add this

Wednesday, September 10, 2014

xóm cũ ngày thơ



xóm cũ ngày thơ
Hương Trm

Nhà tôi ở Gia-định trong một hẻm lớn có nhiều vườn và gần một ngôi chùa. Tuy thuộc về thành-phố nhưng là ngoại-ô nên dân-cư không không lấy gì đông-đảo, hầu như đều quen biết. Thêm một điều đặc-biệt là dân ba miền Bắc-Trung-Nam trong xóm gần như xuýt-xoát nhau, lại sống rất hòa-bình và gắn-bó vì vậy bọn trẻ con chúng tôi rất thân và hầu như đều hiểu được âm giọng của ba miền. 

Ngoài những chuyện vui đùa thường-lệ, chúng tôi thích chạy ra lăng của Đức Tả Quân Lê-văn-Duyệt vào những ngày giổ của Ngài. Những ngày đó người đông như trẩy-hội, lắm trò vui chơi. Bởi lúc sinh-tiền Ngài thích hát bộ nên môn nghệ-thuật nầy luôn có mặt hàng đầu. Trong những ngày ấy chúng tôi tha-hồ xem cho mãn nhãn; lại còn chạy tuốt ra hậu-trường sân-khấu xem diễn-viên hóa-trang, đánh phấn tô son. Hồi đó mê làm sao những bộ áo quần lấp-lánh kim tuyến, viền lông thỏ nhiều màu; lại còn cái mão gắn đèn chớp-chớp với hai cái lông công dài thậm-thượt mà mấy anh kép vào lúc "lên xề", vuốt một cái xuống thật thấp rồi búng mạnh tay ra cho cái lông công bung lên cong vòng. Bọn chúng tôi thán-phục hả họng nhìn không chớp mắt. Khi hết tuồng, lại chạy quanh xem đá gà, thi chim hót, đánh cờ tướng và xa hơn nữa là những nhóm đánh bài cào, đổ bầu cua cá cọp.

Lần nào hên là được bác Năm Xe Lam nhét đầy một xe lam chở thẳng tới lăng mà không phải cuốc bộ. Ngoài nghề chạy xe lam, bác Năm còn có một vườn mai mà mỗi dịp Tết người ta tới lựa cành mua rất đông, không cần phải cưa nhánh đem ra chợ bán. Nhà nào trong xóm không trồng mai là thế nào cũng có một cành mai nhỏ bác tặng chưng ba ngày Tết; vì vậy ngoài cái tên Năm Xe Lam, bác còn một tên khác là Năm Mai Vàng.

Trẻ con trong xóm hay rủ nhau đi cộ đèn vào những đêm trăng tròn cho dù không phải là đêm Trung-thu. Đèn chỉ là cây đèn cầy gắn trên cọng tre hoặc làm từ cái lon sữa bò đục lổ. Mấy đứa con gái ngon lành hơn thì có đèn xếp, đèn con cá, đèn ngôi sao do cẩn-thận để dành từ Trung-thu trước. Vừa đi vừa hát: "Bóng trăng sáng ngà có cây đa to có thằng cuội già ôm một mối mơ ..." hoặc bất kỳ bài nào, câu nào chợt nhớ mà có đứa xướng lên trước, không cần đầu đuôi. Chúng tôi thích nhất đi ngang chùa của Sư Cụ vì khi nào đi ngang Sư cũng thủ sẵn cho vài trái cam hay quýt, rồi vòng qua con lạch nhỏ cho đèn chiếu xuống nước coi chơi. Đi chán thì tan hàng nhưng không quên chia nhau mấy trái cây của Sư Cụ.

Sư Cụ già, gầy nhom nhưng tóc không bạc. Đôi mắt lúc nào cũng như nhắm tịt lại, rất hiền nhưng bọn trẻ con chúng tôi rất sợ mà không biết tại sao. Sư Cụ được người lớn cả xóm kính-nể và Sư cũng thương đám con nít. Khi nào mấy cây mận, ổi, khế trong chùa chín là Sư nhắn bảo vào hái về mà ăn kẻo rụng uổng. Có lần chúng tôi hỏi anh Thương vì sao lúc nào mắt Sư Cụ cũng nhắm, anh Thương nghiêm-nghị:
- Không phải nhắm mà là không muốn nhìn.
Chúng tôi nhao-nhao:
- Sao kỳ vậy? Sao kỳ vậy! Có mắt mà không muốn nhìn?
- Vì Sư Cụ có huệ nhãn.
- Huệ nhãn là cái gì vậy?
Anh Thương trầm-ngâm một hồi rồi lắc đầu:
- Có nói tụi bây cũng không hiểu, lớn chút nữa anh giải-thích cho nghe.

Anh Thương là người cầm đầu bọn trẻ trong xóm. Anh học giỏi, ngoan lại có những sáng kiến độc-đáo nên đứa nào cũng mê, được người lớn tin-tưởng nhưng hình như anh "cương" cũng hơi nhiều, có lần anh Nhung nói vậy. Anh Nhung có tài kể chuyện, làm trò cười. Anh Thọ đàn guitar số dách. Có một lần đêm Trung-thu trăng không bị mưa hay mây che. Bọn trẻ cả xóm náo-nức vì tin vui nầy. Mẹ tôi cho cả bọn thêm một hộp bánh nướng. Ngoại tôi nấu thêm cho một nồi khoai lang Dương-ngọc. Đặc-biệt là má của Hiền làm cho một tấm đệm lát to gấp hai lần chiếc chiếu bự để cả bọn trải ngoài sân đón trăng (má của Hiền chuyên đan đệm để bán). Anh Thọ khi nào cũng bắt đầu bằng bài Dạ Lai Hương của Phạm-Duy mà anh nói là chào cờ. Nghe mãi bọn tôi thuộc nằm lòng. Anh Thọ vừa dạo nốt đầu tiên là cả bọn rống cổ lên ... gào!

Ngày ba má tôi đi từng nhà để chào giả-biệt, chúng tôi đi theo mà nước mắt giọt ngắn, giọt dài. Má tôi cũng không cầm được nước mắt. Ba tôi an-ủi: "Mai mốt nếu không thích chỗ mới thì mình lại trở về đây."
Ngày trở về ấy không bao giờ đến với ba má tôi! Hơn bốn mươi năm sau chỉ một mình tôi trở lại.

Xóm cũ người xưa chẳng còn lại một ai! Tất cả đều mới, đều lạ lùng. Những khu vườn xanh ngát đầy cây trái, bông hoa đã biến mất. Nhà! Nhà! Nhà! Chen vai sát cánh như sợ không có chỗ để chen. Ngôi chùa nhỏ cổ-kính, rêu-phong của Sư Cụ được thay thế bằng một ngôi chùa to lớn màu-sắc rực-rỡ. Thầy trụ-trì mập hồng với gương mặt rất chi là Lương-Sơn-Bạc tươi-cười chào đón khi tôi vào lễ trong chùa.

Bước ra nhìn quanh cảnh vật rồi tựa người vào gốc cây ngọc lan già còn sót lại ngoài sân. Tôi nhắm mắt. Hình như vẳng đâu đây tiếng cười đùa của đám con nít ngày xưa. Tiếng đàn guitar của anh Thọ, những câu chuyện cổ-tích của anh Nhung, gương mặt cố làm ra vẻ người lớn của anh Thương ... Cả bọn ngồi nhìn trăng đùa trên từng ngọn lá để rơi-rớt những mảnh vàng xuống đất khi gió mang theo mùi hương ngọc lan, mùi dạ lý, mùi hoa lài và cả mùi trầm ...
Tôi lau nước mắt! Không còn gì để nhìn lại, để quay lui.
Vĩnh-biệt!!! (22-11-2011)

1 comment: