóng cửa tức khắc khi có
chuông vô lớp. Nhưng không khí dịu hơn một chút, ít tính cách đoàn ngũ hóa nhân
dân.
Thầy Quy chấp
chánh, mở thêm chức vụ giám học; mấy trò sính tiếng tây thì hay gọi là senseur.
Theo nghĩa thông thường, senseur là thầy phó hiệu trưởng chuyên lo về kỷ luật.
Đúng vậy, thấy giám học hầu như là chủ tịch một hội đồng vô hình gồm các giáo
sư cố vấn. Thầy cố vấn thật đáng sợ; tuy không phải là tổng quát như nhau, các
thầy nầy vô lớp thường nêu chuyện kỷ luật kèm với những lời hăm dọa bị đuổi
v.v… Cha mẹ thường trấn an con cái với câu dang cao đánh sẻ. Ngoài ra, thầy
giám học còn trông coi Hiệu Đoàn, tổ chức sinh hoạt chung của các trường, nhiều
dấu hiệu hướng về đoàn ngũ hóa.
Thầy Hai trúng cử
làm dân biểu của Quốc Hội Lập Hiến; QH nầy được lưu nhiệm làm QH lập pháp đầu
tiên. Mọi dân biểu (52 vị ?) được mua xe “de luxe” không thuế; xe cộ thời ấy bị
đánh thuế đến 300% giá trị. Thầy Hai mua Mercedes. Thỉnh thoảng Huế cũng thấy
thầy Hà Như Chi, cũng là dân biểu, lái xe “de luxe” Peugeot 403 mỗi khi từ
Saigon ra thăm thân phụ thân mẫu là ông bà Hà Thúc Lãng.
Nói
rứa thôi, chứ Huế không đến nỗi tệ chỉ có bấy nhiêu xế hộp. Nhưng có hai trường
hợp khác coi bộ nhiều người biết tới hơn vì nó thuộc “địa giới”, tôi muốn nói
không ở mức thượng thừa trong xã hội như thầy Hai, thầy Chi, ông đốc Quyến. Không phải thượng hay hạ thừa mà ở giữa là chiếc xe con cóc "đơ sơ vô" của thích Trí Quang. Tuy xe rất nhỏ nhưng với một ông sư thì còn to hơn chiếc Mercedes của đốc Quyến; thời ấy sư cũng như sải đều đội nón lá. Cựu thiếu tá cảnh sát Liên Thành, người không chút cảm tình với Phật Giáo, nhiều lần nhiều nơi nói rằng nhà sư gốc Quảng Bình nầy thường lui tới nhà ông cố vấn Cẩn và hưởng nhiều ân huệ. Đúng sai thì nên ra Chùa Ông ba Tàu xin keo, một sấp một ngữa, hai sấp, hai ngữa, rồi qua ông Thầy Trầu gần chùa Diệu Đế hỏi cho chắc. Nhưng chiếc xe dún dún do dỏ màu xám lên dốc Nam Giao tài xế không cần xuống đất mà đẩy như xích lô, quẹo vô Từ Đàm cái ót, êm như ru chiều hôm gió mát.
Chiếc xe
“deluxe” Peugeot 403 của thầy Chi – nếu đã đẩy lùi các xe Peugeot 203 xuống
chân danh sách ngưỡng mộ - đã không làm mất uy của một chiếc Peugeot 203 khác.
Một người đi học
Mỹ về, rồi tự xưng là đạo diễn điện ảnh. Anh ta có mái tóc phờ ri dê xỏa nửa
trán, nhưng không có vẻ gì là lại cái (homo), vẫn còn nguyên dương tính. Anh
mua một chiếc xe peugeot 203, hai chỗ ngồi và có mui trần. Xe cộ thời ấy thì
chính là đen; Peugeot có thêm màu xám. Đàng nầy anh sơn lại, chơi nguyên màu đỏ
tươi. Am mê ri ken mà!
Nhưng màu đỏ
không phải là điều đáng nói. Điện ảnh gia (?) Lê Hoàng Hoa có tội đáng chết: ẳm
được cô Ry bỏ lên xe chạy khắp thành phố. Tội đáng chết, voi chà ngựa xé chưa bưa, vì làm bao người nuốt
nước miếng ừng ực. Cô Ry bán sách ở nhà sách Ưng Hạ. Bao nhiêu trai thanh, học
giả tới đó mở sách ra xem mà mắt nhìn trộm cô hàng. Nhiều nhất là mấy ông sư phạm
chơi nguyên đồng phục côm lê. Cô Ry phải biết có hai thứ sinh viên ở Huế, một
bên là sư phạm có học bỗng. Khi tự giới thiệu với các bà mẹ có con gái mình là
sinh viên thì được hỏi là sư phạm chi, anh văn hay lý hóa… Còn như văn khoa hay
luật khoa thì chỉ là đồ cà lơ phất phơ, còn lâu mới thành a vô ca có tiền, suốt
đời “làm thi sĩ là tru với chó”. Rứa mà mấy ôn sư phạm ái mộ cô, cô có giá quá
hè.
Cô Ry có đóng
phim hay không, nào ai hay biết. Phim trường của LHH thường là Hội Việt Mỹ. Về
sau cơm cháo giữa chàng và nàng có ra chi hay không, tui không biết; tuy vậy
sau đó, dân Huế không còn cơ hội chứng minh câu thơ Tàu: thư trung hữu nữ nhan như ngọc, trong nhà sách Ưng Hạ có người đẹp
như ngọc như ngà.
Xanh xanh đỏ đỏ
em nhỏ nó mừng. Hết lượt xe đỏ Peugeot thì qua xe xanh, xanh lá mạ thì rõ ràng
hơn, để không nhầm với xanh biển. Chiếc xe khá to, cũng mui trần như xe của nhà
làm phim. Khi đồng An Cựu xanh rì ngọn lúa thì khách qua đường khó nhận ra chiếc
xe; vì xe hay đậu trước sân của một villa có mặt tiền phía đường nhưng quanh
còn ruộng. Villa nầy là chỗ ở của ông sếp công chánh tỉnh; ông mới rời nguyên
quán Quảng Trị vô đất thần kinh đem theo hai cô con gái. Nhưng trội nhất là cô chị Hồng Thủy.
Ông bạn tôi mới
trả lời email nói Hồng Thủy đi xe Lambretta vô trường đã thành một điều kinh khủng.
Đúng vậy nhưng bạn tôi quên nói Hồng Thủy đã thường lái xe mui trần chạy quanh
thành phố những lúc đông người. Tóc nàng bay bay trên cầu Trường Tiền. Thường Hồng
Thủy chỉ đi một mình, (không như Lê Hoàng Hoa có cô Ry) hay cô em gái, cho nên
với một số gà trống, mặt trận miền tây vẫn bình yên, nàng còn available, còn nước còn tác.
Mi đi xe máy (xe
đạp) người ta đi xe điện (xe hơi), mắc chi mi noái, tức à, tức ăn ...mà trừ. Đồ
vô duyên, vô duyên cảy, bảy ngày không hết vô duyên.
Vô duyên kệ tui.
Hồng Thủy không bao giờ đi trên hè phố, chỉ đi xe hơi nhưng Huế có lời đồn Hồng
Thủy đi bộ đường Trần Hưng Đạo vác guốc gõ lên đầu mấy cậu con trai trêu chọc
đôi môi của nàng. Hồi đó guốc đã tân thời lắm rồi. Hình như guốc Dakao. Lúc ấy
“mốt” cả thế giới là gót giày gót guốc nhỏ bằng móng tay. Các hãng máy bay phải
thay nền máy bay bằng nhôm cứng hơn vì gót giày mấy bà bự thiệt bự lún vô kim
loại như bùn, phải bồi thường tai nạn. Rứa thì Hồng Thủy mà chơi cái gót guốc
lên đầu thì chỉ có chết thôi nếu không đội nón sắt hay đã được mẹ nhúng vào suối
tiên như Archille để thành xương đồng da sắt.
Không thấy ai chết,
hay mũi ăn trầu cái đầu xức thuốc. Tui có hỏi hai người bạn cũ, họ đều nói Hồng
Thủy là một kiều nữ rất bình thường, hiền hòa; chơi bạo chiếc Lambretta có chết
ai mô. Một người hiện ở bên Đức nhiều năm học chung và sau đó cũng biết cô
nàng. Một người hiện ở vùng thủ đô Hoa Kỳ, cùng gốc Quảng Trị đã than phiền tin
thất thiệt. Đêm văn nghệ cuối năm 1959, Hồng Thủy hát bài Hòn Vọng Phu 2 của Lê Thương, tôi còn nhớ mặt người đệm sáo tre
nhưng không nhớ tên.
Huế 1961,đường Trần Hưng Đạo
Dẫu răng đi nữa, những điều viết trên đây xẩy ra vào một thời tương đối an bình của Huế; lúc ấy chưa có biểu tình, bàn thờ xuống đường, chưa có thảm sát Mậu Thân.
Tôi viết theo lối
mà Tràm Cà Mau nói là lang thang xứ Huế, cũng rất vô duyên cảy bảy ngày không hết
vô duyên. À mà viết khi nhận mấy bức hình moto rất thời trang của những cô gái
Huế ngày nay. Những lần chuyển chuyển forward, forward, không ai nói chi trừ một
thân hữu nêu chuyện Hồng Thủy đi xe Lambretta đến trường; chẳng có nghĩa lý gì
so với hiện nay mà đã là chuyện gần như kinh khủng. Nói chung, vẫn có một chút
gì không đồng ý, không nói ra.
Nói cho
cùng Huế mình cái chi không có, nhưng cái có xưa kia ít ồn ào, và che dấu được.
Bây giờ có ai sợ chi; còn che dấu là còn biết cần có một giá trị nào đó. Che dấu
không phải hoàn toàn tốt nhưng cũng không phải hoàn toàn xấu. Huế mình đôi lúc
còn đi trước. Ngay sau 75, một đấng hương sắc của sông Hương núi Ngự đã tiên
phong chụp hình khỏa thân và quay phim cảnh làm tình với một người ngoại quốc
trên một du thuyền neo ở Vũng Tàu. Những gì qua ống kính đã đến các tòa báo
Saigon.
Nhưng về ngôn ngữ
thì những chuyện như rứa không có. Huế mình không thấy, Huế mình chỉ chộ.
Dùng hai chữ
bình bịch cho những chiếc hai bánh hiện nay thì sẽ bị các cô lấy giày đánh trên
đầu, như người ta gán ghép cho Hồng Thủy. Bởi lẽ bình bịch xưa cổ lỗ sĩ còn những
chiếc moto nầy mới, chạy nghe êm trừ phi chủ nhân muốn tháo ống bô (ống khói)
kêu thiệt to.
Người Huế, nam
hay nữ, nếu không phải là triết gia, văn sĩ, thi sĩ, luận sĩ, thiền sư, thì ít
nhất cũng là những nhà hoạt động, những nhà tuyên truyền, xin lỗi tôi muốn nói
activiste hoạt động cho đảng phái, cho tôn giáo, cho các thế lực v.v… Một ký
giả nửa Pháp nửa Mỹ nói như thế để chứng minh luận điểm của ông rằng người Huế
rất sâu sắc, theo chiều hướng thiện hay chiều hướng nguy hiểm tùy người; người
Huế không đơn giản chút nào. Cứ xem tạm như ông nhà báo ấy nói đúng, thì mấy cô
chạy xe moto thứ xịn nhất thế giới, mấy cô nầy sẽ được xếp vào chỗ mô? Mấy cô
nầy hết sức đơn giản và cái chi cũng để lộ ra ngoài. Mấy cô không cần một tay
giữ nón lá, một tay giữ tà áo, phòng khi có ngọn gió bất thường tấn công những
lớp vải mỏng thín. Mấy cô nầy khi mô cũng phây phây.
Nếu lúc trước kia Huế được mô tả như trái mãng cầu (quả na) ngoài ngói móc trong bột lọc nhụy đậu đen thì Huế ngày nay đem trong ra ngoài như trái điều lộn hột.
Xứ Huế khó bề
duy trì nét thầm lặng bên ngoài làm môi giới cho sự thầm lặng bên trong. Đất Thần Kinh chứa thêm quá nhiều người mới lạ, lạ từ nguyên quán, lạ trong lối
suy nghĩ. Nhưng trên hết, xứ Huế không thoát khỏi những đặc tính chung của toàn
VN, không thể nói Huế cao thượng hơn, sạch sẽ hơn, spiritual hơn….
Nói
đến cái trầm lặng của Huế làm tôi liên tưởng đến Lào và Miến Điện. [Mấy dòng kề
cận tôi lấy ý của Tiziano Terzani trong cuốn A Fortune Teller Told Me.]
1962 tướng Ne
Win đảo chánh cầm quyền, đưa ra đường lối gọi là xã hội chủ nghĩa theo lối Phật
Giáo, áp đặt độc tài quân phiệt, quốc hữu hóa nền kinh tế, tống giam thành phần
chống đối. Ne Win không muốn sự hà khắc của Tàu Cọng, cũng không muốn đường lối
sùng vật chất của Mỹ đang tung hoành ở Thái Lan và chung quanh. Đánh đổi nền độc
tài khắc nghiệt, truyền thống được duy trì, tôn giáo phát triển, 45 triệu dân
không bị đưa vào cơn lốc của sự đô thị hóa, của kỹ nghệ hóa và tây phương hóa.
Chính quyền Rangoon không muốn quá nhiều người ngoại quốc làm ô nhiễm không khí
quốc gia; chiếu khán chỉ cấp bảy ngày lưu trú. Chùa chiền được giữ trang nghiêm
làm nơi hành đạo chứ không phải viện bảo tàng cho du khách chụp hình, rộn ràng
như ngoài chợ.
Sau ¼ thế kỷ với
quyền uy tuyệt đối, Ne Win trao tay lái cho đàn em. Lớp mới nầy còn độc tài hơn
lão tổ, trân tráo hơn, tàn bạo hơn, giết người nhiều hơn nhưng tân thời hơn. Mấy
ông vua con nầy bỏ chủ trương cô lập và theo hình thức phát triển xô bồ. Bốn
mươi năm cưởng lại, Miến phải nhường bước cho định mệnh chung, không ai
thoát khỏi từ Tàu của Mao, Ấn của Gandhi, Khmer của Pol Pot, VN. Giữa thập niên
1990, Terzani đến thị trấn nhỏ Tachilek cạnh biên giới Thái đã choáng mắt bởi những
chữ mạ vàng: “Tourists, welcome to Burma” thay những chữ ông còn nhớ:
Foreigners, keep away. Any one passing this point risks being shot. Có 14 sòng
bài, mấy chục chỗ hát kaoroke. Người Thái mở siêu thị, nhà hàng. Không ai xài
tiền Miến, chỉ dùng ngoại tệ. Ma túy, mãi dâm hầu như buôn bán công khai. Các
ông tướng ông tá đứng đầu các dịch vụ du lịch như di chuyển, thông ngôn, ăn ở…
Về phần Lào, bao
năm phản đối, phải để cho Úc xây cây cầu qua Mekong nối liền với Thái. Bây giờ
cây cầu mệnh danh là cầu Xi Da (The Aids Bridge). Trung Cọng đang mở con đường
xuyên Miến nối liền Tàu và Thái.
Là một người mến
văn hóa đông phương, biết nhiều về lịch sử từng vùng, Terzani cho rằng Tây Phương
hóa trở thành thuốc phiện cho cả Á Châu. Người Tàu đã có số đông không dùng đũa
mà dùng muỗng nĩa cho tiến bộ. Singapour là một hòn đảo điều hòa không khí, chỉ
có hotel và nhà hàng. Lý Quang Diệu là người mẫu của tư bản Tàu lục địa. Ký giả
Ý nầy (1938-2004) có cái nhìn ngộ nghĩnh. Bốn, năm thế kỷ trước Tây Phương đến
Á Châu bị đánh lại (tuy vẫn thắng) như chiến tranh ma túy bên Tàu, Cần
Vương bên mình. Nhật Bản bên ngoài theo
tân trào, bên trong tổ chức cẩn thận mọi bề chống lại ảnh hưởng ngoại lai. Nhưng
bây giờ Tây Phương đem liều thuốc phát triển thì Á Châu đón nhận với bất cứ giá
nào, hằng triệu người là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp. Những xáo trộn ấy đẻ
ra những chiếc xe motto mắc tiền, chạy ngang đánh bạc những chiếc nón lá rách của
người đi bộ nghèo trên xứ Huế.
Tôi
đã lạm dụng thì giờ của các bạn để đi hơi xa, khởi hành từ chiếc xe bình bịch.
Nhưng nhịp độ biến thiên của xứ Huế còn nhanh hơn những chiếc hai bánh do các
nường phóng theo gió. Các chùa xưa như Tra Am nay đã xây lại theo đá rửa, lưỡng
long chầu nguyệt bằng mẻ chén kiểu. Quanh các chùa có những ghế đá lọ lem khắc
ghi tên người cúng và tên người được hồi hướng, những câu thiền viết bay bướm
không ai đọc ra treo khắp nơi. Huế mình đang có phong trào ăn chay nghệ thuật,
con gà chay, thịt heo nướng chay, con tôm chay.
Có nhiều biến
thái khác. Nhưng đây chỉ nêu một biến thái nhỏ về ngôn ngữ: rồi ra, người Huế sẽ
nói chữ “vào” thay cho chữ “vô” dù là gốc Nôm hay Hán Việt. Một tác giả viết về
Huế thấy sách mình xuất bản với những chữ rất lạ: “vào luân, vào lý, vào đạo”
mà bà đã viết “vô luân, vô lý, vô đạo”. Dĩ nhiên tác giả không đồng ý. Nhưng
tôi, anh đổ gàn, khoái tỷ. Nếu bà mắng tôi là đồ vô đạo, vô học, vô luân; bĩnh
bút sẽ biến tôi thành kẻ vào lý, vào đạo, vào học. Chẳng mấy chốc tướng cướp, kẻ
giết người đều vào đạo, vào học, vào lý. Khổng Lão Thích đều thất nghiệp.
Dẫu sao, những
chiếc moto hào nhoáng – phản ảnh những bất thường của thời đại – gợi lên
thương tiếc một thời áo quần giản dị, đi lại chẫm rải chừng mực. Hoài niệm chỉ
là hoài niệm mà thôi. Sự trầm lặng của Huế không bao giờ trở lại. Vì sao? vì
lòng người đã thay đổi. Lòng người Huế đã thay đổi âm thầm từ lâu, nay mấy cô
moto làm cho sống dậy mạnh bạo hơn; những thứ gọi là bạo động
tinh tế đã có: kiểu như xưa với một Hồng Thủy vác guốc đánh người, duy trì cái gọi là chân lý "sông Hương dưới thuyền có đĩ trên bờ có vua".
Xin lỗi tôi hơi méo
mó Phật giáo một chút: tâm bình thế giới bình. Tướng tại tâm sinh, hãy nhìn người
Huế bây giờ, dù vẫn còn áo tím, đứng dưới mái hiên chùa, mà mặt mày một facebooker đã nói là ranh mương. Trực giác sẽ giúp
chúng ta thấy các nường bây giờ ra sao, tâm ra sao ảnh ra sao! Bình bịch năm xưa, bình bịch năm nay chỉ là những thứ ngoài da, hãy tìm thêm ở chiều sâu.
|
(tôn thất tuệ, 1939 bến ngự huế, tiểu học nam giao, biết đọc biết viết, georgia usa 30747)
add this
Monday, September 8, 2014
bình bịch ngày xưa và ngày nay
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment