cây khoai mì (củ sắn) |
nụ cười
tôn thất tuệ
Hai đứa bé phá
lên cười. Đã hơn năm phút chúng kéo nhau đến gần bố. Một đứa nói: "Kìa ba
điên kìa; múa may trong đám cỏ". Giật mình, hắn cúi xuống cầm cây cuốc lên
rồi nói như nói với mình: "Buồn nhỉ, đáng lẽ các con đã biết rồi chứ".
Chúng ngơ ngát chẳng biết gì. Tin, đứa lớn cầm ấm nước chè đưa bố, còn Bi cầm
cái ly cho hắn rót nước vào. Người cha vào lứa tuổi nửa đời uống nước một cách
trầm ngâm, lấy tay xoa đầu đứa nhỏ nhất.
Hắn thường đánh
nhịp hát những khúc cổ điển cho mấy đứa con nghe, những nhạc đề chính mà thôi.
Chúng ngạc nhiên khi thấy bố múa tay khi làm việc, mồ hôi nhễ nhoại trên thân
mình đen bóng với cái quần đùi xơ xác. Dạo ấy vào lúc nắng ráo nhất. Cỏ cây xơ
xác. Vườn rộng làm cỏ không kịp, nhất là loại cỏ quái tặc cao hơn đầu người, sẵn
sàng cháy bất cứ lúc nào.
Những đợt gió nối
tiếp nhau trên ngọn đồi vào buổi xế chiều trên mảnh đất thoai thoải sườn đồi.
Lau lách uốn mình theo chiều gió. Chợt đến trong tâm hồn của hắn một cái gì của
gió, thứ gió thật đeo đuổi trái đất như một định mệnh. Chiều nay sao gió lại
xoáy mạnh đến thế, thật mãnh liệt. Bàng hoàng và để giải tỏa căng thẳng tâm hồn,
hắn tìm một khúc nhạc để hát lên, hát trong im lặng, hát trong hai tay. Gió thật
nhiều; gió đè nặng lên cỏ lau.
Hắn buông thả
cái cuốc như người lính trẻ buông thả cây súng trường. Hắn làm lành với đám cỏ
trước mắt mà hắn quyết hạ cho được vì mùa mưa sắp đến, dọn sẵn đất trồng thêm
ít khoai ít mì nuôi sống đàn con. Hắn rất thương cảm đám lau lách trước mắt
trong cơn áp đảo của gió. Ước gì ngàn thân cỏ biến thành ngàn cây sáo cho khúc
nhạc đồng quê bên bờ ruộng. Thật ra chính hắn cũng bị gió áp đảo. Trong trận
chiến nầy trên sườn đồi sau nhà hắn, cả hai bên đều bị gió áp đảo. Hắn buông thả
cây cuốc và làm lành với cỏ lau.
Hắn hát lên
trong im lặng, hát bằng hai tay. Nét nhạc trong tim uốn theo chiều của cỏ tranh
lau lách dật dờ. Đại sư đã đến cứu vớt hắn trong giây phút tâm cảm nầy. Hắn hát
lên, hát trong hai tay.
Uống xong hớp nước,
hắn nhìn hai đứa con trai cũng mình trần và chân đất như hắn, chỉ khác ít mồ
hôi nhưng để lộ bộ xương sườn. Nếu không tự kiềm hãm hắn đã bật khóc.
- Chị đâu? hắn
hỏi
- Chị trong bếp,
đứa lớn chín tuổi trả lời. Chị đang nấu nước. Vào nghỉ đi ba. Em Bi vừa chạy
bên bác Tư xin cho ba mấy bi thuốc lào.
Bé út thật có
tình. Từ sáng đến giờ hắn không có chút thuốc, mà tiền đâu. Bi tự ý chạy mãi
đàng xa trên con đường đất mịn xin cho hắn chút thuốc lào. Nơi đây người ta
không có gì để cho nhau. Cỏ cây đã khô héo. Bông cỏ bay đi khắp nơi, đọng xuống
bên lề đường như lớp sương xốp, lớp tuyết hoa, nằm chờ mưa để nẩy mầm tiếp
sinh. Những túp lều tranh khô dòn nứt nẻ cũng héo hon như cây cỏ. Sống ở đây
như những đạo sĩ lìa đời đi tìm thuốc trường sinh.
Theo lời con, hắn
trở vào nhà. Ngồi trên chõng tre, tay vân vê viên thuốc lào, hắn nhìn đứa gái lớn
nhất mười hai tuổi đang chụm lửa, cong mình thắp cho hắn cái đóm tre.
- Ba ạ, con muốn
ba làm nhạc trưởng. Cô bé nói và được hai em đồng tình.
Trẻ con thật tội
nghiệp, thật ngây ngô. Hắn trầm ngâm suy nghĩ: trẻ con biểu tượng cho thiện tâm
của con người. Tay hắn cứng ngắc, lòng bàn tay như lớp da đế giày, mỗi lần cầm
cây bút chì thì giống như cầm cây kim. Quanh năm suốt tháng, đầu óc luôn nghĩ đến
thời tiết, nắng mưa hai mùa. Nắng thì đây không tìm ra màu xanh, mà mưa thì cỏ
tận đầu giường, cỏ chỉa vào vách lá chòng ghẹo. Mưa dữ dội kéo đi hết chất màu
còn lại sỏi đá, nắng lên bốc cháy cả đám rẩy, héo hon tận cây xương rồng.
Con chó vàng gầy
ốm chạy nhanh vào nhà, nét sung sướng ngoắt đuôi mừng rỡ. Vợ hắn đi chân đất từ
ngoài vào, tay cầm chiếc nón lá rách tơi, mặc chiếc áo trận hoa dù hoen ố, vá
chằng chịt nhiều lớp. Hắn có cảm nghĩ như bà ta vá thêm cho dày, vì chiếc áo
thô dùng ngoài chiến trận không đủ sức chống lại các tia nắng chỉa vào vai gầy
của cô học trò năm xưa.
Nếu xưa kia một
ai đó đã nẩy sinh ý nghĩ vẽ rằn ri trên loại vải ấy để dễ hòa đồng với thiên
nhiên hầu tránh con mắt của địch, thì nay cái áo nầy lại lạc lõng nổi bật ra. Nếu
nó không bị lộ ra trong khung cảnh rừng núi nầy, thì nó cũng lộ ra đầy đủ trong
thời gian. Cái áo ấy lưu dấu một khoản đời đã qua, một cuộc chiến tàn lụi than
tàn chưa lạnh hẵn.
Người ta đi mua
những thứ áo ấy trên vĩa hè, trong chợ trời vì nó đủ dày, đủ bền cho công việc
nhọc nhằn. Vợ hắn cũng làm như vậy, mua cho hắn cả năm rồi nhưng không mặc nên
cứ trần trụi suốt ngày, nghĩ rằng thịt da hắn còn bền hơn chiếc áo dù kia; cứ để
dành vợ cái áo đàn ông, cái áo phản lại ý hướng ngụy trang của tác giả, đặt
trong thời gian.
- Sao bà về sớm
thế?
- Còn ông thì
sao? làm biếng quá.
Vợ chồng đối đáp
vui vẻ. Cô bé đầu lòng xen vào:
- Bi đi xin
thuốc lào. Tin kéo ba vào hút, còn con thì nói ba làm nhạc trưởng hay hơn cuốc
đất.
- Mẹ biết. Hồi
nãy Bi qua nhà bác Tư, ghé lại bên chị Năm khoe với mẹ vừa xin cho ba mấy bi
thuốc lào. Nó xin mẹ một trăm đi mua mà mẹ không có; mà cho em đi xa ra tận đường
cái tội nghiệp, mẹ không yên lòng. Thằng bé giỏi quá.
Vợ hắn qua nhà
chị Năm đánh tranh giúp vầng công, để mùa mưa chị Năm qua làm cỏ. Đã chiều
nhưng nắng vẫn còn nhiều, mùa nầy ngày dài đêm ngắn nên ai cũng thấy còn sớm. Ở
đây đồng hồ là mặt trời, là gà gáy. Bây giờ mặt trời chưa đi ngủ và gà còn đi
ăn thì người chưa được nghỉ.
Ở đây con gà là
ông thầy luân lý của vợ chồng hắn và có thể chung cho mọi người trong khu vực
xa xôi nầy. Gà không bao giờ ngừng bươi, ngừng xới tìm từng con trùng nhỏ, những
hạt gạo mốc thối. Vợ chồng hắn cũng phải bươi, cào xới trên mảnh đất khô cằn để
sống để nuôi con. Nào có khác gì gà: dưới những thân cây mì suông đuột rụng hết
lá, chỉ còn những củ mì sượng. Đào lên thì phải dùng cúp, dùng xà beng; mùa khô đất
cứng như đá. Mà đào lên, chỉ có những viên đá ong đỏ. Mấy năm rồi, mưa đã xoi
cuốn mãnh vườn, lưu chủ những gì cứng nhất.
Hơn chục căn nhà
trong ấp âm thầm đi theo bài học của loài cầm. Những mái lá xơ xác xa nhau chen
trong cỏ rậm như những con ốc vào mùa nắng hay một vài loại thú vật thu mình
vào mùa đông giá. Vào mùa nắng, cây mì ngủ yên, ăn dần chất bổ đưa từ củ lên,
nên củ trở thành sượng chỉ còn là cái xác nhầy vì không thể hút chất bổ trong
cái khô hạn nầy. Chồng lên đó, dân làng bắt chước kinh nghiệm của vật họ ăn.
Người thu sống bằng cách ăn củ của cây thu sống. Một cảnh sắc sống chồng lên một
cảnh sắc sống khác. Sự việc đó làm cho bầu không khí thầm lặng thêm lên. Những
suy tư của người lớn cũng đè nặng lên trẻ con, vì trẻ con nhiều nhân tính, nhiều
thiện tâm hơn.
Đàn gà nhạy cảm
với ánh sáng hơn nên đã lục tục đi ngủ. Gà mẹ đã quận tròn như quả banh ôm đủ
đàn con nhưng không chận được tiếng chim chíp như tiếng trẻ thơ vụng dại. Chiều
xuống dần trong giấc ngủ của gà.
Ở đây nhịp sống
chậm nên chiều về cũng chậm. Chiều xuống một cách êm ả. Hắn nhớ lại một lần vào
chiều ở Trường Bộ Binh. Khi ánh sáng còn vàng như giờ khắc nầy, một người lính
già chúc ngược cây kèn đồng lên trời, người và kèn chỉ còn là một bóng nghiêng nổi
bật lên nền trời, thổi một khúc nhạc ngắn vừa hùng vừa buồn như kêu gọi trở về
với chúa tể vạn năng màu đen, đủ sức bao che tất cả một cách uyên nguyên, khi
người và thần linh oan hồn sống lẫn chung hưởng nét dịu hiền của màu đen. Quả
thật nét nhạc trên vẫn mang một chút gì u uẩn trong tâm tư. Phải chăng mỗi ngày
nơi quân trường nầy người ta nhắc mình rằng đêm sẽ về chốc nữa?
Ở đây mỗi chiều
không cần tiếng nhạc ấy. Hắn đã có tiếng kèn gọi chiều soạn với những âm vang
hiện thực để làm công việc của người lính kia. Tiếng kèn gọi đêm trong hắn tràn
dâng, hóa thân liên tiếp, từ tiếng gà con trong lòng mẹ, tiếng trẻ thơ gọi nhau
nơi kia lều tranh; tiếng gió thoảng...
Một lần nữa, gà
trở thành ông thầy đời hắn. Con gà kia có đôi cánh lông ấm áp thì vợ chồng hắn
có mái tranh thấp đụng đầu. Nhà hắn nhỏ như bàn tay, gà ngủ dười gầm giường.
Hai vợ chồng và ba đứa con phải chia một đôi dép cũ; rửa chân lên giường, nhường
dép cho người khác; việc nầy trẻ con làm trước. Ngọn đèn lờ mờ như con đom đóm
khổng lồ. Cả gia đình đã nằm xong trên cái chõng tre choáng hết một phần ba diện
tích; phần còn lại là cái bếp, một cái bàn đóng bằng gỗ thùng và trong xó là một
số nông cụ thô sơ: cuốc, xẻng, cào ... Người và vật đều tạm nghỉ theo mặt trời.
Mà cứ nói mặt trời
nghỉ cho xong việc vì nó có làm việc nơi kia xa thẳm về hướng tây thì đây nó
cũng được gọi là nghỉ. Nó đi đến nơi khác làm việc và kêu gọi người ta làm việc.
Độc ác của nó là để lại dấu chân của một ngày nắng ráo, bồ thêm cho cái khắc
khoải của cảnh vật; đi đến mọi xó xỉnh, đến tận túp lều tranh nầy; nơi một đàn
gà con ngủ với mẹ và trên đầu cao hơn chừng năm tấc, một đàn khác cũng đã đi
vào giờ ngủ. Rồi thế giới của người đã xuyên thủng vạc giường để đến thế giới của
gà.
Ba đứa con lắng
nghe tiếng gà con kêu không mạch lạc trong yên lặng. Chúng nghĩ gì nào ai biết.
Nhưng cứ nghe những điều chúng nói, có thể đoán ra những giấc mộng rất đẹp. Mùa
nầy nắng, ấp mười trứng mà chỉ nở năm con. Với sự tình cờ tốt đẹp nầy, vợ chồng
con cái chia nhau đồng đều mỗi người một con để làm của.
- Gà lớn lên, Tin
nói, em bán đi mua đôi dép, nhờ mẹ mua cho cái áo cũ.
- À không, Bi tiếp,
có lẽ con gà đen của em gà mái, nó sẽ nở ra một đàn con khác.
Phần cô bé lớn
thì: "Ngày mai chị phải chăn gà không cho đi xa chồn bắt mất. Nhà mình cỏ
nhiều quá, chồn cáo biết bao. Chị sẽ mua một cuốn tập, một ít chỉ màu, ít cây
kim chị thêu cho vui. À còn ba má thì làm gì ba má?"
Bà mẹ mảnh dẻ
ban chiều mặc cái áo trận hoa dù rách tả tơi đáp:
- Để dành Tết;
còn cả tám tháng nữa, chắc quá lứa nhưng phải để dành hai con gà cúng ông bà.
Mình nghèo thì thần linh tiên tổ cũng nghèo theo. Lâu nay giỗ ông bà có làm gì
đâu. Ba lấy cái lon làm cái lư hương ngoài trời mà mẹ không tiền mua bó nhang.
Thần linh tiên tổ cũng nghèo theo con ạ.
Phần hắn, hắn vẫn
để tay trên trán lắng nghe tiếng gió, lắng nghe mộng đẹp của các con và dự
tính tương lai gần gũi của người vợ.
Hắn tự nhủ:
"Người bạn năm xưa của tôi ơi, người bạn thân nhất của đời tôi ơi, sao
nàng lại lôi kéo cả thần linh tiên tổ vào câu chuyện nầy? Sao không để cho họ
siêu thoát đầu thai kiếp khác mà kéo họ vào kiếp sống của con người để ngày Tết
hưởng cái hương vị nhạt nhẽo của con gà luột, không hành, không tỏi, không
tiêu. Thì ra cả vũ trụ bao la và thời gian miên viễn đã vào đầy đủ cái nhà
tranh nhầu nát nầy. Làm sao có thể nói như thơ Trụ Vũ: Cửa hồn tôi khép lại
không cho vũ trụ lòn vô?
Quấn quít miệt
mài trong bối cảnh ấy như một điểm trên bộ trục hàm số; một bên là trục đứng của
không gian, một bên trục nằm của thời gian, đến từ vô tận, gặp nhau ở một điểm
rồi đi mãi vô tận. Ở đâu trong mặt phẳng ấy cũng mang một tung độ và một hoành
độ; cho dù ở điểm không vẫn có tung không và hoành không. Ra khỏi chăng bộ trục
tung hoành ấy? Thần linh, tiên tổ, vũ trụ, trời đất, trẻ con và mộng đẹp cùng
đàn gà đã về đây, nơi căn nhà rách nát mà chiều nay chứng kiến cơn gió đàn áp
đám cỏ bên hè.
Tiếng kêu chim
chíp của mấy con gà con ngái ngủ chấm phá cái yên lặng. Với mộng đẹp, trẻ thơ
quên bẳng tối nay cũng như những tối khác không có gì ăn tối. Đã lâu lắm, vợ chồng
hắn quyết định đem buổi cơm tối thành buổi cơm sáng vì không tài nào chịu nỗi bụng
đói đến trưa. Tối thì khuây khỏa lấp liễm cơn đói với chén nước lá chùm bao, hà
thủ ô, rồi đi ngủ như gà. May lắm mới có củ khoai lang bằng ngón chân cái. Người
mẹ trong vợ hắn phải ấp ủ ru ngủ ba đứa con bằng những câu chuyện đời xưa, chuyện
thần tiên để làm giàu trí tưởng tượng của trẻ thơ."ngày xửa, ngày
xưa.."
Những cái ngày xửa
ngày xưa ấy rất gần với chúng bởi lẽ duy nhất chúng vừa bước ra khỏi cái ngày
xưa của một kiếp sống trước để đi vào cuộc sống hôm nay: phải thay phiên nhau
đôi dép rửa chân trước khi đi ngủ và ngủ bụng đói. Mẹ chúng kể cho nghe những
chuyện êm ả của cuộc đời, để lại những dấu chân chim trên đoạn đường sơ khởi và
nhất là để thấy đời đủ đẹp mà ngủ yên đêm nay.
Nhưng thế giới của
gà dưới kia lại xen vào. Thằng lớn nói:
- Sao ba không
kiếm lưới đóng cái lồng nhốt gà lại, con sợ chuột cống lẻn vào kéo cả mẹ lẫn
con thì con làm sao mua đôi dép đây? Con muốn bắt nó lên ngủ chung cho khỏi chuột.
- Lưới thì đây
không kiếm ra, chắc phải lấy mấy miếng ván đóng thành cái hộp rồi xoi lỗ cho nó
thở.
Sau đó hắn nói
thầm:" À ra thằng nhỏ nói thế lại kéo cả thần linh tổ tiên trở về đây vì
chuột đâu cần phân biệt con gà nào để con bán đi mua đôi dép và con gà nào nuôi
lên để cúng ngày Tết".
Tiếng hét la, tiếng
gõ thùng thiết vang dậy xóm đằng kia. Mấy đứa nhỏ ôm ghì bố mẹ. Hắn kinh hoàng đề phòng khi hữu sự. Chuyện gì xẩy ra cho cái xóm mới mở nầy? Trộm cướp chăng? Giết người
chăng? Hay chuyện gì nữa? Một cuộc chiến thứ hai trong đống tro tàn chưa nguội
của cuộc chiến vừa qua chăng? Kinh hoàng đến với nó, vì ha71n chỉ quen
với tiếng gió, tiếng gà kêu. Tiếng la hét, tiếng thùng thiết kéo dài.
- Cái gì thế em
nhỉ? Trộm cướp hay là ...? Hắn hỏi.
- Em quên nói với
anh, vợ hắn đáp, có gì đâu, bên kia người đuổi le le vịt trời. Le le vịt trời lại
vào làm tổ trong đám lúa quanh suối. Chiều nay em qua đánh tranh bên chị Năm,
bà con bên đó hẹn nhau tối nay cùng ra đuổi vịt trời kẻo nó phá quá; làm tổ khắp
nơi quậy nát hết. Còn làm dài dài đêm nầy qua đêm khác. Lại thêm một nỗi khổ nữa
anh nhỉ; ban ngày thì hò la đuổi chim chóc, tối lại vịt trời.
Hắn thấy yên ổn
với lời giải thích ấy.
Nơi đây một con
suối chảy qua một cánh rừng trước kia khá nhiều gỗ dân làng mặc tình vào đốn để
đốt than. Dọc theo con đường nhựa liên tỉnh còn thấy những lò than bằng đất
vàng, vòm tròn như những ngôi nhà trên tuyết của dân Eskimo miền Bắc nước đá.
Cây cối nay đã hết, đất trơ cho tranh mọc, chỉ còn những bụi tre gai mới hồi
sinh sau các đám cháy, nằm chơ vơ cách trở nhau. Sau sự thay đổi chính trị, dân
cư nơi thủ đô cũ, từng gia đình một, về đây kiếm tranh tre cất một túp lều nhỏ
như cái chuồng trâu dọc theo các con đường ngoằn ngoèo xe bò chở củi trước đây hằn
nét lên.
Con suối nhỏ chẳng
giúp ích gì ngoài việc cung cấp nước uống làm mặt bủng da chì cái bụng ỏng nếu
làm biếng đun sôi. Con suối ấy cũng chỉ giữ lại chút màu xanh cuối đường lửa
cháy, nuôi dưỡng hàng tre xanh cho chim đậu mỗi khi bị xua đuổi bằng tiếng la
hét, bằng tiếng kẻn, thùng thiết. Những nơi nào thoai thoải chèn vào sườn núi dốc,
dân mới lập nghiệp làm vườn trồng ít chôm chôm, ít thơm ít chuối hay ít hàng
mía cho ngọt cuộc đời.
Dưới kia thấp
hơn là của đám dân cũ có ít ruộng chênh lệch cao thấp không bao lăm. Đó là những
mảnh đất quanh xã lỵ với các căn nhà bằng gỗ trong một lối kiến trúc thô sơ. Chợ
nằm ngay ở đường nhựa, buôn bán đổi chát và cũng biết thích ứng với nền kinh tế
mới đi theo cuộc thay đổi chính trị mới đây. Từ xóm nhà cũ, ta có thể đặt chân
đi theo con đường mòn xe bò chạy vào vùng khô nơi có con suối chảy, nơi dân
thành về sinh sống.
Sau một đêm khô
ráo, không mưa không gió, ngủ dậy dân làng quanh suối thấy nước dâng lên ngập
vườn, la ơi ới như lụt từ nguồn. Ngạc nhiên là nước không chảy xiết mà lắng
hơn.
Chiều hôm trước
nơi vùng đất thấp, người ta mới khánh thành một cái đập và đóng cửa ngăn nước.
Vùng khô biến thành biển, chôn vùi vườn tược, nhà cửa, đường đi. Cây cối vàng
úa, tàn lụi. Nơi nào không sâu quá đầu gối thì cha con vợ chồng hì hục cuốc lên
cấy lúa.
Và từ đó trên quả
đất xuất hiện những thửa ruộng to bằng cái giường nằm.Và từ đó chim muông, vịt
trời về làm tổ uyên ương. Và từ đó hôm nay họ hẹn nhau hò hét xua đuổi đàn
chim, kinh động giấc ngủ nơi túp lều tranh của hắn.
Giờ đây hắn thấy
yên ổn. Yên lặng triền miên. Gió rì rào như tiếng mưa, cái mưa người và cây cỏ
chờ mong trong mùa khô nắng nầy. Cây đèn dầu không bóng lập lòe trong đêm. Bốn
cái chân giường chạy lên tận mái lá vì giường làm bạ vào bốn cột nhà: cột nhà
và chân giường là một.
Trên một cột nhà
vừa là cột giường ấy, gió lung lay cái áo trận hoa dù như một bóng ma, lạc lõng
từ một nơi nào.Vợ hắn ngồi dậy đưa tay lấy nhẹ cái áo choàng lên vai gầy, có lẽ
vì lạnh. Cái áo ban chiều vợ hắn mặc đi làm bên xóm đẩm mồ hôi đã khô vì gió thổi.
Tiếng mọt ăn tre như người nghiến răng khi ngủ.
- Anh nhỉ, bà ta
nói, liệu mùa mưa sắp đến cái nhà nầy có chịu nỗi hay không. Mưa thì mái tranh
nặng lắm. Tranh tre hiếm rồi. Chị Tư phải đi bòn mót, cả vợ chồng con cái mà
chưa đủ lợp. Rồi cái gì cũng phải mua, mà tiền,.. Nhưng em chẳng muốn lo chẳng
muốn buồn. Hay quá, gió nên không có con muỗi nào. Còn sớm để em lột ít khoai
mì ngâm nước cho đỡ độc sáng mai nấu sớm đi làm cho mát.
Vợ hắn nhảy xuống
đất. Không cần đi thêm một bước nào thì cái bàn đã nằm ngay trước mặt; mọi vật
cần thiết đã ở ngay trong tầm tay: cây đèn dầu, con dao, thúng khoai, cái soong
lưng nước để ngâm. Hắn muốn ngồi dậy phụ giúp vợ nhưng lại thôi vì hai lẽ: nhà
chỉ có một con dao và nhà chỉ có một đôi dép duy nhất.
- Người ta nói với
em, bà ta bắt đầu, khoai mì rất độc vì chất gì mà các điệp viên dùng để tự tử
khi bị bắt. Xi a nuy (cianure) thì phải. Nó nằm nhiều ở đầu củ khoai và ở vỏ.
Ngâm nước, nó đi bớt.
- Anh cần gì! hắn
nói. Em không biết câu "dĩ độc trị độc" chăng? Rồi đây cứ ăn khoai mì
mãi chúng ta sẽ tạo ra một lớp người mới, nuốt xi a nuy như ăn kẹo. Ăn vào một
số lượng nhỏ chất độc, thân thể sẽ làm quen sẽ thành miễn độc. Đó là công trạng
lớn lao mà chúng ta đem lại cho loài người. Sao bà tốn công ngồi lột mì trong
đêm ngâm mất cái chất độc quí hóa ấy. Coi chừng lịch sử sẽ phê phán em đấy.
Vợ hắn cản lại:
"Anh bao giờ cũng gàn gỡ. ‘triết lý con tườu văn chương cóc’. Khoa học là
thế nầy: chất độc trong khoai mì không tác hại cho cơ thể nào có đủ dinh dưỡng;
còn các bộ xương cách trí chỉ nuôi nó mạnh thêm làm xúc tác cho nó giết người.
Tại nơi nầy, chúng ta có ăn gì đâu ngoài khoai mì, còn gạo chỉ làm cảnh cho đẹp
để gọi là cơm, chút nước mắm. Anh có bẩy được con chim con thú nào không. Nuôi
gà thì chồn ăn chuột bắt. Thôi ông ơi."
Hắn yên lặng như
thua trận. Ít lâu sau vợ hắn lại lên tiếng:
- Này anh, hồi
nãy em dỗ con ngủ, em bảo các con phải ăn ở hiền lành sau nầy sung sướng thì thằng
Tin nó hỏi trên cõi tiên có khoai mì hay không. Anh biết em trả lời làm sao
không. Em bảo có chứ thì thằng Bi nói như vậy có khác gì đâu. Túng quá em nói
tiếp: Trên tiên cảnh người ta ăn khoai mì chấm đường
còn ở đây mình ăn với muối. Anh biết đứa con gái lớn của anh nó nói sao.
"Được rồi, ngày mai con sẽ cuốc đất trồng mía". Rồi thằng Bi nhất định
đi theo chị kiếm cho ra cục đường để ăn khoai mì như các nàng tiên. Chồng em
ơi, làm sao em có thể đối đầu với lũ con ngây dại mà em nghĩ có phần nào thông
minh. Anh nhỉ, làm sao đây?".
Bồng Lai? Tiên Cảnh?
Hắn tự hỏi sao người đời cứ vướng bận với loài tiên. Hắn nhìn người vợ trong cái
áo trận phong sương, lưu dấu một cuộc chiến tàn lụi. Hắn thấy trong đó một cô học
trò, người bạn năm xưa. Họ quen nhau vào thời mà hắn rất say mê mua sách cũ ở
vĩa hè, vào thời mà hắn thích bỏ tay vô túi quần ung dung đi nghe nhạc ở con đường
cây xanh lá. Họ quen nhau đến bốn năm rồi lấy nhau trước khi nàng được 18.
Bồng Lai? Tiên Cảnh?
Hắn nhìn mãi bóng người vợ lung linh theo ánh đèn dầu trong cái áo trận hoa dù
rách nát còn vướng đất bụi và mùi mồ hôi. Nầy cô em, phải chăng cô em đã phá
then vàng vì không chịu nỗi các bức tường dù là tường của tiên giới, cô em đã
chém then vàng chăng để thưởng thức một nhành hoa dại ngoài bờ rào rồi cô em bị
đọa chăng? Có phải vì vậy mà cô em còn vướng bận với thần tiên chăng? Nầy cô em?
Bồng Lai? Tiên Cảnh?
Con người bị đọa từ tiên giới chăng? rồi còn giữ lại một chút nào xa xưa? Phải
chăng Ngọc Hoàng hóa phép một cách chểnh mãng hay vì từ tâm hoặc vì mánh khóe độc
hại còn cho chúng giữ một chút gì xa xưa??? Trước đây hắn đọc một bài về việc
thuần hóa súc vật hoang dã. Đến mục chó, tác giả nói rằng đã vạn năm mà con chó
trong nhà vẫn quay một vòng mới nằm xuống; đó là thói quen tích tụ vào xương tủy
từ thời tổ tiên chúng sống trong rừng lá dày, trước khi nằm phải quay quanh lấy
đầu đẩy cỏ lá làm ổ. Nếu lý thuyết tiến hóa ấy đúng thì có thể mượn để giải
thích tại sao con người cứ hoài vọng vào tiên cảnh, nói về một thời xa xưa, thời
vàng son chờ mãi biết đến bao giờ mới có.
- Này em, hắn cất
gịong, tại sao người ta đủ can đảm hứa với anh, với em và mọi người một thiên
đường em nhỉ? Vì sao những kẻ ấy dám hứa một tương lai tốt đẹp qua một đêm dài
kinh hãi đầy tủi hổ cho con người, đầy thương đau và cả chém giết? Họ dám hứa,
phải chăng vì anh, em và mọi người đều áp ủ, đều lưu giữ một chút gì của thời
hoàng kim nào đó như gia súc vẫn giữ những thói quen của tổ tông tuy không cần
thiết?
Vợ hắn hát bản Thiên Thai của Văn Cao tả bước chân hai
chàng Lưu Nguyễn chốn Bồng Lai. Ở đây mùa đào chưa từng phai một lần. Thiên
tiên hát lên như mời như gọi. Tiếng đàn chơi vơi không ngừng không nghỉ. Nhưng
khi nhìn trăng lên, nỗi nhớ nhà cũng tràn dâng. Biết đâu đường về tiên nữ ơi!
Bản nhạc cho hắn
một lập luận nói chuyện với vợ:
- Em thấy chưa,
đã đến tiên rồi mà còn muốn đi về vì nhớ quê. Huống hồ đây chỉ là lời hứa
suông. Anh chỉ thích cái tiên cảnh mà con mình mới quyết định tạo nên trong
hình ảnh đơn giản nhất, đầy thực chất của cuộc sống. Anh muốn nói cái tiên cảnh
ăn khoai mì với cục đường, cái cục đường biến thành năng lượng và xương cốt. À
mà em này, tiên họ cũng có xương sống chứ?
Hắn đứng phắt dậy
đến ngay cái bàn dơ dáy, thò tay mó những xái thuốc lào lẫn trong than vê thành
một viên rồi đem cái điếu gần ngọn đèn nơi vợ hắn đang thái khoai mì mà hút. Hắn
mĩm cười nửa chua chát, nửa khoái cảm khi vợ hắn hứa ngày mai mua cho chút thuốc
lào.
Đêm đã về sâu.
Gió xào xạc bên vách lá. Vắng lạnh. Tiếng dao thái khoai mì chạm lên thớt gỗ đều
đều như nhịp chân đi sâu vào tâm hồn hắn, chấm phết câu văn nội tâm giúp hắn.
Vừa đứng dậy dọn
dẹp, vợ hắn nói trìu mến:
- Đầy nồi là vừa.
Hộp quẹt em để đây nhé. Sáng mai anh dậy sớm, nhớ đổ nước ra thật kỷ, không thì
chua lắm. Một lon gạo đổ vào là đủ, một lon thôi nhé, một lon gạt ngang đừng
đong vun. Cố làm sao cho khô, đừng nhão. Đừng vo (gạo) nhé (vitamine) B1 đấy. Cố
làm sao ăn cho sớm mà dọn rẫy, năm nay mình cần trồng thêm ít đậu phụng. Làm sớm,
chứ mùa nầy nắng lắm. Sáng mai em sẽ mua cho anh ít thuốc lào.
"John
Anderson, John Anderson", hắn nói khá lớn nhiều lần, coi bộ thích chí lắm.
Vợ hắn hoảng hốt chạy ra, ước chừng muốn bịt miệng hắn lại:
- Anh nói gì đấy?
Người ta nghe tưởng mình nói tiếng Mỹ, chết đấy.
Sau khi quay
lưng nhìn ra cổng, biết chắc không có ai, bà ta tiếp:
- John Anderson
là ai nhỉ? Em nhớ trong số bạn bè quen có ai tên John Anderson đâu.
Đứa con gái duy
nhất lại nói:
- Có phải ông
già râu ria cầm chiếc đũa trong bức ảnh hồi mình còn ở trên phố không? Cái ông
mà ba bảo con là nhạc trưởng?.
Nồi cơm nấu xong
là rồi việc. Chỉ còn đem lên bàn lấy năm đôi đũa, sáu cái chén là đủ; chai nước
mắm pha thêm muối đã có sẵn; thế là đủ một bữa ăn, rồi đi làm ngoài nắng. Cả
nhà ngồi ăn nồi cơm độn 90% khoai mì. Phần hắn, hắn gật gù lui tới mấy chữ John
Anderson.
John Anderson?
Sáng nay sau khi
dậy sớm nấu nồi cơm khoai mì vợ giao phó, hắn vớ chiếc radio cũ mà người ta mới
nhờ sửa hôm qua, buồn tình mở ra nghe chơi. Vừa bậc lên thì hắn nghe ngay: Read
by John Anderson. Một cái tên rơi thỏm vào không
gian nầy. Ở đây người ta sống lặng lẽ âm thầm bên đống khoai mì, trong giấc mộng
cỏn con gởi nơi đàn gà mới nở, với tiếng gió, với cỏ khô, với hoang vu cô tịch.
Mỗi gia đình trong một mái nhà tranh sống như những hoang đảo hầu như biệt lập,
không phải vì thiếu tinh thần đoàn kết mà vì cái gì bí ẩn, vì dè dặt lẫn nhau?
vì nhẫn nhục ...
Bên kia bờ tre
có những ai? Đầu góc suối kia có những gì? Chắc là không có ai. Mà có chăng thì
những người có quyền thế ấy không nghĩ nơi khô ráo nầy lại có người. Bằng chứng
là họ làm cái đập nước mà bên nầy nào ai có hay cho đến khi nước dâng vào nhà,
ngập vườn chết cây. Hoang vắng cả trong lòng, hoang vắng cả bên ngoài. Tâm cảm
lạc lõng chưa bao giờ đè nặng lên hắn đến thế. Cái áo trận hoa dù vợ hắn mặc
cũng là một thứ lạc lõng trong đời.
Sớm lắm, khi
bóng tối còn nguyên vẹn, khi chỉ mới nghe tiếng xe bò lạch cạch đằng xa, John
Anderson đã xuất hiện như để được hẹn ăn cơm khoai mì với vợ chồng hắn sáng
nay.
- Anh quen John
Anderson nào đó? vợ hắn hỏi, mà nói làm gì, mấy đứa nhỏ không biết gì nói ra
người ta tưởng mình liên lạc với Mỹ thì chỉ có chết thôi. Anh không nhớ gần nhà
cũ của mình, sau khi đổi đời, một lũ trẻ đã vào nhà giáo sư Kim kéo tất cả sách
ra đốt và kệ sách đầu tiên bỏ vào lửa là mấy cuốn lý thuyết căn bản đầu giường
của bậc thầy những người đi đốt ấy, chỉ vì một lý do là viết bằng tiếng Anh tuy
được in ở Nga. Vợ ông giáo cho em biết trường đại học cho mượn những sách ấy soạn
bài giảng và viết luận án. Anh liệu mà John Anderson.
Hắn đưa mắt ra
xa tận bờ suối, nơi một chút màu xanh lá còn sót lại trong mùa hạn nầy.
- Em, hắn hạ thấp
giọng, anh yêu em lắm. Em nói là một chuyện xẩy ra nhưng với anh đó là một biến
cố. Không những nó dày vò thương tổn ông giáo kia, nó còn dày vò tất cả những
ai còn chút lương tâm.
Rồi hắn tiếp:
- John Anderson
anh không quen nhưng sáng nay John nói chuyện với anh khoảng 4 giờ sáng, nói
trong cái giọng rò rè của cái radio cũ mà bác Hai nhờ nối dây pin vì bác mắt mờ
không có kính. John đài Úc. Anh không quen John Anderson nhưng anh thấy rất gần
gũi, mà em nên hiểu cảm nghĩ ấy không phải vì John ở Úc. Vì John là một con người
nào đó bên kia bờ rào còn nói chuyện với anh. Giá John người Tây Ban Nha, là Bỉ,
là Haiti, cảm nghĩ của anh vẫn nguyên vẹn như bây giờ.
Mấy đứa con theo
dỏi câu chuyện của bố mẹ một cách kính cẩn, hoàn toàn im lặng. Cơm đã hết mà
chúng vẫn ngồi yên nghe. Hắn ăn tiếp chén cơm trong tay. Vợ hắn đứng dậy xem thử
có ai đi vào không. Yên tân không có ai nên bảo chồng nói tiếp.
- John Anderson
có biết em đâu, có biết anh đâu nhưng John tự hiểu ở đâu đó trên quả đất còn có
những con người hiện diện, những con người khác John hầu như mọi mặt. Trong lúc
ấy này em, có những con người biết rõ ta, cả tên cha ông chúng ta cả ba đời kia
mà, họ còn biết dấu tay của ta, trên môi trên mép, trên vành tai có dấu vết gì,
nhưng họ có biết vợ chồng mình có mặt trên quả đất nầy đâu.
- Em hiểu ý anh,
vợ hắn nói, tối qua khi em hát bài Thiên
Thai, anh bảo đến cõi tiên rồi mà Lưu Nguyễn còn chán, nhớ về quê cũ; như vậy
anh cũng không thích gì tiên nương xa vời. Đúng. Và John cũng xa vời vậy. Làm
sao John đến đây xuyên qua bức màn vây hãm nầy. John cũng xa vời như các nàng
tiên.
- Không em ạ.
Vừa đến đấy thì
chó sủa. Hai vợ chồng đứng dậy lo sợ có ai chăng. Hắn ngồi xuống nói tiếp:
- Không sao, người
ta đi qua đường, không vào đây. Chiều nay anh sẽ đóng cái bè chuối, bỏ xuống suối
trước nhà, anh chèo chống đi mãi lên tận nguồn, mãi đến nơi không gian và thời
gian gặp nhau rất có thể anh sẽ gặp tiên. Hay tối nay, tiên sẽ bay về đây đậu
trên nóc nhà mình. Rồi tiên sẽ đi và anh sẽ trở về với em. Anh có thể gặp tiên
và tiên có thể gặp anh. Nhưng anh và John không thể gặp nhau được, màn sắt quá
cứng, màn tre quá dày.
Đứa con gái đem
cho hắn ly nước nóng. Hắn uống. Vợ hắn ra chiều thắc mắc. Bà ta nói:
- Năm nào anh có
giảng cho em ý niệm không thiên thần không thú vật. Em có thể đem điều nầy ra để
hiểu ý anh không?
Hắn đứng dậy đầy
cảm khoái:
- Vợ tôi quả thật
là cô học trò giỏi nhất.
Hắn vỗ vai vợ và
hôn nhẹ lên mái tóc. Hắn bước qua sau ghế của bà ta, hai tay đặt lên vai vợ, mắt
xa xăm nhìn ra phía trước nhà, lau lách triền miên. Ba đứa con vẫn ngồi tham dự
một cách trang nghiêm và ngây thơ vào cuộc nói chuyện nầy. Tiếng gà gáy rơi lỏm
bỏm đâu đây. Ánh sáng rì rào trong vườn rẫy. Màu sắc hát vang chào mừng. Hắn muốn
hát khúc nhạc tươi vui nhưng sợ mất cái yên lặng nội tâm trìu mến. Hắn vẫn đứng
sau lưng vợ, hai tay đặt lên vai nàng.
Đứa bé gái đứng
dậy qua bếp bưng ra một nồi khoai mì. Mẹ nó cản:
- Con đem ra làm
gì. Để đấy 10 giờ rồi ăn, ăn bây giờ chốc nữa lấy gì mà ăn.
Để vừa lòng con
hắn bảo vợ:
- Đừng rầy con.
Thôi thì ăn tráng miệng vậy.
Hai đứa trai lấy
phần nhưng chưa ăn. Đứa gái thì nhắc lại chuyện cũ:
- Ở đây mình ăn
khoai mì với muối, trên thiên đàng ăn mì với đường. Con lấy muối cho ba nhé.
Ra khỏi cái yên
lặng ban nãy, hắn bảo vợ:
- Cái tên xa lạ ấy
làm anh thấy bớt cô độc vì lẽ cái tên ấy, người ấy không phải là tiên, cũng
không phải loại người hứa cho chúng ta tiên cảnh. Hơn bao giờ hết, lúc nầy ta
nên vận dụng ý niệm em vừa nói: không thiên thần, không thú vật.
Vợ hắn cười thắc
mắc:
- Lúc nầy anh
làm gì được với thứ ấy, khi họ không biết anh có mặt ở đây. Họ xem anh như
không có trên cõi đời nầy.
- Anh hiểu khó
khăn ấy; hắn đáp. Nhưng sao không chuẩn bị sẵn sàng nói cho các con biết điều
đó. Không cần nhồi nhét mà trái lại giải thích, bảo chúng suy nghĩ tự tìm cho
ra ý nghĩa. Đừng nhồi nhét. Lớp học chỉ có ba trò mà một cô, một thầy giảng dạy.
Chỉ có ba trò thôi nhưng em đừng nản. Cần một điểm tựa để nâng đời lên. Một điểm
tựa, một điểm đứng. Đừng nhồi nhét mà giải thích thiết tha và sắc bén: xin người
đời đừng đưa con người về với thú vật bằng cách hứa một thiên đường, có thiên
thần, có tiên nữ cuối con đường đầy... Mà nầy em, em có hứa hão mua cho anh
chút thuốc lào hôm nay không?
- Tầm bậy, vợ hắn
đáp, em mua chứ. Chốc nữa thím Ba đi qua đây em sẽ gởi nhờ mua.
Hắn đứng dậy vớ
cái nón rách móc ở vách lá vừa nói:
- Thôi, đi làm
chứ, cứ ngồi nói thế nầy thì đói thôi. Chốc nữa em đem cái radio cho bác Hai,
nhớ nói, à mà nói trong lòng thôi nhé, cảm ơn bác nhờ bác mới có cái radio nầy
để mình biết John Anderson; nói thầm kẻo người ta tưởng mình liên lạc với Mỹ.
Vợ hắn trìu mến
nói:
- Anh còn dạy
khôn cho em sao? Hồi nãy ngoài sân la ó Anderson Anderson làm người ta sợ gần
chết.
Hắn cầm cây cuốc
dựng ở cửa. Nắng vàng trìu mến rầm rì trong đám cỏ khô, màu sắc hát vang.
- Chờ em với, vợ
hắn kêu, em đi làm cỏ với anh.
Vợ chồng hắn bước
ra sân, mấy đứa nhỏ vây quanh đàn gà mới nở. Cả hai đứng lại. Người vợ vỗ nhẹ
vai chồng, mắt nhìn đàn con nói:
- Này anh, em muốn
nói với anh cái này. Cái "không thiên thần" trong anh và cái
"không thú vật" trong em có thương yêu nhau không? Nhìn con em tin chắc
bọn mình không đẻ ra thú vật và chúng ta không để chúng thành thú vật".
Vợ hắn nhìn hắn
trìu mến, không quên kèm theo một nụ cười. Một nụ cười, cái xá lợi sáng chói của
đời hắn, cho đời hắn.-
******************************************************
No comments:
Post a Comment