add this

Monday, September 15, 2014

trời mây phảng phất

The Perfume River - Hué
                                                               sông Hương da vàng sốt rét, đang đổi hướng để vô Huế, góc Long Hồ


                                                                               Trời mây phảng-phất nhuốm thời-gian
                                                                                                                            thơ Đoàn-Phú-Tứ
                                                               cccc 

trời mây phảng phất
Hương Trầm


     Nếu như có một cõi đời khác sau khi nhắm mắt xuôi tay, ao-ước duy-nhất của tôi là được gặp lại những người thương yêu cũ.

Tôi không biết mình đang nghĩ những gì. Mọi thứ đều hổn-độn, nhạt nhòa trước mắt. Nỗi bi-thương, ngậm-ngùi với sự lo-âu làm tôi chùng bước, không muốn đi tới, không muốn trở về.
Cái khao-khát từng đốt cháy lòng tôi hằng ngày, hằng đêm khi chợt nhìn những đóa mẫu-đơn, ngọc-lan trắng muốt hay những đêm lặng-lẽ một mình trong vườn nhìn trăng; nhớ đến ngôi vườn thời thơ-ấu, những bạn bè, xóm giềng thật-thà, tốt bụng như trong cổ-tích … Và Ngoại tôi! Ôi! Ngoại của tôi!!!
Ngoại tôi là một phụ-nữ không nhan-sắc nhưng bù lại rất hiền. Không khi nào nổi giận hay to tiếng cho dù với người ăn, kẻ ở. Ngoại hòa-đồng, thiệt-thà, dễ tin, dễ tha-thứ. Ngoại thích trồng hoa, làm vườn. Vườn ngoại rộng, trồng đủ cây ăn trái. Sinh tiền, ông ngoại tôi trồng rất nhiều hoa. Khi ông ngoại qua đời, ba mẹ tôi về ở cùng ngoại. Vườn nhà ngoại sát rạch nước thông ra sông, vườn nhà bác Lục-Vân-Tiên kế bên vườn ngoại. Sở-dĩ có tên ấy vì bác thuộc làu truyện Lục-Vân-Tiên và hai cô con gái của bác có tên Nguyệt và Nga. Bác Lục-Vân-Tiên trồng mẫu-đơn để bán nên vườn nhà bác khi nào cũng thơm ngát và trắng xóa những hoa là hoa; hoa trồng hai bên bờ những mương nhỏ có cầu ván bắt qua, thông với con lạch quanh năm nước ra vào, tôm cá cũng theo nước vào mương. Ngoài mẫu-đơn, bác còn trồng thêm lá dứa, mãng cầu xiêm. Vào những tối cuối tuần, tôi được qua nhà bác bó những cành mẫu-đơn lại với nhau. Cứ sáu cành thành một bó sáu bông với vài nụ còn xanh lẫn trong chùm lá biếc nhỏ nhắn, gọn gàng; đựng trong cái thúng lót lá chuối tẩm nước để ngoài sân, sáng sớm mai bạn hàng tới lấy đem ra chợ.
Bắt chước, ngoại tôi cũng đào một cái mương. Bác Lục-Vân-Tiên hãnh-diện đem mẫu-đơn, lá dứa, mãng cầu xiêm qua trồng cho ngoại. Mãng cầu xiêm của bác tháp bình bát nên trái to, ngọt lịm. Ba tôi từ cái mương trồng mẫu-đơn, nảy ý đào một hồ sen. Mẹ nũng-nịu nói sen che mặt hồ sẽ không thấy trăng vờn bóng nước. Thế là ba tôi xây những chậu to, rãi-rác khắp hồ để sen không thể mọc ra ngoài; vừa ngắm sen và ngắm được trăng tắm đáy hồ.
Ước mong có đứa con trai tan theo tháng ngày nên tôi bất-đắc-dĩ có bộ dạng bán nam bán nữ theo ý-thích của ba mẹ mình. Tóc khi nào cũng cắt tém, quần sọt, áo sơ-mi. Tha-hồ cùng đám con trai trong xóm bắn bi, đánh đáo, chọi dế, tạc hình hay tạc nắp phéng; những trưa trốn ngủ lang thang cả bọn đi hái phượng, hái điệp, hái trái cao-su. Ba tôi hay đi đây, đi đó. Mẹ tôi theo lời căn-dặn của nội là vợ-chồng phải luôn liền tay, liền chân không được rời xa. Có những lúc không thể mang tôi theo, gởi tôi cho ngoại; mà ngoại có bao giờ la rầy tôi điều gì. Thời oanh-liệt của tôi chấm dứt khi nội tôi từ Huế vào thăm.
Tôi còn nhớ như in gương mặt tái mét rồi đỏ bừng của nội khi tôi chạy ào vào nhà. Hai cái túi đầy nhóc hình, bi với nắp phéng; tay cầm ná thun, tay bụm một nắm trái trứng cá, mặt dính cát bụi tèm-lem vì vừa chui qua cái vườn bỏ hoang của ông phán Cẩm. Tôi há họng chưa kịp nói thì ngoại tôi đã mau-mắn: “Thưa bà nội mới vô rồi kêu chị Hòa tắm rửa mau lên con”. Tôi lí-nhí làm theo, chạy xuống bếp kêu tên chị Hoà vang lừng khi nội tôi rên-rỉ: “T-rời! Trời!”.
Bấy giờ tôi mới biết nội tôi có uy-tín như thế nào. Ba tôi là người con chí hiếu, rất nghe lời nội. Mẹ tôi cho rằng hạnh-phúc mẹ có được là nhờ nội vun bồi. Ngoại tôi phục nội từ khi họ còn là bạn học với nhau vì nội thông-minh, quyết-đoán. Nội tôi là tiểu-thư con quan nhà giàu. Tài sắc vẹn toàn. Cái không vẹn toàn của nội là bị ép duyên phải lấy ông nội tôi cho môn-đăng hộ-đối. Khi nội tôi về nhà cha mẹ ruột để sinh con đầu lòng là ba tôi thì ông nội tôi có nhân-tình. Ngày ông nội đón vợ về, bà nội đưa cho ông một gói đồ, nói: “Đây là tất cả nữ-trang anh hỏi, cưới. Tôi trả lại đủ. Chúng ta tình đoạn, nghĩa tuyệt”. Ông nội năn-nỉ, ông bà cố khuyên-nhủ hết lời nhưng nội không lay chuyển. Nội tôi cương-quyết ẳm con ra đi nếu ông bà cố còn ép buộc. Sợ con gái đi Sài-gòn – nơi mà đối với ông bà cố tôi là chốn cạm-bẩy dẫy đầy – ông bà cố cho nội ngôi nhà với cái vườn nghỉ mát của ông bà để nội ra riêng sinh sống.
Khi biết ba mẹ tôi phải lòng nhau, ngoại tôi hốt-hoảng chạy hỏi ý nội. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, huống chi bây giờ ông nội tôi có tới bốn bà. Nội tôi mời ngoại đến, có cả mẹ tôi. Nội nói với mẹ: “Con biết cha hắn tính nết trăng hoa, nếu sau ni hắn giống cha hắn, con chịu được không?”. Mẹ tôi làm thinh cúi đầu chảy nước mắt. Nội nói với ba tôi: “Nếu con thấy không thể thiếu hắn trong đời thì mạ vui mừng thấy hai con lấy nhau. Phải hứa - không - phải thề với mạ là con không được hai lòng”. Ba tôi ôm lấy nội, rưng-rưng:  “Con thề với mạ. Con biết mạ đã chịu đựng như thế nào”. Ba tôi giữ tròn lời hứa. Mẹ tôi rất hạnh-phúc. Càng hạnh-phúc, mẹ tôi càng thương-yêu, quí-trọng mẹ chồng.
Quyết-định đem tôi về Huế cương-quyết hơn khi nội gặp cô-giáo dạy nhạc của tôi.
Cô người to lớn, nói năng rổn-rảng, lái chiếc vespa như bay mỗi khi đến nhà. Chồng cô người Pháp, qua đời trong một tai-nạn máy bay. Ba tôi uống rượu rất ít nhưng trong nhà rượu lại nhiều; cô thì uống rượu như trâu uống nước. Có nhiều lần cô đàn sau khi đã nốc vài ly, tôi kinh-hoàng nghĩ rằng cây đàn sẽ gảy dưới bàn tay mạnh bạo của cô. Ba Mẹ tôi thích cô, giao hết tủ rượu cho cô xử-dụng. Trước khi ba mẹ tôi đi xa, cô vui vẻ báo tin cô sắp gá nghĩa với một người Mỹ. Nội tôi không chờ cô qua Mỹ với chồng, đã đem tôi về Huế trước đám cưới của cô.


Giờ thì tôi về lại Huế đây. Hởi ơi! Ngày xưa tôi về Huế với tâm-trạng khổ-sở của trẻ thơ nhưng còn có những háo-hức, chờ mong như sẽ được khám phá những dị-kỳ nơi đường xa xứ lạ. Còn tôi hôm nay trở về trong mất mát, chấp-nhận thêm đau thương. Ngoại tôi ở trên trời hay nằm yên trong vườn đất nội, ngoại có biết tôi về? Tôi không còn được dúi đầu vào ngực ngoại, ngửi mùi hương dìu-dịu và nép người trong vòng tay ấm-áp của ngoại; được ngoại dẫn đi dạo quanh vườn, hái những đóa mẫu-đơn cài lên tóc; cắt những nhánh ngọc-lan cúng Phật hay ngồi ở nhà thủy-tạ nhìn sen múa lượn trong hồ theo từng đợt sóng. Ngôi vườn thần-tiên của chúng tôi bị cướp trắng trợn trên tay ngoại; những kẻ chiến-thắng hỉ-hả chia phần. Ngoại tôi ngơ-ngác như chim non mất tổ. Nội tôi vào Sài-Gòn đón ngoại ra Huế ở với mình.
Nội nói ngoại ra đi rất bình-yên, ngủ và đi luôn không một lời trăn-trối. Ngày được tin ngoại qua đời, tôi ra ngồi dưới gốc mẫu-đơn nhìn trời mây lãng-đãng trên cao.
Tháng chín ở đây hoa không còn, nhưng ở quê nhà hẳn mẫu đơn nở trắng xóa khắp vườn. Trước mắt tôi chập-chờn tấm ảnh hai bà cháu chụp dưới bóng cây ngọc-lan. Tôi oai-hùng chống nạnh cười khoe hai hàm răng sún, ngoại choàng vai tôi, đôi mắt chứa chan biết bao thương-yêu, trìu mến. Tất cả chỉ còn là mộng-mị, là chiêm-bao. Nội không chịu đi sau cái chết của Ngoại: “Ở lại với hắn cho vui”.
Giờ thì nội tôi; sự ra đi được tính từng ngày nhưng nội dường như không hề chú-ý. Nội cười rạng-rỡ, vuốt tóc tôi. O Chị vừa khóc, vừa cười xoắn-xít như con nít: “Ngó tề. Lạ quá hỉ, ra đường răng mà chộ cho ra”. Tôi cười với O rồi ôm nội, thì-thầm: “Trời ơi! Con nhớ nội biết bao!”. Mùi chùm kết thơm thơm từ tóc nội bay vào mũi làm tôi nhớ ngày xưa nội vẫn bắt tôi gội đầu bằng chùm-kết và chanh cho tóc mượt, đen huyền: “Con gái đẹp nhờ mái tóc”. Nội hỏi tôi có thấy gì thay đổi trong vườn, tôi nói hình như không có. Một thoáng kiêu-hãnh lướt trên mặt Nội. Hai bà cháu ngồi trước nhà dưới giàn tường-vi. Màu trắng hồng của hoa bắt đầu nhòa trong ánh trăng và hương thơm nhẹ lan theo gió. Hàng cây thầu-đâu trĩu hoa tím nhạt chỉ còn là những bóng đen xám mờ. Mấy gốc lão mai cằn cổi, xù xì đến tội soi mình xuống đất theo ánh trăng. Nội nói O Chị đốt lư trầm. Tôi theo nội bước vào thư phòng. Căn phòng ngày xưa tôi chán ghét, sợ-hãi biết bao. Tôi nhớ những lần nội bắt tôi ngồi bẹp trên chiếc chiếu hoa, tay đeo móng ngồi khảy đàn đến tàn cây hương mới được. Máu Lương-Sơn-Bạc và láu-cá trong tôi trổi dậy, tôi móc mạnh tay để những con nhạn ngả lăn trên đàn. Nội tôi bình-thản dựng lên, chỉnh dây đàn và … thắp lại cây hương khác. Tôi phải phép, hết dám làm càn. Mỗi lần học xong hai chân tê rần, vặn vẹo một hồi đứng lên mới nổi; không như cái đàn tay đập chân đạp, xong giờ là tôi phóng ra khỏi phòng như bay.
GardeniaNội thay cái áo dài màu trắng có những hoa cúc đại-đóa xám. Màu vàng mông lung trôi qua cửa sổ quyện cùng hương khói của trầm. Những ngón tay nội lướt trên dây đàn. Âm-thanh thê-lương, ai-oán của bài lý con sáo chậm rãi ngân vang , cuộn dâng những nỗi niềm đớn đau chất chứa. Nỗi đau-đớn bi-ai nhập vào tiếng đàn đến xuất thần, đến đứt ruột, nát gan. Nội tôi, người đàn-bà đẹp lạnh-lùng, cô-độc, khó gần ấy đã che dấu bao năm để bây giờ phát tiết ra như tiếng kêu thương cuối cùng của con chim sắp chết. Tôi òa khóc, úp mặt vào lòng nội. Nội ôm tôi, nước mắt rơi trên tóc tôi, nghẹn-ngào: “Nội muốn con giữ cây đàn nầy. Như một kỷ-niệm của nội, nó đã thấm-đẩm nước mắt của nội, hôm nay có cả nước mắt của con”. Một khoảng-khắc im-lặng rồi nội vuốt tóc tôi, ngập-ngừng, tiếng nhẹ như tơ: “Con gái giòng họ mình không may-mắn về tình-duyên. Con ráng tu, làm thêm việc thiện, biết đâu hoán cải được số-phận của mình. Bớt khóc đi. Nước mắt nó vận vào người không tốt. Nghe lời nội, con Chim Sâu, con Mít Ướt của Nội”.
Tôi mãi khóc trong lòng Nội; không thấy trăng đã xế, màu trắng lạnh vắt qua song cửa như những lưỡi gươm vô tình.
Nội tôi ra đi mười ngày sau đó. Tôi lặng cầm tay nội. Hương-hồn nội đã nhẹ-nhàng bay lên trời. Tôi nhìn trời và ước gì tôi thấy được nội, được ngoại, được những ngày cũ xa xưa. Trong màn nước mắt, thấp-thoáng giữa đám mây thênh-thang kia nội tôi dáng gầy guộc, nét môi không còn lạnh-lùng, mĩm-cười nhìn tôi; Ngoại tôi ẩn-hiện như khói như sương lẫn trong màu trắng của những đóa mẫu-đơn, ngọc-lan. Có cả ánh trăng của những đêm trăng thơm ngát khi gió rung nhẹ cây kiến-cò làm những bông hoa lay động giống như đàn bạch-hạc đang tung mình cất cánh bay cao.
Còn gì nữa không? Còn tôi. Còn tôi bất-lực trong cuộc đời. Nhìn những mất mát yêu quí nhất của mình trôi tuột qua tay.

Hương-Trầ
m

No comments:

Post a Comment